Hội thảo khoa học quốc tế AUKUS, ASEAN và an ninh khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
  • 3.5 top logo - tin hoi nghi hoi thao

Hội thảo khoa học quốc tế AUKUS, ASEAN và an ninh khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

23/11/2021

Sáng ngày 23/11/2021, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm - VASS) tổ chức hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “AUKUS, ASEAN và an ninh khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, Hội thảo được diễn ra theo hai hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến, TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm tới dự, chủ trì và phát biểu khai mạc.

TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo

Hội thảo vinh dự được đón tiếp: Ngài Ian Tan, Phó Đại sứ Cộng hòa Singapore tại Việt Nam; Đại diện Đại sứ quán Ấn Độ, Đại sứ quán Nhật Bản, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam; Các diễn giả: TS. Michael Spann, Giám đốc Tổ chức phát triển toàn cầu Square Circle (Australia); PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, VASS; TS. Sam Seun, Học giả Học viện Hoàng gia Campuchia; GS.TS. Sreeram Sundar Chaulia, Trưởng khoa, Trường Quan hệ quốc tế Jidal (Ấn Độ); PGS.TS Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Mỹ, VASS; TS. Hoàng Thế Anh, Phó Viện trưởng, Viện Kinh tế & Chính trị Thế giới, VASS; cùng các  đại biểu đến từ các cơ quan bộ ngành Trung ương, đại sứ quán ở nước ngoài, các cán bộ quản lý và các nhà nghiên cứu của các đơn vị thuộc và trực thuộc Viện Hàn lâm…

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đảo của các đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến. Điều này thể hiện sự quan tâm sâu sắc của các chuyên gia, nhà khoa học đối với chủ đề của hội thảo lần này.

Phó Chủ tịch Đặng Xuân Thanh cho biết, tại cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến ba bên ngày 15/9/2021, giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng với Thủ tướng Australia  Scott Morrison và Thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố Thỏa thuận ba bên về hợp tác an ninh, gọi tắt là AUKUS. Theo Thỏa thuận này, Mỹ  và Anh sẽ cung cấp cho Australia công nghệ, khả năng triển khai các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và một số lĩnh vực khác như không gian mạng, trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử... Điều này đã làm cho nhiều quốc gia trong khu vực có những phản ứng khác nhau với việc 3 quốc gia hàng hải (Mỹ – Anh – Australia) có ý đồ liên minh để cân bằng lại sức mạnh quân sự trong khu vực.

Phó Chủ tịch Đặng Xuân Thanh đặt vấn đề nhấn mạnh đến việc hình thành AUKUS sẽ là như thế nào, bản chất là gì, mục tiêu, ý đồ, nhiệm vụ của nó ra sao? TS. Đặng Xuân Thanh gợi ý Hội thảo tập trung thảo luận nhằm phân tích, tiếp cận, hiểu được phần nào diễn biến đang diễn ra trong khu vực và mong rằng Hội thảo sẽ đem lại những thông tin bổ ích, bình luận sâu sắc về chủ đề của AUKUS….

TS. Michael Spann, Giám đốc Tổ chức phát triển toàn cầu Square Circle (Australia) trình bày tham luận tại Hội thảo

TS. Sam Seun, Học giả Học viện Hoàng gia Campuchia trình bày tham luận tại Hội thảo

GS.TS. Sreeram Sundar Chaulia, Trưởng khoa, Trường Quan hệ quốc tế Jidal (Ấn Độ) trình bày tham luận tại Hội thảo

Hội thảo nhận được nhiều ý kiến phát biểu của các đại biểu, chuyên gia và các nhà khoa học. Đây là cơ hội để các học giả, chuyên gia, nhà quản lý trong nước và quốc tế thảo luận về vấn đề được quan tâm hiện nay là việc hình thành các nhóm liên minh và quan hệ đối tác ảnh hưởng thế nào đến triển vọng an ninh khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; các nước có thể hợp tác với nhau như thế nào để xây dựng một khu vực hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát huy tính năng động và sáng tạo để trở thành động lực phục hồi nền kinh tế toàn cầu và ứng phó các rủi ro của thế giới.

Quang cảnh Hội thảo

Phát biểu bế mạc Hội thảo, TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm một lần nữa cảm ơn sự có mặt đông đủ của các đại biểu, các nhà khoa học. TS. Đặng Xuân Thanh cho biết các trao đổi tại Hội thảo là rất cởi mở và khoa học đã nêu lên nhiều các dữ kiện, nhiều ý tưởng, các ý kiến thảo luận tại Hội thảo đều rất bổ ích, giúp ích cho các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách, đồng thời đặt ra những vấn đề mới, vấn đề cần tiếp tục được nghiên cứu thảo luận thêm.

 

Ban Biên tập

Các tin đã đưa ngày: