Hội thảo khoa học “Chính sách của Ấn Độ với khu vực Tây Á”
  • 3.5 top logo - tin hoi nghi hoi thao

Hội thảo khoa học “Chính sách của Ấn Độ với khu vực Tây Á”

16/08/2024

Khu vực Tây Á đã và đang trở thành khu vực địa chính trị có tầm quan trọng chiến lược trong tư duy hành động và thực thi chính sách của Ấn Độ. Đây là một trong những hướng tiếp cận được Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi đang triển khai thực hiện nhằm đưa ra những tổng quan về mặt lý luận nhằm triển khai thêm hàng loạt các vấn đề nghiên cứu khả thi và góp phần vào công tác tham mưu tư vấn chính sách của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trong việc áp dụng các mô hình chiến lược linh hoạt của Ấn Độ để thiết lập quan hệ đối ngoại với các nước trong khu vực.

Ngày 15/8/2024, tại trụ sở 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Chính sách của Ấn Độ đối với khu vực Tây Á". Hội thảo diễn ra nhằm đánh giá những chính sách của Ấn Độ tại khu vực này cũng như dự báo các xu hướng và triển vọng trong tương lai của khu vực Tây Á. Từ đó, rút ra những bài học kinh nghiệm và gợi ý chính sách Việt Nam trong việc thiết lập các quan hệ đối ngoại với các quốc gia trong khu vực. Hội thảo đã thu hút sự quan tâm tham gia của nhiều đại biểu đến từ các cơ quan ngoại giao, các chuyên gia, học giả và nhà nghiên cứu về quan hệ quốc tế.

PGS.TS. Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu các chính sách của Ấn Độ đối với khu vực Tây Á và cho rằng lĩnh vực này không chỉ giúp các nhà nghiên cứu làm rõ được các động lực về các ưu tiên chiến lược của Ấn Độ mà còn cho thấy cách thức mà một quốc gia mới nổi như Ấn Độ đang định hình vai trò và vị trí của mình trong một trật tự thế giới mới. Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm đặc biệt gợi mở 3 vấn đề quan trọng, khuyến nghị Hội thảo nên tập trung làm rõ đó là: Thứ nhất, cần phân tích toàn diện chiến lược của Ấn Độ đối với khu vực Tây Á, vai trò của Ấn Độ đối với việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực, quan hệ giữa Ấn Độ với Tây Á trong các lĩnh vực như kinh tế, giao lưu văn hóa, giáo dục, vai trò của cộng đồng người Ấn Độ tại các quốc gia Tây Á. Thứ hai, đánh giá sâu những cách thức trong quan hệ Ấn Độ - Tây Á, những cơ hội hợp tác mới trong bối cảnh toàn cầu và chuyển đổi kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh ảnh hưởng quyết liệt của các nước lớn bên ngoài khu vực như: Mỹ, Trung Quốc và Nga; Thứ ba, xem xét các tác động của chính sách Ấn Độ đối với Tây Á và các quốc gia khác, trong đó có các nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương bao gồm cả Việt Nam. Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm cho rằng những ý kiến trao đổi tại Hội thảo sẽ góp phần tích cực trong việc nâng cao hiểu biết sâu sắc và làm rõ hơn về chính sách nổi bật của Ấn Độ đối với khu vực Tây Á.

PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi phát biểu đề dẫn Hội thảo

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo. PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi cho biết, Hội thảo được tổ chức nhằm làm rõ những góc nhìn cân bằng hơn trong các chính sách đối ngoại của Ấn Độ và mối quan hệ giữa tiểu lục địa Ấn Độ với Tây Á không chỉ dựa trên các kết nối lịch sử, văn hóa, văn minh, thương mại mà còn hướng tới các mục tiêu chiến lược trong bối cảnh toàn cầu hóa. Phó giáo sư cho biết thêm: Bên cạnh chính sách hành động phía Đông đang được Ấn Độ triển khai hiệu quả thì chính sách “Kết nối phía Tây” với trọng tâm là khu vực Tây Á, Trung Đông cũng đang được Ấn Độ triển khai mạnh mẽ theo hướng chính sách ngoại giao chủ động đã góp phần gia tăng quyền lực và vị thế của Ấn Độ trong khu vực Tây Á. Sự mở rộng “dấu chân” của Ấn Độ tại Tây Á cho thấy một tính toán chiến lược đã và đang ngày càng được hình thành rõ nét hơn với cam kết toàn diện nhằm đảm bảo tăng cường quan hệ kinh tế và thể chế hóa hợp tác an ninh có tính dài hạn với khu vực này.

Toàn cảnh Hội thảo

Thông qua các tham luận được trình bày tại hai phiên: Tây Á trong chiến lược của Ấn Độ: Từ thực tiễn đến triển khai chính sách và Quan hệ Ấn Độ - Tây Á: Xu hướng và triển vọng, các nhà khoa học đã cùng nhau trao đổi về nhiều vấn đề như: Tầm nhìn và chiến lược khu vực Tây Á của Ấn Độ (Đại sứ Nguyễn Đăng Quang); Ấn độ với Tây Á: Đã định hình một chính sách? (PGS.TS. Võ Xuân Vinh); Chính sách của Ấn Độ đối với các nước Tây Á (Đại sứ Tôn Sinh Thành); Hành lang kinh tế Ấn Độ - Trung Đông – Châu Phi: Góc nhìn kinh tế (PGS.TS. Đặng Thu Thủy); Từ “nhìn về hướng Tây: những điều chỉnh và trọng tâm chính sách của Ấn Độ đối với khu vực Tây Á (TS. Nguyễn Thị Oanh); Hợp tác kinh tế giữa Ấn Độ và các quốc gia vùng Vịnh: thực trạng và triển vọng phát triển (ThS. Nguyễn Thị Hiên)… đã cho thấy những nỗ lực trong việc thực thi chính sách của Ấn Độ nhằm gia tăng quan hệ ngoại giao với các nước khu vực Tây Á và Nam Bán cầu, củng cố quan hệ láng giềng và đẩy mạnh hợp tác trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đồng thời, cho thấy sự nỗ lực của Ấn Độ trong việc tạo ra sự đồng thuận quốc tế, trở thành một cường quốc toàn cầu thông qua việc phát triển các trung tâm văn hóa, đưa Yoga và y học cổ truyền và các tiến bộ kỹ thuật tiên phong trong hợp tác liên minh quốc tế.

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Qua các phiên thảo luận, các chuyên gia và nhà khoa học đã cùng đưa ra nhận định tổng quan về cơ hội và thách thức mà quan hệ Ấn Độ - Tây Á mang lại cho các quốc gia trong khu vực. Thông qua những vấn đề có tính chiến lược trong tầm nhìn và chính sách hành động mà Ấn Độ đang thực thi tại khu vực Tây Á để rút ra những bài học kinh nghiệm mà Việt Nam có thể rút ra và áp dụng được trong các vấn đề đối ngoại. Các đại biểu cho rằng bằng việc xây dựng chiến lược đa chiều, Việt Nam có thể xem xét mở rộng các hợp tác với các quốc gia Tây Á ở nhiều lĩnh vực có tính chất trụ cột như: văn hóa, thương mại, an ninh năng lượng và công nghệ. Điều này sẽ giúp Việt Nam tiến tới định hình một chính sách đối ngoại độc lập, phù hợp với những đặc trưng riêng theo hướng linh hoạt và nhạy bén hơn nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia và tăng cường vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thời Trân

 

Các tin đã đưa ngày: