Hội thảo khoa học “Chuyển đổi số phục vụ mục tiêu phát triển nhanh và bền vững thành phố Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”
  • 3.5 top logo - tin hoi nghi hoi thao

Hội thảo khoa học “Chuyển đổi số phục vụ mục tiêu phát triển nhanh và bền vững thành phố Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”

28/10/2024

Sáng ngày 28/10/2024, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Ban Chủ nhiệm chương trình trọng điểm cấp bộ “Khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển nhanh và bền vững kinh tế xã hội địa phương” tổ chức Hội thảo khoa học “Chuyển đổi số phục vụ mục tiêu phát triển nhanh và bền vững thành phố Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”. Hội thảo có sự tham dự của đông đảo các nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia hoạch định chính sách tham dự.

TS. Đặng Xuân Thanh - Chủ nhiệm Chương trình phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc, TS. Đặng Xuân Thanh - Chủ nhiệm Chương trình nhấn mạnh, chuyển đổi số (CĐS) đang tạo ra các thay đổi hoàn toàn mới, có tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực đời sống, xã hội.

Nghị quyết số 18-NQ/TU của Thành uỷ Hà Nội ban hành ngày 30/12/2022 về CĐS, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết nêu rõ quan điểm thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy và hành động về thực hiện chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh là trách nhiệm, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và của toàn xã hội, coi đó là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp nhằm xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến - văn minh - hiện đại”.

Việc triển khai CĐS thực hiện linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, theo tinh thần chỉ đạo tại Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Nghị quyết nêu rõ trong đó nhấn mạnh đến vai trò các cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy với việc đổi mới mạnh mẽ tư duy và nhận thức về CĐS, xây dựng thành phố thông minh. Vì CĐS không chỉ là bài toán công nghệ đơn thuần mà bản chất là dựa trên công nghệ hiện đại, lực lượng sản xuất mới để thay đổi quan hệ sản xuất, hay cụ thể hơn là để xây dựng lại, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, quy trình quản lý, cách thức vận hành của tổ chức nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu năng quản lý nhà nước, nâng cao năng suất lao động.

Nghị quyết đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2025 thực hiện CĐS phát triển Thủ đô theo hướng thông minh, hiện đại; tạo điều kiện cho kinh tế tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Hà Nội phấn đấu thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về CĐS. Đến năm 2030, xây dựng Thủ đô Hà Nội cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới; hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của cơ quan nhà nước; phát triển các dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp, khai thác dữ liệu như một tài nguyên mới để phát triển kinh tế, xã hội.

TS. Đặng Xuân Thanh đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, trao đổi ở góc độ đa chiều nhằm làm rõ những vấn đề thực trạng và tìm ra các giải pháp thúc đẩy CĐS phục vụ mục tiêu phát triển nhanh và bền vững thành phố Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Tại Hội thảo 04 tham luận được trình bày gồm: (1) “Phát triển kinh tế số ở Việt Nam: Những vấn đề lý luận và thực tiễn và một số hàm ý cho Hà Nội”, TS. Lý Hoàng Mai – Viện Kinh tế Việt Nam; (2) “Bảo mật dữ liệu trong nền kinh tế số: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý đối với thành phố Hà Nội”, TS. Lý Đại Hùng – Viện Kinh tế Việt Nam; (3) “Giải pháp để thủ đô Hà Nội trở thành thành phố khởi nghiệp toàn cầu”, TS. Hà Huy Ngọc – Viện Kinh tế Việt Nam; (4) “Cơ sở lý luận và thực tiễn về chuyển đổi số phục vụ mục tiêu phát triển nhanh và bền vững thành phố Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”, PGS. TS. Nguyễn Đức Chiện – Viện Xã hội học.

Các đại biểu trình bày tham luận tại Hội thảo

Tại Hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Đức Chiện – Viện Xã hội học cho biết, Hà nội là địa phương thực hiện áp dụng CĐS nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực và đã mang lại nhiều kết quả về kinh tế, văn hóa, xã hội, … Tuy nhiên CĐS vẫn còn những bất cập trên một số lĩnh vực như: hành chính công, y tế, giáo dục, kinh doanh, dịch vụ…

Trên cơ sở những phân tích, nghiên cứu, PGS. TS. Nguyễn Đức Chiện khuyến nghị Hà Nội cần đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng đường truyền phục vụ cho CĐS; Nâng cao trình độ và chất lượng nguồn nhân lực công nghệ cao; Hoàn thiện thể chế, chính sách trong quá trình CĐS; Xây dựng văn hóa số cho các tổ chức, cá nhân trong thời kỳ CĐS để tạo ra thói quen trong đông đảo người dân và cộng đồng trong thời kỳ CĐS.

Chia sẻ về giải pháp để thủ đô Hà Nội trở thành thành phố khởi nghiệp toàn cầu, TS. Hà Huy Ngọc – Viện Kinh tế Việt Nam chỉ ra Hà Nội có thế mạnh để trở thành thành phố có hệ sinh thái tiêu biểu, dẫn đầu cả nước, bởi lẽ Hà Nội tập trung hơn 70% tổ chức khoa học và công nghệ, trường đại học, viên nghiên cứu (hơn 120 đơn vị); 14 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, chiếm 82% số phòng thí nghiệm của cả nước; Số lượng các nhà khoa học đầu ngành đang sinh sống và làm việc ở Hà Nội chiếm hơn 65% tổng số các nhà khoa học trong cả nước; Đặc biệt, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) đã được khởi công xây dựng tại Hòa Lạc…

Từ những nghiên cúu của mình, TS. Hà Huy Ngọc cho rằng: (1) Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) của Hà Nội vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có: Các thành phần của một hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Hà Nội đã từng bước hình thành đi vào hoạt động nhưng chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa các thành phần, mối liên kết vẫn còn rời rạc ở qui mô nhỏ, dẫn đến hiệu quả hoạt động chưa cao. Thiếu vắng những cơ chế, chính sách và quy định pháp luật rõ ràng và gắn với tính đặc thù của Hà Nội, cũng như sự hỗ trợ cụ thể của Chính quyền đối với hệ sinh thái khởi nghiệp và các doanh nghiệp khởi nghiệp; (2) Số doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của Hà Nội gọi được vốn từ các quỹ đầu tư rất ít, phần lớn chỉ là doanh nghiệp nhỏ cung cấp sản phẩm, dịch vụ kỹ thuật số. Các cơ sở hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST quy mô rất nhỏ, thiếu kết nối với các công ty lớn, thiếu thể chế vượt trội phù hợp để tạo ra ảnh hưởng ở quy mô lớn; (3) Còn nhiều nút thắt trong huy động nguồn vốn tư nhân đầu tư vào khởi nghiệp, sáng tạo; (4) Về cơ chế tài chính trong hoạt động hỗ trợ vườn ươm tạo từ ngân sách nhà nước cho các dự án khởi nghiệp ĐMST còn nhiều bất cập; (5) Bất cập trong hoạt động gọi vốn, IPO của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo…

TS. Hà Huy Ngọc gợi ý một số giải pháp cho Hà Nội như: Cần Kiến tạo hệ thống quan điểm, chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật theo hướng đồng bộ, thuận lợi, minh bạch cho Hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển; Khai thác thương mại hóa tài sản trí tuệ và thanh toán giá trị tài sản sau khi được giao quyền; Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm khởi nghiệp mang tính cạnh tranh hàng đầu của khu vực; Khơi thông dòng chảy để thu hút nguồn vốn đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST; Kiến nghị cơ chế mang tính đột phá, vượt trội đối với Thủ đô Hà Nội: Ưu tiên tập trung đầu tư nguồn lực xây dựng Thủ đô trở thành trung tâm ĐMST, CĐS, nghiên cứu khoa học và công nghệ, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của đất nước, khu vực, quốc tế; Hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp ĐMST trong các lĩnh vực ưu tiên của Thành phố Hà Nội; Hỗ trợ ươm tạo từ ngân sách nhà nước cho các dự án khởi nghiệp ĐMST; Cho phép các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin nghiên cứu, ứng dụng thử nghiệm công nghệ mới; Có chính sách thu hút giữ chân nguồn nhân lực cho khoa học và công nghệ và ĐMST và cho phép Hà Nội thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm,…

Quang cảnh Hội thảo

PV.

 

Các tin đã đưa ngày: