Sáng ngày 23/01/2024, Đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) đã tổ chức Hội thảo Đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 2014-2023: Kết quả, bài học, những vấn đề đặt ra và định hướng giải quyết với sự tham dự của toàn thể các nhà khoa học, Trưởng ban biên soạn các Quyển. Hội thảo do TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm và PGS.TS. Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm đồng chủ trì.
|
TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm và PGS.TS. Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm đồng chủ trì Hội thảo |
Phát biểu khai mạc, TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm, Chủ nhiệm Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam cho biết, ngày 28/7/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1262 /QĐ-TTg phê duyệt Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam.
Mục tiêu của Đề án là góp phần nâng cao trình độ dân trí, phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước, trở thành công cụ học tập, tra cứu chính thức, chuẩn mực, thiết yếu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Bách khoa toàn thư Việt Nam là công trình khoa học đặc biệt, phản ánh những tri thức cơ bản về đất nước, con người Việt Nam; đảm bảo tính khoa học, tính dân tộc, tính hiện đại, chuẩn mực và hệ thống; đồng thời, quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước. Bách khoa toàn thư Việt Nam sẽ gồm 36 quyển viết về 73 ngành ở các cụm lĩnh vực như: Khoa học xã hội và nhân văn; khoa học tự nhiên và công nghệ, nghệ thuật… Mỗi quyển có độ dài trung bình khoảng 1.500 đến hai nghìn trang với khoảng 2 nghìn đến 2.500 mục từ. Từ việc kế thừa tri thức từ các cuốn Bách khoa đã có trên thế giới và cả về tri thức chung, tri thức riêng của từng quốc gia, Việt Nam sẽ biên soạn để bổ sung và hoàn thiện các tri thức của Việt Nam. Việc biên soạn này cần bảo đảm tính khoa học, tính đại chúng, tính dân tộc và tính hiện đại như mục tiêu của đề án đã đề ra...
|
ThS. Lê Thị Thu Hương, Giám đốc Văn phòng Đề án báo cáo tình hình thực hiện Đề án giai đoạn 2014-2023 |
Báo cáo tình hình thực hiện Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 2014-2023, ThS. Lê Thị Thu Hương, Giám đốc Văn phòng Đề án cho biết, thực tế triển khai Đề án trong 10 năm cho thấy, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ như: Quy tụ được một lực lượng đông đảo các nhà khoa học, giới chuyên môn có kinh nghiệm, tâm huyết tham gia công tác biên soạn từ điển, bách khoa toàn thư. Đến nay số lượng các nhà khoa học có tên tuổi, uy tín cao trong giới chuyên môn tham gia công tác biên soạn Đề án đã lên tới hơn 1.000 người; Xây dựng được một hệ thống tư liệu, tài liệu tham khảo đồ sộ, phong phú, phục vụ công tác biên soạn từ điển, bách khoa thư; hoàn chỉnh được mô hình cấu trúc của Bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam; xác định và trang bị kiến thức về Bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam cho đông đảo đội ngũ cán bộ tham gia biên soạn… Mặc dù vậy, những khó khăn mà 36 Ban biên soạn chuyên ngành luôn tồn tại, bao gồm cả chủ quan và khách quan, trong đó nổi lên vấn đề có sự chênh lệch về tiến độ thực hiện giữa các Ban biên soạn trong giai đoạn 2014-2023.
Bên cạnh chỉ ra những rào cản phát sinh trong các thủ tục hành chính, quy chế quản lý khoa học… các nhà khoa học cũng thể hiện rõ quyết tâm hoàn thành Đề án trong khoảng thời gian cho phép (5-7 năm) và đề xuất một số giải pháp thực hiện Đề án trong giai đoạn tiếp theo như: Cần có kế hoạch tổng thể để hoàn thành Đề án tương ứng với thời gian được gia hạn; giao kế hoạch sớm cho Ban biên tập các nội dung cụ thể để chủ động bố trí thời gian, phân công người biên soạn, biên tập…
|
Đại diện các Quyển trao đổi ý kiến tại Hội thảo |
Chia sẻ giải pháp khắc phục trình trạng trì trệ trong thực hiện Đề án thời gian tới, PGS.TS. Đinh Ngọc Vượng, Phó Trưởng Ban biên soạn Quyển 30, Luật học kiến nghị, trước hết Ban biên soạn cần sớm kiện toàn Ban chủ nhiệm Đề án; ra quyết định thành lập Hội đồng biên tập Bách khoa toàn thư Việt Nam, thành lập Ban biên tập thuộc các ban biên soạn chuyên ngành; kiện toàn Ban thư ký Đề án; kiện toàn Văn phòng Đề án; rà soát kiện toàn các Ban biên soạn chuyên ngành. Ngoài ra, ban hành quy chế quản lý khoa học của Đề án, quan trọng nhất là hoàn thiện cơ chế tài chính của Đề án…
Bên cạnh các chia sẻ về giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ và giảm thiểu sự chênh lệch giữa các Quyển, đại diện các Quyển cũng chia sẻ về các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác biên soạn. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến việc ban hành quy chế và chính sách cho ban biên soạn; các vấn đề liên quan đến bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ về các yêu cầu kĩ thuật và nội dung trong công tác biên soạn…
|
Toàn cảnh Hội thảo |
Tổng kết Hội thảo, TS. Phan Chí Hiếu đã nhiệt liệt biểu dương các nội dung trao đổi tại Hội thảo, nhấn mạnh tính cấp thiết trong việc tiếp tục triển khai Đề án và cho rằng, để hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian tới Đề án cần tập trung vào hoàn thiện các vấn đề như:
Một là: Cần sớm ban hành Kế hoạch tổng thể của Đề án và Kế hoạch chi tiết cho từng Quyển, không cào bằng giữa các Quyển;
Hai là: Cần đổi mới phương thức quản lý, tăng cường phương thức khoán chi đối với từng quyển; sớm ban hành Quy chế quản lý khoa học đối với Đề án;
Ba là, rà soát, phê duyệt chính thức Bảng mục từ của cả bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam, Bảng mục từ của từng Quyển (điều chỉnh/bổ sung), bổ sung kênh hình, mục tiêu hướng tới là hoàn thiện 65.000 mục từ, có tiêu chí cụ thể về trường độ mục từ;
Bốn là, kiện toàn nhân sự của Đề án; kiện toàn Ban soạn thảo chuyên ngành, đội ngũ các nhà khoa học tham gia biên soạn;
Năm là, Ban hành quy định và hướng dẫn quy trình hoạt động của Đề án.
Phạm Vĩnh Hà