Di cư và phát triển con người trong bối cảnh thế giới đang chuyển đổi
  • 3.5 top logo - tin hoi nghi hoi thao

Di cư và phát triển con người trong bối cảnh thế giới đang chuyển đổi

22/09/2023

Theo Nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới, dân số Việt Nam có khoảng 13,6% là người di cư, trong đó chủ yếu là người di cư từ nông thôn ra đô thị. Đối với di cư quốc tế, Việt Nam là quốc gia có số lượng lao động di cư lớn thứ hai ở khu vực Đông Nam Á. Trong bối cảnh xã hội và thế giới có nhiều chuyển đổi, hiện tượng di cư, bao gồm cả di cư trong nước và quốc tế, cả người Việt Nam di cư ra nước ngoài cũng như người nước ngoài di cư vào Việt Nam, các hiện tượng này đã diễn ra ngày càng phổ biến, trước tình hình đó, sáng ngày 22/9/2023, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Con người thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm, VASS) tổ chức hội thảo khoa học quốc tế bàn luận chủ đề “Di cư và phát triển con người trong bối cảnh thế giới đang chuyển đổi”.Hội thảo tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

GS.TS. Đặng Nguyên Anh và PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê chủ trì Hội thảo

Tham dự Hội thảo có GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người; GS.VS. Sergey Ryazantsev, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Nga; TS. Sriprapha Petcgaranesree, Đại học Chulalongkorn, Thái Lan; PGS.TS. Phạm Thị Thanh Bình, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới; Bà Phan Thị Minh Giang, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; PGS.TS. Đặng Minh Đức và ThS. Trịnh Thị Hiền, Viện Nghiên cứu Châu Âu; TS. Phạm Thị Tình, Viện Nghiên cứu Con người cùng đông đảo các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài Viện Hàn lâm. 

GS.VS. Sergey Ryazantsev, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Nga trình bày Báo cáo tại Hội thảo

Di cư là một hiện tượng phức tạp có mối liên hệ với các cấu trúc chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội rộng lớn cũng như gắn với các khát vọng và nguồn lực cá nhân. Di cư là một phần nội tại của sự biến đổi xã hội xảy ra song song và đồng thời kết hợp với các xu hướng xã hội khác như hội nhập và toàn cầu hóa, số hóa, đô thị hóa và do đó, di cư đang góp phần định hình nên thế giới của con người. Tính đến năm 2022, trên toàn thế giới có 281 triệu người di cư quốc tế, chiếm 3,6% dân số toàn cầu. Người di cư đã tạo ra 702 tỷ đô la Mỹ trong dòng kiều hối quốc tế. Sự gia tăng của người di cư trên thế giới trong những năm gần đây cho thấy di cư phần lớn là do những biến đổi kinh tế, xã hội, chính trị và công nghệ toàn cầu rộng lớn hơn đang ảnh hưởng đến hang loạt các vấn đề chính sách được ưu tiên.  Khi các quá trình toàn cầu hóa ngày càng sâu sắc, những biến đổi này ngày càng định hình cuộc sống của chúng ta. Những thay đổi đó đang tác động đến môi trường hiện tại mà ở đó diễn ra sự di cư.

Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Liên hợp quốc đã công nhận di cư là vấn đề cần cân nhắc trong phát triển cốt lõi, đánh dấu lần đầu tiên quá trình di chuyển được tích hợp rõ rang vào chương trình nghị sự phát triển toàn cầu. Chương trình nghị sự 2030 đã cung cấp một cái nhìn bao quát khuôn khổ để giải quyết mối quan hệ phức tạp và năng động giữa di cư và phát triển. Vấn đề di cư được thể hiện rõ trong mục tiêu phát triển bền vững SGD 10.7 về “Giảm bất bình đẳng trong và giữa các quốc gia”, kêu gọi tạo điều kiện thuận lợi cho “di cư và di chuyển của người dân có trật tự, an toàn, thường xuyên và có trách nhiệm, bao gồm thông qua việc thực hiện các chính sách di cư được quản lý tốt và có kế hoạch”. Trong các mục tiêu phát triển bền vững (SDG), di cư được công nhận là một “thực tế đa chiều” có “mức độ liên quan chính cho sự phát triển của các nước xuất xứ, quá cảnh và điểm đến”.

PGS.TS. Phạm Thị Thanh Bình, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, VASS trình bày Báo cáo tại Hội thảo

Thay mặt Lãnh đạo Viện Nghiên cứu Con người, phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài Lê nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đảo của các đại biểu tham dự. PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê cho biết: Theo số liệu của Cục xuất nhập cảnh, năm 2015, Việt Nam có khoảng 6,2 triệu người di cư ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Đến trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, theo báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, bình quân mỗi năm Việt Nam có khoảng 110.000 người ra nước ngoài làm việc, chiếm từ 7 đến 10% tổng số việc làm giải quyết hàng năm cho người lao động Việt Nam. Số lao động nước ngoài được cấp phép làm việc tại Việt Nam tính đến tháng 3 năm 2022 là 100.000 người chiếm khoảng 0.2% tổng số lực lượng lao động của Việt Nam, góp phần quan trọng vào việc cung cấp một lực lượng lao động có tay nghề cho Việt Nam.

PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê nhấn mạnh đến nguyên nhân mạnh nhất của di cư là do quá trình Đổi mới và công nghiệp hóa, đô thị hóa cùng với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ đã hút mạnh lực lượng lao động nông thôn tự do từ khu vực nông thôn đến các khu vực thành thị và khu công nghiệp. Mạng lưới xã hội của người di cư ngày càng phát triển đã tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình di cư, nhất là từ nông thôn ra các thành phố lớn, điều này cũng đồng thời thu hút nhiều lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc…Bên cạnh đó, các lý do tiếp theo cho tình trạng di cư trong nước và quốc tế của Việt Nam chủ yếu là vì các nguyên nhân về kinh tế (mà động lực chính là thu nhập), giáo dục và hôn nhân. Riêng đối với di cư quốc tế thì việc thúc đẩy xuất khẩu lao động cũng là một nguyên nhân quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế với khung pháp lý cũng như các chính sách về người lao động Việt Nam ra nước ngoài. Điều này minh chứng cho trách nhiệm của Việt Nam đối với các vấn đề di cư, giải quyết các thách thức của di cư, để thực sự tạo ra môi trường di cư minh bạch, an toàn và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người di cư.

PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê cho hay “Nghiên cứu di cư là một trong các nội dung được chú trọng và coi là một lĩnh vực nghiên cứu nhiều năm của Viện Nghiên cứu Con người. Các nghiên cứu của Viện đã tập trung vào các chủ đề không chỉ trực tiếp là các vấn đề của lao động di cư như vấn đề an sinh xã hội, nhà ở, bình đẳng giới hay vấn đề tạo việc làm, hòa nhập của người di cư hồi hương… mà còn nghiên cứu đến các vấn đề khác liên quan đến an ninh con người của lao động di cư như nô lệ hiện đại, bảo vệ quyền của trẻ em (quyền học tập, chăm sóc y tế) trong các gia đình di cư tại các khu công nghiệp, chăm sóc cha mẹ già và các vấn đề xã hội nông thôn nẩy sinh khi người trẻ li hương để đi làm thuê... Tuy nhiên, các nghiên cứu về di cư trong và ngoài nước hiện nay vấp phải nhiều thách thức, trong đó thách thức lớn nhất là dữ liệu về di cư do dữ liệu chưa được thống kê đầy đủ và do nhiều cơ quan khác nhau quản lí”.

Bà Phan Thị Minh Giang, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao trình bày Báo cáo tại Hội thảo

Hội thảo nhận được gần 30 báo cáo và có 06 báo cáo được trình bày, được chia làm 02 phiên thảo luận, tập trung vào 02 nội dung chính: Di cư quốc tế và các vấn đề đặt ra đối với khu vực Đông Nam Á trong bối cảnh thế giới đang chuyển đổi và Di cư phát triển con người Việt Nam. Các diễn giả tập trung trình bày và thảo luận các vấn đề sau:

Thứ nhất là những vấn đề chung về di cư và phát triển con người trong bối cảnh thế giới đang chuyển đổi; thảo luận các vấn đề lí lianaj về di cư và phát triển con người; các xu hướng di cư trong bối cảnh thê giới đang chuyển đổi và kinh nghiệm quản lý di cư gắn với phát triển con người.

Thứ hai là những vấn đề đặt ra về di cư và phát triển con người trong bối cảnh đang chuyển đổi, bao gồm: Những vấn đề đặt ra đối với đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của con người liên quan tới sự di cư; Thực trạng, các cơ hội và rủi ro đối với sự phát triển con người của người di cư; Các vấn đề về quyền con người, an ninh con người của người di cư; Đảm bảo an sinh xã hội cho người di cư; Các vấn đề về bình đẳng xã hội, hòa nhập xã hội của người di cư; Xu hướng, giải pháp thúc đẩy và quản lý di cư gắn với phát triển con người.

Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo là diễn đàn trao đổi hữu ích giữa các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước cùng chia sẻ các kiến thức, thông tin, kinh nghiệm nghiên cứu và quản lý về vấn đề di cư và phát triển con người và các biện pháp thúc đẩy, quản lý di cư vì sự phát triển con người của nhiều nước, nhiều khu vực trên thế giới. Đây cũng là cơ hội để các nhà khoa học, các nhà quản lý, giáo dục ở các nước xây dựng các mối quan hệ, tạo ra sự kết nối để mở ra những cơ hội trao đổi học thuật trong tương lai về vấn đề di cư và phát triển con người nói riêng và các hợp tác khoa học nói chung. Qua đó đề xuất các biện pháp thúc đẩy và quản lý di cư nhằm đảm bảo phát triển kjnh tế xã hội gắn với phát triển con người trong thời gian tới.

Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Trong những năm qua, Viện Nghiên cứu Con người, với vai trò là một cơ quan nghiên cứu về phát triển con người ở Việt Nam, đã có nhiều hoạt động khoa học (nghiên cứu, tư vấn, tổ chức và tham gia các hội nghị, hội thảo) về vấn đề di cư. Các hoạt động khoa học của Viện đã từng bước làm rõ những vấn đề lý luận về di cư và phát triển con người, phân tích những vấn đề đặt ra đối với cuộc sống của cả người di cư và những người ở lại, những thách thức mà những nhóm yếu thế (như lao động nữ, trẻ em, cha mẹ già) phải đối mặt.

Nguyễn Thu Trang

 

 

 

Các tin đã đưa ngày: