|
PGS.TS. Bùi Nhật Quang phát biểu đề dẫn tại Hội thảo |
Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS. Bùi Nhật Quang cho biết: Trong những năm gần đây, nhiệm vụ xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức đã nhận được sự quan tâm không chỉ của các cấp lãnh đạo mà còn của toàn xã hội, nhất là trong bối cảnh đất nước đặt ra mục tiêu phát triển đến năm 2045 Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao. Để hoàn thành mục tiêu như vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng đó chính là xây dựng và phát huy vai trò nòng cốt của đội ngũ trí thức Việt Nam. Nhiệm vụ này đã được Chính phủ giao cho Bộ KHCN triển khai xây dựng "Chiến lược phát triển đội ngũ trí thức", Viện Hàn lâm là cơ quan chủ trì phối hợp cùng Bộ KHCN xây dựng dự thảo Chiến lược xây dựng đội ngũ trí thức đến năm 2030, PGS.TS. Bùi Nhật Quang mong muốn Hội thảo sẽ thu được nhiều ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự nhất là những vấn đề có liên quan đến khái niệm đội ngũ trí thức, đặc trưng, vai trò, chính sách đãi ngộ… giúp Đề tài bổ sung thêm hệ thống lý luận cho Đảng và Nhà nước về vấn đề này.
Theo đó với 5/13 tham luận được trình bày, Hội thảo đã được lắng nghe nhiều ý kiến phát biểu của các nhà khoa học đến từ các trường đại học, các viện nghiên cứu trong và ngoài Viện Hàn lâm có liên quan đến việc phát huy vai trò của đội ngũ tri thức trong phát triển xã hội ở nước ta hiện nay; Kinh nghiệm phát triển và quản lý đội ngũ nhân tài, trí thức ở Singapore, hàm ý cho Việt Nam; Những mặt tích cực và hạn chế trong phát triển đội ngũ trí thức trong lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy; Vai trò của trí thức Việt Nam đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước: tầm nhìn đến năm 2030; Phát huy vai trò của đội ngũ trí thức Việt Nam trong bối cảnh mới…
|
TS. Trần Thị Hà, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trình bày tham luận tại Hội thảo |
Chia sẻ về kinh nghiệm của Singapore trong phát triển đội ngũ trí thức TS. Trần Thị Hà, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: Singapore là quốc gia có môi trường cạnh tranh và thu hút nhân tài hàng đầu thế giới, xếp hạng chỉ số cạnh tranh nhân tài của Singapore luôn nằm trong tốp đầu và là quốc gia Châu Á duy nhất trong tốp 10 quốc gia có chỉ số GTCT (Chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu) tốt nhất, Singapore cũng thường xuyên đạt thành tích cao về “số lượng nhân tài sẵn sàng thích ứng với thay đổi công nghệ” trong bảng xếp hạng về Chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu. Theo báo cáo GTCI năm 2020, Singapore vẫn luôn giữ phong độ và duy trì vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng GTCI toàn cầu khi so sánh về kết quả tính toán GTCI trung bình trong giai đoạn 2015-2017 và giai đoạn 2018-2020. Đây là kết quả ấn tượng, cho thấy các chính sách phát triển và quản lý nhân tài đất nước của Singapore đã được triển khai rất tốt và phát huy được tính hiệu quả cao.
|
TS. Lê Văn Hùng, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vũng Vùng trình bày tham luận tại Hội thảo |
Theo TS. Lê Văn Hùng, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vũng Vùng, điểm hạn chế trong phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam là chính sách tuyển dụng, tuyển mới còn nhiều điểm bất cập, chính sách về lương, phụ cấp đối với trí thức là công chức, viên chức không phù hợp với nguyên tắc của thị trường lao động, cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cơ chế khoán sản phẩm đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ chưa được triển khai rộng rãi, quy trình, thủ tục còn nặng nề, hành chính, tốn nhiều thời gian, công sức, gây lãng phí xã hội không cần thiết… Trên cơ sở phân tích những điểm hạn chế, TS. Lê Văn Hùng cũng nêu một số giải pháp nhằm phát triển đội ngũ trí thức đó là chú trọng xây dựng, đầu tư phát triển đội ngũ giảng viên, đội ngũ nghiên cứu nhằm đảm bảo số lượng, chất lượng về cơ cấu ngành nghề, độ tuổi, giới, học hàm, học vị…; Có chính sách chọn lọc ưu tiên đào tạo bồi dưỡng ở các nước phát triển, đặc biệt là đối với nhóm trí thức tài năng nhằm xây dựng cho được đội ngũ chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm về nghiên cứu cơ bản; Cải thiện hệ thống tiền lương; Tăng chế độ đãi ngộ; Có chính sách ưu tiên đầu tư xây dựng, cải tạo nơi làm việc; Gia tăng đầu tư tài chính, hạ tầng cho nghiên cứu đổi mới sáng tạo như các khu vườn ươm, khu công nghệ cao, các viện nghiên cứu, trường đại học chiến lược; Có chính sách khuyến khích, ưu đãi mạnh hơn đối với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư cho các hoạt động của đội ngũ trí thức…
|
Đại biểu tham gia chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo |
Chia sẻ ý kiến về phát huy vai trò của đội ngũ tri thức khoa học xã hội, PGS.TS. Nguyễn Đức Chiện, Viện Xã hội học cho biết: ngành khoa học xã hội có liên quan trực tiếp đến xây dựng đường lối chính sách hoặc giải quyết những vấn đề cấp bách của xã hội. Do vậy, cần tiếp tục đổi mới cơ chế, phương thức quản lý hoạt động từ khâu xét duyệt đề tài, phân bổ kinh phí, quản lý thực hiện, thẩm định, nghiệm thu và đề xuất hướng dẫn; Tạo điều kiện để khoa học xã hội có thể tham gia sâu vào các mặt của đời sống thì vai trò của nghành nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn mới có cơ hội được phát huy, đi sát hơn với thực tiễn, phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. PGS.TS. Nguyễn Đức Chiện nhấn mạnh vào việc tiếp tục hoàn thiện môi trường thuận lợi để đội ngũ các nhà khoa học có điều kiện cống hiến, sáng tạo; Khẳng định tầm quan trọng của việc quan tâm đặc biệt tới đội ngũ trí thức hiện đang công tác tại các khu vực miền núi, vùng có điều kiện khó khăn nhằm phát huy quy chế dân chủ trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, tư vấn, phản biện, Phó giáo sư cho rằng cần đẩy mạnh hợp lý hóa cơ cấu đội ngũ cán bộ, trí thức, hoàn thiện cơ chế chính sách, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ chế đột phá trong phát hiện, trọng dụng và đãi ngộ tri thức tài năng, nhà khoa học trẻ… nhằm phát huy vai trò tiên phong, dẫn dắt quần chúng của đội ngũ trí thức khoa học xã hội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, cũng như mở rộng phát triển đội ngũ này theo hướng đa dạng, đa phương hóa, quốc tế hóa nhằm giúp cho đội ngũ trí thức có điều kiện mở rộng tầm nhìn học tập, trao đổi học thuật… phát huy được vai trò của đội ngũ trí thức khoa học xã hội vào việc quản lý phát triển xã hội nước ta hiện nay…
|
Toàn cảnh Hội thảo |
Nhiều ý kiến đóng góp khác tại Hội thảo cũng tập trung nêu bật những đặc trưng khi bàn về khái niệm hóa đội ngũ trí thức, sản phẩm tri thức, tính hiệu quả trong đóng góp xã hội của các sản phẩm trí thức, tính giai đoạn, tầm nhìn của các sản phẩm trí thức mang tầm lý luận, hàm ý chính sách…. Tổng kết Hội thảo, PGS.TS.Bùi Nhật Quang đã nhiệt liệt cảm ơn những đóng góp của toàn thể đại biểu. Đồng thời nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ rất khó, bởi ngay từ đầu việc xác định đối tượng trí thức – mục tiêu nghiên cứu của Đề tài đã khá rộng, làm thế nào để chuẩn hóa về mặt khái niệm, nêu đủ, đúng về đối tượng nghiên cứu, là nhiệm vụ trọng tâm được Đề xác định ngay từ giai đoạn đầu. Theo đó, PGS.TS. Bùi Nhật Quang cho rằng các tham luận và các ý kiến góp ý có giá trị rất lớn, giúp đề tài theo sát, chuẩn hóa, bổ sung và hoàn thiện thêm vào hệ thống lý luận để hoàn thiện những bước cuối cùng trước khi kết thúc. Những giá trị về mặt lý luận thu được sẽ giúp Đảng và Nhà nước có thêm cơ sở để hoạch định những chính sách cụ thể liên quan đến quản lý nhân tài, trí thức – lực lượng quan trọng trong việc phát triển đất nước ta hiện nay./.
Phạm Vĩnh Hà