Hội nghị thường niên năm 2024: “Hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”
  • 3.5 top logo - tin hoi nghi hoi thao

Hội nghị thường niên năm 2024: “Hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”

15/11/2024

Chiều ngày 14/11/2024, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Bộ Khoa học & Công nghệ phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam tổ chức Hội nghị thường niên năm 2024: “Hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”. Hội nghị được tổ chức thường niên trong khuôn khổ Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Khoa học & Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

Đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN phát biểu tại Hội nghị

Đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; GS.VS Châu Văn Minh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam; PGS.TS Vũ Hải Quân, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Giám đốc ĐHQG TP. Hồ Chí Minh; TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, GS.TS. Lê Quân Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đồng chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ KH&CN, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, cơ quan liên quan cùng các đại biểu, nhà khoa học của Bộ Khoa học & Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Mục tiêu của Hội nghị là trao đổi, thảo luận về những vấn đề cốt lõi, nổi cộm trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; làm rõ những bất cập, rào cản trong các quy định hiện hành; trao đổi về các cơ chế, chính sách thử nghiệm, đặc thù, vượt trội trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, trong đó có quan tâm đến tính rủi ro, độ trễ và nhiều vấn đề khác liên quan đến thể chế thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trên cơ sở lấy ý kiến thống nhất của các bên, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam xây dựng Báo cáo đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam chia sẻ, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo có vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, nhất là trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thực chất hiện nay. Vì vậy, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, chú trọng xây dựng các chủ trương, đường lối, cụ thể hóa bằng các chính sách, quy định pháp luật nhằm phát triển, thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh khẳng định những thuận lợi được nêu rõ trong các kỳ Đại hội, Chủ tịch Viện Hàn lâm cũng cho rằng, việc triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng trong phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn gặp nhiều khó khăn trong thực tiễn: (i) Một số chính sách, quy định còn chậm được cụ thể hóa hoặc chưa cụ thể hóa đầy đủ, rõ ràng trong các văn bản quy phạm pháp luật; (ii) hệ thống pháp luật về khoa học công nghệ được điều chỉnh bởi nhiều văn bản khác nhau, chưa đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, nhiều quy định chưa phù hợp với thực tiễn; (iii) nguồn lực đầu tư chưa thực sự tương xứng với vai trò, tầm quan trọng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo theo đúng các chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước; chính sách trong thu hút, tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ nhân tài, cho các chuyên gia, nhà khoa học còn gặp nhiều khó khăn dẫn tới tình trạng “chảy máu chất xám” trong khu vực công; quy trình, thủ tục hành chính trong quản lý, thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ vẫn còn nhiều “rào cản”; quy định về đầu tư cho khoa học công nghệ còn nhiều điểm chưa hợp lý gây cản trở sự phát triển của thị trường khoa học công nghệ...

Để Hội nghị đạt kết quả, Chủ tịch Phan Chí Hiếu đề nghị các báo cáo chuyên đề, tham luận tập trung các nội dung cụ thể về nhận diện rõ những bất cập, hạn chế của hệ thống pháp luật đang là “rào cản” đối với sự phát triển của KHCN&ĐMST; đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật trên từng lĩnh vực cụ thể như tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, cơ chế tài chính; đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, các giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đổi mới mạnh mẽ, thúc đẩy phát triển KHCN&ĐMST, gỡ bỏ các rào cản hành chính trong quản lý hoạt động KHCN; tạo dựng khuôn khổ pháp lý để triển khai cơ chế thí điểm, thử nghiệm đối với các loại hình, mô hình tổ chức KHCN mới, tạo thuận lợi cho thị trường KH&CN phát triển bền vững; các chế độ, chính sách đãi ngộ vượt trội cho đội ngũ nghiên cứu khoa học…

PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trình bày tham luận tại Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được lắng nghe 5 tham luận đề cập đến một số vấn đề như: “Hoàn thiện thể chế, thúc đẩy phát triển các tổ chức khoa học công nghệ công lập ở Trung ương” (PGS.TS. Hoàng Minh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ); “Hoàn thiện pháp luật thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo” (PGS. TS. Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam); “Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ và phát triển thị trường khoa học và công nghệ” (GS. TS. Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam); “Đề xuất cơ chế, chính sách thử nghiệm, đặc thù, vượt trội trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, trong đó có quan tâm đến tính rủi ro, độ trễ theo thông lệ quốc tế” (PGS.TS. Lê Văn Thăng, Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh); “Cơ chế, giải pháp đột phá đối với Đại học Quốc gia Hà Nội để thực hiện các mục tiêu phát triển theo nghị quyết số 45-NQ/TW, ngày 24/11/2023 của Ban chấp hành Trung Ương Đảng khóa XIII” (PGS.TS. Nghiêm Xuân Huy, Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng, Đại học Quốc gia Hà Nội)... Thông qua các nội dung trình bày, các diễn giả đã tập trung phân tích các vấn đề nổi bật có liên quan từ đó đề xuất các giải pháp nhằm phát triển, thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo và thảo luận về các vấn đề mà đề tài mà Hội nghị quan tâm.

Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS. Hoàng Minh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã đánh giá cao vai trò của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong việc đóng góp số lượng lớn các công bố khoa học, tập trung nâng cao chất lượng các công bố quốc tế (Q1, Q2, IF cao). Thứ trưởng Hoàng Minh cho rằng ở khía cạnh các tổ chức KH&CN công lập nói chung chất lượng của tổ chức nghiên cứu và phát triển công nghệ công lập chưa được như mong muốn; thiếu các tổ chức nghiên cứu mạnh đạt trình độ khu vực và thế giới, nhất là trong các lĩnh vực ưu tiên phát triển. Một số lĩnh vực nghiên cứu cơ bản khó thu hút nhân lực trẻ, tài năng vào làm việc trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập do cơ chế đãi ngộ và điều kiện làm việc hạn chế. Đồng chí khuyến nghị: Bên cạnh các công bố quốc tế tại các tạp chí hàng đầu trên thế giới, cần quan tâm hơn tới công bố trên các tạp chí của Việt Nam đã vào danh sách Scopus và các tạp chí chuyên ngành quốc gia uy tín.  Làm rõ vai trò hợp tác quốc tế trong công bố khoa học. Tỷ lệ đơn đăng ký Bằng sáng chế bị từ chối; số đơn đăng ký của người Việt Nam tuy tăng nhưng vẫn còn thấp đã dẫn đến thực tế Bằng sáng chế, giải pháp hữu ích chưa nhiều; Còn yếu trong khâu chuyển giao kết quả khoa học – định giá tài sản hình thành từ kết quả nghiên cứu và một số vấn đề liên quan đến quy định về đạo đức nghiên cứu, liêm chính học thuật cũng cần phải được quan tâm, làm rõ.

Luận bàn về những bất cập đang tồn tại trong hệ thống pháp luật hiện hành liên quan đến việc thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã chỉ ra sự thiếu thống nhất và đồng bộ trong hệ thống pháp luật, dẫn đến quản lý phức tạp và chồng chéo nhiệm vụ giữa các đơn vị. Ngoài ra, Luật Khoa học và Công nghệ chưa thể hiện đầy đủ vai trò của khoa học xã hội, khiến lĩnh vực này thiếu sự ưu tiên và gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn tài trợ. Các quy định tài chính chưa linh hoạt, không cập nhật với chi phí thực tế, gây trở ngại cho hoạt động nghiên cứu. Hơn nữa, thiếu các chính sách đãi ngộ, tuyển dụng và giữ chân nhân lực chất lượng cao, dẫn đến tình trạng “chảy máu chất xám”. Bên cạnh đó, các quy định về sở hữu trí tuệ chưa đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi của nhà nghiên cứu và doanh nghiệp, làm suy giảm động lực đầu tư vào nghiên cứu. Để khắc phục, Phó Giáo sư Nguyễn Đức Minh đề xuất xây dựng khung pháp lý phù hợp và toàn diện, thúc đẩy khoa học và công nghệ, tạo điều kiện cho nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ và bền vững và khẳng định: cần có những đổi mới mạnh mẽ, toàn diện mang tính đột phá trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan theo hướng tạo lập môi trường thuận lợi hơn nữa (cả về chính sách và thực tiễn) cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; nhanh chóng sửa đổi, hoàn thiện chế độ, chính sách với các cơ chế đặc thù, vượt trội đối với đội ngũ những người làm nghiên cứu khoa học, nghiên cứu chiến lược, chính sách để thực hiện tốt mục tiêu thu hút, sử dụng, giữ chân nhân tài; Cần có cơ chế chi thu nhập tăng thêm riêng cho đội ngũ nghiên cứu khoa học, công nghệ, nghiên cứu chiến lược, chính sách tại các cơ sở nghiên cứu theo năng lực, hiệu quả công việc; Cần có chính sách tăng tỷ lệ viên chức ngạch nghiên cứu là nghiên cứu viên chính, nghiên cứu viên cao cấp; cho góp vốn, mua cổ phần trong các doanh nghiệp khoa học, công nghệ; hỗ trợ về nhà ở; Nhân tài được chủ động đề xuất nhiệm vụ khoa học và được cấp kinh phí thực hiện; miễn thuế thu nhập cá nhân đối với một số nhiệm vụ khoa học; Mở rộng đối tượng được kéo dài tuổi nghỉ hưu đối với các cá nhân có trình độ, năng lực vượt trội, có công trình, sản phẩm, thành tích, cống hiến thiết thực đối với sự phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương; Hình thành đội ngũ chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo có khả năng định hướng, dẫn dắt các hoạt động nghiên cứu lớn, mới, phức tạp về khoa học; quan tâm, tạo điều kiện phát triển các nhà khoa học trẻ để xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học, cán bộ quản lý kế cận...

Đề cập đến việc hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ và phát triển thị trường khoa học và công nghệ, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam GS. TS. Chu Hoàng Hà cho biết, Thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, tài sản trí tuệ và phát triển thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN) là các yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội, giúp các nghiên cứu khoa học và phát minh sáng tạo đóng góp trực tiếp vào thực tiễn. Tuy nhiên tại Việt Nam, hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, tài sản trí tuệ và phát triển thị trường KH&CN còn gặp nhiều thách thức về mặt cơ chế, chính sách. GS. TS. Chu Hoàng Hà  đưa ra một số đề xuất, kiến nghị để hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ và phát triển thị trường KH&CN: i) Tăng cường đầu tư Nhà nước vào các lĩnh vực ưu tiên, đột phá; ii) Thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ; iii) Xây dựng hành lang pháp lý thúc đẩy thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ trong việc phát triển thị trường KH&CN.

Đại biểu phát biểu ý kiến tham luận tại Hội nghị

Đề xuất cơ chế, chính sách thử nghiệm, đặc thù, vượt trội trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đại diện cho Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, PGS.TS. Lê Văn Thăng Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho biết một số kinh nghiệm của quốc tế. Cụ thể: Các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản đã có những định nghĩa rõ ràng về các loại rủi ro trong nghiên cứu khoa học, từ đó xây dựng các quy định cụ thể để quản lý. Thiết lập các cơ chế báo cáo rủi ro kịp thời, đồng thời có các quy trình xử lý rủi ro linh hoạt, phù hợp với từng tình huống cụ thể. Đảm bảo quyền lợi của các nhà nghiên cứu, khuyến khích họ báo cáo các rủi ro một cách trung thực và kịp thời. Các quốc gia đầu tư vào các trung tâm nghiên cứu với trang thiết bị hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động nghiên cứu. Tạo điều kiện để các cơ sở nghiên cứu kết nối và chia sẻ tài nguyên, giảm thiểu lãng phí và tăng cường hiệu quả nghiên cứu. Chính phủ Mỹ áp dụng nhiều chính sách thuế ưu đãi để khuyến khích đầu tư vào nghiên cứu và phát triển. Mỹ có một hệ thống chuyển giao công nghệ hiệu quả, giúp kết nối các cơ sở nghiên cứu với doanh nghiệp. Xã hội Mỹ khuyến khích tinh thần khởi nghiệp và chấp nhận thất bại như một phần tất yếu của quá trình đổi mới. Mỹ có mô hình khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại thung lũng Silicon. Tại đây, các startup được khuyến khích thử nghiệm những ý tưởng mới, chấp nhận rủi ro cao để đổi lấy tiềm năng lợi nhuận lớn. Hệ thống quỹ đầu tư mạo hiểm phát triển mạnh mẽ, cung cấp nguồn vốn cho các dự án nghiên cứu có tính rủi ro cao. Bộ Thương mại Quốc tế và Công nghiệp (MITI) của Nhật Bản đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Nhật Bản đã xây dựng nhiều khu công nghiệp công nghệ cao, tập trung các doanh nghiệp và viện nghiên cứu hàng đầu. Chính phủ Nhật Bản cung cấp nhiều hình thức hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa để thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Các doanh nghiệp, viện nghiên cứu và chính phủ Nhật Bản có một mạng lưới kết nối chặt chẽ, giúp thông tin và công nghệ được chia sẻ nhanh chóng.

Phát biểu tổng kết hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Huỳnh Thành Đạt khẳng định: Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế luôn được Đảng và Nhà nước ta xác định là nhiệm vụ trọng tâm, là một trong ba đột phá chiến lược, tạo cơ sở pháp lý, môi trường an toàn, thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, triển khai thi hành Hiến pháp, luật và pháp lệnh. Đây được coi là yếu tố thuận lợi trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế đồng thời cũng là nhiệm vụ lớn phải hoàn thành đối với các bộ, ngành nói chung.

Trong thời gian vừa qua, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế về KH,CN&ĐMST đã được triển khai nghiêm túc, đồng bộ và toàn diện. Bộ KH&CN đang tích cực triển khai xây dựng 04 dự án Luật/hồ sơ đề nghị xây dựng luật (bao gồm: Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật KH,CN&ĐMST; Luật Chất lượng SP,HH; Luật Năng lượng nguyên tử), đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng pháp luật của Bộ, của ngành KH&CN, được thực hiện trong thời gian dài với trình tự, thủ tục gồm nhiều bước, cần sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, cơ quan liên quan.

Thông qua, các ý kiến tham luận, trao đổi tại Hội nghị, để hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển KH,CN&ĐMST, góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia trong kỷ nguyên mới, Bộ KH&CN sẽ phối hợp chặt chẽ với Viện Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. HCM và các bộ, ngành, cơ quan liên quan tích cực triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Toàn cảnh Hội nghị

Một là, Đẩy mạnh đổi mới cơ chế, chính sách trong triển khai, thực hiện các chương trình, nghiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng công nghệ theo định hướng tại Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030, đặc biệt là cơ chế, chính sách có liên quan đến các vấn đề trọng điểm của quốc gia như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, Net Zero, đường sắt tốc độ cao, điện hạn nhân và các lĩnh vực mũi nhọn như công nghiệp bán dẫn, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo…

Hai là, Tập trung xây dựng, hoàn thiện dự án Luật KH,CN&ĐMST, trong đó chú trọng xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi để tổ chức, cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Xây dựng đồng bộ chính sách đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân lực, nhân tài KH&CN, tạo điều kiện phát triển đội ngũ trí thức, thu hút các nhà khoa học trong và ngoài nước, mở rộng hội nhập quốc tế trong hoạt động nghiên cứu để hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST.

Đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị

Ba là, Tăng cường nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù, giải pháp mang tính đột phá, vượt trội để kịp thời giải quyết các vấn đề cấp bách, trọng điểm của quốc gia, bảo đảm phù hợp với cơ chế thị trường, thông lệ quốc tế, tôn trọng đặc thù của lao động sáng tạo, chấp nhận rủi ro, mạo hiểm và độ trễ trong hoạt động KHCN&ĐMST.

Bốn là, Tăng cường xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo, phát triển hệ sinh thái sáng tạo, thu hút các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đặt trung tâm nghiên cứu, phát triển công nghệ tại Việt Nam, tạo ra môi trường nghiên cứu sôi động, hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Năm là, Hoàn thiện các cơ chế tài chính, chính sách ưu đãi, hỗ trợ trong hoạt động nghiên cứu, bảo đảm đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp phát triển KH,CN&ĐMST.

Đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị

Cuối cùng, Với trách nhiệm là đơn vị quản lý nhà nước trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. HCM để tiếp thu các vấn đề đã được trao đổi và chia sẻ tại Hội nghị ngày hôm nay, bằng những hành động thiết thực, từng bước góp phần khẳng định vai trò động lực quan trọng của KH,CN&ĐMST, góp phần vào mục tiêu phát triển phát triển KT-XH của đất nước.

Thời Trân

 

Các tin đã đưa ngày: