Hội nghị Tập huấn hướng dẫn chế độ kế toán hành chính sự nghiệp theo thông tư 24/2024/TT-BTC
  • 3.5 top logo - tin hoi nghi hoi thao

Hội nghị Tập huấn hướng dẫn chế độ kế toán hành chính sự nghiệp theo thông tư 24/2024/TT-BTC

28/11/2024

Thực hiện kế hoạch công tác năm 2024, trong 2 ngày 28-29/11/2024 tại Hải Phòng, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị Tập huấn hướng dẫn chế độ kế toán hành chính sự nghiệp theo thông tư 24/2024/TT-BTC. Hội nghị diễn ra đã thu hút sự tham dự của các cán bộ đang làm công tác kế toán tại các đơn vị. chuyên viên Ban Kế hoạch – Tài chính và những người thực hiện công tác kiểm tra, xét duyệt công tác, quyết toán hàng năm của Viện Hàn lâm. Tới dự và chỉ đạo Hội nghị có TS. Phan Chí Hiếu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm cùng sự có mặt của đại diện các đơn vị giúp việc Chủ tịch Viện Hàm lâm; các đồng chí là lãnh đạo các đơn vị dự toán trực thuộc Viện Hàn lâm và ông Đặng Văn Dũng, Trưởng phòng Kinh doanh Dự án Trung ương, Công ty Cổ phần Misa.

TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm phát biểu khai mạc và chỉ đạo Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS. Phan Chí Hiếu đã nhiệt liệt chào mừng sự có mặt của toàn thể đại biểu và biểu dương những đóng góp không nhỏ của công tác kế toán trong sự phát triển chung của Viện Hàn lâm và khẳng định: công tác tài chính, kế toán có vai trò hết sức quan trọng trong mọi mặt hoạt động của Viện Hàn lâm, là công việc phức tạp, nhạy cảm, với rất nhiều khó khăn, vất vả, là yếu tố trọng yếu trong việc đảm bảo nguồn lực trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị, Trong bối cảnh Viện Hàn lâm hoạt động chủ yếu dựa vào ngân sách do nhà nước cấp, các quy định về việc sử dụng ngân sách vốn dĩ rất chặt chẽ, đôi khi còn cứng nhắc. Thực tế này đã và đang đặt ra nhiều bài toán khó giải quyết, trở thành rào cản trong hoạt động nghiên cứu, cần phải có giải pháp tháo gỡ về mặt hành chính.

Vượt lên những khó khăn chung, công tác tài chính, kế toán của Viện Hàn lâm trong thời gian qua đã có nhiều khởi sắc, ngày càng đi vào nề nếp, kịp thời tham mưu cho lãnh đạo Viện Hàn lâm, lãnh đạo các đơn vị ban hành các quy chế, quy định về quản lý tài chính, tài sản và triển khai thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật và chính sách của nhà nước; Công tác lập kế hoạch, phân bổ và thực hiện dự toán ngân sách nhà nước được thực hiện kịp thời, đúng hướng dẫn, quy định, đảm bảo sự ổn định trong hoạt động của Viện Hàn lâm và các đơn vị, Ban Kế hoạch – Tài chính đã phối hợp tốt với các đơn vị trong việc bảo vệ Kế hoạch dự toán ngân sách  nhà nước và Kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước trong 3 năm từ 2024-2026; Hoàn thành khối lượng lớn các công việc liên quan đến công tác thẩm định, phê duyệt, báo cáo quyết toán tài chính, mua sắm tài sản, thẩm định kinh phí các đề tài, nhiệm vụ khoa học. Theo đó chế độ kế toán ngày càng được chú trọng và được thực hiện nhuần nhuyễn hơn; Công tác đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư chiều sâu đã đạt được  những kết quả bước đầu với nhiều nỗ lực, cố gắng trong triển khai Dự án cải tạo nâng cấp trụ sở Viện Hàn lâm tại địa chỉ số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội; Công tác khởi đông lại Dự án cơ sở nghiên cứu khối các viện nghiên cứu xã hội tại địa chỉ 59 Láng Hạ, tới thời điểm hiện tại đã hoàn thành được khối lượng lớn các công việc liên quan...; Công tác phối hợp giữa Ban Kế hoạch – Tài chính và bộ phận chuyên môn tại các đơn vị ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, đảm bảo đúng quy trình, thủ tục giữa các đơn vị dự toán cấp 1 và các đơn vị dự toán, từng bước thực hiện phân cấp ủy quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị chủ động thực hiện nhiệm vụ, đã hoàn thành việc phê duyệt phương án tự chủ tài chính giai đoạn 2023-2025…các nhiệm vụ nêu trên đã góp phần tạo ra những đóng góp tích cực, quan trọng vào thành công chung trong hoạt động của các đơn vị và của toàn Viện Hàn lâm.

Thay mặt đảng ủy, lãnh đạo Viện Hàn lâm, Chủ tịch trân trọng ghi nhận cảm ơn và biểu dương các kết quả công tác của hoạt động tài chính – kế toán, mong các đồng chí tiếp tục phát huy để công tác tài chính – kế toán của các đơn vị và của toàn Viện Hàn lâm sẽ đạt được nhiều chất lượng và hiệu quả hơn nữa.

ThS. Nguyễn Mạnh Quân, Trưởng ban Ban Kế hoạch - Tài chính phát biểu tại Hội nghị

Ngoài mặt biểu dương các thành tựu đạt được trong hoạt động Tài chính – Kế toán, Chủ tịch Viện Hàn lâm cũng nhấn mạnh đến một số hạn chế nhất trong công tác tài chính, kế toán như: chất lượng công tác tham mưa có việc chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, công tác triển khai còn chậm so với tiến độ, kế hoạch, tỷ lệ giải ngân chưa đạt yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ. Một số Dự án còn chậm tiến độ, còn xảy ra tình trạng lúng túng nhất là về trình tự, thủ tục hành chính. Một trong số các nguyên nhân phải kể tới đó là năng lực, trình độ của độ ngũ làm công tác tài chính – kế toán còn chưa theo kịp yêu cầu công việc bao gồm từ việc chỉ đạo, điều hành thông suốt của các đồng chí chủ tài khoản với việc tích cực, chủ động của các đồng chí làm công tác tài chính – kế toán.

Vì vậy, Hội nghị diễn ra có ý nghĩa quan trọng và thiết thực, là dịp để đội ngũ tài chính, kế toán của Viện Hàn lâm cập nhật các quy định mới trong Thông tư số 24/2024/TT-BTC ngày 17/4/2024 của Bộ Trưởng Bộ Tài Chính, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Là dịp để Ban Kế hoạch – Tài chính tập huấn cho đội ngũ kế toán – tài chính các kiến thức có liên quan đến kỹ năng, nghiệp vụ trong việc áp dụng pháp luật vào thực tiễn của Viện Hàn lâm. Mặt khác, Hội nghị còn có ý nghĩa nâng cao nhận thức trách nhiệm cho các đồng chí đang làm công tác lãnh đạo tại các đơn vị và đội ngũ viên chức thực hiện nhiệm vụ kế toán tại Viện Hàn lâm trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; là diễn đàn để đội ngũ công chức, viên chức đang làm các công tác kế toán, tài chính cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả trong công tác quản lý kế hoạch, công tác tài chính, kế toán hướng tới việc áp dụng đúng pháp luật, đồng bộ và thống nhất trong toàn Viện Hàn lâm.

Để đảm bảo được chất lượng, hiệu quả của Hội nghị, Chủ tịch Viện Hàn lâm đề nghị:

Thứ nhất, Hội nghị cần giới thiệu có trọng điểm, trọng tâm vào những điểm mới trong Thông tư số 24/2024/TT-BTC, có liên hệ đối chiếu, so sánh với tình hình thực tiễn của các đơn vị và của Viện Hàn lâm, lồng ghép các tình huống ví dụ cụ thể trong công tác quản lý tài chính của Ban Kế hoạch – Tài chính, giúp Hội nghị hình dung rõ ràng hơn về những vấn đề cần quan tâm.

Thứ hai, đề nghị các đại biểu tham dự tích cực trao đổi thảo luận tập trung vào các nội dung như: chứng từ kế toán, báo cáo quyết toán, báo cáo tài chính, quy trình in, sắp xếp, lưu trữ kế toán, quy định về việc sử dụng phần mềm kế toán. Đây là những vấn đề hết sức thực tiễn, mang tính nghiệp vụ cao rất cần sự chú ý để giải quyết được các tình huống vướng mắc trong quá trình triển khai nhiệm vụ.

Thứ ba, những câu hỏi lớn, quan trọng chưa giải quyết được, cần có sự tham vấn của các cơ quan cấp trên, BTC cần lưu lại và trả lời dưới dạng văn bản dưới hình thức là văn bản hướng dẫn để các đại biểu có thể có tài liệu truy cứu, như là một cẩm nang quan trọng hỗ trợ quá trình triển khai nghiệp vụ.

Nhân dịp chuẩn bị đến dịp kỷ niệm 71 năm Ngày Thành lập Viện Hàn lâm (2/12/1953-2/12/2024), Chủ tịch Viện Hàn lâm đã dành lời chúc tốt đẹp tới toàn thể đại biểu, chúc Viện Hàn lâm ngày càng phát triển vững mạnh và bền vững hơn trong thời gian tới.

Bìa sách Hướng dẫn chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp do Nhà xuất bản Tài chính in ấn, phát hành

Tiếp lời Chủ tịch Viện Hàn lâm, ThS. Nguyễn Mạnh Quân, Trưởng ban Ban Kế hoạch – Tài chính đã cảm ơn sự quan tâm của Đảng ủy và Ban lãnh đạo Viện Hàn lâm,và cho rằng: Hội nghị không chỉ là dịp để đội ngũ làm công tác tài chính, kế toán có cơ hội học tập, cập nhật những kiến thức mới có liên quan đến Thông tư số 24/2024/TT-BTC, mà còn là dịp để các đồng chí chủ tài khoản, các đồng chí kế toán có cơ hội trao đổi kinh nghiệm về các nghiệp vụ quản lý, quản trị đơn vị, nhằm đưa hoạt động tài chính – kế toán trong toàn Viện Hàn lâm ngày càng chuyên nghiệp và hiện đại hơn. 

Tại Hội nghị, ThS. Nguyễn Mạnh Quân đã trực tiếp trao đổi những nội dung nổi bật của Thông tư số 24/2024/TT-BTC nhằm hướng dẫn những nội dung chuẩn mực có liên quan đến cơ chế tài chính mới, đáp ứng yêu cầu tổ chức bộ máy kế toán tinh gọn, hiệu quả, khắc phục các vướng mắc tồn tại trên thực tế và trong việc cung cấp thông tin lập báo cáo tài chính nhà nước với các điểm thay đổi trọng tâm như:

    1. Về đối tượng áp dụng: Bổ sung thêm 3 đối tượng mới Ban quản lý dự án sử dụng vốn đầu tư công. Đơn vị sử dụng chế độ kế toán dự trữ quốc gia. Đơn vị được giao và quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi.

    2. Về chứng từ kế toán: Bỏ 4 mẫu chứng từ bắt buộc phiếu thu, phiếu chi, giấy đề nghị thanh toán tạm ứng và biên lai thu tiền, đơn vị chủ động thiết kế mẫu chứng từ phù hợp với hoạt động của đơn vị.

    3. Về hệ thống tài khoản kế toán: Bổ sung 85 tài khoản, bỏ 109 tài khoản, thay đổi 42 tài khoản, gộp 02 tài khoản và chuyển đổi 28 tài khoản. Bên cạnh đó Thông tư 24 quy định cụ thể nguyên tắc, nội dung hạch toán các tài khoản.

    4. Về sổ sách kế toán: Mẫu sổ tổng hợp Thông tư 24/2024/TT-BTC giữ nguyên 7 mẫu sổ hiện tại, sổ chi tiết được bổ sung 08 sổ, đổi tên 09 sổ.

    5. Về báo cáo quyết toán:

    - Quy định cụ thể hơn về việc lập và nộp báo cáo trong các trường hợp:

     + Đơn vị thuộc ngân sách cấp trên được ngân sách cấp dưới cấp hỗ trợ kinh phí (như trường hợp cơ quan thuế, hải quan, kho bạc,… đóng trên địa bàn);

    + Đơn vị sử dụng kinh phí ủy quyền của đơn vị thuộc ngân sách cấp trên (ví dụ như cơ quan lao động thương binh xã hội tại địa phương nhận kinh phí ủy quyền để chi trả chính sách người có công,…).

    - Biểu B01/BCQT

    + Điều chỉnh, bổ sung một số chỉ tiêu liên quan đến quyết toán nguồn viện trợ, vay nợ nước ngoài để phù hợp với pháp luật về quản lý nợ công và quy định về quản lý kinh phí viện trợ nước ngoài.

    + Bổ sung một số chỉ tiêu liên quan đến quyết toán nguồn phí được khấu trừ để lại (liên quan đến số liệu kinh phí giảm trong năm, số liệu kinh phí nhận trong năm nhưng đến cuối năm chưa được cấp có thẩm quyền giao dự toán chi), nguồn hoạt động được để lại (liên quan đến số liệu kinh phí giảm trong năm).

      6. Về báo cáo tài chính:

         - Sửa đổi 03 báo cáo tài chính : B01/BCTC, B02/BCTC, B04/BCTC.

        - Gộp 02 mẫu báo cáo lưu chuyển tiền tuệ gián tiếp và trực tiếp thành 1 báo cáo B03/BCTC.

        - Bỏ 01 báo cáo B05/BCTC về tình hình tài chính giản đơn.

        - Bổ sung 01 báo cáo B05/BCTC báo cáo về thay đổi tài sản thuần.

    Thông tư số 24/2024/TT-BTC 17/04/2024 của Bộ Tài chính về hướng dẫn chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp có hiệu lực thực hiện từ ngày 01/01/2025 và thay thế các Thông tư số 107/2017/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp, Thông tư số 108/2018/TT-BTC hướng dẫn kế toán dự trữ quốc gia, Thông tư số 76/2019/TT-BTC hướng dẫn kế toán tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi và Thông tư số 79/2019/TT-BTC hướng dẫn Chế độ kế toán áp dụng cho ban quản lý dự án sử dụng vốn đầu tư công.

Qua các nội dung được trình bày, đại biểu tham dự đã cùng nhau tham chiếu vào những vấn đề có tính chất nổi bật, đặc trưng liên quan đến hoạt động nghiên cứu khoa học chuyên ngành có tính đặc thù của Viện Hàn lâm và lắng nghe đại diện của Công ty Cổ phần Misa giới thiệu quy định về sử dụng phần mềm kế toán hành chính sự nghiệp theo Thông tư số 24/2024/TT-BTC. Giới thiệu các tính năng nổi bật của phần mềm kế toán MISA Mimosa online như: Đáp ứng đầy đủ nghiệp vụ kế toán hành chính sự nghiệp, là phần mềm tiên phong trong ứng dụng công nghệ điện toán đám mây do đó người sử dụng phần mềm không cần phải cài đặt trên máy tính, có thể truy cập được mọi lúc mọi nơi, tự động cập nhật phiên bản mới, dữ liệu lưu trữ tập trung, liên thông, an toàn, bảo mật tuyệt đối, mọi thao tác (lưu, tải, tra cứu, xem báo cáo…) thời gian chờ không quá 3s, có thể làm việc trên Mobile; Là phần mềm tiên phong về trợ lý số hỗ trợ công tác kế toán; Có thể kết nối trực tiếp với cổng dịch vụ công trực tuyến kho bạc nhà nước; Quản lý và phát hành hóa đơn/biên lai điện tử; ký số không cần USB Token; Theo dõi chi tiết tiền mặt, tiền gửi đến ký quỹ…

Đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị

Bên cạnh đó, phần mềm còn kết nối phần mềm Quản lý và khai thác báo cáo ngân sách để khai thác, theo dõi dữ liệu chi của đơn vị; Kết nối phần mềm Tổng hợp quyết toán ngân sách đáp ứng công tác thẩm tra, tổng hợp báo cáo quyết toán theo quy định tại Thông tư số 137/2017/TT-BTC; Thực hiện giao dịch điện tử trực tiếp với Dịch vụ công Kho bạc Nhà nước; Cập nhật đầy đủ biểu mẫu chứng từ, báo cáo theo Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20/01/2020 của Chính phủ ban hành quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước; Bổ sung báo cáo Mẫu số C03/CCTT - Báo cáo về việc cung cấp thông tin tài chính theo Thông tư 39/2021/TT-BTC... các tính năng nổi bật này đã chứng tỏ sức lan tỏa, những đóng góp mạnh mẽ của phần mềm trong việc triển khai, hỗ trợ các đơn vị lĩnh vực quản lý tài chính ngân sách.

Toàn cảnh Hội nghị

Có thể khẳng định, với những nội dung được thảo luận, Hội nghị không những là diễn đàn để đội ngũ làm công tác tài chính – kế toán có cơ hội giao lưu, trao đổi trực tiếp với đơn vị quản lý cấp trên những vướng mắc cần giải quyết mà còn là cơ hội để các đại biểu có thêm nhiều hiểu biết mới về những tính năng vượt trội của phần mềm kế toán, vốn được xác định là giải pháp tiên phong trong việc hỗ trợ nghiệp vụ đội ngũ tài chính – kế toán các đơn vị nói riêng và Viện Hàn lâm nói chung ngày càng chuyên nghiệp và hiện đại hơn trong giai đoạn tới./.

Phạm Vĩnh Hà

Các tin đã đưa ngày: