Phát biểu khai mạc Hội thảo, PG.TS. Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Chủ nhiệm Chương trình cho biết, về mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình nhằm nhận diện, đánh giá hiện trạng phát triển kinh tế, xã hội, an ninh – chính trị của vùng biên giới đất liền Việt Nam nhằm cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho Đảng và nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược và chính sách phát triển vùng biên giới đất liền và trong việc hoạch định chính sách đối ngoại với các nước láng giềng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, chính trị bền vững.
PG.TS. Chu Văn Tuấn, nhấn mạnh 8 mục tiêu cụ thể mà Chương trình cần đạt được, đó là: (1) Cung cấp luận cứ khoa học và kinh nghiệm quốc tế cho phát triển vùng biên giới đất liền; (2) Làm rõ thực trạng và các vấn đề chính trong phát triển kinh tế vùng biên giới đất liền ở Việt Nam trong điều kiện hiện nay; (3) Làm rõ thực trạng và các vấn đề chính trong phát triển xã hội, giáo dục, y tế vùng biên giới đất liền ở Việt Nam trong điều kiện hiện nay; (4) Làm rõ thực trạng và các vấn đề chính trong phát triển dân tộc – tôn giáo – văn hoá vùng biên giới đất liền ở Việt Nam trong điều kiện hiện nay; (5) Làm rõ thực trạng và các vấn đề an ninh phi truyền thống tại các vùng biên giới đất liền ở Việt Nam trong điều kiện hiện nay; (6) Làm rõ thực trạng và các vấn đề chính trị - an ninh tại các vùng biên giới đất liền ở Việt nam trong điều kiện hiện nay; (7) Nhận diện tiềm năng phát triển và dự báo sự phát triển của các vùng biên giới đất liền Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2045; (8) Đề xuất hệ giải pháp phát triển vùng biên giới đất liền trên các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn nhằm phát triển kinh tế - xã hội, an ninh chính trị vùng biên giới đất liền đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
PGS.TS. Chu Văn Tuấn mong muốn, tại Hội thảo các chủ nhiệm đề tài nhánh đánh giá tiến độ, kết quả đạt được, nhận diện những khó khăn, thách thức và các vấn đề đặt ra để cùng bàn bạc đề xuất giải pháp tháo gỡ.
Báo cáo tiến độ thực hiện Chương trình, TS. Đỗ Tá Khánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng, Phó Chủ nhiệm Chương trình cho biết, về tình hình thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động cụ thể của Chương trình, từ đầu năm 2024 đến tháng 9 năm 2024, Chương trình đã tổ chức 3 chuyến đi khảo sát trong nước theo đúng kế hoạch, 01 chuyến đi khảo sát tại Campuchia và tổ chức thành công 3 hội thảo bao gồm: Phát triển kinh tế vùng biên giới đất liền ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng và những vấn đề đặt ra (tháng 7/2024); Phát triển xã hội vùng biên giới đất liền ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng và những vấn đề đặt ra (tháng 7/2024); An ninh phi truyền thống vùng biên giới đất liền ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng và những vấn đề đặt ra (tháng 9/2024).
TS. Đỗ Tá Khánh cũng chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc và đề xuất phương hướng, giải pháp triển khai trong 6 tháng cuối năm 2024 của Ban chủ nhiệm Chương trình tập trung vào các nhiệm vụ cụ thể sau: Thứ nhất, căn cứ vào kế hoạch 2024 Ban chủ nhiệm Chương trình tiếp tục triển khai nhiệm vụ của 6 tháng cuối năm, đánh giá cụ thể để xác định những nhiệm vụ chưa thực hiện, những nhiệm vụ tiếp tục tổ chức thực hiện thường xuyên nhằm tập trung triển khai tốt. Thứ hai, phân công, phân nhiệm rõ ràng cụ thể, tổ chức kiểm tra đốc thúc đánh giá hiệu quả công việc thường xuyên. Thứ ba, Ban chủ nhiệm Chương trình phối hợp với tổ giúp việc thường xuyên đôn đốc, sát sao để các đề tài đảm bảo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Thứ tư, Ban chủ nhiệm Chương trình, tổ giúp việc kết nối thường xuyên với chủ nhiệm và thư ký của các đề tài thuộc chương trình, kịp thời thông tin, chia sẻ kinh nghiệm… kịp thời phát hiện các khó khăn, vướng mắc và tìm giải pháp hiệu quả để tháo gỡ, đảm bảo tốt tiến độ chung của Chương trình.
Các đại biểu tham dự phát biểu, trao đổi, trình bày tham luận tại hội thảo
Phát biểu kết luận, PGS.TS. Chu Văn Tuấn, Chủ nhiệm Chương trình cho biết, Chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp Bộ của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam về “Nghiên cứu tổng thể vùng biên giới đất liền ở Việt Nam góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, chính trị trong điều kiện hiện nay” là rất quan trọng nhằm nhận diện, đánh giá hiện trạng phát triển kinh tế, xã hội, an ninh – chính trị của vùng biên giới đất liền Việt Nam nhằm cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho Đảng và nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược và chính sách phát triển vùng biên giới đất liền và trong việc hoạch định chính sách đối ngoại với các nước láng giềng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, chính trị bền vững. Các ý kiến đóng góp, thảo luận tại Hội thảo là rất bổ ích và thiết thực. PGS.TS. Chu Văn Tuấn mong muốn các Ban chủ nhiệm đề tài tiếp tục đồng hành, đóng góp để các hoạt động được hoàn thành, đạt các kế hoạch đặt ra.
PV.