Việt Nam có chung đường biên giới cả đất liền, trên biển và trên không với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Trên đất liền, nước ta có đường biên giới kéo dài với ba nước là Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ở phía Bắc, Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào ở phía Tây và Vương quốc Campuchia ở phía Tây nam. Đây là địa bàn trọng yếu, đóng vai trò “phên dậu” của quốc gia, có vị trí quan trọng và luôn tiềm ẩn những vấn đề phức tạp liên quan đến phát triển kinh tế xã hội, ổn định chính trị, đoàn kết dân tộc, đảm bảo quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Vì vậy, phát triển khu vực biên giới có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách vùng miền, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội của các vùng, địa phương tiếp giáp cũng như sự phát triển tổng thể của quốc gia.
Việt Nam là quốc gia đa dân tộc với 54 dân tộc anh em, trong đó có 53 dân tộc thiểu số với hơn 14 triệu người, chiếm khoảng 14,7% dân số cả nước. Hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sống tại miền núi cao, biên giới, vùng sâu, vùng xa. Bởi vậy, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến người DTTS và được cụ thể hóa bằng những chủ trương, chính sách cụ thể để không ai bị bỏ lại phía sau. Các chính sách này không chỉ hướng đến mục tiêu xóa đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách vùng miền mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Đồng thời, các chính sách cũng góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, ổn định tình hình chính trị, đảm bảo quốc phòng - an ninh và bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Hoa Mai, Chủ nhiệm đề tài đánh giá, trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh biên giới đất liền ở Việt nam, giáo dục và y tế có vai trò hết sức quan trọng. Giáo dục góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực cho các địa phương. Y tế góp phần quan trọng trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nâng cao tầm vóc và chất lượng cuộc sống người Việt Nam. Chính vì vậy, có thể khẳng định rằng hai lĩnh vực này góp phần rất quan trọng cho phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa cho các địa phương biên giới đất liền nói riêng và cả nước nói chung.
TS. Nguyễn Thị Hoa Mai nhấn mạnh, theo báo cáo đánh giá phát triển kinh tế xã hội của 53 dân tộc năm 2019 thực hiện bởi Ủy ban dân tộc và Tổng cục Thống kê, cả nước có 424 xã khu vực biên giới với tỷ lệ hộ DTTS nghèo và cận nghèo cao gấp 1,5 lần khu vực khác (48,4%), đồng thời tuổi thọ trung bình của 53 dân tộc thiểu số cũng thấp hơn tuổi thọ trung bình của toàn quốc (70,7 tuổi so với 73,6 tuổi). Tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường của các DTTS đã được cải thiện trong suốt giai đoạn 2009-2019 nhờ các chính sách giáo dục của Đảng nhưng vẫn cao hơn gấp gần 2 lần so với cả nước, đặc biệt càng lên bậc học cao hơn thì càng vắng bóng trẻ em dân tộc thiểu số. Những khó khăn trong lĩnh vực giáo dục và y tế đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống và tương lai của người DTTS.
Cũng theo TS. Nguyễn Thị Hoa Mai cho biết, đề tài đã thực hiện khảo sát thực địa vào cuối năm 2023 tại 4 tỉnh biên giới là Quảng Trị, Lạng Sơn, Kon Tum và An Giang. Tại mỗi địa phương, nhóm nghiên cứu đã có cơ hội trao đổi trực tiếp với người dân sinh sống tại các xã biên giới, đồng thời làm việc với các cơ quan chức năng như Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, Trung tâm Y tế huyện, Đồn Biên phòng và Chi cục Hải quan. Nhờ sự hỗ trợ và tạo điều kiện quý báu từ lãnh đạo các tỉnh, nhóm nghiên cứu đã có vinh dự được đến thăm các cột mốc biên giới thiêng liêng của Tổ quốc, từ đó cảm nhận sâu sắc hơn về sự hi sinh anh dũng của các thế hệ cha anh trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Chủ nhiệm đề tài, TS. Nguyễn Thị Hoa Mai mong muốn thông qua Hội thảo, nhóm đề tài mong muốn có cơ hội để thiết lập các mối quan hệ, tạo sự kết nối trong cộng đồng các nhà khoa học để mở ra những cơ hội trao đổi học thuật, các hợp tác khoa học trong tương lai về vấn đề y tế và giáo dục khu vực biên giới nói riêng và các vấn đề nghiên cứu con người cùng quan tâm.
Các đại biểu tham dự phát biểu, trao đổi, trình bày tham luận tại Hội thảo
Các đại biểu tham dự Hội thảo được nghe 05 báo cáo trình bày, về kết quả khảo sát về giáo dục khu vực biên giới trên đất liền Việt Nam hiện nay; một số vấn đề cần quan tâm về giáo dục khu vực biên giới đất liền Việt Nam; các rào cản trong chăm sóc sức khỏe của người dân các dân tộc thiểu số khu vực biên giới đất liền Việt Nam; tính chất đặc thù của giáo dục khu vực biên giới…
Báo cáo kết quả nghiên cứu, TS. Trần Lệ Thanh, Học viện An ninh Nhân dân chia sẻ, kết quả khảo sát tại các tỉnh biên giới, cho thấy chỉ có 37,6% người dân cho biết họ có đủ điều kiện để cho con đi học; 53% chỉ đủ 1 phần (cần hỗ trợ, vay mượn thêm) và 9,4% thiếu rất nhiều. Nguyên nhân là do thu nhập thấp và điều kiện sống khó khăn ở khu vực biên giới đặc biệt là ở các vùng dân tộc thiểu số, khiến việc chi trả cho học phí, sách vở và các chi phí khác trở nên khó khăn. Điều kiện giao thông không thuận tiện, đường đi học khó khăn, khoảng cách từ nhà đến trường xa (đặc biệt càng lên bậc học cao hơn thì khoảng cách tới trường càng xa hơn), khiến việc đến trường trở nên khó khăn và tốn kém.
TS. Trần Lệ Thanh cũng cho biết, điều kiện về trường lớp học tập đã được cải thiện rõ rệt. Có trên 90% người được khảo sát cho rằng ở địa phương mình có đủ trường, lớp học cho học sinh từ bậc mầm non đến tiểu học, THCS, THPT. Nhờ các chính sách của Nhà nước cho giáo dục, các trường học ở khu vực biên giới đã nhận được sự đầu tư đáng kể trong những năm gần đây, nhằm cải thiện điều kiện học tập và nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh tại các địa bàn còn nhiều khó khăn này. Các chính sách thu hút giáo viên về công tác tại khu vực biên giới như ưu đãi về lương và phụ cấp, hỗ trợ nhà ở và đi lại, đào tạo và bồi dưỡng… cũng giúp giáo viên giảm bớt khó khăn.
Chia sẻ về một số tính chất đặc thù của giáo dục khu vực biên giới, TS. Dương Thị Thanh Hương, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết, mục tiêu của giáo dục khu vực biên giới là phải đảm bảo quyền được giáo dục cho tất cả các đối tượng người học tại khu vực biên giới, đồng thời gắn với bảo vệ an ninh quốc phòng và chủ quyền lãnh thổ, đặc thù kinh tế văn hóa xã hội, bản sắc văn hóa khu vực biên giới với giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam.
TS. Dương Thị Thanh Hương, nhấn mạnh, giáo dục khu vực biên giới vừa có tính đa dạng vừa có tính đặc của giáo dục vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Giáo dục biên giới chịu áp lực của khu vực biên giới về an ninh biên giới và giao lưu quốc tế về kinh tế, văn hóa, xã hội…
Chia sẻ thông tin về vấn đề rào cản trong chăm sóc sức khỏe của người dân các dân tộc thiểu số khu vực biên giới đất liền Việt Nam, PGS.TS. Phạm Tiến Nam, Trường Đại học Y tế Công cộng và NCS. Trương Thị Ly, Trường Đại học Công đoàn cho rằng, Việt Nam đạt được nhiều kết quả tốt về chăm sóc sức khỏe cho người dân nhưng vẫn còn tồn tại những bất bình đẳng về sức khỏe ở người DTTS. Do đặc điểm địa hình khu vực biên giới đất liền của Việt Nam chủ yếu là khu vực miền núi, vùng cao nên đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Người dân tộc thiểu số đặc biệt là người dân tộc thiểu số khu vực miền núi vẫn đang gặp rất nhiều hạn chế trong chăm sóc sức khỏe.
PGS.TS. Phạm Tiến Nam và NCS. Trương Thị Ly nhấn mạnh đến rào cản về nhận thức của người dân DTTS thường tự điều trị, không nhận biết được các dấu hiệu nguy hiểm của bệnh, ít được nhận các dịch vụ đắt tiền và thường ít sử dụng các dịch vụ tương đương như bệnh nhân người Kinh. Những rào cản về phong tục, tập quán và quan niệm nên vẫn còn tình trạng người dân không sử dụng các dịch vụ y tế khi sinh con và lựa chọn sinh con tại nhà…
Hội thảo là diễn đàn để các đại biểu chia sẻ các kết quả nghiên cứu, thảo luận, trao đổi các quan điểm về các kiến thức, thông tin, kinh nghiệm nghiên cứu về những vấn đề liên quan đến thực trạng giáo dục, y tế khu vực biên giới trên đất liền Việt Nam. Từ đó, đề xuất một số giải pháp với các cơ quan liên quan nhằm phát triển giáo dục và y tế khu vực biên giới trên đất liền Việt Nam góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh trong điều kiện hiện nay.
PV.