Hội thảo khoa học “Phát triền bền vững vùng ven biển Việt Nam: Thực trạng và giải pháp"
  • 3.5 top logo - tin hoi nghi hoi thao

Hội thảo khoa học “Phát triền bền vững vùng ven biển Việt Nam: Thực trạng và giải pháp"

19/11/2024

Trong khuôn khổ thực hiện Đề tài trọng điểm cấp Bộ “Biển Việt Nam phục vụ mục tiêu bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước” thuộc Chương trình “Khoa học xã hội và nhân văn về biển của Việt Nam phục vụ mục tiêu bảo vệ và phát triển đất nước”do PGS.TS. Trần Thị Lan Hương, Trưởng ban Ban Quản lý Khoa học làm Chủ nhiệm Chương trình – Chủ nhiệm Đề tài, ngày 18/11/2024, tại trụ sở số 1B Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm – VASS) tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển bền vững vùng ven biển Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”.

Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học, chuyên gia và các giảng viên đến từ các viện nghiên cứu trực thuộc Viện Hàn lâm, Viện Nghiên cứu quản lý biển và hải đảo, VIện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, các trường đại học đóng tại địa bạn Hà Nội, đại biểu đến từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các thành viên trong nhóm thực hiện Đề tài.

Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Trần Thị Lan Hương nhiệt liệt chào mừng sự có mặt đông đủ của các đại biểu cùng các vị khách quý đã có mặt trong buổi Hội thảo và cho biết, Chương trình trọng điểm cấp Bộ “Khoa học xã hội và nhân văn về biển của Việt Nam phục vụ mục tiêu bảo vệ và phát triển đất nước” (gọi tắt là Chương trình Biển), được thực hiện trong giai đoạn 5 năm (2020-2024) với mục tiêu “Nghiên cứu tổng hợp các tri thức khoa học xã hội và nhân văn về biển của Việt Nam” nhằm cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho Đảng và nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược và chính sách đối với biển và đại dương của Việt Nam từ nay đến năm 2035, tầm nhìn 2045 nhằm góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo và phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đến nay, các Đề tài của Chương trình đều đã được nghiệm thu, phần lớn đạt từ loại khá trở lên. Đã có hơn 50 bài báo khoa học được xuất bản tại các tạp chí trong nước và quốc tế liên quan đến các nội dung được triển khai trong Chương trình, cùng hàng loạt các kỷ yếu hội thảo, các báo cáo chắt lọc, kiến nghị và các bản thảo sách đang chờ xuất bản; góp phần bổ sung các khoàng trống nghiên cứu về biển Đông của Việt Nam trong thời gian trước đó, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn,  bổ sung thêm các công trình nghiên cứu và các xuất bản phẩm nghiên cứu về biển Đông, cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho đảng, chính phủ và các cơ quan chức năng trong việc hoạch định đường lối, chiến lược, chính sách về biển Đông của Việt Nam từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2045 nhằm góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo và phát triển kinh tế - xã hội bền vững; và Hội thảo ngày hôm nay nằm trong Đề tài Mũ của Chương trình và dự kiến sẽ được nghiệm thu vào đầu năm tới.

PGS.TS. Trần Thị Lan Hương khẳng định, mặc dù có nhiều tiềm năng và đạt được các kết quả trong phát triển bền vững vùng ven biển, nhưng Việt Nam vẫn gặp các thách thức và rủi ro do môi trường trong nước và thế giới mang lại. Theo đánh giá của Liên hợp quốc, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Thời tiết cực đoan, nước biển dâng, thiên tai bão lũ, sự nóng lên của trái đất…đã và đang tác động nặng nề đến phát triển bền vững vùng ven biển ở Việt Nam. Bởi vậy, tại Hội thảo khoa học này, một trong chuỗi các sự kiện khoa học của Chương trình Biển, sẽ tập trung làm rõ thực trạng và những vấn đề đặt ra trong phát triển bền vững các vùng ven biển Việt Nam,  từ đó đề xuất kiến nghị giải pháp phát triển bền vững các vùng ven biển Việt Nam trong thời gian tới. PGS.TS. Trần Thị Lan Hương muốn qua Hội thảo này, Ban Chủ nhiệm Chương trình Biển có thêm luận cứ khoa học và thực tiễn để thực hiện Chương trình, từ đó có những kiến nghị thiết thực đối với Đảng, chính phủ và các tỉnh/ngành liên quan.

TS. Nguyễn Tiến Minh trình bày báo cáo tham luận tại Phiên thứ nhất

Hội thảo nhận được 9 tham luận trong đó 6 tham luận được trình bày, chia làm hai phiên: 

Phiên thứ nhất trao đổi về các vấn đề về phát triển kinh tế bền vững vùng ven biển với 03 bài tham luận: (1) “Phát triển bền vững trong thu hút FDI vào vùng ven biển Việt Nam trong bối cảnh mới” do TS. Lê Xuân Sang, Viện Kinh tế Việt Nam, VASS, trình bày; (2) “Phát triển du lịch bền vững vùng biển thông qua xây dựng liên kết vùng” do TS. Nguyễn Tiến Minh, Phó trưởng khoa, Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN trình bày; (3) “Mô hình du lịch cộng đồng vùng ven biển ở thành phố Hồ Chí Minh” do PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy, Viện KHXH Vùng Nam Bộ, VASS trình bày.

ThS. Nông Bằng Nguyên trình bày báo cáo tại Phiên thứ hai

Phiên thứ hai, tập trung thảo luận về phát triển xã hội, môi trường bền vững vùng ven biển với 03 bài tham luận: (1) “Phát triển năng lượng tái tạo từ biển phục vụ mục tiêu phát triển bền vững” do TS. Dư Văn Toán, Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo, Tổng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam trình bày; (2) “Đánh giá tổn thương sinh kế dưới tác động của biến đổi khí hậu: nghiên cứu trường hợp huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định” do ThS. Nông Bằng Nguyên, Viện Dân tộc học, VASS trình bày; (3) “Nâng cao hiệu quả quản lý đất bãi bồi ven biển tại Việt Nam” do ThS. Nguyễn Thị Thu Hà, Viện Địa lý nhân văn trình bày.

 

Các đại biểu đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận

Trên cơ sở các tham luận, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi và có những chia sẻ thẳng thắn tập trung vào một số vấn đề: (i) Xác định rõ sự khác nhau giữa kinh tế ven biển và khu công nghiệp biển, các khu kinh tế này liệu có làm cản trở sự phát triển của nhau hay không; (ii) Có những đánh giá cụ thể hơn về vai trò ứng dụng khoa học và công nghệ để phát triển bền vững trong bối cảnh đất nước đang tập trung ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; (iii) Giải quyết bài toán liên kết vùng với phát triển bền vững; (iv) Nghiên cứu phát triển thí điểm cơ chế chi trả tài chính theo lĩnh vực nhằm bảo vệ tài nguyên, phát triển du lịch…; (v) Nên chăng có những khuyến nghị đến cơ quan có thẩm quyền để sớm phân định ranh giới trên biển, tránh tình trạng tranh chấp đánh bắt hải sản và các nguồn lợi khác liên quan; (vi) Làm rõ hơn yếu tố nào giúp Nam Định ít dễ bị tổn thương hơn so với các khu vực khác để từ đó làm bài học kinh nghiệm cho các khu vực khác; (vii) Cần có nghiên cứu sâu hơn đối với hướng phát triền vùng biển khơi xa như đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ, Phú Quốc, Côn Đảo…

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS.TS. Trần Thị Lan Hương gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các chủ nhiệm các đề tài thuộc Chương trình Biển, đặc biệt là các vị đại biểu đã nhiệt thành có những đóng góp hết sức quý báu thông qua các bài tham luận cũng như những góp ý tại Hội thảo này.

Với những đóng góp của các đề tài thuộc Chương trình, Ban Chủ nhiệm đã thu được một số kết quả bước đầu như sau: Thứ nhất, nhìn nhận biển là một tiềm năng lớn, thông qua các chính sách nghị quyết, chúng ta đã tạo được công ăn việc làm cho người dân; Thứ hai, thu nhập của người dân từ biển tăng lên sau khi nhận thức biển là quan trọng; Thứ ba, chuyển đổi và hiện đại hóa các ngành kinh tế biển; Thứ tư, liên kết các vùng biển cũng đã được mở rông, mặc dù trong liên kết này chúng ta cũng còn những hạn chế nhất định; Thứ năm, thực hiện tốt việc hội nhập giữa vùng biển và đất liền, giữa trong nước và quốc tế. Và nhờ vào nguồn lợi của biển chúng ta đang tiến tới sự thịnh vượng quốc gia.

Mặc dù đạt được một số kết quả như vậy, nhưng thông qua các báo cáo tham luận cũng như ý kiến của các đại biểu thảo luận, PGS.TS. Trần Thị Lan Hương, Chủ nhiệm Chương trình Biển chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại:

(i) Mặc dù có chiến lược phát triển kinh tế biển, thực hiện Nghị quyết các chiến lược phát triển bền vững nhưng dường như chúng ta vẫn thiếu tầm nhìn;

(ii) Thiếu quy hoạch và triển khai kế hoạch không đồng bộ;

(iii) Thiếu sự chuyển đổi các mô hình kinh tế biến tuyến tính, đơn tính sang đa tính.

(iv) Thiếu sự huy động nguồn lực một cách khoa học, hiệu quả và bài bản theo lộ trình để có thể phát triển bền vững.

Cuối cùng, PGS.TS. Trần Thị Lan Hương khẳng định, Hội thảo hôm nay đã thu nhận được nhiều thông tin hữu ích giúp Chủ nhiệm Chương trình Biển cũng như các chủ nhiệm Đề tài thuộc Chương trình có thêm luận cứ khoa học và thực tiễn để hoàn thiện Chương trình trong thời gian tới, từ đó có những kiến nghị thiết thực đối với Đảng, chính phủ và các tỉnh, ngành liên quan./.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Nguyễn Minh Hồng

Các tin đã đưa ngày: