Hội thảo khoa học quốc gia “Danh nhân Nguyễn Duy Thì (1572-1652) và đóng góp của dòng họ Nguyễn Duy trong lịch sử dân tộc”
  • 3.5 top logo - tin hoi nghi hoi thao

Hội thảo khoa học quốc gia “Danh nhân Nguyễn Duy Thì (1572-1652) và đóng góp của dòng họ Nguyễn Duy trong lịch sử dân tộc”

10/01/2025

Sáng ngày 09/01/2025, tại thành phố Vĩnh Yên, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm-VASS) tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Danh nhân Nguyễn Duy Thì (1572-1652) và đóng góp của dòng họ Nguyễn Duy trong lịch sử dân tộc”. Hội thảo nhằm làm rõ về thân thế, sự nghiệp, công lao của danh nhân Nguyễn Duy Thì và đóng góp của dòng họ Nguyễn Duy trong lịch sử dân tộc, từ đó đề xuất cho tỉnh Vĩnh Phúc có những định hướng lớn trong công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa ngay trên quê hương các vị danh nhân.

Tham dự Hội thảo, về phía Viện Hàn lâm có PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; TS. Lê Quang Chắn, Phó Viện trưởng điều hành Viện Sử học; PGS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ, Nguyên Phó Viện trưởng phụ trách Viện Sử học, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Sử học cùng nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đến từ các viện, trường, trung tâm nghiên cứu ở Hà Nội.

Về phía tỉnh Vĩnh Phúc có đồng chí Nguyễn Khắc Hiếu, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Ngô Chí Tuệ, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đồng chí Nguyễn Minh Trung, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; các đồng chí là lãnh đạo các sở, ban, ngành, các cơ quan đơn vị thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, huyện Bình Xuyên và thị trấn Thanh Lãng, cùng các ông bà, đại diện dòng họ danh nhân Nguyễn Duy Thìn.

Tham dự Hội thảo còn có GS.TS. Nguyễn Văn Kim, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia; đồng chí Trần Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, TS. Nguyễn Hữu Mùi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long.

Đồng chí Nguyễn Khắc Hiếu, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Tỉnh</br> Vĩnh Phúc phát biểu chào mừng và khai mạc Hội thảo   PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm </br>phát biểu Đề dẫn Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, thay mặt các đồng chí Lãnh đạo tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc, đồng chí Nguyễn Khắc Hiếu, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc gửi lời chào trân trọng, lời cảm ơn chân thành và lời chúc tốt đẹp nhất đến quý vị đại biểu, các giáo sư, nhà khoa học đã quan tâm và nhận lời mời tham dự hội thảo; đồng thời cho biết trong lịch sử 765 năm của nền khoa cử Nho học ở Việt Nam, từ năm 1124 (triều Lý) đến năm 1889 (triều Nguyễn), tỉnh Vĩnh Phúc có 91 người đỗ Tiến sĩ (đại khoa) ở cả ngạch văn và ngạch võ, tiêu biểu như: Trạng nguyên Phạm Công Bình (triều Lý); Đao Sư Tích (triều Trần); Lưỡng quốc Trạng nguyên Triệu Thái (thời Lê sơ)…; nhiều làng được mệnh danh làng khoa bảng như: làng Quan Tử (xã Sơn Đông), làng Hoàng Chung (xã Đồng Ích)… Với bề dày lịch sử và truyền thống quý báu đó đã kết tinh và hội tụ nên các giá trị di sản văn hóa, tạo nên sắc thái đặc trưng của vùng đất, con người Vĩnh Phúc: Anh hùng góp mặt, khoa bảng đề danh, luôn nằm trong dòng chủ lưu văn hóa của lịch sử dân tộc Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Khắc Hiếu nhấn mạnh, theo dòng lịch sử, dưới thời Lê Trung hưng (thế kỷ XVI-XVII) xã Thanh Lãng, thuộc huyện Yên Lãng, phủ Tam Đái, trấn Sơn Tây, nay là thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc là nơi phát tích của thủy tổ dòng họ Nguyễn Duy có tới 12 vị Tiến sỹ khoa bảng, đặc biệt có gia đình từ cha, con, chú, cháu trong cùng chi họ nhiều thế hệ tiếp nối đều có người đỗ đạt, làm quan dưới thời Lê - Trịnh, trong đó cha, con hai vị Hoàng giáp Nguyễn Duy Thì (1572-1652) và Nguyễn Duy Hiểu (1602-1639) là một minh chứng điển hình. Với danh nhân Nguyễn Duy Thì, người học rộng, tài cao, giữ nhiều chức trách quan trọng trong triều đình, giúp vương triều phong kiến thời Lê - Trịnh củng cố, ổn định đất nước thời Lê Trung hưng. Cuộc đời, sự nghiệp cùng những công lao đóng góp của danh nhân Hoàng giáp Nguyễn Duy Thì đã được các tư liệu lịch sử ghi chép khá phong phú, tin cậy, giúp chúng ta hiểu sâu sắc, chân thực về con người, cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp của Ông cho dòng họ, quê hương và đất nước thế kỷ XVI-XVII.

Chủ trì Hội thảo

(Từ trái sang: đ/c Ngô Chí Tuệ, TUV, GĐ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc; đ/c Nguyễn Khắc Hiếu, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc; PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ, Chủ tịch HĐKH Viện Sử học; TS. Lê Quang Chắn, Phó Viện trưởng điều hành Viện Sử học)

Qua buổi Hội thảo này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Khắc Hiếu mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học và các nhà quản lý chuyên ngành có những đề xuất giúp cho tỉnh Vĩnh Phúc có những định hướng lớn trong công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa ngay trên quê hương các vị danh nhân, đồng thời động viên, gắn kết chặt chẽ các chi họ, dòng họ “Nguyễn Duy” từ mọi miền đất nước, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” góp sức, chung tay trong sự nghiệp xây dựng và phát triển con người Vĩnh Phúc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra hướng tới các nhiệm kỳ tiếp theo trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, thay mặt Lãnh đạo Viện Hàn lâm và Ban Tổ chức Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm cho biết, trên cơ sở kế thừa hai cuộc hội thảo có liên quan tới danh nhân Nguyễn Duy Thì đã được tổ chức vào năm 1992 và 2016, Hội thảo hôm nay đã tổng hợp, bổ sung đánh giá, làm rõ thêm về thân thế, sự nghiệp, công lao và những đóng góp đối với quê hương, đất nước qua các giai đoạn lịch sử của danh nhân Hoàng giáp, Tham tụng Nguyễn Duy Thì và dòng họ Nguyễn Duy; cung cấp cơ sở khoa học và đề xuất những định hướng lớn, giải pháp quan trọng trong việc gìn giữ, kế thừa và phát huy giá trị của những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và tư liệu của các dòng họ ở Việt Nam, trong đó có dòng họ Nguyễn Duy.

Tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm đề nghị các nhà khoa học, nhà quản lý cũng như hậu duệ dòng họ Nguyễn Duy tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến và làm rõ một số vấn đề sau đây: (i) Làm rõ hơn về năm sinh, năm mất của hai cha con Hoàng giáp Nguyễn Duy Thì và Nguyễn Duy Hiểu; (ii), Đánh giá đầy đủ và toàn diện hơn nữa vị trí, vai trò và đóng góp của Tham tụng Nguyễn Duy Thì trong bối cảnh đất nước Đại Việt thế kỷ XVII. Đóng góp của các thế hệ hậu duệ dòng họ Nguyễn Duy trải dài trên nhiều lĩnh vực nên cũng cần được quan tâm nhiều hơn nữa; (iii) Sau hội thảo này đề nghị các nhà khoa học và dòng họ tiếp tục sưu tầm, tập hợp các nguồn tư liệu liên quan đến nhân vật Nguyễn Duy Thì, Nguyễn Duy Hiểu nói riêng, dòng họ Nguyễn Duy nói chung, từ đó dịch thuật, phổ biến; (iv) Nêu lên những định hướng lớn trong công tác bảo tồn, tôn tạo, tôn vinh và phát huy di sản của dòng họ Nguyễn Duy gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Quang cảnh Hội thảo

Trong số các bài viết gửi về, Ban Tổ chức lựa chọn 53 bài tham luận có chất lượng in kỷ yếu, được chia làm 4 chủ đề chính: (i) Quê hương và nguồn gốc của dòng họ Nguyễn Duy. Với 13 bài tham luận tập trung làm rõ truyền thống lịch sử, văn hóa của vùng đất địa linh, nhân kiệt Kẻ Láng - Thanh Lãng nói riêng, của Bình Xuyên và Vĩnh Phúc nói chung; (ii) Thời đại lịch sử và sự nghiệp của Tham tụng Nguyễn Duy Thì, với 18 bài tham luận phân tích bối cảnh lịch sử Đại Việt cũng như khu vực Đông Á thế kỷ XVI-XVII, trong đó nhấn mạnh vào thể chế “lưỡng đầu” của thời kỳ Lê Trung hưng, vấn đề họ Mạc, vụ biến loạn năm 1619-1623…; (iii) Hoàng giáp Nguyễn Duy Hiểu và đóng góp của dòng họ Nguyễn Duy trong lịch sử dân tộc, bao gồm 14 bài tham luận của chủ đề này đã đi sâu nghiên cứu về gia thế, sự nghiệp của Hoàng giáp Nguyễn Duy Hiểu và đóng góp của dòng họ Nguyễn Duy; (iv) Bảo tồn, tôn tạo và phát huy di sản của dòng họ Nguyễn Duy, với 8 bài tham luận phản ánh kết quả khảo sát, nghiên cứu các di tích mộ cổ phát hiện tại thị trấn Thanh Lãng, đặc biệt là khảo tả kỹ lưỡng và nêu bật giá trị về lịch sử, văn hóa của Đền thờ Nguyễn Duy Thì ở thị trấn Thanh Lãng. Trên cơ sở đó các tác giả bài viết đề xuất các phương án bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích cũng như công tác giáo dục lịch sử tại địa phương.

 

 

Đại biểu trình bày báo cáo tham luận tại Hội thảo

Tại Hội thảo, Ban Tổ chức lựa chọn 12 báo cáo tham luận tiêu biểu đại diện cho 4 nhóm chủ đề nêu trên từ các diễn giả (TS. Nguyễn Hữu Tâm, Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Trung Quốc, Trường Đại học Đại Nam; ông Lưu Văn Trọng, Bí thư Đảng ủy thị trấn Thanh Lãng; Mai Văn Trung, Hội Sử học Vĩnh Phúc; PGS.TS. Nguyễn Minh Tường, Viện Sử học, VASS; TS. Lê Quang Chắn, Viện Sử học, VASS; TS. Nguyễn Hữu Mùi, Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long; TS. Nguyễn Văn Tú, Trung tâm HĐ VHKH Văn Miếu-Quốc Tử Giám; PGS.TS. Nguyễn Thị Huế, Viện Văn học, VASS; PGS.TS. Vũ Duy Mền, Viện Sử học, VASS; TS. Nguyễn Văn Dũng, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội II và ông Nguyễn Duy Mùi, Trưởng dòng họ Nguyễn Duy).

Ông Nguyễn Duy Mùi, Trưởng họ Nguyễn Duy trình bày tại Hội thảo báo cáo </br>“Truyền thống hiếu học và thành đạt dòng họ Nguyễn Duy”

Qua các báo cáo tham luận cũng như những ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và đại biểu, Hội thảo đã làm sáng tỏ một số nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, quê hương Yên Lãng xưa, Thanh Lãng nay có truyền thống hiếu học, khoa bảng và cách mạng, là vùng đất địa linh nhân kiệt của Bình Xuyên cũng như của Vĩnh Phúc. Nơi đây cũng là cái nôi hình thành nhiều dòng họ lớn, trong đó có dòng họ Nguyễn Duy. Vốn có nguồn gốc từ Lý Hải (nay thuộc xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên), dòng họ Nguyễn Duy đã phát triển, mở rộng và trở thành “danh gia thế phiệt” ở Yên Lãng từ thế kỷ XVI với hai cha con kế thế đăng khoa là Hoàng giáp Nguyễn Duy Thì và Nguyễn Duy Hiểu.

Thứ hai, khẳng định công lao, đóng góp to lớn của Hoàng giáp, Tham tụng Nguyễn Duy Thì với đất nước Đại Việt thế kỷ XVI-XVII. Ông cũng là người có nhiều công trạng trong xây dựng và ổn định triều chính, thể hiện rõ nhất qua tư tưởng “dĩ dân vi bản” trong bài khải Đạo trị nước năm 1612. Bên cạnh những đóng góp to lớn trên lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao, Nguyễn Duy Thì còn tham gia đào tạo, tuyển chọn nhiều nhân tài cho đất nước…

Thứ ba, khẳng định công tích, sự trạng của Hoàng giáp Nguyễn Duy Hiểu, người con đã kế thừa xuất sắc sự nghiệp vẻ vang của cha là Hoàng giáp Nguyễn Duy Thì, đặc biệt trên lĩnh vực bang giao.

Thứ tư, công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy di sản văn hóa của dòng họ Nguyễn Duy đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Bên cạnh đền thờ Nguyễn Duy Thì được giữ gìn, trùng tu, chính quyền địa phương và con cháu rất tích cực sưu tầm, dịch thuật các nguồn tư liệu liên quan; việc tìm kiếm mộ phần của các vị tổ họ cũng như của hai cha con Nguyễn Duy Thì, Nguyễn Duy Hiểu thu được kết quả bước đầu. Công tác giáo dục truyền thống lịch sử luôn được quan tâm. 

TS. Lê Quang Chắn, Phó Viện trưởng điều hành Viện Sử học phát biểu kết luận Hội thảo

Phát biểu kết luận Hội thảo, TS. Lê Quang Chắn, Phó Viện trưởng điều hành Viện Sử học khẳng định, với những thông tin được tìm hiểu và khái thác tại bộ sách Đại Việt sử ký toàn thư thì Nguyễn Duy Thì mất vào tháng 9 mùa Thu năm Tân Mão, chuyển sang dương lịch vào khoảng tháng 10 năm 1651. Vì vậy, chắc chắn năm mất của Ông là 1651. Đối với Hoàng giáp Nguyễn Duy Hiểu, ông không mất trên đường đi sứ, mà “hoàn thành việc nước, có công, mất khi đang tại chức”. Đây là quan điểm được nhiều nhà nghiên cứu trong Hội thảo đồng tình, ủng hộ. Ngoài ra, việc sưu tầm, tổng hợp và dịch thuật các nguồn tư liệu liên quan đến di tích, nhân vật và dòng họ Nguyễn Duy đã được tiến hành và sẽ tiếp tục triển khai một cách đồng bộ, đầy đủ hơn. Về những hình thức tôn vinh, nhân vật Nguyễn Duy Thì đã được đặt tên đường phố ở thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) và quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), tên trường học (cấp PTCS, PTTH ở huyện Bình Xuyên). Các nhân vật khác như Nguyễn Duy Hiểu, Nguyễn Duy Tường… cũng nên xem xét, đưa vào danh mục đặt tên đường phố của tỉnh Vĩnh Phúc. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề xuất những định hướng lớn trong việc trùng tu, tôn tạo đền thờ Nguyễn Duy Thì gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc).

Đặc biệt, Ban Tổ chức Hội thảo cũng có một số đề nghị đối với UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc và UBND huyện Bình Xuyên trong việc quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy di sản văn hóa (cả di sản vật thể, phi vật thể và tư liệu) của dòng họ Nguyễn Duy. Tiếp tục khảo sát, điều tra, sưu tầm các nguồn tài liệu liên quan đến dòng họ Nguyễn Duy cũng như tăng cường công tác giáo dục gắn với kế thừa, phát huy truyền thống của các dòng họ, các nhân vật lịch sử tiêu biểu, nhất là trong chương trình giáo dục lịch sử địa phương ở cấp học THPT, PTCS tại tỉnh Vĩnh Phúc.

 

Đ/c Ngô Chí Tuệ, TUV, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu bế mạc Hội thảo

Trong bài phát biểu bế mạc Hội thảo, đồng chí Ngô Chí Tuệ, TUV, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc cũng khẳng định, Hội thảo khoa học quốc gia lần này có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ góp phần làm sáng tỏ thân thế sự nghiệp của nhà khoa bảng về truyền thống hiếu học của dòng họ mà còn là dịp để chúng ta tưởng nhớ tấm gương sáng của bậc tiền nhân, góp phần bảo tồn di sản của bậc cha ông, từ đó động viên khích lệ thế hệ trẻ noi gương tiếp nối, giữ gìn và phát huy tinh hoa văn hóa của quê hương, dân tộc và dòng họ; đồng thời phát huy cao hơn nữa giá trị lịch sử văn hóa và di tích lịch sử đền thờ Nguyễn Duy Thì trong thời kỳ đẩy mạnh xây dựng và phát triển văn hóa, gắn với giáo dục truyền thống văn hóa và phát triển du lịch trên địa bàn Tỉnh..

Với những đóng góp quý báu của Viện Hàn lâm, đặc biệt là các đơn vị như: Viện Sử học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Văn học, Viện Khảo cổ học… cùng một số cơ quan quản lý văn hóa, trường đại học ở Trung ương không chỉ ở vấn đề định hướng mà còn là những bài tham luận hàm chứa giá trị học thuật cao, đã bước đầu giải quyết được những mong muốn và kỳ vọng của tỉnh Vĩnh Phúc nói chung và huyện Bình Xuyên nói riêng trong việc nghiên cứu về danh nhân Nguyễn Duy Thì và đóng góp của dòng họ Nguyễn Duy trong lịch sử dân tộc.

Cũng trong khuôn khổ chương trình Hội thảo khoa học cấp quốc gia, trước đó, chiều ngày 08/01/2025, TS. Lê Quang Chắn, cùng các đại biểu tham dự hội thảo và đại diện dòng họ Nguyễn Duy do đồng chí Nguyễn Khắc Hiếu, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND làm trưởng đoàn đã đến dâng hương tưởng nhớ Danh nhân Nguyễn Duy Thì tại Đền thờ Nguyễn Duy Thì, Tổ dân phố Đoàn Kết, thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên.

 

Một góc trưng bày tư liệu hình ảnh tại Hội thảo

Nguyễn Minh Hồng

Các tin đã đưa ngày: