Tham dự Hội thảo, về phía Hội Địa lý Việt Nam có GS.TS. Nguyễn Cao Huần, Chủ tịch Hội; GS.TSKH. Phạm Hoàng Hải, GS.TS. Trương Quang Hải và PGS.TS. Đặng Văn Bào, Phó Chủ tịch Hội.
Về phía các đại biểu VASS có PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Con người; TS. Lê Văn Hùng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu phát triển bền vững Vùng; PGS.TS. Đặng Thị Hoa, Viện trưởng Viện Tâm lý học; PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Mỹ; PGS.TS. Nguyễn Duy Lợi, Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học xã hội; TS. Bùi Thị Bích Lan, Phó Viện trưởng Viện Dân tộc học; TS. Nguyễn Xuân Khoát, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng CNTT và các cán bộ nghiên cứu của các viện nghiên cứu chuyên ngành trực thuộc VASS.
Về phía các đại biểu ngoài VASS có PGS.TS. Nguyễn Đăng Hội, Viện trưởng Viện Sinh Thái nhiệt đới, Trung tâm nhiệt đới Việt- Nga; TS. Vũ Kim Chi, Phó Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển; TS. Cao Lệ Quyên, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và quy hoạch thủy sản; PGS.TS. Hoàng Thị Thu Hương, Phó Chủ nhiệm Khoa Địa lý, Trường Đại học KHTN, ĐHQG Hà Nội; TS. Đặng Vũ Khắc- Phó Chủ nhiệm Khoa Địa lí- Đại học sư phạm Hà Nội; TS. Trần Thiện Cường- Phó Chủ nhiệm Khoa Môi trường, Trường Đại học KHTN, ĐHQG Hà Nội; PGS.TS. Kiều Quốc Lập, Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên; TS. Lê Thanh Hòa, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; ThS. NCS. Nguyễn Thị Thanh Nga, Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư...
Về phía Viện Địa lý nhân văn có TS. Nguyễn Song Tùng, Viện trưởng; TS. Bùi Thị Vân Anh, Phó Viện trưởng; cùng toàn thể viên chức của Viện Địa lí nhân văn.

Phát biểu chỉ đạo và khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm nhiệt liệt cảm ơn sự góp mặt của đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các quý vị đại biểu và cho biết, phát triển bền vững đã trở thành mục tiêu và là niềm hy vọng lớn của toàn nhân loại; tiếp tục trở thành định hướng phát triển được các quốc gia trên thế giới nỗ lực hướng tới. Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc diễn ra vào tháng 9 năm 2015 đã thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (SDGs) với 17 mục tiêu chung và 169 mục tiêu cụ thể. Các mục tiêu phát triển bền vững kêu gọi hành động toàn cầu nhằm xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và khí hậu trái đất, đảm bảo mọi người ở khắp mọi nơi có thể tận hưởng hòa bình và thịnh vượng.
Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khẳng định, phát triển bền vững xác lập các mục tiêu cụ thể cho một giai đoạn nhất định của phát triển để đạt sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường, từng bước xây dựng môi trường kinh tế - xã hội thích hợp nhằm tạo ra môi trường nhân tạo tối ưu nhất trong mối quan hệ giữa sự vận động của môi trường tự nhiên và môi trường kinh tế - xã hội theo không gian và thời gian.
Tại Hội thảo này, PGS.TS Nguyễn Đức Minh đề nghị các nhà khoa học nghiên cứu, đề xuất, thảo luận, gợi mở các vấn đề mới về lý luận và thực tiễn của phát triển bền vững lãnh thổ, phát triển bền vững ngành, lĩnh vực; đồng thời, xác định được các nhiệm vụ nghiên cứu mang tầm chiến lược cho khoa học địa lí nhân văn đến năm 2030 góp phần thực hiện Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các Chỉ thị, Nghị quyết của Ban Bí thư, Bộ Chính trị, tham gia vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững đất nước.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS. Nguyễn Song Tùng, Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn cho biết, Địa lí nhân văn là phân ngành chính của khoa học Địa lí, nghiên cứu về mối quan hệ tương tác giữa con người và tự nhiên; tập trung vào cách thức khai thác, sử dụng và quản lý tài nguyên, môi trường trong chứa đựng không gian thông qua cách tiếp cận, quan điểm và công cụ có tính đặc thù. Với ưu thế là khoa học có tính liên ngành cao; kết hợp với tiến trình phát triển của nhận thức, nhất là khoa học công nghệ đã và đang góp phần quan trọng trong tìm kiếm các giải pháp đột phá, hiệu quả trên cơ sở phát huy được lợi thế, tiềm năng, đặc trưng của lãnh thổ cho các mục tiêu phát triển và giải quyết các mối quan hệ xã hội - tự nhiên.
TS. Nguyễn Song Tùng cho rằng, địa lí nhân văn với ưu thế là khoa học có tính liên ngành cao; kết hợp với tiến trình phát triển của nhận thức, nhất là khoa học công nghệ đã và đang góp phần quan trọng trong việc tìm kiếm các giải pháp đột phá, hiệu quả trên cơ sở phát huy được lợi thế, tiềm năng, đặc trưng của lãnh thổ cho các mục tiêu phát triển và giải quyết các mối quan hệ xã hội - tự nhiên. Các kết quả nghiên cứu địa lí nhân văn có tính tổng hợp, hệ thống, đảm bảo tính khoa học, khách quan trong đề xuất các chiến lược phát triển nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực, thúc đẩy thay đổi tích cực và phát triển theo hướng bền vững. Địa lí nhân văn với tiếp cận toàn diện, cân bằng và tích hợp các khía cạnh phát triển bền vững, góp phần quan trọng trong giải quyết hiệu quả mối quan hệ hài hòa giữa con người và môi trường trong tiến trình phát triển. Bởi vậy, hội thảo quốc gia này một lần nữa nhằm khẳng định vai trò và sự đóng góp quan trọng của các nhà nghiên cứu khoa học địa lí trong thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững Việt Nam thông qua nhận diện các vấn đề, thách thức trong phát triển và các giải pháp trong giải quyết các thách thức này dưới tiếp cận khoa học địa lí. Đồng thời, hội thảo cũng là diễn đàn để đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học nghiên cứu liên ngành, đa ngành từ nhiều ngành khoa học tự nhiên, khoa học xã hội công bố, chia sẻ những nghiên cứu về phát triển bền vững.

Trong số các bài viết gửi về, Ban tổ chức đã lựa chọn 42 bài tham luận có chất lượng ở các khía cạnh của địa lí nhân văn và phát triển bền vững, được phân chia thành 5 chủ đề, gồm: (i) Địa lí nhân văn trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam; (ii) Địa lí nhân văn đối với phát triển bền vững theo lãnh thổ; (iii) Địa lí nhân văn đối với phát triển bền vững ngành và lĩnh vực; (iv) Xây dựng nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển triển bền vững; và (v) Ứng dụng công nghệ địa lí – GIS trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Các bài tham luận đã được biên tập và xuất bản Kỷ yếu có chỉ số ISBN.

Tại Hội thảo này, các đại biểu được nghe 05 báo cáo của các diễn giả (ThS. NCS. Nguyễn Thị Thanh Nga, Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; TS. Lê Thanh Hòa, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; TS. Trần Thị Tuyết và TS. Phạm Thị Trầm, Viện Địa lý nhân văn, VASS; PGS.TS. Kiều Quốc Lập, Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên) tập trung trình bày các nội dung về Tổng quan việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam; Tiếp cận địa lý nhân văn trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; Thúc đẩy việc làm bền vững tại Việt Nam; Nghiên cứu các yếu tố phát sinh và đề xuất giải pháp cảnh báo lũ quét tại tỉnh Lai Châu; Du lịch trở thành động lực hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

Theo ThS. Nguyễn Thị Thanh Nga, trong 5 năm vừa qua, Việt Nam được đánh giá là có những bước phát triển khá tốt về thực hiện SDGs kể từ năm 2015. Năm 2017, Việt Nam đứng thứ 69, tăng lên hạng 49 vào năm 2020. Tuy nhiên, năm 2022, Việt Nam đứng ở vị trí 55. Xét trong khu vực châu Á, Việt Nam được đánh giá khá tốt về tiến độ chung trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, nhưng việc duy trì mức độ tiến bộ còn gặp nhiều thách thức trong tăng trưởng kinh tế, quản lý phát triển xã hội, quá trình đô thị hóa… đặc biệt là áp lực cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 trong bối cảnh thiếu hụt về tài nguyên, năng lượng, trình độ phát triển KH&CN.

Đề cập đến vấn đề du lịch với mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, TS. Phạm Thị Trầm, Viện Địa lý nhân văn chỉ ra mối quan hệ giữa du lịch và các mục tiêu phát triển bền vững trong khuôn khổ Chương trình nghị sự 2030 cũng như vai trò của các bên liên quan và liên hệ với trường hợp thực tiễn của Việt Nam nhằm làm rõ vai trò của phát triển du lịch trong việc đạt được sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đến năm 2025 “Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, phấn đấu thuộc nhóm ba quốc gia dẫn đầu về phát triển du lịch trong khu vực Đông Nam Á và 50 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới”, TS. Phạm Thị Trầm cho rằng, các bộ, ngành và chính quyền địa phương cần hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển du lịch phù hợp với từng giai đoạn và phù hợp đặc thù mỗi vùng/địa phương; đối với doanh nghiệp cần phát huy vai trò quan trọng trong phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thông qua việc xây dựng sản phẩm du lịch thực sự hấp dẫn, độc đáo, khác biệt..
 |
|
 |
Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo
Bên cạnh các báo cáo được trình bày, Hội thảo nhận được nhiều ý kiến trao đổi của các đại biểu tham dự, trong đó tập trung vào một số nội dung: (i) Các nhân tố ảnh hưởng và tính đặc thù của vùng khi thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; (ii) Thách thức về bảo tồn, sử dụng bền vững đại dương gắn với phát triển bền vững; (iii) Cách thức thay đổi hành vi của giới trẻ trong bảo vệ môi trường hướng tới các mục tiêu thiên niên kỷ; (iv) Những khó khăn, thách thức về tính sẵn có của số liệu trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững; (v) Tính bền vững của một số ngành trong phát triển bền vững...

Hội thảo được các đại biểu đánh giá cao bởi tính chuyên nghiệp trong khâu tổ chức, các bài viết và nội dung thảo luận chứa đựng hàm lượng khoa cao với sự góp mặt của nhiều chuyên gia đầu ngành về khoa học Địa lí, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội đến từ nhiều Viện nghiên cứu, các trường đại học tại nhiều địa phương trên cả nước (Đại học Quốc gia Tp Hồ Chí Minh, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Quy Nhơn, Trường Đại học Hồng Đức, Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Trị…) Hội thảo đã khẳng định vai trò, vị trí và những đóng góp của địa lí nhân văn trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam. Các đại biểu cho rằng đây là cơ hội quí báu nhằm giới thiệu các thành tựu khoa học mới, trao đổi kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học liên quan đến việc thực hiện các mục tiêu Phát triển bền vững. Đồng thời, hội thảo cũng gợi mở nhiều vấn đề nghiên cứu mới, ý tưởng mới trong việc đẩy mạnh sự phát triển bền vững của lĩnh vực với góc nhìn đa chiều, cũng như mở ra hướng hợp tác mới giữa Viện Địa lý nhân văn với các đơn vị trong thời gian tới.

Nguyễn Minh Hồng