Hội thảo quốc tế “Những vấn đề tâm lý học đường”
  • 3.5 top logo - tin hoi nghi hoi thao

Hội thảo quốc tế “Những vấn đề tâm lý học đường”

03/11/2023

Hướng tới Lễ Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (02/12/1953-02/12/2023), được sự đồng ý của Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm- VASS), sáng ngày 03/11/2023, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Tâm lý học thuộc Viện Hàn lâm tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Những vấn đề tâm lý học đường”. Hội thảo diễn ra trực tiếp kết hợp với trực tuyến nhằm làm rõ thực trạng và những yếu tố ảnh hưởng đến các vấn đề tâm lý tại trường học hiện nay, các mô hình tham vấn học đường và các vấn đề đặt ra.

PGS.TS. Đặng Thị Hoa, Quyền Viện trưởng Viện Tâm lý học, VASS phát biểu khai mạc Hội thảo

Tham dự Hội thảo có PGS.TS. Đặng Thị Hoa, Quyền Viện trưởng Viện Tâm lý học; TS. Nguyễn Thị Phương Hoa, Phó Viện trưởng; PGS.TS. Vũ Ngọc Hà, Viện trưởng Viện Từ điển học và Bách khoa thư; PGS.TS. Nguyễn Văn Minh, Viện trưởng Viện Dân tộc học; TS. Bùi Thị Vân Anh, Phó Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn; Bà Phạm Thị Thúy Hà, Vụ Dân tộc thiểu số, Ủy ban Dân tộc; TS.BS. Nguyễn Thị Hồng Diễm, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh Không lây nhiễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế; ThS. Bùi Xuân Hòe, Văn phòng Đại diện tổ chức ChildFund Australia tại Việt Nam cùng sự tham gia trực tiếp và trực tuyến của các chuyên gia quốc tế và trong nước, đại biểu đại diện cho các cơ quan quản lý nhà nước; Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, các trường Đại học, các viện nghiên cứu, các bệnh viện và các cơ sở điều trị tâm lý.

TS. Nguyễn Thị Phương Hoa, Phó Viện trưởng Viện Tâm lý học trình bày Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo

Những vấn đề tâm lý trong trường học đã được các nhà khoa học, các nhà quản lý và giáo dục đặc biệt quan tâm. Nhiều năm qua, vấn đề tâm lý trường học đã được chú trọng lồng ghép trong các hoạt động của trường học và trong công tác quản lý giáo dục. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, đặc biệt từ khi đại dịch COVID-19 diễn ra từ tháng 4.2020 đến nay, có rất nhiều vấn đề tâm lý liên quan đến trường học, người dạy, người học, gia đình và các bậc phụ huynh đang đặt ra những thách thức mới.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, PGS.TS. Đặng Thị Hoa nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đảo của các đại biểu tham dự và nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của chủ đề hội thảo. Bên cạnh đó, Phó giáo sư Đặng Thị Hoa cho biết: “Năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 31/2017 – BGDĐT thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo nhằm tăng cường hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho các trường học. Nhiều vấn đề tâm lý như căng thẳng, rối loạn lo âu, rối loạn hành vi, trầm cảm, các vấn đề về sức khỏe tinh thần, tâm lý học đường chưa được hỗ trợ đúng quy trình, chưa đảm bảo đúng yêu cầu. Việc quan tâm nghiên cứu và tư vấn hỗ trợ tâm lý học đường đang là vấn đề đặt ra cấp thiết không chỉ đối với ngành giáo dục mà còn là trách nhiệm của các cơ quan nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước và của toàn xã hội.”

TS. Đỗ Thị Lệ Hằng, Viện Tâm lý học, VASS trình bày Báo cáo “Sức khỏe tâm thần của giáo viên trung học cơ sở” tại Phiên thứ nhất

Trong báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Phương Hoa nhấn mạnh: Trong những năm gần đây, công tác tham vấn tâm lý học đường cho học sinh, sinh viên trong trường học được các cơ quan quản lý và xã hội đặc biệt quan tâm, nhất là sau Đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, nhiều học sinh phổ thông đã gặp những vấn đề tâm lý như căng thẳng, lo âu, rối loạn hành vi… nhưng chưa được hỗ trợ, tư vấn một cách kịp thời và thỏa đáng. Không chỉ có học sinh/ sinh viên, giáo viên/ giảng viên cũng gặp những khó khăn tâm lý nhất định như áp lực/ kiệt sức nghề nghiệp… nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Do vậy, hoạt động hỗ trợ tâm lý trong trường học ngày càng được chú trọng, nhất là các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho gia đình, cộng đồng và xã hội về những vấn đề tâm lý trong trường học.

Diễn giả Docteur Brigitte Moïse-Durand, Cộng hòa Pháp trình bày Báo cáo “Ứng dụng phân tâm học trong một số truyện cổ tích ở Việt Nam” tại Phiên thứ hai

Hội thảo nhận được 40 báo cáo toàn văn và 02 báo cáo tóm tắt của các học giả quốc tế và Việt Nam. Ban Tổ chức Hội thảo đã lựa chọn 34 bài viết được đánh giá cao về chất lượng để đưa vào kỷ yếu. Hội thảo được chia làm 02 phiên thảo luận, tập trung trình bày những nội dung chính như sau:

Phiên thứ nhất: Một số vấn đề sức khỏe tâm thần và hỗ trợ tâm lý trong trường học. Các diễn giả (TS. Đỗ Thị Lệ Hằng, Viện Tâm lý học; Lê Ngọc Bảo Trâm, ĐH KHXH NV tp HCM, Đồng Thị Yến, Đại học Hải Dương; Minh Thị Tâm, Trường Đại học Sài Gòn, Lê Văn Hiền, Đại học FPT; TS. Hoàng Thế Hải, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng) đã trình bày nội dụng liên quan đến sức khỏe tâm thần của giáo viên trung học cơ sở; nhận thức của giáo viên và nhà quản lý giáo dục về rối loạn tính toán; sức khỏe tâm thần của sinh viên các trường đại học tại Tp. Hồ Chí Minh sau nhiễm COVID-19; mối quan hệ giữa năng lực sức khỏe tâm thần và các yếu tố bảo vệ sức khỏe tâm thần ở học sinh trung học phổ thông; thực trạng rối nhiễu tâm lý ở học sinh trung học cơ sở trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng.

Toàn cảnh Hội thảo

Phiên thứ hai: Các vấn đề tâm lý xã hội. Các diễn giả (ThS. Dương Thị Xuân, Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương; Docteur Brigitte Moïse-Durand, Cộng hòa Pháp; Nguyễn Hà Đông, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới; Giáo sư Michael Gorkin, Mỹ và hai Giáo sư Joanna Różycka-Tran & Pawel Jurek, Khoa Tâm lý, trường Đại học Gdansk, Ba Lan) tập trung trình bày các vấn đề về rối loạn đau bụng dạng cơ thể ở trẻ vị thành niên; Ứng dụng phân tâm học trong một truyện cổ tích ở Việt Nam; Các yếu tố tác động đến trải nghiệm rủi ro trên mạng của học sinh phổ thông ở khu vực miền núi phía Bắc; Tự tử và những vấn đề tâm lý học đường; Vai trò của hiếu thảo đối với sự gắn bó và hài lòng trong học tập: Nghiên cứu so sánh trên người Ba Lan - Việt Nam.

GS.TS. Michael Gorkin, Mỹ trình bày báo cáo

Hai Giáo sư Joanna Różycka-Tran và Pawel Jurek trình bày Báo cáo theo hình thức trực tuyến

Các báo cáo tập trung vào 04 nội dung chính: (1) sức khỏe tâm thần; (2) các vấn đề học tập và giáo dục; (3) các vấn đề tâm lý và xã hội và (4) công tác hỗ trợ tâm lý học đường. Nhiều bài viết đã đánh giá thực trạng sức khỏe tâm thần của người học và người dạy với những vấn đề như trầm cảm, lo âu, căng thẳng, nỗi sợ bị bỏ lỡ, cảm nhận hạnh phúc, sự hài lòng... cùng một số yếu tố liên quan. Một số bài viết tập trung tìm hiểu một số vấn đề trong học tập và giáo dục như năng lực học tập trực tuyến, nhận thức về xâm hại tình dục, giáo dục nhân cách trong trường học, ảnh hưởng của phong cách giáo dục của giáo viên đến lòng biết ơn của học sinh; sự sẵn sàng của giáo viên đối với đổi mới giáo dục... Một số báo cáo khác tập trung vào những vấn đề tâm lý và xã hội của người học như hành vi lệch chuẩn, áp lực bạn đồng trang lứa, kiến thức phòng tránh thai, chuẩn mực giới, trải nghiệm rủi ro trên mạng, hình ảnh bản thân, định hướng cá nhân - định hướng tập thể... Cuối cùng, một số báo cáo đi sâu vào công tác hỗ trợ tâm lý học đường tại Việt Nam hiện nay và những vấn đề tâm lý học đường đang được quan tâm trên thế giới và trong khu vực như tham vấn học đường, phòng ngừa/ can thiệp tự tử, phát triển năng lực cảm xúc – xã hội cho học sinh, lí luận về trường học hạnh phúc...

Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Hội thảo nhận được nhiều trao đổi, thảo luận của các đại biểu tham dự.  Đây là dịp để các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam trong lĩnh vực Tâm lý học cùng trình bày, thảo luận các kết quả nghiên cứu về những vấn đề liên quan đến tâm lý trong trường học. Các đại biểu cùng trao đổi, thảo luận về những kết quả nghiên cứu đã đạt được và những vấn đề khoa học đang đặt ra đối với những vấn đề tâm lý học đường và những vấn đề liên quan. Hội thảo là diễn đàn trao đổi học thuật hữu ích, là cơ sở khoa học góp phần đề xuất những kiến nghị, giải pháp nhằm hoàn thiện hơn chính sách hỗ trợ tâm lý trong trường học hiện nay.

Nhân dịp này, thay mặt Ban Lãnh đạo Viện Tâm lý học, VASS, PGS.TS. Đặng Thị Hoa trân trọng cảm ơn sự tham gia nhiệt tình của các nhà khoa học, các chuyên gia quốc tế và Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy và thực hành tâm lý học; các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã quan tâm và gửi bài tới tham dự Hội thảo. Đây là cơ hội quí báu để các chuyên gia tâm lý học quốc tế và Việt Nam cùng bàn luận, phân tích, đánh giá những vấn đề tâm lý học đường hiện nay, từ đó đề xuất những giải pháp nhằm hỗ trợ tư vấn, tham vấn xây dựng các mô hình hỗ trợ tâm lý học đường cho học sinh, sinh viên và giáo viên tại các trường học trong thời gian tới.

Nguyễn Thu Trang

Các tin đã đưa ngày: