|
Ngài Nadav Eshcar Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Israel tại Việt Nam và PGS.TS. Lê Phước Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông đồng chủ trì Hội thảo |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ngài Đại sứ và PGS.TS. Lê Phước Minh đã nhiệt liệt chào mừng sự tham gia của các đại biểu, đặc biệt nhấn mạnh mô hình trực tuyến mà BTC đã lựa chọn tổ chức trong giai đoạn bệnh dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp hiện nay. Đồng thời, nêu bật tầm quan trọng và vai trò của các nghiên cứu liên quan đến Việt Nam và Israel nói riêng, khu vực Châu Phi - Trung Đông và thế giới nói chung trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động hiện nay và hy vọng, với những góc nhìn đa chiều được tiếp cận, Hội thảo sẽ thu được nhiều ý kiến luận bàn có giá trị tham khảo đối với cả hai quốc gia.
Hội thảo đã được lắng nghe các tham luận trực tuyến của các nhà nghiên cứu, nhà ngoại giao Trung tâm nghiên cứu Chính sách, Bộ Ngoại giao Israel. Cụ thể: Bà Ifat Reshef, Giám đốc Ban Trung Đông của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách trình bày về “Tổng quan tình hình Trung Đông”; Bà Dana Raz, Chuyên gia phân tích cao cấp, Phòng Trung Đông trình bày về tình hình Iran; Ông Yonatan Lewin, Nghiên cứu viên cao cấp phụ trách Syria trình bày về tình hình Syria và Ông Orly Rahimiyan, Chuyên gia phân tích cao cấp phụ trách về Lebonan trình bày về tình hình Lebonan.
|
Toàn cảnh Hội thảo |
Các tham luận đã nêu bật Trung Đông với vị trị địa - chiến lược quan trọng vẫn là khu vực đầy biến động và đối đầu căng thẳng, xuất phát từ những nguyên nhân nội tại và sự can thiệp từ bên ngoài. Các cuộc xung đột tiềm tàng ở khu vực này tiếp tục được dự báo khó có triển vọng tìm ra giải pháp. Bên cạnh đó là những vấn đề liên quan đến phát triển nội tại của các quốc gia trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến khu vực Trung Đông nói chung và từng nước điển hình như: Iran, Syria và Lebonan, khiến đời sống kinh tế xã hội của các nước này vốn đã tồi tệ lại càng tồi tệ và trầm trọng hơn trong bối cảnh xã hội đang phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ tăng cao, đói nghèo, nội chiến, xung đột ở Syria và Lebonan đang là những vấn đề nổi bật nhất trong khu vực Trung Đông hiện nay…
Thông qua các trao đổi, các chuyên gia còn nhận định nguyên nhân bất đồng giữa các quốc gia Trung đông còn bị tác động bởi sự can dự của các nước có nền kinh tế lớn. Do vậy những căng thẳng vẫn tiếp tục leo thang và diễn biến khó đoán định trong 5 hoặc 10 năm tới là điều khó tránh khỏi.
|
Đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo |
Phát biểu tổng kết Hội thảo, PGS.TS. Lê Phước Minh đã đánh giá cao các tham luật và nhiệt liệt cảm ơn các ý kiến đóng góp vào cho rằng với những góc tiếp cận đa chiều các chuyên gia đã góp phần làm rõ những vấn đề thời sự đang nổi lên trong khu vực Châu Phi và Trung Đông; Với những lý luận chuyên sâu, các nhà khoa học đều nhận định, giải pháp khả thi nhất mà khu vực này có thể thực hiện nhằm mang lại sự ổn định đó chính là “đàm phán”. Tuy nhiên, sự bất đồng trong các chính kiến và cách ứng xử trước những vấn đề thời cuộc ở các quốc gia là rất khác nhau do vậy, sự “ổn định” mong muốn vẫn là điều chưa thể kì vọng được trong giai đoạn “ ngắn hạn” trước mắt hiện nay. Các quốc gia cần có các chính sách đối ngoại hợp lý hơn nữa, giúp làm mềm các “cứng rắn” trong các đối sách ngoại giao thường thấy thì mọi vấn đề liên quan đến phát triển khu vực Trung Đông và Châu Phi mới đạt được sự ổn định cần thiết để phát triển trong tương lai.
Phạm Vĩnh Hà