Hội thảo khoa học “Nhận diện an ninh môi trường vùng biên giới đất liền góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh chính trị”
  • 3.5 top logo - tin hoi nghi hoi thao

Hội thảo khoa học “Nhận diện an ninh môi trường vùng biên giới đất liền góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh chính trị”

09/07/2024

Chiều ngày 08/7/2024, tại trụ sở số 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, Viện Địa lí Nhân văn (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã tổ chức Hội thảo “Nhận diện an ninh môi trường vùng biên giới đất liền góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh chính trị”. Hội thảo là hoạt động trong khuôn khổ thực hiện đề tài khoa học cấp Bộ “Nghiên cứu an ninh môi trường vùng biên giới đất liền ở Việt Nam góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh chính trị trong điều kiện hiện nay” thuộc Chương trình: "Nghiên cứu tổng thể vùng biên giới đất liền ở Việt Nam góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, chính trị trong điều kiện hiện nay", với sự tham dự của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, các viện nghiên cứu, trường đại học.

TS. Nguyễn Song Tùng, Viện trưởng Viện Địa lý Nhân văn và PGS.TS. Phạm Văn Lợi, Bộ Tài nguyên và Môi trường <br> đồng chủ trì Hội thảo

An ninh môi trường (ANMT) được xem là trạng thái cân bằng của hệ thống các yếu tố cấu thành môi trường, là việc đảm bảo không có tác động lớn của môi trường đến điều kiện sống và phát triển của con người cũng như các loài sinh vật trong hệ thống đó, bảo đảm sự ổn định chính trị, xã hội và phát triển kinh tế của cộng đồng địa phương và quốc gia. Như vậy có thể nói rằng, ANMT là một phạm trù thuộc lĩnh vực an ninh phi truyền thống và có liên quan đến tất cả các lĩnh vực của an ninh phi truyền thống, là một thành tố quan trọng của an ninh quốc gia, và một yếu tố cần thiết của sự phát triển bền vững.

Việt Nam với 4.639 km chiều dài đường biên giới trên đất liền (tiếp giáp với Trung Quốc, Lào và Campuchia), đang đối diện với sự đe dọa mất ANMT khá nghiêm trọng. Tài nguyên thiên nhiên bị khai thác quá mức và sử dụng không hợp lý, chất lượng rừng suy giảm do khai thác trái phép, dẫn đến gia tăng xói mòn, rửa trôi, các thiên tai. Cùng với đó, khu vực vùng biên giới đất liền cũng chịu ảnh hưởng của các vấn đề môi trường xuyên biên giới, sự tranh chấp tài nguyên đang có nguy cơ leo thang thành mối đe dọa đến hòa bình và ổn định.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Song Tùng, Viện trưởng Viện Địa lý Nhân văn, Chủ nhiệm đề tài cho biết, ở Việt Nam, ANMT đang bị đe dọa nghiêm trọng và diễn ra hết sức phức tạp. Tình hình gia tăng dân số, thâm canh nông nghiệp, nhất là quá trình đô thị hóa trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đang ảnh hưởng lớn đến ANMT. Thêm vào đó là các tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, bệnh dịch đang là nguyên nhân cơ bản gây nên nguy cơ mất ANMT, đe dọa trực tiếp đến sự phát triển bền vững của nước ta hiện nay. Hầu hết môi trường đất, nước, không khí tại các khu dân cư, khu công nghiệp, từ thành thị đến nông thôn đã và đang bị xuống cấp, trở thành vấn đề bức xúc của toàn xã hội. Chính vì vậy mà Đảng và Nhà nước ta đã rất coi việc bảo đảm ANMT, là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội.

TS. Nguyễn Song Tùng cho rằng, vấn đề ANMT vùng biên giới cần phải được quan tâm chú ý để đảm bảo phát triển kinh tế xã hội và giữ vững an ninh chính trị hướng đến mục tiêu phát triển bền vững nói chung. Nghiên cứu về ANMT vùng biên giới nhằm xác định rõ các nguy cơ đe dọa đến ANMT và chủ động tìm ra các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm ANMT. Muốn làm được như vậy, cần phải có những giải pháp phát triển hợp lý trên cơ sở nhận diện được các vấn đề môi trường chủ yếu ở khu vực biên giới đất liền có tính đặc thù. TS. Nguyễn Song Tùng mong muốn, thông qua những tham luận và ý kiến được trình bày tại Hội thảo này sẽ là cơ sở để làm rõ những vấn đề lý luận cơ bản và xác định những vấn đề ANMT đang đặt ra ở vùng biên giới đất liền ở Việt Nam gắn với phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh chính trị.

Hội thảo nhận được nhiều báo cáo tham luận, 04 báo cáo đã được trình bày, gồm: (1)TS. Trần Thị Tuyết – Viện Địa lý nhân văn, với chủ đề “An ninh môi trường vùng biên giới đất liền góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh chính trị: Một số vấn đề lý luận”; (2) PGS. TS. Dương Văn Huy- Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, với chủ đề “Mối quan hệ giữa an ninh môi trường với phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh chính trị vùng biên giới”; (3) PGS. TS. Hoàng Hải Hà – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, với chủ đề “Các nhân tố ảnh hưởng đến an ninh môi trường vùng biên giới đất liền”; (4) PGS.TS. Võ Xuân Vinh - Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, với chủ đề “Ô nhiễm môi trường và hợp tác bảo vệ môi trường ở Đông Nam Á”.

Các đại biểu trình bày tham luận, phát biểu, thảo luận tại Hội thảo

Bàn về chủ đề “An ninh môi trường vùng biên giới đất liền góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh chính trị, TS. Trần Thị Tuyết – Viện Địa lý Nhân văn cho biết, ANMT là việc bảo đảm không có tác động lớn của môi trường đến sự ổn định chính trị, xã hội và phát triển kinh tế của quốc gia. ANMT được xem là một hợp phần của an ninh quốc gia, là nền tảng để vừa thực thi hiệu quả các giải pháp phát triển, vừa bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, chủ quyền quốc gia. TS. Trần Thị Tuyết cho rằng, ANMT được đảm bảo sẽ góp phần duy trì, gia tăng các nguồn vốn cho các hoạt động sinh kế dân cư, nguyên liệu cho các hoạt động sản xuất, đảm bảo duy trì và cải thiện chất lượng sống của dân cư. Người dân vùng biên yên tâm sản xuất và được chăm lo sẽ góp phần ổn định chính trị cơ sở, giữ gìn an ninh đường biên giới…

TS. Trần Thị Tuyết cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có những giải pháp phù hợp, mang tính khoa học và thực tiễn cho vấn đề ANMT vùng biên giới đất liền góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh chính trị quốc gia.

Bàn về an ninh chính trị khu vực biên giới, PGS.TS. Dương Văn Huy- Viện Nghiên cứu Đông Nam Á cho rằng, an ninh chính trị khu vực biên giới là giữ vững, bảo vệ và bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lí của Nhà nước, quyền làm chủ của nhân dân lao động. Trong đó, việc xây dựng, củng cố cơ sở chính trị khu vực biên giới vững mạnh, bảo đảm người dân tin tưởng vào đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước không bị lôi kéo, xúi giục... là nhiệm vụ then chốt đảm bảo an ninh chính trị vùng biên giới cũng như với an ninh quốc gia.

Quang cảnh hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về chủ đề ANMT vùng biên giới đất liền góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh chính trị, mối quan hệ giữa ANMT với phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh chính trị vùng biên giới. Đồng thời phân tích, làm rõ các nhân tố ảnh hưởng đến ANMT vùng biên giới đất liền cũng như hợp tác bảo vệ môi trường vùng biên giới.

Phát biểu kết luận Hội thảo, TS. Nguyễn Song Tùng, Viện trưởng Viện Địa lý Nhân văn cảm ơn các nhà khoa học, các đại biểu tham dự. TS. Nguyễn Song Tùng khẳng định, những tham luận và ý kiến được trình bày tại Hội thảo này sẽ là cơ sở để Ban chủ nhiệm đề tài tiếp thu, làm rõ những vấn đề lý luận cơ bản và xác định những vấn đề an ninh môi trường đang đặt ra ở vùng biên giới đất liền ở Việt Nam gắn với phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh chính trị.

PV.

Các tin đã đưa ngày: