Những phát hiện mới về Khảo cổ học toàn quốc lần thứ 59 năm 2024
  • 3.5 top logo - tin hoi nghi hoi thao

Những phát hiện mới về Khảo cổ học toàn quốc lần thứ 59 năm 2024

15/11/2024

Trong hai ngày 14-15/11/2024, tại số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Khảo cổ học trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) đã tổ chức Hội thảo Thông báo Khảo cổ học toàn quốc lần thứ 59 năm 2024. Hội thảo thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học trên toàn quốc là một trong những sự kiện khoa học nổi bật hằng năm mang tính truyền thống của Viện Khảo cổ học Việt Nam.

PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm phát biểu khai mạc tại Hội thảo

Tham dự Hội thảo có sự hiện diện của PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; ThS. Ngô Tiến Phát, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Tổ chức- Cán bộ; Đại biểu Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia – PGS.TS. Đinh Quang Hải, Ủy viên Hội đồng; TS. Hà Văn Cẩn, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khảo cổ học; Nhà Sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội khoa học Lịch sử Việt Nam; PGS.TS. Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam; GS. Lê Văn Lan, Nhà Sử học; TS. Lê Hồng Ân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai; PGS.TS. Bùi Văn Liêm, Nguyên Phó Viện trưởng, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Khảo cổ học; cùng sự hiện diện của hơn 200 các đại biểu là nhà quản lý, nhà khoa học đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước, đại diện Cục Di sản Văn hóa cùng các cơ quan báo chí, truyền hình...

TS. Hà Văn Cẩn, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khảo cổ học phát biểu đề dẫn tại Hội thảo

Thay mặt Lãnh đạo Viện Hàn lâm, phát biểu khai mạc tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đảo của đại biểu tham dự và chúc mừng những thành tựu của giới khảo cổ học đã đạt được trong năm qua. Theo đó, với những kết quả khai quật, thu thập, nghiên cứu và phát hiện mới trong năm 2024 giới khảo cổ học đã có những bước tiến trong việc khôi phục lại những mảnh ghép còn thiếu trong bức tranh lịch sử, góp phần cung cấp thêm nhiều tư liệu mới và làm giàu thêm kho tàng tri thức. Từ đó thúc đẩy việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử. Các phát hiện khảo cổ học không chỉ mang đến những minh chứng xác thực về lịch sử, mà còn giúp chúng ta hiểu rõ hơn về văn hóa, lối sống, cũng như sự tương tác giữa các cộng đồng trong quá khứ.

Qua đó, Phó Chủ tịch đề nghị các Tiểu ban sẽ đi sâu thảo luận về nội dung, loại hình tính chất, niên đại, chủ nhân, các mối liên hệ của di tích, di vật. Thăm dò, khai quật khảo cổ là nhiệm vụ của các nhà khảo cổ học. Đây là cơ sở tiến hành các hoạt động kiểm kê di sản văn hóa; phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; bảo quản di tích, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; tu bổ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và bảo tàng… Các nhiệm vụ đó đòi hỏi sự tham gia, chung tay, góp sức của các ngành, các cấp. Phó Chủ tịch mong muốn, các đại biểu sẽ cùng quan tâm thảo luận về thực trạng của di tích, phương hướng, mục tiêu nghiên cứu, bảo vệ, bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử- văn hóa Việt Nam trong thời gian tới.

PGS.TS. Bùi Văn Liêm, Nguyên Phó Viện trưởng, Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Khảo cổ học báo cáo hoạt động khảo cổ học Việt Nam trong 02 năm 2023-2024

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, thay mặt Lãnh đạo Viện Khảo cổ học, TS. Hà Văn Cẩn nhiệt liệt chào mừng đại biểu, các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã đến tham dự Hội thảo. TS. Hà Văn Cẩn cho biết, kể từ Hội thảo Những phát hiện mới về khảo cổ học lần thứ 58 năm 2023 được tổ chức tại Khu du lịch Tam Chúc, tỉnh Hà Nam, trong vòng 1 năm, giới khảo cổ học tiếp tục chứng kiến những hoạt động sôi động trên địa bàn cả nước với những phát hiện và thành quả nghiên cứu mới rất đa dạng và có giá trị to lớn. Qua đó đóng góp tích cực vào việc nhận thức diễn trình lịch sử dân tộc Việt Nam, khẳng định giá trị các nền văn hóa/ văn minh/ văn hiến của các cộng đồng cư dân trên lãnh thổ Việt Nam ngày nay, góp phần khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc trong phát triển kinh tế, xây dựng con người, văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và sự nghiệp cách mạng của đất nước.

Toàn cảnh Hội thảo

Trong đó, sơ bộ có những hoạt động nổi bật như: Khảo cổ học Tiền sử có các cuộc thăm dò, khai quật tại Mái Đá Ngườm (Thái Nguyên), Cồn Đất (Nghệ An), di tích thôn 7, 8 (Đắk Nông)... Khảo cổ học Sơ sử và Nhà nước sớm có cuộc khai quật 6.000m2 tại địa điểm Vườn Chuối, khai quật công xưởng chế tác vòng đá Thọ Sơn (Bình Phước), thăm dò ở Giồng Lớn - Long Sơn, khai quật di tích Gò Nần (Bà Rịa - Vũng Tàu)... Khảo cổ học Lịch sử tiếp tục chương trình khai quật khu vực Chính Điện Kính Thiên, Hà Nội; khai quật đền thờ Mỵ Ê (huyện Lý Nhân, Hà Nam); những cuộc khai quật quy mô lớn tại Thanh Hóa (khai quật bổ sung di tích Đền thờ Nguyễn Văn Nghi (huyện Đông Sơn), Thành Nhà Hồ); khai quật khảo cổ Chính điện Văn Miếu, Thừa Thiên Huế; khai quật địa điểm Chùa Gốc Bòng (Bắc Giang); khai quật khẩn cấp địa điểm Câu Cọ (huyện Yên Mô, Ninh Bình), khai quật di tích Thành Quèn (Quốc Oai)... Khảo cổ học Chămpa có cuộc khai quật phía Đông Tháp K thuộc Khu Thánh địa Mỹ Sơn, Quảng Nam; khai quật lần thứ hai phế tích tháp Đại Hữu, Bình Định; tiếp tục khai quật phế tích kiến trúc An Phú, Gia Lai; thăm dò di tích Núi Mò O (Tp. Tuy Hòa, Phú Yên). Nghiên cứu về văn hóa Óc Eo đáng chú ý có cuộc khai quật khảo cổ được thực hiện ở Gia Viễn - Cát Tiên (Lâm Đồng). Nghiên cứu chuyên sâu về khu di tích Gò Tháp (Đồng Tháp), Di tích Nhơn Thành (Cần Thơ), Khu di tích Óc Eo - Ba Thê (An Giang)... Các cuộc điều tra khảo cổ ở Kiên Giang, Trà Vinh... tiếp tục được thực hiện. Khảo cổ học Dưới nước có một số hoạt động điều tra, khảo sát trên địa bàn ở thương cảng Vân Đồn, huyện đảo Lý Sơn, vụng biển Bình Châu (Quảng Ngãi)...

Một đặc điểm nổi bật của hoạt động khảo cổ học trong thời gian qua là sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan trung ương và địa phương, thể hiện qua sự thành công của các dự án khai quật, nghiên cứu và bảo tồn, phát huy giá trị di tích/ di sản văn hóa ở nhiều địa phương trong cả nước.

Hội thảo đã nhận được 383 bài, trong đó có: 07 bài về các hoạt động chung, 36 bài về khảo cổ học Tiền sử, 63 bài khảo cổ học Sơ sử và Nhà nước sớm, 221 bài khảo cổ học Lịch sử, 50 bài khảo cổ học Champa- Óc Eo và 6 bài khảo cổ học Dưới nước. Nhiều báo cáo được thực hiện công phu, nghiêm túc, có nội dung phong phú. Đó chính là những thông tin khoa học mới bổ sung những cứ liệu vật thật giúp các nhà khoa học đi sâu nghiên cứu những vấn đề cơ bản của Khảo cổ học Việt Nam, góp phần nhận thức rõ hơn lịch sử hình thành dân tộc Việt Nam, lịch sử hình thành và phát triển con người Việt Nam.

Một số hình ảnh trưng bày tại Hội thảo:

Những kết quả nghiên cứu, thảo luận tại Hội thảo cung cấp nhiều luận chứng khoa học xác thực đưa nhiều khuyến nghị quan trọng giúp cho việc hoạch định chính sách quản lý, bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Hội thảo Thông báo Khảo cổ học lần thứ 59 là cơ hội để các nhà quản lý, các nhà khoa học, nghiên cứu khảo cổ học nghiên cứu, gặp gỡ trao đổi, chia sẻ thông tin về những phát hiện mới khảo cổ học; thảo luận những quan điểm, nghiên cứu mới và các ngành khoa học liên quan. Từ đó tìm kiếm cơ hội nghiên cứu, hợp tác hướng đến mục tiêu góp phần bảo vệ, bảo tồn, quảng bá và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc. 

Nguyễn Thu Trang

Các tin đã đưa ngày: