Tăng trưởng xanh là chủ trương lớn và nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Từ năm 2012, Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 - 2020. Tiếp đó, vào tháng 10/2021 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050” hướng tới mục tiêu đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Theo ước tính của Ngân hàng ADB, để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh, Việt Nam cần khoảng 368 tỷ USD cho cả giai đoạn đến 2040, tương đương 20 tỷ USD mỗi năm. Điều này đòi hỏi phải có các cơ chế, chính sách và giải pháp huy động nguồn vốn trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển thị trường tài chính xanh, khuyến khích các nguồn vốn, nhất là vốn tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực xanh trong bối cảnh mới.
|
|
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Bùi Thị Quỳnh Thơ, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu, khách quan và không thể đảo ngược của thế giới. Với mục tiêu phát triển kinh tế thịnh vượng, bảo vệ môi trường bền vững và đảm bảo an toàn xã hội, nhiều quốc gia đã cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ XXI tại COP26 và đến nay đã có hơn 50 quốc gia xây dựng chiến lược phát triển xanh.
Tại Việt Nam, tăng trưởng xanh và chuyển đổi xanh đã trở thành chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Từ năm 2012, Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và đến tháng 10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050”. Thủ tướng Phạm Minh Chính tái khẳng định rằng tăng trưởng xanh là yếu tố cốt lõi trong việc tái cơ cấu nền kinh tế, nhằm phát triển nhanh và bền vững.
Bên cạnh chiến lược tăng trưởng xanh, Việt Nam đã xây dựng nhiều kế hoạch và chương trình hành động liên quan đến chuyển đổi xanh như Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050, Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon, và chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững. Việt Nam cũng cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và tham gia vào các sáng kiến quốc tế nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh.
Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2022, để đạt được mục tiêu phát triển xanh và giảm phát thải ròng, Việt Nam cần khoản đầu tư tương đương 6,8% GDP mỗi năm, tức khoảng 368 tỷ USD đến năm 2040. Điều này đòi hỏi các cơ chế huy động vốn hiệu quả từ cả trong và ngoài nước, khuyến khích đầu tư của khu vực tư nhân vào các dự án xanh.
Tại hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học tập trung vào các vấn đề mang tính trọng tâm như: Thuận lợi và thách thức trong phát triển thị trường tài chính xanh trong bối cảnh mới; Phát triển thị trường tài chính xanh châu Á, hàm ý cho Việt Nam; Thực trạng và giải pháp phát triển thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam; Công cụ của thị trường tiền tệ và tín dụng cho tăng trưởng xanh - Các vấn đề đặt ra về lý luận, thực trạng và khuyến nghị; Giảm phát thải khí nhà kính, tổ chức, phát triển thị trường các bon và lộ trình hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại COP 26 hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Các đại biểu (từ trái qua phải): TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; TS. Nguyễn Thị Liễu, Viện Khoa học Khí tượng thuỷ văn và Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường; TS. Nguyễn Bá Hùng, Kinh tế gia trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Việt Nam trình bày tham luận tại hội thảo
Trong tham luận của mình, TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nêu rõ một số thuận lợi và khó khăn của thị trường tài chính xanh tại Việt Nam. Thuận lợi đến từ cam kết chống biến đổi khí hậu và giảm phát thải ròng của quốc tế, cùng sự đổi mới công nghệ và sự gia tăng nhu cầu về môi trường sạch trong tầng lớp trung lưu. Tuy nhiên, thị trường tài chính xanh của Việt Nam còn gặp nhiều thách thức như khung pháp lý chưa hoàn thiện, thông tin về tài chính xanh chưa đầy đủ và thiếu nhất quán, dẫn đến khó khăn trong đầu tư và phát hành trái phiếu xanh.
Dù đã phát triển hơn 20% mỗi năm từ 2017, tín dụng và trái phiếu xanh tại Việt Nam vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ so với nhu cầu vốn cho các dự án chuyển đổi xanh. Bộ Tài chính cho biết Việt Nam mới phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh trong giai đoạn 2019 - 2023, rất khiêm tốn so với nhu cầu vốn khoảng 20 tỷ USD mỗi năm.
Theo TS. Nguyễn Bá Hùng, Kinh tế gia trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tại Việt Nam, sự cần thiết của việc hoàn thiện khung pháp lý về kinh tế xanh và tài chính xanh, đồng thời đưa ra các mục tiêu cụ thể phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam. TS. Hùng cho rằng Việt Nam cần chủ động tiếp cận các nguồn vốn quốc tế thông qua hợp tác song phương và các tổ chức tài chính toàn cầu, qua đó phát triển thị trường carbon trong nước và kết nối với thị trường quốc tế.
Trong khi đó, trao đổi tại hội thảo, TS. Nguyễn Thanh Nga, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính cho rằng, thị trường tài chính xanh của Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Theo Tiến sĩ Nga, các tiêu chuẩn đánh giá dự án xanh chưa rõ ràng, thiếu nhà đầu tư tổ chức, quy mô thị trường nhỏ và thanh khoản thấp. Bà đề xuất rà soát, bổ sung và hoàn thiện cơ sở pháp lý, áp dụng các ưu đãi thuế và phí, đồng thời phát triển các định chế trung gian và cơ sở hạ tầng tài chính minh bạch nhằm tạo động lực cho thị trường.
Thị trường trái phiếu xanh cũng được đề cập như một công cụ tài chính quan trọng trong phát triển kinh tế xanh. Theo báo cáo, Việt Nam hiện đang đứng thứ hai trong ASEAN về quy mô phát hành nợ xanh, chỉ sau Singapore. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, Việt Nam cần đa dạng hóa các sản phẩm tài chính xanh và thiết lập cơ quan đánh giá độc lập nhằm đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả của thị trường.
Về khía cạnh giảm phát thải khí nhà kính, TS. Nguyễn Thị Liễu từ Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết, Việt Nam đã ban hành các văn bản pháp lý nhằm kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính. Nghị định 06/2022/NĐ-CP và Quyết định 13/2024/QĐ-TTg đều đề ra lộ trình phát triển thị trường carbon nội địa và triển khai hệ thống giám sát, báo cáo và thẩm định (MRV) nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Các chuyên gia khẳng định, để thực hiện các cam kết tại Hội nghị COP26, Việt Nam cần huy động sự tham gia của toàn hệ thống chính trị, các cấp chính quyền cùng với quyết tâm và nguồn lực mạnh mẽ nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường trong dài hạn.
Các chuyên gia cũng chỉ ra một số rào cản đối với phát triển thị trường tài chính xanh, bao gồm sự thiếu hụt về tiêu chuẩn hóa và quy định rõ ràng cho các sản phẩm tài chính xanh. Cơ chế đầu tư và các quy định tín dụng hiện hành chưa đủ để thúc đẩy đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, trong khi hạn mức tín dụng và sự thiếu minh bạch thông tin gây khó khăn cho các nhà đầu tư khi đánh giá rủi ro.
Bên cạnh đó, để phát triển thị trường tài chính xanh, Việt Nam cần một hệ thống pháp lý hoàn chỉnh, cùng các chính sách ưu đãi rõ ràng nhằm khuyến khích đầu tư vào các dự án xanh. Các chuyên gia đề xuất Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền xem xét các mô hình tài chính xanh hiệu quả từ quốc tế, áp dụng các thông lệ tốt nhằm thu hút nguồn lực tài chính từ khu vực tư nhân trong nước, từ đó thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh ở Việt Nam.
Hội thảo là cơ hội quý báu để các đại biểu trao đổi, thảo luận. Kết quả của hội thảo được kỳ vọng sẽ là nguồn tư liệu hữu ích cho các cơ quan lập pháp và hoạch định chính sách nhằm phát triển thị trường tài chính xanh, thúc đẩy phát triển bền vững và tăng trưởng xanh ở Việt Nam.
PV.