THÔNG CÁO BÁO CHÍ VỀ NỘI DUNG HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ
“VĂN HÓA ÓC EO TRONG BỐI CẢNH VĂN HÓA CHÂU Á”
(Tổ chức tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, ngày 17/11/2023)
Văn hóa Óc Eo là thuật ngữ khoa học để chỉ một nền văn hóa khảo cổ, hình thành và phát triển từ thế kỷ I đến thế kỷ VII hoặc có thể kéo dài đến đầu thế kỷ thứ VIII sau Công nguyên ở vùng đồng bằng hạ lưu sông Mê Kông, thuộc vùng đất Nam Bộ, Việt Nam ngày nay. Đây là nền văn hóa vật chất của vương quốc Phù Nam, một nhà nước sớm ở Đông Nam Á, có tầm ảnh hưởng rộng lớn ở khu vực và châu Á từ những thế kỷ đầu Công nguyên. Nền văn hóa này có nguồn gốc bản địa, được hình thành trên nền tảng văn hóa Tiền Óc Eo ở vùng đất miền Trung và Nam Bộ, Việt Nam.
Văn hóa Óc Eo được biết đến từ sau cuộc khai quật khảo cổ tại cánh đồng Óc Eo (thuộc huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) do nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret thực hiện vào năm 1944. Kể từ đó đến nay, Óc Eo – Ba Thê trở thành di chỉ khảo cổ học nổi tiếng không chỉ ở vùng Nam Bộ, Việt Nam mà cả khu vực Đông Nam Á và châu Á. Trong nhiều thập kỷ qua, các cuộc khai quật ở đây đã đưa ra ánh sáng khối lượng lớn di tích, di vật minh chứng sinh động cho lịch sử hình thành và phát triển của nền văn hóa Óc Eo, minh chứng Óc Eo là một trung tâm đô thị lớn, sầm uất và nổi tiếng bậc nhất của Vương quốc Phù Nam.
Với giá trị đặc biệt và tầm vóc lớn của văn hóa Óc Eo trong lịch sử Việt Nam, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện Đề án “Nghiên cứu khu di tích khảo cổ học Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa (Văn hóa Óc Eo Nam Bộ)” (sau đây gọi tắt là Đề án Óc Eo). Đây là đề án khoa học có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, và là nhiệm vụ nghiên cứu mang tầm quốc gia.
Mục tiêu chính của Đề án là khai quật, nghiên cứu khảo cổ học văn hóa Óc Eo tại các di tích Óc Eo - Ba Thê (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) và di tích Nền Chùa (huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) nhằm thu thập tư liệu và làm sáng rõ hơn lịch sử hình thành và phát triển của văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam, đồng thời nghiên cứu sâu hơn về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của đô thị cổ Óc Eo trong lịch sử Việt Nam, khu vực Đông Nam Á và châu Á; cung cấp cơ sở khoa học cho công tác quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa Óc Eo trên vùng đất Nam Bộ, đặc biệt là phục vụ cho công tác nghiên cứu xây dựng nội dung Hồ sơ đề cử UNESCO xem xét công nhận Khu di tích Óc Eo - Ba Thê là di sản văn hóa thế giới.
Tháng 12/2016, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam chính thức khởi động Đề án. Tham gia thực hiện Đề án có 3 đơn vị hàng đầu về khảo cổ học tại Việt Nam, đó là Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Khảo cổ học và Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ.
Từ năm 2017 đến năm 2020, Viện Khảo cổ học và Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ đã tiến hành khai quật khảo cổ học khu di tích Óc Eo - Ba Thê với quy mô lớn, có diện tích trên 16.000m² tại 2 khu vực là cánh đồng Óc Eo và sườn núi Ba Thê với 8 địa điểm: Gò Giồng Cát, Gò Giồng Trôm, Gò Óc Eo, Lung Lớn (Cánh đồng Óc Eo); Gò Sáu Thuận, Gò Út Trạnh, Chùa Linh Sơn, Linh Sơn Bắc (núi Ba Thê).
Từ năm 2018 đến năm 2020, Viện Nghiên cứu Kinh thành tiến hành khai quật khu di tích Nền Chùa với diện tích 8.000m². Đây là khu di tích nằm dưới cánh đồng lúa gần cửa biển, cách Óc Eo - Ba Thê khoảng 12 km theo đường chim bay về phía Bắc.
Sau gần bốn năm thực hiện nhiệm vụ (2017-2020), kết quả khai quật khảo cổ học tại Óc Eo - Ba Thê (An Giang) và Nền Chùa (Kiên Giang) đã phát hiện được nhiều loại hình di tích quan trọng như kiến trúc đền tháp, di chỉ cư trú nhà sàn, các loại giếng nước, hồ nước được xây dựng bằng gạch, đá và đồ gỗ cùng nhiều dấu tích sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ trang sức bằng đá quý, thủy tinh và bằng vàng. Đặc biệt, cuộc khai quật đã đưa lên khỏi lòng đất một số lượng cực kỳ phong phú, đa dạng các loại hình di vật, trong đó nhiều nhất là đồ gốm và đồ trang sức bằng thủy tinh.
Với những phát hiện quan trọng của khảo cổ học trong các năm 2017-2020, lịch sử hình thành và phát triển của văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam tiếp tục được làm sáng tỏ qua các loại hình di tích và di vật mới phát hiện. Nguồn tư liệu quan trọng này đã góp phần minh chứng thuyết phục rằng, trong gần 8 thế kỷ tồn tại từ đầu Công nguyên đến đầu thế kỷ VIII sau Công nguyên, thế kỷ IV - VI là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của đô thị cổ Óc Eo và vương quốc Phù Nam.
Có thể nói, Đề án Óc Eo đã tập hợp số lượng các nhà nghiên cứu lớn nhất; cập nhật đầy đủ và toàn diện nhất về tư liệu nghiên cứu; tiến hành khảo sát, thăm dò và khai quật với tổng diện tích lớn nhất, quy mô nhất với các phương tiện, phương pháp tiên tiến; phát hiện khối lượng di tích, di vật lớn nhất; đạt được những thành tựu mới nhất trong nghiên cứu về địa tầng, tính chất, chức năng, niên đại và vai trò của khu di tích Óc Eo - Ba Thê trong không gian, thời gian văn hóa Óc Eo và Vương quốc Phù Nam.
Kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ học của Đề án bao gồm nhiều phát hiện mới rất quan trọng, khẳng định Óc Eo - Ba Thê là trung tâm dân cư, trung tâm đô thị, trung tâm kinh tế, trung tâm tôn giáo của văn hóa Óc Eo - Vương quốc Phù Nam; cung cấp nhận thức mới sâu rộng hơn về tính chất, chức năng của hai không gian: không gian tôn giáo trên sườn núi Ba Thê - một trung tâm tôn giáo trong đô thị và không gian đô thị cổ trên cánh đồng Óc Eo – trung tâm đô thị của vương quốc Phù Nam; Làm rõ chức năng của không gian đô thị Óc Eo, làm rõ khái niệm “đô thị” và “cảng thị”, khẳng định Óc Eo có vai trò là một “đô thị” hay là “thành phố ven biển” và làm rõ vai trò đô thị Óc Eo trong hệ thống thương mại quốc tế. Nhận thức mới về Nền Chùa là trung tâm dân cư và tôn giáo lớn hưng thịnh trong giai đoạn thế kỷ IV - VI, nơi diễn ra nhiều hoạt động sinh hoạt văn hóa, tôn giáo của cộng đồng. Nền Chùa là “cửa ngõ” biển quan trọng của đô thị cổ Óc Eo, là điểm trung chuyển - kết nối giữa thế giới bên ngoài với đô thị Óc Eo qua hệ thống thủy lộ là Lung Lớn hay Lung Giếng Đá, và nằm trong không gian của đô thị Óc Eo, trung tâm tôn giáo Ba Thê và các vùng phụ cận. Nhận định này khẳng định rõ hơn vai trò và vị trí quan trọng của Nền Chùa trong lịch sử đô thị cổ Óc Eo.
Một trong những phát hiện quan trọng rất đáng lưu ý của Đề án đó là đồ gốm nước ngoài – đồ gốm thương mại trong văn hóa Óc Eo. Tại các địa điểm khảo cổ học thuộc văn hóa Óc Eo, các cuộc khai quật chính thức và không chính thức đã lấy lên khỏi lòng đất số lượng lớn các loại hình đồ gốm, gọi là gốm Óc Eo. Sự tương đồng rộng rãi và phổ biến của gốm Óc Eo, giữa các di chỉ khảo cổ ở vùng đồng bằng sông Mê Kông cho thấy một truyền thống sản xuất gốm bản địa vốn có từ lâu đời. Những nghiên cứu trong khuôn khổ của Đề án đã phát hiện ra nhiều đồ gốm nước ngoài trong các sưu tập đồ gốm Óc Eo, đặc biệt là những đồ gốm nước ngoài mới được tìm thấy tại di tích Nền Chùa, Lung Lớn và Gò Giồng Cát (khu đô thị cổ Óc Eo). Đó là những đồ gốm đến từ Đế chế La Mã (thế kỷ II), Ấn Độ (thế kỷ I - VI), Trung Quốc (thế kỷ II - VII) và Tây Á (thế kỷ VIII). Phát hiện mới quan trọng này đã minh họa rõ ràng mối quan hệ xuyên đại dương, cung cấp cho chúng ta một cái nhìn xuyên suốt và bao quát hơn về mối quan hệ giao lưu kinh tế, văn hóa của đô thị Óc Eo trong lịch sử.
Đồ gốm nước ngoài tại Nền Chùa và cánh đồng Óc Eo cho thấy khung thời gian tương ứng với lịch sử phát triển của văn hóa Óc Eo từ thế kỷ I - II đến đầu thế kỷ thứ VIII sau Công nguyên. Đây là tư liệu quan trọng, cung cấp cơ sở tin cậy trong việc xác định khung niên đại tương đối cho các giai đoạn phát triển của đô thị Óc Eo, đồng thời góp phần lý giải sâu hơn về tính bản địa và tính truyền thống riêng biệt của gốm Óc Eo trong lịch sử gốm cổ Đông Nam Á và châu Á.
Đồng thời, kết quả nghiên cứu trong khuôn khổ của Đề án về “con đường gia vị” từ những phân tích thành phần tinh bột còn bám lại trên bề mặt các bàn nghiền tìm thấy ở Óc Eo. Kết quả nghiên cứu này đã tìm ra được chức năng của công cụ bàn nghiền và các loại gia vị từng được nghiền trên đó. Phân tích các vi chất thực vật thu được từ bề mặt của các công cụ bàn nghiền Óc Eo, đã xác định 717 hạt tinh bột, trong đó có 604 hạt có thể xác định được loài. Các nhà nghiên cứu đã nhận diện được 8 loại gia vị khác nhau, cùng với sự hiện diện của gạo, trong đó có gia vị được cho là có nguồn gốc Nam Á, Đông Nam Á hải đảo bao gồm nghệ, gừng, đinh hương, nhục đậu khấu, quế… Những gia vị này là nguyên liệu không thể thiếu, được sử dụng trong công thức chế biến món cà ri ở Nam Á ngày nay. Phát hiện gia vị trong văn hóa Óc Eo gợi ý đến khả năng những thương nhân hoặc du khách Nam Á đã mang truyền thống ẩm thực này vào Đông Nam Á trong thời kỳ có những tiếp xúc thương mại hàng hải ban đầu qua Ấn Độ Dương, bắt đầu từ khoảng 2.000 năm trước. Bằng chứng này góp phần chứng minh rằng, con đường thương mại thời cổ đại đã đi từ Ấn Độ băng qua eo Kra nơi miền Nam Thái Lan rồi sang Óc Eo, trong đó gia vị là một mặt hàng quan trọng.
Những phát hiện nêu trên cho thấy, với tầm nhìn hướng biển và mở rộng giao lưu với thế giới rộng lớn bên ngoài, Óc Eo – Ba Thê không chỉ đóng vai trò là một đô thị hay thành phố ven biển và mở rộng giao lưu với thế giới, một trung tâm buôn bán, trung chuyển thương mại giữa Đông Nam Á và Tây Nam Á mà còn thực sự là một trung tâm gia công, sản xuất hàng hóa lớn của Đông Nam Á. Tiềm năng, sức mạnh kinh tế đô thị đó đã sớm định hình, thúc đẩy sự chuyển hóa xã hội Phù Nam nói chung, trong đó đô thị Óc Eo trở thành đô thị thương mại. Nhờ đó, đô thị Óc Eo – Ba Thê đã tạo nên những bước phát triển vượt ra khỏi giới hạn không gian địa lý, đưa vùng đất đầm lầy ven biển trở thành một đô thị sầm uất và nổi tiếng ở Đông Nam Á, kết nối với Trung Quốc, Đông Nam Á, Ấn Độ, Vịnh Ba Tư, Địa Trung Hải… nổi lên như một khu vực có trình độ sản xuất và thương mại phát triển bậc nhất ở Đông Nam Á.
Kết quả nghiên cứu và những nhận định khoa học nói trên của Đề án là những bằng chứng khoa học quan trọng, là các nguồn tư liệu vật chất rất xác thực, cung cấp cơ sở cho việc nghiên cứu xây dựng nội dung Hồ sơ di sản trình UNESCO, đặc biệt là phù hợp với các Tiêu chí của UNESCO nêu dưới đây.
Tiêu chí (ii): Vào những thế kỷ đầu sau Công nguyên, lần đầu tiên trong lịch sử, một hệ thống kinh tế thế giới được thiết lập thông qua một số tuyến đường thương mại châu Á nối liền Trung Quốc, Đông Nam Á qua Ấn Độ, Vịnh Ba Tư, Địa Trung Hải… Trong hệ thống đó, đô thị Óc Eo - Ba Thê nổi lên như một khu vực có trình độ sản xuất và thương mại phát triển nhất Đông Nam Á, nối liền giao thương giữa phương Đông và phương Tây.
Tiêu chí (iii): Trong không gian tự nhiên và xã hội tương đối tách biệt, tính bản địa của văn hóa Óc Eo đã được hình thành trong một quá trình vận động và phát triển lâu dài từ giai đoạn Tiền Óc Eo, thế kỷ II - I trước Công nguyên, đến giai đoạn Hậu Óc Eo, khoảng thế kỷ VIII – IX sau Công nguyên. Tính bản địa đó được thể hiện rõ qua quy hoạch đô thị, kỹ thuật xây dựng các công trình kiến trúc nhà sàn, các công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng, và các xưởng chế tác thủ công (đồ gốm, đồ trang sức…). Các loại hình di vật của văn hóa Óc Eo đều thể hiện trình độ kỹ thuật và tư tưởng nghệ thuật rất cao.
Tiêu chí (v): Sống ở vùng đồng bằng thấp trũng, tiếp xúc gần với biển, ngập lụt theo mùa, xâm nhập mặn… nhưng cộng đồng cư dân cổ Óc Eo đã biết thích nghi với môi trường, vận dụng sáng tạo các quy luật tự nhiên để tồn tại. Họ đã biết đào nhiều kênh mương lớn khai thông ra biển cả, kết nối liên vùng để canh tác nông nghiệp, khai thác thủy hải sản, phát triển thủ công nghiệp và giao lưu kinh tế, văn hóa, đưa vùng đất đầm lầy ven biển trở thành đô thị và khu cư trú sầm uất và nổi tiếng trong nhiều thế kỷ sau Công nguyên.
Có thể đánh giá rằng, kết quả của Đề án đã góp phần minh chứng và làm sáng rõ hơn vị trí, vai trò và các giá trị cơ bản của khu di tích Óc Eo - Ba Thê và Nền Chùa trong lịch sử văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam. Đặc biệt là cung cấp nhiều tư liệu khoa học quan trọng, thiết thực trong việc nghiên cứu xây dựng nội dung Hồ sơ khoa học đề cử UNESCO xem xét công nhận Khu di tích khảo cổ học Óc Eo - Ba Thê là di sản văn hóa thế giới trong tương lai. Đây chính là thành quả khoa học rất quan trọng mà Đề án đã đạt được.
Để hướng tới nhận thức mới, sâu sắc và toàn diện hơn về văn hóa Óc Eo, đồng thời tiếp tục làm sáng rõ hơn giá trị lịch sử, văn hóa và mối quan hệ của đô thị cổ Óc Eo trong giao lưu kinh tế, văn hóa với khu vực và thế giới trong giai đoạn 10 thế kỷ đầu Công nguyên; cung cấp thêm những bằng chứng, các dữ liệu khoa học liên quan đến di sản văn hóa Óc Eo trong bối cảnh văn hóa châu Á; làm sáng tỏ hơn những giá trị nổi bật của Khu di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê (An Giang) trong việc xây dựng Hồ sơ trình UNESO công nhận là di sản văn hóa thế giới, và góp phần thiết thực vào chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị di sản của khu di tích Óc Eo – Ba Thê trong tương lai, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang phối hợp đồng chủ trì tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế tại Thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang vào ngày 17 tháng 11 năm 2023 với chủ đề “Văn hóa Óc Eo trong bối cảnh văn hóa Châu Á”.
Đây là Hội thảo khoa học quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam về văn hóa Óc Eo. Hội thảo này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc công bố những kết quả và thành tựu nghiên cứu khoa học mới của Đề án Óc Eo thực hiện năm 2017-2020, đồng thời đây cũng là cơ hội để trao đổi học thuật mang tính quốc tế, góp phần tuyên truyền, quảng bá sâu rộng đến giới khoa học trong nước và quốc tế và công chúng về những giá trị nổi bật của di sản văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam.
Mục đích chính của Hội thảo là nhằm tổng kết, đánh giá kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ học tại Khu di tích Óc Eo – Ba Thê (An Giang) và Nền Chùa (Kiên Giang) thực hiện từ năm 2017 - 2020; tiếp tục làm sáng rõ hơn giá trị lịch sử, văn hóa và mối quan hệ của đô thị cổ Óc Eo trong giao lưu kinh tế, văn hóa với khu vực và thế giới trong giai đoạn 10 thế kỷ sau Công nguyên; làm sáng rõ và sâu sắc hơn những giá trị nổi bật của di tích Óc Eo – Ba Thê trong văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ và lịch sử vương quốc Phù Nam.
Nội dung Hội thảo tập trung vào 5 chủ đề chính sau đây:
Chủ đề 1. Tổng kết, đánh giá kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ học tại Khu di tích Óc Eo - Ba Thê (An Giang) và Nền Chùa (Kiên Giang), năm 2017-2020;
Chủ đề 2. Văn hóa Óc Eo và Vương quốc Phù Nam trong bối cảnh lịch sử, văn hóa Đông Nam Á và châu Á;
Chủ đề 3. Mạng lưới hải thương quốc tế và vai trò của đô thị cổ Óc Eo trong bối cảnh đô thị cổ ở Đông Nam Á và châu Á trước thế kỷ 10;
Chủ đề 4. Những giá trị nổi bật toàn cầu của khu di tích Óc Eo – Ba Thê ;
Chủ đề 5. Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Óc Eo – Ba Thê.
Các chủ đề của hội thảo sẽ tập trung phân tích làm rõ các vấn đề liên quan trực tiếp đến những phát hiện khoa học mới, các giá trị nghiên cứu mới, mang tính cốt lõi, phản ánh tính xác thực và những giá trị nổi bật toàn cầu của di sản văn hóa Óc Eo, vương quốc Phù Nam nói chung, khu di tích khảo cổ học Óc Eo – Ba Thê nói riêng.
Kết quả của Hội thảo dự kiến sẽ cung cấp thêm nhiều tư liệu khoa học mới, đặc biệt là những nhận định mới mang tính học thuật về lịch sử hình thành và phát triển của văn hóa Óc Eo, đô thị cổ Óc Eo, nhất là các vấn đề liên quan đến vương quốc Phù Nam trong lịch sử như: Văn hóa Óc Eo và Vương quốc Phù Nam trong bối cảnh lịch sử, văn hóa Đông Nam Á và châu Á; Mạng lưới hải thương quốc tế và vai trò của đô thị cổ Óc Eo trong bối cảnh đô thị cổ ở Đông Nam Á và châu Á trước thế kỷ X; Những giá trị nổi bật của khu di tích Óc Eo – Ba Thê... Đây là những vấn đề khoa học quan trọng góp phần thiết thực và hiệu quả cho quá trình nghiên cứu xây dựng Hồ sơ di sản đề cử Khu di tích Óc Eo – Ba Thê trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Chúng ta biết rằng, kể từ khi được phát hiện và nhất là từ những công bố khoa học về văn hóa Óc Eo của L. Malleret (1959-1962), đã có hàng trăm công trình khoa học trong và ngoài nước về văn hóa này và di chỉ khảo cổ Óc Eo - Ba Thê đã được công bố; nhiều hội thảo chuyên sâu đã được tổ chức vào các năm 1984, 2004, 2009, 2018 và 2019; hàng trăm nhà khoa học, sử học, khảo cổ học quốc tế (Pháp, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Italia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nga, Australia, Thái Lan...) đã đến các di chỉ khảo cổ học văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ để nghiên cứu.
Nhưng từ đó đến nay, chúng ta vẫn chưa tổ chức hội thảo khoa học quốc tế về văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam hay các vấn đề khoa học có liên quan đến các nội dung này. Do đó, đây là hội thảo khoa học quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Nói như vậy để khẳng định thêm ý nghĩa to lớn, tầm quan trọng đặc biệt và những giá trị khoa học mà hội thảo quốc tế này được kỳ vọng sẽ mang lại.
Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học nổi tiếng trong nước đến từ các viện nghiên cứu khoa học, các trường đại học, các bảo tàng gồm các chuyên gia trong lĩnh vực khảo cổ học, di sản học, văn hóa học, sử học, xã hội học và khoa học tự nhiên… và các nhà khoa học quốc tế đến từ Pháp, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singgapore, Campuchia…
Mặc dù được chuẩn bị trong thời gian khá ngắn, nhưng Hội thảo đã nhận được gần 60 bài tham luận của các học giả trong nước và quốc tế, trong số đó Ban tổ chức đã lựa chọn 48 bài để in trong Kỷ yếu hội thảo. Mặc dù các tham luận còn chưa thể phản ánh đầy đủ các vấn đề liên quan đến văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam trong diễn trình lịch sử Việt Nam và khu vực châu Á, nhưng đã thể hiện sự tâm huyết cùng những đóng góp quan trọng của các nhà khoa học trong nước và quốc tế.
Một số hình ảnh, hiện vật:


Nguồn: từ Ban Tổ chức Hội thảo