Diễn đàn vinh dự có sự góp mặt của Ngài Jeon Dae Ju, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam. Về phía Hội đồng Tư vấn Thống nhất hòa bình dân chủ Quốc gia Hàn Quốc tại Hà Nội có: Ông Kim Jeong In, Trưởng đại diện tại Hà Nội; Ông Yoo Myung Sik, Chủ tịch Hội đồng; Ông Bae Jeong Ho, Tổng Thư ký hội đồng. Về phía Viện Hàn lâm có PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Ủy viên Dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; TS. Trần Quang Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, PGS.TS. Đinh Quang Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lịch sử; PGS.TS. Phạm Hồng Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á cùng sự tham dự của các chuyên gia, nhà khoa học hai nước, kiều bào Hàn Quốc tại Việt Nam, sinh viên Việt Nam và các cơ quan báo chí, truyền hình.
|
|
|
Hàn Quốc và Việt Nam đều có điểm chung về lịch sử là đất nước đều bị chia cắt, thế nhưng Hàn Quốc vẫn chưa thống nhất. Việt Nam đã thống nhất đất nước được hơn 40 năm sau khi bị chia cắt trong vòng 30 năm, nhưng Hàn Quốc thì đất nước bị chia cắt đã 70 năm và cho đến nay vẫn chưa khắc phục được. Vì vậy, việc tái thống nhất, hòa hợp dân tộc trên bán đảo Triều tiên không chỉ là nguyện vọng cháy bỏng của nhân dân hai miền Nam Bắc mà còn là sứ mệnh có ý nghĩa quan trọng đặc biệt đối với hòa bình, an ninh của khu vực Đông Bắc Á và Thế giới.
Việt Nam sau khi thống nhất được hai miền Nam – Bắc đã khắc phục khéo léo sự mâu thuẫn về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa giữa hai miền, hiện tại đang nhanh chóng bắt kịp với nền kinh tế thế giới thông qua các hiệp định FTA, TPP…
|
Trong diễn văn khai mạc, Ngài Kim Jeong In khẳng định, chủ đề của diễn đàn lần này có ý nghĩa rất to lớn và sâu sắc đối với quá trình khắc phục những sự khác biệt về ý thức, văn hóa xã hội trong 70 năm chia cắt, sau khi mà Hàn Quốc có thể thống nhất trong tương lai gần. Đồng thời mong muốn, thông qua những trao đổi, thảo luận tại diễn đàn, Hàn Quốc sẽ tìm ra đường lối chính sách thống nhất trong quá trình nghiên cứu tiền lệ của Việt Nam; nhận được sự giúp đỡ trong mối quan hệ ngoại giao thống nhất từ các nước thế giới thứ 3 thuộc Đông Bắc Á; hình thành nên sự đồng cảm và truyền thụ được ý thức về sự thống nhất hòa bình dân chủ cho người dân Hàn Quốc, các doanh nghiệp Hàn Quốc đang sống và làm việc tại Việt Nam, góp phần củng cố mối quan hệ đối tác toàn diện hướng tới kỷ niệm 24 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam – Hàn Quốc. Ngoài ra, Ông Kim Jeong In nhấn mạnh, việc đưa các nỗ lực và phương án thực hiện những cải cách nhằm khôi phục tính đồng nhất dân tộc và lĩnh hội văn hóa, xã hội trở thành hiện thực chính là bước đi đầu tiên trong công cuộc cấu tạo nền tảng của nền hòa bình thống nhất, là con đường hướng tới nuôi dưỡng sức mạnh thống nhất dân tộc.
Trong diễn văn chào mừng, Đại sứ Jeon Dae Ju, PGS.TS. Bùi Nhật Quang và Ngài Yoo Myung Sik đều đánh giá cao ý nghĩa to lớn và tính phù hợp của chủ đề diễn đàn trong thời điểm hiện nay. Qua đó khẳng định, Việt Nam chính là tấm gương điển hình mang tính lịch sử cho sự cải cách, đổi mới bằng kinh nghiệm thống nhất đất nước, những nỗ lực khôi phục tính đồng nhất dân tộc sau khi thống nhất cùng với việc thực hiện chính sách đổi mới. Những kinh nghiệm trong quá trình thống nhất của Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội nhất định sẽ có giá trị tham khảo hữu ích cho quá trình thống nhất bán đảo Triều Tiên trong tương lai, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị hòa bình và phồn vinh giữa Việt Nam – Hàn Quốc.
Trong bài diễn thuyết chủ đạo “Hòa bình trong khu vực Đông Á và thống nhất trên bán đảo Triều Tiên”, Ông Bae Jeong Ho nhấn mạnh đến mục đích của diễn đàn lần này hướng tới cùng nhau thảo luận về phương án hợp tác vì hòa bình thống nhất trên bán đảo Triều Tiên, nhất là trong bối cảnh Cộng hòa DCND Triều Tiên đang chịu sự trừng phạt từ Liên Hợp Quốc do các vụ thử hạt nhân. Theo đó, bài diễn thuyết tập trung phân tích vào một số nội dung chủ yếu như: sự phát triển trong hợp tác giữa hai nước, vấn đề thử hạt nhân của Triều Tiên và quan điểm giữa các bên, năng lực khắc phục khủng hoảng của Hàn Quốc.
Diễn đàn nhận được 04 tham luận, chia làm 02 phiên thảo luận tương ứng với 02 vấn đề chính:
Phiên 1: Vai trò của Việt Nam đối với sự thống nhất trên bán đảo Triều Tiên (Ông Hong Yang Ho- Nguyên thứ trưởng bộ thống nhất Hàn Quốc; Giáo sư Kang Dong Wan, Trường Đại học Dong A; PGS.TS. Phạm Duy Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; TS. Trần Quang Minh; Ông Lê Đình Chỉnh, Khoa Đông Phương học, Đại học Quốc gia Hà Nội; Giáo sư Ko Seong Jun, Trường Đại học Jeju; Ông Kim Jong Soo, chuyên gia thống nhất Đảng Dân chủ Hàn Quốc đồng chủ tọa) bao gồm 02 tham luận [Ảnh hưởng của làn sóng văn hóa Hàn Quốc (Hallyu) đến xã hội Triều Tiên - GS. Kang Dong Wan: (1) Làm suy yếu tư tưởng cùng với sự thay đổi nhận thức của người dân; (2) Mở rộng thị trường và phân hóa giai tầng; (3) Xuất hiện thế hệ mới và rạn nứt trong tư tưởng; (4) Thay đổi về phương thức hành vi mang tính văn hóa xã hội: Hiện tượng làm theo Hàn Quốc], [Sự khác biệt về văn hóa xã hội giữa hai miền Bắc và Nam ở Việt Nam trước năm 1975 - PGS.TS. Phạm Duy Đức]. Các đại biểu đã đóng góp ý kiến thảo luận xoay quanh những thách thức trong quá trình thống nhất bán đảo Triều Tiên từ nhiều góc độ khác nhau.
|
|
|
Toàn cảnh diễn đàn
|
|
Phiên 2: Phương án hợp tác Hàn – Việt để ổn định hòa bình trên bán đảo Triều Tiên (TS. Trần Quang Minh; PGS.TS. Đinh Quang Hải; Nhà báo Lee Yeoung Jong Nhật báo Joong An; PGS.TS. Phạm Hồng Thái; Ông Lê Văn Sang, Giám đốc Trung tâm kinh tế Châu Á- Thái Bình Dương; Ông Hong Yang Ho; Ông Kim Jeong In đồng chủ tọa). Trong phiên 2, các đại biểu cùng nhau trao đổi, thảo luận xoay quanh nội dung của 2 tham luận đề cập: (1) Những Kinh nghiệm hòa giải, hòa hợp dân chủ tại Việt Nam sau khi thống nhất đất nước- PGS.TS. Đinh Quang Hải trình bày đã rút ra 4 bài học kinh nghiệm, theo đó, việc thực hiện hòa giải hòa hợp dân tộc của mọi quốc gia dân tộc trên thế giới cần phải dựa trên nền tảng cơ sở của tư tưởng dân tộc, tư tưởng yêu nước, phản đối chiến tranh, yêu chuộng hòa bình, lợi ích của quốc gia của dân tộc phải được đặt trên tất cả; (2) Tầm nhìn và sự chuẩn bị cho thống nhất bán đảo Triều Tiên của Nhà báo Lee Yeong Jong, đặc biệt cần đẩy mạnh mối quan hệ song phương, hợp tác quốc tế Hàn- Việt đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển, ổn định khu vực cũng như giải quyết, ứng phó với những thay đổi trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Diễn đàn đã kết thúc thành công tốt đẹp. Đây là dịp để các nhà khoa học của hai nước tiếp tục cùng nhau thảo luận và chia sẻ quan điểm về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thống nhất bán đảo Triều Tiên, những kinh nghiệm của Việt Nam trong quá trình thống nhất đất nước và thực hiện hòa hợp dân tộc về mặt văn hóa và xã hội. Những nội dung khoa học được thảo luận tại diễn đàn sẽ góp phần cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho nỗ lực thống nhất bán đảo Triều Tiên, đóng góp quan trọng vào quá trình chuẩn bị thống nhất của cả hai miền Nam – Bắc trong một tương lai không xa.
Nguyễn Thu Trang