GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, phát biểu chào mừng Diễn đàn
|
|
Phát biểu chào mừng Diễn đàn, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, khẳng định: Kinh tế chính trị có vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội, việc nghiên cứu kinh tế chính trị giúp con người hiểu được bản chất của các hiện tượng và quá trình kinh tế, nắm được các quy luật kinh tế chi phối sự vận động và phát triển kinh tế; phát triển lý luận kinh tế và vận dụng lý luận đó vào thực tế, hành động theo quy luật, tránh bệnh chủ quan, giáo điều, duy ý chí. Kinh tế chính trị cung cấp các luận cứ khoa học làm cơ sở cho sự hình thành đường lối, chiến lược phát triển kinh tế, xã hội và các chính sách, biện pháp kinh tế cụ thể phù hợp với yêu cầu của các quy luật khách quan và điều kiện cụ thể của từng nước ở từng thời kỳ nhất định. Việc nghiên cứu các phạm trù và quy luật kinh tế trong khoa học kinh tế chính trị là cơ sở hình thành tư duy kinh tế, không những cần thiết cho các nhà quản lý vĩ mô mà còn rất cần cho hoạt động quản lý sản xuất kinh doanh của các chủ thể kinh tế. Trong thế giới ngày nay, sự tiến bộ của mỗi quốc gia thường được đánh giá ở các tiêu chí cơ bản là sự tăng trưởng kinh tế, phát triển và công bằng xã hội. Hiện nay, trong sự nghiệp đổi mới, Việt Nam đã và đang kiên trì thực hiện kết hợp tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và bảo đảm công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách phát triển.
PGS.TS. Phạm Văn Đức, Viện trưởng Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức Diễn đàn, đọc báo cáo đề dẫn Diễn đàn
|
|
Trong báo cáo đề dẫn, PGS.TS. Phạm Văn Đức, Viện trưởng Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức Diễn đàn, cho biết: Tăng trưởng và phát triển kinh tế luôn là chủ đề xuyên suốt của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc trong mọi giai đoạn phát triển xã hội. Từ năm 2008 trở lại đây, khi cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ bắt đầu từ Mỹ lan ra toàn cầu thì vấn đề tăng trưởng và phát triển một lần nữa được đặt ra với những yêu cầu đổi mới một cách gay gắt. Bên cạnh những giải pháp thận trọng nhưng không kém phần quyết liệt để giải quyết những vấn đề trực tiếp của cuộc khủng hoảng 2008 thì những khía cạnh xã hội của vấn đề tăng trưởng và phát triển cũng được đặt ra một cách nghiêm túc. Lúc này, tăng trưởng và phát triển kinh tế không đơn thuần chỉ ở khía cạnh vật chất của vấn đề mà nói đến tăng trưởng và phát triển thì phải bao hàm trong đó những vấn đề công bằng, bình đẳng, vấn đề phát triển con người... Với một cách hiểu thống nhất về tăng trưởng, phát triển và công bằng xã hội trong đó nhấn mạnh các chỉ số phát triển GDP, GNP... trong tăng trưởng và phát triển kinh tế, nhấn mạnh sự công bằng về quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, công bằng trong phân phối thu nhập, cơ hội phát triển và điều kiện thực hiện cơ hội trong công bằng xã hội, mối quan hệ biện chứng giữa tăng trưởng, phát triển và công bằng xã hội được thể hiện ở chỗ: công bằng xã hội là động lực cũng đồng thời là thành quả của tăng trưởng kinh tế, thể hiện sự phân phối thành quả của tăng trưởng. Tăng trưởng và phát triển kinh tế, đến lượt mình, tạo dựng cơ sở và điều kiện vật chất cần thiết thực thi công bằng xã hội. Công bằng xã hội là động lực, mục tiêu của tăng trưởng và phát triển kinh tế bởi nếu xã hội không bảo đảm được sự công bằng, trước hết là công bằng trong cơ hội và phân phối các sản phẩm xã hội thì khi đó chính sự bất công bằng xã hội sẽ trở thành nhân tố gây cản trở cho tăng trưởng kinh tế ở những giai đoạn tiếp theo. Chính bởi vậy, giải quyết bài toán về tăng trưởng và phát triển kinh tế không thể không tính đến vấn đề công bằng xã hội, động lực cơ bản thúc đẩy xã hội đi lên. Trong thời kỳ hậu khủng hoảng hiện nay, cùng với việc cơ cấu lại nền kinh tế, đảm bảo sự tăng trưởng bền vững thì vấn đề công bằng xã hội một lần nữa được đặt ra một cách cấp thiết, được xây dựng thành chính sách phát triển trọng tâm trong định hướng phát triển của các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển trong xu thế mở rộng quan hệ quốc tế, hội nhập với tiến trình phát triển của nhân loại.
|
|
|
Đồng Chủ tọa Diễn đàn
|
|
Toàn cảnh Diễn đàn
|
Diễn đàn tập trung thảo luận 5 vấn đề chính:
1) Các chính sách và định hướng hướng đến mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững các nền kinh tế trên thế giới sau cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ 2008.
2) Những giá trị cơ bản của các nền kinh tế thị trường hiện đại trong mối quan hệ gắn kết giữa phát triển và thực hiện công bằng xã hội.
3) Các giá trị cơ bản của công bằng xã hội, sự khác nhau giữa công bằng xã hội trong các xã hội tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa.
4) Phát triển và nâng cao đời sống con người, khắc phục sự bất bình đẳng trong phát triển giữa thành thị và nông thôn, giải quyết những vướng mắc xung quanh vấn đề ruộng đất và cải cách ruộng đất...
5) Những vấn đề cơ bản trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường, thực hiện công bằng xã hội trong nghiên cứu so sánh giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Với tinh thần khoa học, hợp tác và sáng tạo, các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam đã cùng nhau trao đổi, thảo luận, giải quyết những vấn đề học thuật và thực tiễn quan trọng đặt ra xoay quanh chủ đề “Tăng trưởng, phát triển và công bằng xã hội”. Thông qua Diễn đàn, các đại biểu có cơ hội tốt để chia sẻ với bạn bè quốc tế những kinh nghiệm, phương pháp và kết quả nghiên cứu trên những lĩnh vực mà các bên cùng quan tâm; đồng thời, các học giả Việt Nam nhận được những gợi mở hữu ích, giúp giải quyết hiệu quả những vấn đề liên quan đến tăng trưởng, phát triển và công bằng xã hội, góp phần thực hiện thành công công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước theo hệ mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.
Diễn đàn thu hút được nhiều ý kiến trao đổi, chia sẻ và tranh luận của các học giả quốc tế, các học giả Việt Nam tới những vấn đề có liên quan. Những ý kiến được trình bày và tranh luận tại Diễn đàn mang lại những gợi mở, những hướng nghiên cứu mới đóng góp vào quá trình phát triển của xã hội. Đồng thời, thông qua Diễn đàn lần này, chúng ta có thể nghiên cứu, học hỏi những kinh nghiệm phát triển của bạn bè quốc tế, áp dụng thành công cũng như những cách thức phát triển, thực hiện công bằng xã hội để làm tốt hơn nữa chính sách phát triển toàn diện xã hội Việt Nam./.
Nguyễn Thu Hà