Hội nghị Thông báo Văn hóa năm 2015
  • 3.5 top logo - tin hoi nghi hoi thao

Hội nghị Thông báo Văn hóa năm 2015

27/11/2015

Sáng ngày 26/11/2015, tại trụ sở 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Văn hóa thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) đã tổ chức hội nghị Thông báo Văn hóa năm 2015, với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, sưu tầm, quản lý và giảng dạy về văn hóa trong cả nước.

GS.TS. Lê Hồng Lý phát biểu khai mạc tại Hội nghị   Toàn cảnh Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, GS.TS. Lê Hồng Lý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa khẳng định, Hội nghị Thông báo Văn hóa là hoạt động thường niên và đã trở thành diễn đàn khoa học đối với giới nghiên cứu, sưu tầm, giảng dạy và quản lý văn hóa của các viện nghiên cứu, các trường đại học trên cả nước. Năm nay, Hội nghị nhận được nhiều sự quan tâm đặc biệt, thể hiện qua số lượng bài tham luận nhiều hơn so với năm ngoái, phạm vi không gian nghiên cứu trong các bài tham luận không chỉ được mở rộng mà còn ngày càng đa dạng và sát với thực tiễn. Bên cạnh hướng nghiên cứu văn hóa truyền thống, hiện nay, Viện Nghiên cứu Văn hóa tập trung theo 2 hướng nghiên cứu chính được thể hiện ở hệ thống đề tài cấp cơ sở, đó là: (1) Xem xét sự tồn tại của văn hóa truyền thống trong xã hội đương đại; (2) Các thực hành văn hóa đương đại cùng các hiện tượng văn hóa mới xuất hiện (vấn đề thờ Mẫu, lối sống thanh niên, điện ảnh, mạng xã hội, sự phục hồi giá trị văn hóa truyền thống trong xã hội hiện đại, văn hóa cộng đồng và dòng họ…). Viện Nghiên cứu Văn hóa đang triển khai nghiên cứu đánh giá các di sản văn hóa phi vật thể sau khi được UNESCO công nhận cũng như trong bối cảnh hiện đại ở nước ta, nghiên cứu quá trình xây dựng đô thị từ góc nhìn văn hóa, định hướng rõ nét hướng đào tạo về văn hóa và hợp tác nghiên cứu với nước ngoài và các địa phương…

Từ hàng trăm tham luận được gửi đến, Hội nghị đã chọn ra 83 bài tham luận, chia thành 6 nội dung chính, tương ứng với 6 tiểu ban, đó là: (1) Tiểu ban Những vấn đề chung (24 tham luận); (2) Tiểu ban Nghệ thuật (15 tham luận); (3) Tiểu ban Văn hóa tri thức của các tộc người (8 tham luận); (4) Tiểu ban Tín ngưỡng (13 tham luận); (5) Tiểu ban Văn học (12 tham luận); (6) Tiểu ban Văn hóa làng (11 tham luận). Số lượng và chất lượng các tham luận gửi đến cho thấy nghiên cứu văn hóa ngày càng phát triển và có vai trò quan trọng trong mọi mặt của đời sống xã hội, thu hút sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, đặc biệt là các nhà nghiên cứu trẻ. Thông qua các kỳ thông báo Văn hóa trước, nhiều ý tưởng xuất phát từ các bài tham luận đã triển khai thành các đề tài nghiên cứu khoa học. Qua đó, việc nghiên cứu văn hóa ngày càng được mở rộng theo hướng đa chiều, đặc biệt là các giá trị văn hóa dân gian, văn hóa truyền thống được đề cao trong xã hội hiện đại…

Hội nghị nhận được nhiều thảo luận của các đại biểu tham dự, những ý kiến  trao đổi sẽ gợi mở nhiều hướng nghiên cứu mới về văn hóa mang tính đa chiều, liên ngành, bao quát thực hành văn hóa đương đại trên cơ sở giữ vững hướng nghiên cứu truyền thống, góp phần vào việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa dân tộc. 

Nguyễn Thu Trang

Các tin đã đưa ngày: