|
GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm phát biểu tại Hội thảo
|
Tham dự Hội thảo, về phía Viện Hàn lâm có GS. TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo dự án; PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Giám đốc ban quản lý Dự án, Viện trưởng Viện nghiên cứu Con người. Về phía tỉnh Lâm Đồng có Ông Phan Văn Đa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; về phía ADB có Ông Võ Trực Điền, Cán bộ chương trình cao cấp, Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam, cùng đông đảo các đại biểu đến từ các bộ ban ngành: Bộ KHCN, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ LĐTBXH, Trung ương Hội LHPNVN, Tổng cục Thống kê; các Sở, Ban ngành, UBND các tỉnh Lâm Đồng, Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai, cùng các nhà nghiên cứu, các giảng viên đến từ Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng, Viện Nghiên cứu Con Người, Viện Xã hội học, Viện KHXH vùng Tây Nguyên, Viện Kinh tế VN, trường ĐH Quốc gia HCM, ĐH Đà Lạt, ĐH Lâm ĐỒng.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Đặng Nguyên Anh đã nhiệt liệt chào mừng sự có mặt của toàn thể đại biểu, khách mời và nhận định: Phát triển bền vững là mục tiêu xuyên suốt quá trình phát triển của mọi quốc gia. Đây là cơ hội và thách thức quan trọng đối với nhiều quốc gia hiện nay. Trong bối cảnh già hóa dân số, dịch bệnh diễn biến phức tạp, suy thoái môi trường diễn ra nhanh ở nhiều quốc gia đã và đang đặt ra nhiều thách thức và yêu cầu đối với mô hình phát triển, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, Hội thảo có nhiệm vụ xem xét các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu của Liên hiệp quốc đến năm 2030 và việc lồng ghép, cụ thể hóa các mục tiêu này trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, cũng như những khó khăn và thách thức đặt ra trong việc thực mục tiêu thiên niên kỷ của Việt Nam. Qua đó, góp phần vào nhiệm vụ tư vấn chính sách mà Viện Hàn lâm đã và đang thực hiện.
|
Ông Võ Trực Điền, chuyên gia cao cấp, ADB phát biểu tại Hội thảo
|
Tiếp lời GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Ông Võ Trực Điền đề cao việc hợp tác giữa ADB và Viện Hàn lâm, đồng thời nhấn mạnh Viện Hàn lâm đã và đang góp phần vào việc xây dựng, giám sát và đạt được các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu của TA9449 nhằm (i) phát triển nguồn nhân lực, (ii) cải cách các thể chế kinh tế, và (iii) phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, và đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Đồng quan điểm với ông Võ Trực Điền, PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê nhấn mạnh, trải qua quá trình hoạt động của dự án, bắt đầu từ năm 2018 đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành một số sản phẩm đầu ra của Dự án như: xây dựng được sổ tay về lập kế hoạch và quản lý chất lượng nghiên cứu; 03 nghiên cứu hướng tới chuẩn quốc tế với các chủ đề về chuỗi giá trị trong lĩnh vực nông nghiệp (với 2 sản phẩm chè ở Thái Nguyên và vải thiều ở Bắc Giang), về năng lượng mặt trời và về phát triển nhân lực chất lượng cao để phát triển bền vững. Đồng thời dự án cũng cung cấp được 1 số các dịch vụ tri thức nhằm nâng cao năng lực cho Viện Hàn lâm qua các hoạt động hội thảo, mở các lớp học....
Ngày thứ nhất, Hội thảo đã tập trung trao đổi với chủ đề: “Mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam: triển khai và giám sát” các tham luận của hội thảo đã tập trung bàn về các vấn đề: từ mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đến mục tiêu phát triển bền vững; Những khó khăn và thách thức trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam; Rà soát các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam và mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc; Lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội; xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, khu công nghiệp sinh thái trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
|
PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Giám đốc Dự án, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người phát biểu tại Hội thảo
|
TS. Đào Thị Minh Hương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người chia sẻ, các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam đã được các Bộ Ban ngành lồng ghép vào các mục tiêu phát triển giai đoạn 2021-2030. Trong hệ thống các chỉ tiêu, vấn đề sức khỏe con người rất được quan tâm, thể hiện bằng việc Việt Nam đã và đang thực hiện rất tốt công tác phòng chống dịch Covid, và Việt nam xếp thứ 42 về chỉ số an ninh sức khỏe toàn cầu.
TS Nguyễn Hữu Dũng, nguyên viện trưởng viện Khoa học Lao động cho rằng việc xem xét, xây dựng và lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp Quốc, lồng ghép với chiến lược phát triển Kinh tế xã hội của Việt Nam là vô cùng cần thiết để nâng cao năng lực điều tra thống kê của Việt Nam tiệm cận với quốc tế là một thách thức không nhỏ.
Ông Phạm Thế Trịnh, Sở KHCN Đăk Lăk nhấn mạnh, các địa phương xây dựng được các tiêu chí và lồng ghép được các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam là yếu tố sống còn để nâng cao đời sống toàn diện cho người dân, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tạo việc làm bền vững.
|
PGS.TS. Nguyễn Danh Sơn, chuyên gia độc lập, trình bày báo cáo tại hội thảo
|
Ngày thứ hai, Hội thảo đã tập trung trao đổi với chủ đề: “Phát triển con người và các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam”. Ngoài báo cáo đề dẫn, hội thảo được chia làm hai phiên. Phiên thứ nhất, hội thảo đã lắng nghe ba tham luận về: Việc làm của lao động Việt nam ở một số nước Châu Á: thách thức đối với việc đạt được mục số 8 trong các mục tiêu phát triển bền vững do TS. Lưu Thị Lịch, Viện Nghiên cứu Con người trình bày; Việc làm bền vững ở Việt Nam trong thực hiện chương trình nghị sự 2030 về sự phát triển bền vững do TS. Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và Xã hội trình này; Hỗ trợ của ADB trong phát triển nguồn nhân lực ở thập kỷ vừa qua và định hướng phát triển trong tương lai do ông Ngô Quang Vịnh, ADB trình bày.
Việc làm bền vững là khát vọng của con người đối với quá trình họ lao động và làm việc. Việc làm với năng suất cao, mang lại thu nhập xứng đáng, được đảm bảo an toàn, ổn định tại nơi làm việc, và gắn với an sinh xã hội cho người lao động và cả gia đình họ là cách tiếp cận toàn diện về việc làm được thể hiện trong mục tiêu phát triển bền vững là không bỏ ai lại phía sau. Có thể nói, mục tiêu số 8 về việc làm là một chủ đề xuyên suốt làm nền tảng cho việc đạt được các mục tiêu khác.
Thảo luận tại phiên thứ nhất, Bà Đào Thị Vi Phương, Phó Vụ trưởng vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng các vấn đề được trình bày tại hội thảo đều vô cùng cấp thiết liên quan đến con người, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế và dịch bệnh toàn cầu như hiện nay. Bà nhấn mạnh cần phải có những nghiên cứu sâu hơn để đưa ra được chiến lược cho nhóm lao động phi chính thức, hạn chế di cư lao động bất hợp pháp bởi hệ lụy để lại là rất lớn.
|
TS. Đào Thị Minh Hương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người, trình bày báo cáo đề dẫn tại hội thảo
|
Ông Nguyễn Hoàng Long, Liên hiệp các hội KHKT tỉnh Lâm Đồng đánh giá cao tính thời sự của các vấn đề được trình bày tại hội thảo. Ông cho rằng vấn đề đào tạo nguồn nhân lực để cung cấp lao động cho thị trường là rất quan trọng. Việc hỗ trợ của ADB cho các địa phương và các cán bộ trẻ nhằm nâng cao kỹ năng là rất cần thiết. Ông mong muốn, trong thời gian tới tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp cận và kết nối được với các dự án của ADB.
Phiên thứ hai, hội thảo đã lắng nghe hai tham luận về: Phát triển con người dân tộc thiểu số từ góc độ y tế: thực trạng và những thách thức đối với mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến 2030 do TS. Lê Thị Đan Dung trình bày; Mục tiêu phát triển bền vững số 6: đảm bảo khả năng tiếp cận đầy đủ và công bằng với nước uống và nước sinh hoạt an toàn: nghiên cứu trường hợp tỉnh Hà Nam của diễn giả Phạm Thị Tính. Hai tham luận này là kết quả nghiên cứu đề tài cấp Bộ do Viện Nghiên cứu Con người chủ trì sử dụng cách tiếp cận dựa trên quyền. Cách tiếp cận này được sử dụng phổ biến bởi các cơ quan của Liên hợp quốc, có mối liên hệ chặt chẽ với khái niệm “phát triển con người”, không chỉ quan tâm tới việc đạt được những mục tiêu đề ra, mà còn chú trọng tới những quy trình, thủ tục thực hiện để đạt được những mục tiêu đó, hay nói cách khác, cách tiếp cận dựa trên quyền quan tâm đến cả kết quả lẫn quá trình thực hiện chính sách có liên quan đến quyền con người, với mục đích làm cho chủ thể quyền vừa được tham gia, vừa được hưởng lợi từ chính sách, qua đó hỗ trợ sự tham gia tích cực của người dân vào quá trình phát triển.
Sức khỏe là một trong những nhân tố quan trọng đảm bảo phát triển con người và cũng là một trong những mục tiêu phát triển bền vững (SDGs3). Đồng thời, đảm bảo cho mọi người dân đều được tiếp cận đầy đủ và công bằng các nhu cầu nước ăn uống và sinh hoạt an toàn là một trong các mục tiêu hàng đầu của Liên hợp quốc và vấn đề môi trường còn là một trong ba trụ cột chính của phát triển bền vững đã được Liên hợp quốc ghi nhận. Tuy vậy, nội dung của hai tham luận cho thấy, người dân tộc thiểu số đang tiếp nhận và sử dụng một dịch vụ y tế chất lượng thấp hơn so với người Kinh, và hầu hết người dân tỉnh Hà Nam đều bày tỏ sự lo lắng và hoang mang về chất lượng nước nguồn nước ở địa phương khiến họ không dám dùng cho nấu ăn. Điều đó đặt ra thách thức đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong giai đoạn tới, đặc biệt là SDGs3 và SGDs6.
|
Toàn cảnh Hội thảo |
Các ý kiến trao đổi tại phiên thứ hai đều cho rằng, vấn đề tiếp cận y tế và tiếp cận nguồn nước ở Việt Nam, bên cạnh tiếp cận các dịch vụ khác như giáo dục, hỗ trợ pháp lý… đang đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt là giữa các nhóm dân tộc, vùng miền. Các thảo luận đều ghi nhận, cách tiếp cận dựa trên quyền sẽ giảm thiểu sự bất bình đẳng và phân biệt đối xử với các nhóm dễ bị tổn thương; đồng thời nâng cao tính trách nhiệm, sự tham gia, không phân biệt đối xử, nâng cao năng lực nhằm nâng cao tính minh bạch và hiệu quả trong phát triển, giảm sự vi phạm quyền hướng tới sự phát triển bền vững.
Hội thảo đã nhận được rất nhiều câu hỏi cũng như ý kiến trao đổi sôi nổi của các đại biểu, các nhà quản lý và đều ghi nhận rằng những tham luận và ý kiến luận bàn tại hội thảo cho thấy việc thiết kế, lồng ghép và giám sát các mục tiêu phát triển bền vững là vô cùng cần thiết, qua đó góp phần thực hiện nhất quán giữa chủ trương và hành động hướng tới sự phát triển bền vững vì con người./.
Nguyễn Thị Huệ, Nguyễn Ngọc Trung
(Nguồn Viện Nghiên cứu Con người)