Hội thảo vinh dự được đón tiếp PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm; GS. Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện Văn học, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Văn học; GS. Hà Minh Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn học, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Văn học; PGS.TS. Phan Trọng Thưởng nguyên Viện trưởng Viện Văn học, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Văn học; PGS.TS. Nguyễn Hữu Châu, Chủ nhiệm Khoa, Khoa học xã hội và nhân văn, Trường Đại học Cần Thơ; TS. Hồ Quốc Hùng Phó Trưởng Khoa xã hội nhân văn, Đại học Văn Lang cùng đông đảo các nhà nghiên cứu, cán bộ công chức, viên chức và người lao động Viện Văn học.
|
Chủ tịch Viện Hàn lâm Bùi Nhật Quang phát biểu tại Hội thảo |
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Viện Hàn lâm Bùi Nhật Quang đã nhiệt liệt chúc mừng những thành tích mà Tạp chí Nghiên cứu Văn học đã đạt được, nhấn mạnh đến vai trò, vị thế của Tạp chí trong hệ thống các tạp chí chuyên ngành của Viện Hàn lâm và khẳng định Tạp chí không chỉ là diễn đàn học thuật quan trọng, cơ quan ngôn luận của Viện Văn học nói riêng mà còn Viện Hàn lâm nói chung về các vấn đề liên quan đến văn hóa - văn học nước nhà.
Các kết quả nghiên cứu đạt được trong quá trình trưởng thành và phát triển được công bố qua 580 số tạp chí, đã cho thấy môt khối lượng đồ sộ các vấn đề khoa học liên quan với hàm lượng khoa học đạt chất lượng cao, góp phần vào sự nghiệp nghiên cứu và phát triển văn học của cả nước, xứng đáng là cơ quan ngôn luận hàng đầu của giới nghiên cứu văn học. Qua đánh giá, Phó giáo sư, Chủ tịch Viện Hàn lâm đã bày tỏ niềm tự hào về một Tạp chí luôn luôn có nhiều nỗ lực, vượt lên mọi hoàn cảnh để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị và chuyên môn được giao và khẳng định Thư chúc mừng của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã minh chứng cho những nỗ lực không mệt mỏi của Tạp chí trong suốt những năm qua. Đây là niềm vinh dự của toàn Viện Hàn lâm, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước dành cho Tạp chí, PGS, Chủ tịch Viện mong muốn, Hội thảo nằm trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Tạp chí sẽ là dịp để các thế hệ Tạp chí cùng nhau nhìn lại chặng đường trưởng thành, nêu rõ được những khó khăn còn tồn tại và chỉ ra được định hướng phát triển, góp phần nâng cao chất lượng Tạp chí lên một tầm cao mới, xứng đáng với niềm kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và của Viện Hàn lâm trong điều kiện hội nhập và phát triển hiện nay.
|
|
PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học phát biểu tại Hội thảo |
PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Văn học phát biểu tại Hội thảo |
Trong hành trình 60 năm trưởng thành và phát triển, qua 580 số báo, Tạp chí đã đăng trên 9000 tiểu luận khoa học. Ngay trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (1960-1975), Tạp chí vẫn xuất bản đều đặn với số lượng lớn, đóng góp vào công cuộc xây dựng nền văn nghệ tiên phong chống xâm lược, đấu tranh thống nhất đất nước. Trong khoảng 10 năm sau hòa bình và những sóng gió thời hậu chiến (1975-1986), có những lúc khó khăn phải in gộp cả hai kỳ, thậm chí bốn kỳ vào chung một số nhưng Tạp chí vẫn luôn vững vàng trên hành trình phát triển của mình. Bước sang giai đoạn Đổi mới, trải qua hơn ba mươi năm. Tạp chí dần làm quen với cơ chế quản lý mới, Tạp chí vẫn luôn đứng vững, ra số đúng kỳ hạn, đúng tiến độ và luôn giữ vững vai trò là cơ quan ngôn luận của Viện Hàn lâm, có uy tín và vị thế cao trong đời sống nghiên cứu, lý luận và phê bình văn học của cả nước; Đội ngũ cán bộ biên tập của Tạp chí cũng đồng thời là các chuyên gia, các nhà nghiên cứu chuyên sâu, trực tiếp tham gia vào công tác viết bài do đó chất lượng của Tạp chí luôn khẳng định được vị thế chuyên môn; đảm nhiệm tốt vai trò thông tin, đánh giá, tư vấn, phản biện xã hội. Góp phần vào việc dự báo và xây dựng khoa nghiên cứu văn học tiên tiến, hiện đại, giữ vững vai trò là cơ quan ngôn luận của Viện Hàn lâm, có uy tín và vị thế cao trong đời sống nghiên cứu, lý luận và phê bình văn học của cả nước…
|
Toàn cảnh Hội thảo |
PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn (Tổng Biên tập) khẳng định: Tạp chí Nghiên cứu Văn học là một diễn đàn khoa học hàn lâm, bởi lẽ, Tạp chí luôn chú trọng mở rộng những cuộc trao đổi học thuật về các vấn đề chức năng văn học, lý thuyết phản ánh và sáng tạo; văn học và “lằn ranh văn học”; chú ý khuyến khích những tìm tòi mới, suy nghĩ mới; những cách đặt vấn đề, cách lý giải và kiểm chứng đúng mức hơn về nhiều khái niệm và hiện tượng văn học trước đây còn chưa được đánh giá một cách khách quan, toàn diện như: tư liệu văn học đầu thế kỷ XX, văn học lãng mạn, văn bản và tác phẩm; chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa; chủ nghĩa “hậu hiện đại”, “hậu cấu trúc’, “giải cấu trúc”; trường phái “phê bình mới”, văn học phi lý, văn học kỳ ảo, giới hạn của lịch sử văn học, …
|
Chủ tịch Viện Hàn lâm Bùi Nhật Quang chụp ảnh lưu niệm với đại diện đại biểu tham dự Hội thảo |
Thông qua các ý kiến phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học cho rằng: Hướng phát triển tiếp theo của Tạp chí sẽ tập trung hướng tới các vấn đề khoa học cơ bản, chuyên sâu bám sát tôn chỉ, mục đích để có nhiều hơn những đóng góp thiết thực vào đời sống nghiên cứu, giảng dạy, mở rộng giao lưu văn học khu vực và quốc tế. Bên cạnh các chuyên mục thường kỳ như lý luận, nghiên cứu văn học Việt Nam giai đoạn cổ - cận đại, hiện đại, dân gian, dân tộc, gắn vấn đề văn học Dân tộc - Quốc gia và Quốc gia - Dân tộc với văn học nước ngoài. Tạp chí sẽ tiếp tục duy trì các chuyên mục chuyên sâu. Đặc biệt khai thác có hiệu quả mảng thông tin tư liệu, trao đổi ý kiến, văn học và nhà trường, đọc sách, góp phần tạo ra các trang viết sinh động, âm hưởng hàn lâm nhưng luôn gần gũi với đời sống, phù hợp với sự phát triển của văn học đương đại. Đây là những nhiệm vụ cụ thể đã được Ban lãnh đạo Tạp chí đăt ra, góp phần tích cực vào quá trình phát triển nền văn hóa văn học đậm đà bản sắc dân tộc, từng bước tiếp cận trình độ nghiên cứu ngữ văn hiện đại trong khu vực và thế giới./.
Phạm Vĩnh Hà