GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo
|
|
Tham dự Hội thảo có GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; PGS.TS. Đặng Nguyên Anh, Viện trưởng Viện Xã hội học; TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn; Ông Phạm Quốc Doanh, Phó trưởng ban Ban Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ; Ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; Ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Ông Nguyễn Đăng Khoa, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; các đại biểu đến từ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hội Nông dân Việt Nam; các bộ, ban, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học ở Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho rằng: đây là hội thảo đầu tiên bàn trực tiếp về chân dung người nông dân đặt trong hai mốc thời gian rất quan trọng: thứ nhất, chúng ta đã trải qua gần 30 năm đổi mới và phát triển; thứ hai, sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 26 về vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Hội thảo này cần phải nhìn nhận thật đúng mức về chân dung người nông dân. Sau gần 30 năm đổi mới, đất nước ta đã có những thay đổi đi lên, diện mạo của nông thôn và người nông dân có những thay đổi đáng kể. Khi bước vào nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, cách tiếp cận phát triển và những thành quả chúng ta đạt được trong khu vực nông nghiệp, nông thôn rất đáng kể; đời sống, thu nhập và đặc biệt là vấn đề giảm nghèo trong khu vực nông thôn đã được cải thiện. Vai trò là trung tâm thành công của người nông dân, trong chiều dài lịch sử đất nước cũng như qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ phải được nhìn nhận khoa học và khách quan. Đất nước ta đang thực hiện bước chuyển đổi kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và đang thực hiện đẩy mạnh CNH, HĐH, quá trình này đặt ra vấn đề gì với người nông dân? Các nghị quyết, chiến lược, chính sách về nông nghiệp, nông thôn và nông dân được đưa ra và thực hiện khá nhất quán, nhiều nội dung của Nghị quyết 26 đã được cụ thể hóa, ảnh hưởng trực tiếp đến người nông dân, chẳng hạn như triển khai xây dựng nông thôn mới. Vấn đề chủ thể của người nông dân cần được làm rõ. Người nông dân có vai trò như thế nào trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế? Qua Hội thảo này, chúng ta phải phác thảo, khắc họa hình ảnh, vị thế của người nông dân; nhìn nhận người nông dân là chủ thể trong vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân; nhìn nhận nông dân trong quan hệ nhiều chiều cạnh để phác họa đúng hình ảnh của người nông dân trong thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế của đất nước.
|
Các đại biểu được nghe 04 tham luận: “Ứng dụng khoa học công nghệ nhìn từ phía người nông dân” (TS. Trần Công Thắng, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn); “Bức tranh nghèo và các thiết chế xã hội trong phát triển nông thôn và giảm nghèo” (Ông Hoàng Xuân Thành, Đại diện nhóm nghiên cứu Oxfam); “Thực trạng đời sống văn hóa xã hội của các cư dân nông thôn Việt Nam giai đoạn 2008-2013” (PGS.TSKH. Bùi Quang Dũng, Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam); “Chân dung nông dân Việt Nam” (TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn).
Theo PGS.TSKH. Bùi Quang Dũng, cần xem tái cấu trúc ngành nông nghiệp là nhân tố hàng đầu và then chốt để giảm nghèo và tăng thu nhập. Chú trọng phát triển khu vực kinh tế phi nông nghiệp trong nông thôn, hình thành khu vực dịch vụ và nghề phụ, làng nghề truyền thống. Các chính sách và biện pháp giảm nghèo cần tập trung vào vùng sâu, vùng xa, các xã đặc biệt khó khăn. Cụ thể, cần phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh mới trong nông thôn (đặc biệt là các hình thức liên kết hợp tác mới) nhằm tận dụng mọi nguồn lực về đào tạo nghề nghiệp cho lao động nông thôn. Hiện nay, hệ thống chính trị ở nông thôn được củng cố và tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, song những thành tựu đạt được này chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước và khu vực nông thôn.
Còn theo ông Hoàng Xuân Thành, cần hình thành các nhóm nông dân phi chính thức, bán chính thức xuất phát từ nhu cầu liên kết, hợp tác thực sự của người dân có thể giúp cải thiện đời sống và giảm nghèo, ngoài ra, phát triển một số hợp tác xã kiểu mới, hoạt động đem lại lợi ích cho các xã viên, đồng thời một số doanh nghiệp cần thúc đẩy tiếp cận thị trường cho các mặt hàng nông sản của đồng bào dân tộc thiểu số với xu hướng đôi bên cùng có lợi.
Ông Nguyễn Quốc Cường cho rằng, yêu cầu với người nông dân trong thời kỳ CNH, HĐH là phải có trình độ khoa học kỹ thuật cao, thạo nghề, nghĩa là phải có kiến thức sản xuất hàng hóa, kinh tế thị trường, biết và sử dụng được tin học, công nghệ, liên kết trong sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, họ cũng phải biết giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường, gắn kết tình làng nghĩa xóm...
Qua Hội thảo có thể thấy, nhìn chung trong thời gian qua, đời sống của người nông dân đã được cải thiện đáng kể thể hiện ở thu nhập và chi tiêu của hộ gia đình tăng mạnh trong giai đoạn 2006-2010. Nguồn thu nhập của người dân từ nông nghiệp giảm dần, thu nhập từ tiền công tăng nhẹ, thu nhập từ các hoạt động phi chính thức tăng lên. Tiếp cận của người nông dân với cơ sở hạ tầng, các dịch vụ công cũng được cải thiện. Các lĩnh vực khác như văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội được nâng cao. Tỷ lệ các hộ tham gia các tổ chức xã hội khá cao, đặc biệt là Hội Nông dân và Hội Phụ nữ. Tuy nhiên, tốc độ giảm nghèo không đồng đều giữa các vùng, giữa các nhóm dân tộc và đang có xu hướng chậm lại, số hộ tái nghèo có xu hướng tăng. Tốc độ tăng thu nhập và chi tiêu có xu hướng giảm dần trong thời gian gần đây. Bất bình đẳng giữa thành thị và nông thôn và trong nội bộ nông thôn vẫn chưa được cải thiện nhiều.
Các ý kiến của đại biểu tham dự sẽ được Ban tổ chức Hội thảo tổng hợp, cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách thông tin toàn diện về người nông dân Việt Nam, đề xuất chính sách để người nông dân thực sự trở thành chủ thể của quá trình phát triển./.
Nguyễn Thu Hà