Hội thảo vinh dự có sự tham dự của GS.TS. Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm kiêm Giám đốc Học viện Khoa học xã hội; PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật; PGS.TS. Nguyễn Như Phát, nguyên Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật cùng đại biểu và các nhà khoa học đến từ Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Bộ Công Thương; Trường Đại học Luật Hà Nội; Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; Học viện Khoa học xã hội và đông đảo cán bộ, công chức, viên chức Viện Nhà nước và Pháp luật.
Sau 30 năm đổi mới, đất nước đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Trong những yếu tố quan trọng đóng góp vào thành tựu đó, cần kể đến vai trò của nhà nước và pháp luật, khoa học xã hội nói chung và khoa học pháp lý nói riêng. Vì vậy, việc nghiên cứu, tổng kết, đánh giá tình hình, kết quả nghiên cứu trong nước về nhà nước, pháp luật trong hơn 70 năm thành lập đất nước, nhất là giai đoạn 30 năm đổi mới là rất cần thiết, góp phần khẳng định vai trò của khoa học nghiên cứu về Nhà nước và pháp luật.
Trong phát biểu khai mạc và báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh nhấn mạnh, việc nghiên cứu lý luận và thực tiễn pháp lý là vấn đề cấp thiết trong bối cảnh đất nước đang tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền, thực hành và phát huy dân chủ, phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Theo gợi ý của PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, nội dung của Hội thảo tập trung vào 3 vấn đề chính như sau:
(1) Phát hiện, làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn đang đặt ra hoặc có thể phát sinh trong quá trình đổi mới, phát triển, cũng như thời cơ, thách thức, yêu cầu của cuộc sống tác động, ảnh hưởng đến pháp luật để giải quyết và cung cấp luận cứ khoa học cho việc luật hóa và tổ chức thực hiện chính sách pháp luật.
(2) Phân tích, đánh giá, làm rõ hạn chế, tồn tại, cùng nguyên nhân của hạn chế, cản trở tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền và hoàn thiện hệ thống pháp luật ở Việt Nam hiện nay.
(3) Xác định những vấn đề, chủ đề, hướng nghiên cứu về nhà nước và pháp luật trong cho giai đoạn từ nay đến năm 2020 và từ năm 2020 đến 2030.
Từ 3 nội dung trên, Hội thảo được chia làm 02 phiên:
Phiên 1: Những vấn đề cấp bách về xây dựng Nhà nước pháp quyền, chủ quyền nhân dân, quyền lực nhà nước, dân chủ và quyền con người (PGS.TS. Nguyễn Đức Minh và PGS.TS. Nguyễn Như Phát chủ trì)
Phiên 2: Những vấn đề cấp bách về pháp luật trong điều kiện Nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế (PGS.TS. Nguyễn Đức Minh và TS. Lê Mai Thanh chủ trì)
Thay mặt cho lãnh đạo Viện Hàn lâm, Phó Chủ tịch Võ Khánh Vinh đã đánh giá cao và ủng hộ sáng kiến của lãnh đạo Viện Nhà nước và pháp luật tổ chức hội thảo với những nội dung và cách tiếp cận như Viện trưởng Nguyễn Đức Minh đã nêu ra. Giáo sư Võ Khánh Vinh đã phát biểu, gợi mở những vấn đề nghiên cứu cấp bách cần triển khai như:
(1) Đổi mới tư duy trong nghiên cứu về nhà nước và pháp luật. Cần nghiên cứu theo hướng đa ngành, liên ngành; gắn kết chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn; nghiên cứu trong nước gắn với bối cảnh toàn cầu và khu vực.
(2) Nghiên cứu về Nhà nước: Nghiên cứu về chủ quyền nhân dân và thực hiện chủ quyền nhân dân, chủ quyền nhà nước trong mối quan hệ với dân chủ, quyền con người, xã hội dân sự và trong bối cảnh toàn cầu hóa, khu vực hóa; Vấn đề quyền lực nhà nước trong nhà nước pháp quyền (cơ chế thực hiện quyền lực nhà nước, kiểm soát quyền lực chính trị và quyền lực nhà nước; Vai trò, chức năng của nhà nước trong mối quan hệ với kinh tế thị trường, xã hội dân sự và trong điều kiện toàn cầu hóa và khu vực hóa, mối quan hệ giữa nhà nước – thị trường- pháp luật - dân chủ; quản trị quốc gia theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại; phòng chống tham nhũng và hội nhập quốc tế…).
(3) Nghiên cứu về Pháp luật: Đẩy mạnh nghiên cứu vai trò, giá trị, chức năng của pháp luật; Xu hướng phát triển của pháp luật thế giới và Việt Nam; Chính sách pháp luật Việt Nam; Văn hóa pháp quyền, pháp luật; Tổng kết, đánh giá chương trình đào tạo các cấp về pháp luật ở nước ta; Nghiên cứu lý luận và thực tiễn trong việc tổ chức thực hiện pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống và duy trì hiệu lực trên thực tế của pháp luật.
Trên cơ sở gợi mở của GS.TS. Võ Khánh Vinh, các đại biểu tại Hội thảo đã chia sẻ ý kiến của GS Võ Khánh Vinh, phân tích và thảo luận sôi nổi những khía cạnh lý luận và thực tiễn cấp bách về các chủ đề khác nhau của khoa học pháp lý. Các ý kiến đều thống nhất cần tăng cường nghiên cứu lý luận về nhà nước và pháp luật; cung cấp luận cứ khoa học ở tầm quan điểm, chính sách để phục vụ việc hoạch định và thực thi đường lối, chính sách, pháp luật. Tuy nhiên, nghiên cứu cần gắn với đời sống thực tế trong nước và quốc tế.
Các đại biểu tiếp tục cùng nhau thảo luận, chia sẻ ý kiến về những vấn đề cấp bách của pháp luật như: Vai trò, chức năng, giá trị và nguồn của pháp luật trong điều kiện nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Hiệu quả điều chỉnh của pháp luật; Pháp luật về giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh trong quá trình phát triển, cơ sở pháp lý và cơ chế giải quyết xung đột xã hội, cơ sở pháp lý tạo đồng thuận xã hội cùng các chủ đề khác về thực hiện dân chủ và quyền con người, pháp luật thương mại, pháp luật dân sự, pháp luật hành chính, pháp luật hình sự….
Các nhà khoa học cũng tham luận, phát biểu về các vấn đề của pháp luật trong hội nhập quốc tế như: tác động của toàn cầu hóa, khu vực hóa, của các cam kết song phương và đa phương (TPP, Cộng đồng kinh tế ASEAN, các hiệp định thương mại tự do mới FTA với EU, Hàn Quốc…) đến nhà nước và cách thức, phạm vi, nội dung điều chỉnh và thực hiện pháp luật; Chủ quyền quốc gia trong điều kiện hội nhập, toàn cầu hóa, khu vực hóa; Cơ chế thực hiện pháp luật trong điều kiện hội nhập hiện nay…
Hội thảo là diễn đàn khoa học hữu ích để các nhà khoa học trao đổi, thảo luận về những vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách về Nhà nước và pháp luật và hướng tới gợi mở những vấn đề, chủ đề, hướng nghiên cứu cho giai đoạn từ nay đến 2020 và từ năm 2020-2030. Không chỉ vậy, chủ đề của Hội thảo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc triển khai nghiên cứu tư tưởng, quan điểm của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, góp phần làm sáng tỏ định hướng phát triển nghiên cứu cho Viện Nhà nước và Pháp luật cũng như giới luật học nước nhà trong thời gian tới.
Nguyễn Thu Trang