Hội thảo khoa học “Quan hệ Việt Nam – Mông Cổ: 60 năm nhìn lại và triển vọng”
  • 3.5 top logo - tin hoi nghi hoi thao

Hội thảo khoa học “Quan hệ Việt Nam – Mông Cổ: 60 năm nhìn lại và triển vọng”

29/10/2015

Sáng ngày 28 tháng 10 năm 2015, tại hội trường tầng 12, số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Quan hệ Việt Nam – Mông Cổ: 60 năm nhìn lại và triển vọng”.

TS. Trần Quang Minh phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo là một trong những hoạt động của nhiệm vụ khoa học cấp Bộ do TS. Trần Quang Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á làm Chủ nhiệm. Đây là nhiệm vụ khoa học mà Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giao cho Viện nghiên cứu Đông Bắc Á thực hiện nhân dịp kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Mông Cổ (1954-2014). Sản phẩm đầu tay của Nhiệm vụ này là cuốn sách tư liệu về quan hệ Việt Nam – Mông Cổ đã được nhóm nghiên cứu của hai nước sưu tập, biên tập, và xuất bản đúng dịp kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ giữa hai nước vào tháng 11/2014.

Tại Hội thảo này, các đại biểu tham dự đã được nghe Chủ nhiệm Nhiệm vụ và các thành viên trình bày các kết quả nghiên cứu trong năm thứ hai của mình. Các báo cáo tham luận đã phân tích, đánh giá thực trạng quan hệ hợp tác Việt Nam – Mông Cổ trên tất cả các lĩnh vực như chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, giáo dục kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức – năm 1954 đến nay; nêu rõ các nhân tố thuận lợi cũng như khó khăn cho việc phát triển mối quan hệ Việt Nam – Mông Cổ; đồng thời đánh giá triển vọng của mối quan hệ Việt Nam – Mông Cổ trong thời gian tới.

Một trong những vấn đề gây nhiều tranh luận là việc phân kỳ giai đoạn trong quan hệ hai nước. Quan điểm của các học giả Việt Nam và Mông Cổ chưa thực sự thống nhất về vấn đề này. Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả theo cách phân kì của phía bạn, chia thành 4 giai đoạn: giai đoạn đầu từ 1954 – 1960, đây là giai đoạn đầu thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước; giai đoạn 2 từ 1960 – 1989 (nhóm Đề tài lấy mốc 1986 khi Việt Nam tiến hành công cuộc Đổi mới; phía bạn lấy năm 1989 là năm kết thúc Chiến tranh Lạnh); giai đoạn 3 từ năm 1990 – 2000; và giai đoạn 4 từ năm 2000 đến nay.

        Toàn cảnh Hội thảo

Về chính trị, ngoại giao: Việt Nam – Mông Cổ thiết lập mối quan hệ ngoại giao từ ngày 17/11/1954, hai nước đã 3 lần ký Hiệp ước hữu nghị, hợp tác và khoảng 20 hiệp định về hợp tác kinh tế thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học kĩ thuật và các lĩnh vực khác. Các Hội hữu nghị Việt Nam – Mông Cổ (thành lập năm 1961) và Mông Cổ - Việt Nam (thành lập năm 1960) tích cực hoạt động, góp phần to lớn vào việc tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước.

Về kinh tế - thương mại: Hiệp định thương mại đầu tiên giữa Việt Nam và Mông Cổ được kí vào năm 1958. Hai bên duy trì cơ chế Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Mông Cổ, phiên gần đây nhất (phiên 15) tổ chức tháng 3/2015 tại Hà Nội. Hợp tác thương mại song phương vẫn duy trì ở mức thấp.

Về văn hóa, giáo dục, khoa học kĩ thuật: Việc trao đổi sinh viên, giao lưu và hợp tác về văn hóa được thực hiện từ những năm 1960. Hai bên đã kí Hiệp định về Hợp tác giáo dục giai đoạn 2013-2016, theo đó hằng năm, Việt Nam nhận đào tạo 15 sinh viên Mông Cổ và Mông Cổ đào tạo 5 sinh viên Việt Nam. Quan hệ giao lưu văn hóa còn hạn chế, ngoài đoàn nghệ thuật Mông Cổ hằng năm sang tham dự Festival Huế, hai bên ít có trao đổi đoàn.

Về triển vọng quan hệ Việt Nam – Mông Cổ, có thể khẳng định, trong thời gian tới sẽ phát triển nhanh và mạnh hơn. Có rất nhiều nhân tố thuận lợi tạo điều kiện cho sự phát triển hơn nữa quan hệ của hai nước.

Việt Nam và Mông Cổ có mối quan hệ hết sức đặc biệt, là người bạn “cố tri”, trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, quan hệ giữa hai nước đã ngày càng trở nên gần gũi và thân thiết, có tiềm năng hợp tác hết sức to lớn có thể hỗ trợ và bổ sung lẫn nhau trong quá trình xây dựng và phát triển cho mỗi nước. Mặc dù mức độ hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục hiện nay vẫn còn rất khiêm tốn, song trên nền tảng của những gì đã đạt được trong 60 năm qua, tiềm năng to lớn và những lợi ích thiết thực của cả hai nước trong quá trình đẩy mạnh quan hệ hợp tác, có thể tin rằng quan hệ Việt Nam – Mông Cổ trong thời gian tới sẽ có sự phát triển vượt bậc.

Hội thảo nhận được nhiều ý kiến góp ý của các đại biểu tham dự, các ý kiến đóng góp đã được Chủ nhiệm Nhiệm vụ và các thành viên ghi nhận, lựa chọn để bổ sung góp phần hoàn thiện Báo cáo tổng hợp của Nhiệm vụ./.

Nguyễn Thu Hà

 

Các tin đã đưa ngày: