Hội thảo khoa học quốc gia “Di sản V.I.Lênin: Giá trị lý luận - thực tiễn”
  • 3.5 top logo - tin hoi nghi hoi thao

Hội thảo khoa học quốc gia “Di sản V.I.Lênin: Giá trị lý luận - thực tiễn”

22/04/2020

Nhân dịp kỷ niệm 150 năm Ngày sinh V.I.Lênin (22/4/1870 - 22/4/2020), thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, sáng ngày 22/4/2020, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Di sản V.I.Lênin: Giá trị lý luận - thực tiễn”, theo hình thức trực tuyến. Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tham dự, chủ trì và phát biểu khai mạc Hội thảo.

Chủ trì Hội thảo còn có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Bùi Nhật Quang, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Quang cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo có các đồng chí đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Ban Kiểm tra Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Văn phòng Chủ tịch nước, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Thành ủy, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, Tạp chí Cộng sản, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga, cùng các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu, các cơ quan báo chí đưa tin.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: V.I.Lênin là nhà tư tưởng vĩ đại, lãnh tụ thiên tài của giai cấp công nhân và những người lao động bị áp bức trên toàn thế giới. V.I.Lênin đã để lại cho chúng ta một di sản đồ sộ vô cùng quý báu. Cuộc đời và sự nghiệp của V.I.Lênin không chỉ biểu hiện phong phú, sâu sắc về tư tưởng, lý luận mà còn là biểu tượng cao đẹp của một người cộng sản chân chính, mẫu mực, suốt đời phấn đấu cho cách mạng và tiến bộ xã hội, cho sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân, giải phóng dân tộc, giải phóng con người khỏi áp bức, nô dịch. Dù thời gian đã lùi xa và thế giới hiện đã có nhiều thay đổi to lớn song tư tưởng của V.I.Lênin vẫn là ngọn đuốc soi đường cho nhân loại trong hành trình phát triển mà Hội thảo của chúng ta hôm nay có nhiệm vụ góp phần làm sáng tỏ.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, nhắc lại thân thế và sự nghiệp của V.I.Lênin, đồng thời nhấn mạnh: bằng hoạt động lý luận và thực tiễn xuất sắc, V.I.Lênin đã bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác trong giai đoạn lịch sử mới - giai đoạn đế quốc chủ nghĩa và cách mạng vô sản; lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại năm 1917, lập nên nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới, đưa chủ nghĩa xã hội từ lý luận khoa học trở thành hiện thực sinh động, mở ra thời đại mới trong lịch sử nhân loại - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của V.I.Lênin là vô cùng vĩ đại, những đóng góp của Người cho giai cấp công nhân và những người lao động bị áp bức trên toàn thế giới là đặc biệt to lớn, mang ý nghĩa thời đại sâu sắc.

Trong quá trình tồn tại và phát triển của mình, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa đã đạt được nhiều thành tựu vĩ đại, song từ những năm 70 đã lâm vào trì trệ, rơi vào khủng hoảng trầm trọng và cuối cùng sụp đổ vào cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ XX. Sự sụp đổ này là tổn thất to lớn đối với phong trào cách mạng thế giới, song rõ ràng không phải là sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội nói chung, càng không phải là sự sụp đổ của chủ nghĩa Mác - Lênin. Đó chỉ là sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực mang nhiều khiếm khuyết, như: kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, duy ý chí, giáo điều, xa dân, xa rời những nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, buông lỏng vai trò lãnh đạo của đảng tiên phong, không thích ứng với những thay đổi diễn ra thường xuyên của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội. Thất bại đó khiến chúng ta càng thấy được ý nghĩa to lớn của những chỉ dẫn kinh điển quý báu mà V.I. Lênin để lại cho công cuộc cải cách, đổi mới của chủ nghĩa xã hội hiện thực để hồi sinh, phát triển sau này.

Trước những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, nhiệm vụ đặt ra cấp thiết cho những người cộng sản trên toàn thế giới phải tiếp tục, kiên trì, vận dụng, bổ sung và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin. Trong điều kiện rất khó khăn, các quốc gia xã hội chủ nghĩa đã tự đổi mới và thu được nhiều thành tựu rất quan trọng. Các lực lượng cách mạng trên thế giới đang từng bước hồi phục. Trong các quốc gia phát triển, nhiều nhân tố xã hội chủ nghĩa đang hình thành…  Điều đó chứng tỏ sức sống mãnh liệt của chủ nghĩa Mác - Lênin và triển vọng của chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội vẫn là tương lai của nhân loại.

Với nhiều tham luận và ý kiến phát biểu, Hội thảo tập trung làm rõ các vấn đề trọng tâm: (i) V.I.Lênin phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác về khả năng thắng lợi của cách mạng vô sản trong giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga, mở ra thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội; (ii) V.I.Lênin bổ sung, phát triển sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; (iii) V.I.Lênin là tấm gương mẫu mực trong cuộc đấu tranh bảo vệ, bổ sung và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác; (iv) Lý luận về dân tộc và dân tộc thuộc địa của V.I.Lênin là chỉ dẫn quý báu cho các dân tộc bị áp bức trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc; (v) Di sản của V.I.Lênin là ánh sáng soi đường cho cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh; (vi) Bản lĩnh, trí tuệ và đổi mới, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - Đảng ta nhất định sẽ lãnh đạo nhân dân ta thành công trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; … 

Kỷ niệm 150 năm Ngày sinh của vị lãnh tụ thiên tài V.I.Lênin là dịp để chúng ta tôn vinh cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến vĩ đại của Người cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Đây cũng là dịp để chúng ta tiếp tục nghiên cứu nhằm hiểu rõ hơn trí tuệ, bản lĩnh, nhân cách của V.I.Lênin trong việc bảo vệ, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực ở nước Nga Xô-viết; để hiểu sâu sắc hơn những bài học kinh nghiệm trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực trên thế giới. Từ đó, chúng ta có thêm bản lĩnh và quyết tâm để kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới; có ý chí, sức mạnh và khát vọng mãnh liệt vượt qua mọi khó khăn, thử thách, làm nên kỳ tích Việt Nam, với tầm nhìn đưa nước ta trở thành một nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại hằng mong muốn.

 

PV.

Các tin đã đưa ngày: