Hội thảo khoa học quốc gia “Sáng tác văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới - thực trạng và triển vọng”
  • 3.5 top logo - tin hoi nghi hoi thao

Hội thảo khoa học quốc gia “Sáng tác văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới - thực trạng và triển vọng”

28/05/2015

Nhằm tiếp tục đi sâu đánh giá, luận giải, tổng kết một cách toàn diện những thành tựu, hạn chế của thực tiễn sáng tác văn học Việt Nam 30 năm đổi mới, ngày 28/5/2015, tại hội trường 3D, số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Văn học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Sáng tác văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới - thực trạng và triển vọng”. Tham dự Hội thảo có các nhà văn, dịch giả, nhà lý luận, phê bình văn học đến từ các viện nghiên cứu chuyên ngành của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Văn hóa Hà Nội, Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Huế, Đại học Vinh, Đại học Thái Nguyên, Đại học Duy Tân, Đại học Hùng Vương, Đại học Đồng Tháp…

PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học <br>phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học khẳng định, trong gần 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, Việt Nam đã thu được những thành tựu quan trọng, nhưng cũng còn hạn chế cần khắc phục. Trong lĩnh vực văn học, chủ trương đổi mới của Đảng đã tạo nên nguồn cảm hứng mới và những đột phá mới rất đáng ghi nhận. Đã đến lúc, để tiếp tục sự nghiệp đổi mới, cần có những tổng kết trên các phương diện khác nhau, nhằm rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra những giải pháp phát triển nhanh, mạnh, bền vững.

Hội thảo đã nhận được hơn 70 tham luận của các nhà văn, dịch giả, nhà lý luận, phê bình văn học, trong đó, có gần 20 tham luận được Ban Tổ chức lựa chọn báo cáo chính thức tại Hội thảo. Trọng tâm của Hội thảo là phân tích, đánh giá thực tiễn sáng tác văn học đổi mới, vì trong đời sống văn học, đây là lĩnh vực năng động nhất, dấu ấn đổi mới hiện lên rõ nét nhất. Tại đây, ta nghe thấy hơi thở nóng hổi của cuộc sống, những tri nhận mới mẻ của nhà văn về thế giới, về lịch sử và con người, nơi thai nghén và phát lộ những tư tưởng mỹ học mới, nơi thể hiện rõ nhất sự nhạy cảm văn hóa của nhà văn... So với trước đây, thực tiễn sáng tác văn học thời kỳ đổi mới hiện diện và phát triển trong một không gian văn hóa mang hai đặc tính lớn của thời đại là đổi mới và hội nhập. Đổi mới, hội nhập chính là những từ khóa quan trọng nhất khi nói về văn học từ sau 1986. Quá trình hội nhập quốc tế đòi hỏi chúng ta phải đối mặt với câu hỏi: văn học Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ văn học thế giới? Chúng ta đã góp thêm gì để làm giàu có hơn di sản tinh thần của nhân loại? Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, dù là sản phẩm tinh thần, nhưng văn học vẫn phải chấp nhận và thích ứng với quy luật thị trường, phải thích ứng với thời cuộc để giành lấy thị phần trước sự bành trướng của kỹ thuật truyền thông hiện đại.

Chủ tịch Đoàn điều hành Hội thảo   Toàn cảnh Hội thảo

Các tham luận trình bày tại Hội thảo đều tập trung phân tích, đánh giá khách quan, chính xác về đội ngũ sáng tác, các hiện tượng, các tác giả và tác phẩm tiêu biểu của văn học thời kỳ đổi mới; Nhận diện, lý giải thấu đáo những đổi mới trên phương diện thể loại và những thử nghiệm mới trong sáng tạo nghệ thuật; Đúc rút bài học kinh nghiệm từ thực tiễn sáng tạo và tiếp nhận văn học thời kỳ đổi mới; Và dự báo khả năng phát triển của văn học, đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng sáng tác của văn học trong thời kỳ mới.

Sau khi nghe các báo cáo tham luận, các trao đổi, thảo luận sôi nổi của các nhà khoa học, của những người yêu văn chương, Hội thảo đặc biệt được nghe ý kiến của nhà văn, về quan niệm cầm bút của họ, về những trăn trở sáng tạo và khát vọng đổi mới, về những thành tựu và hạn chế của văn học trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế

Hội thảo khoa học là diễn đàn để các nhà nghiên cứu và phê bình văn học trong cả nước, cùng với các nhà văn với tư cách là chủ thể sáng tạo đánh giá lại thực trạng văn học thời kỳ Đổi mới, đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm góp phần thúc đẩy nền văn học Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đúng đắn trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đóng góp tích cực hơn nữa vào sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ban tổ chức dự kiến, sau Hội thảo, các báo cáo sẽ được tiếp tục chọn lọc, biên tập, chỉnh lý để xuất bản trong số chuyên đề của Tạp chí Nghiên cứu văn học và Kỷ yếu Hội thảo./.

Nguyễn Thu Hà

Các tin đã đưa ngày: