Hội thảo khoa học “Trật tự kinh tế thế giới mới: Sự hình thành và các yếu tố tác động”
  • 3.5 top logo - tin hoi nghi hoi thao

Hội thảo khoa học “Trật tự kinh tế thế giới mới: Sự hình thành và các yếu tố tác động”

16/05/2020

Trong khuôn khổ Chương trình nghiên cứu của Viện Kinh tế và Chính trị thế giới năm 2020, sáng ngày 15/5/2020, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) tổ chức hội thảo khoa học “Trật tự kinh tế thế giới mới: Sự hình thành và các yếu tố tác động”.

Tham dự hội thảo có: TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới; TS. Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới; PGS.TS. Lê Văn Sang, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản lý, Trung tâm Nghiên cứu Châu Á-Thái Bình Dương cùng góp mặt của các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các viện thuộc khối nghiên cứu quốc tế.

GS.TS. Đặng Nguyên Anh phát biểu đề dẫn Hội thảo   Toàn cảnh Hội thảo

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, mâu thuẫn của Liên minh Châu Âu do vấn đề Brexit hay căng thẳng thương mại giữa Nhật Bản với Hàn Quốc là những biểu hiện cho thấy sự suy yếu các cường quốc kinh tế cũ và sự nổi lên của các nền kinh tế mới nổi. Hoa Kỳ xét lại thỏa thuận thương mại với nhiều đối tác, rút khỏi Hiệp định thương mại TPP trong khi Trung Quốc lại cố giương cao ngọn cờ toàn cầu với chiến lược “vành đai con đường” và thúc đẩy ký kết Hiệp định RCEP.

Trật tự kinh tế thế giới mới đang hình thành với vai trò ngày càng lớn của nhiều nền kinh tế mới nổi. Các chuyên gia đang bắt đầu nhắc đến nhóm E7 (Emerging 7) với những quốc gia có quy mô kinh tế lớn nhất thế giới có triển vọng thay thế cho nhóm G7 (Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Anh, Hoa Kỳ và Canada). Nhóm nước E7 bao gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nga, Indonesia, Mexico vàThổ Nhĩ Kỳ với những nền kinh tế lớn hơn so với các nước G7 hiện nay. Sự hình thành của trật tự kinh tế thế giới mới đã và đang kéo theo những thay đổi lớn đối với các luật lệ kinh tế quốc tế mới, hình thành nên các trung tâm tài chính mới cũng như các thị trường hàng hóa mới trên quy mô toàn cầu.

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, GS.TS. Đặng Nguyên Anh nhấn mạnh, Đại dịch Covid-19 được xem là thảm họa toàn cầu mà nhân loại phải đối diện kể từ sau thế chiến thứ II. Đại dịch đã tác động toàn diện đến nền kinh tế và cuộc sống thường ngày của con người (kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục, văn hóa, tôn giáo…). Đặc biệt là tổn thất về tính mạng con người và nguồn lực, tác động mạnh mẽ đến kinh tế, đẩy lĩnh vực sản xuất rơi vào suy thoái diễn ra ở các quốc gia (Trung Quốc, Mỹ, HànQuốc, Indonesia, Philippines…). Các công ty bị mất doanh thu, kinh tế lao đao, các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị phá sản, người lao động mất việc làm, ảnh hưởng đến thu nhập và sinh kế. Các lĩnh vực hàng không, du lịch, đầu tư, thương mại đến nay vẫn chưa phục hồi và Việt Nam cũng không ngoại lệ, mặc dù nước ta đã chủ động và thành công hơn trong kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh.

Nợ công tại các nước phát triển dự báo tăng thêm 60.000 tỷ, tương đương hơn 15% GDP một con số chưa từng có kể từ sau Thế chiến thứ II. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể sẽ xuống dưới mức 2-2,5% được xem là ngưỡng suy thoái với kinh tế thế giới. Sự hủy hoại của Covid đối với kinh tế toàn cầu là hiện hữu khi khả năng phục hồi còn bỏ ngỏ.

PGS.TS. Cù Chí Lợi trình bày tham luận tại Hội thảo

Hội thảo nhận được 03 tham luận của các diễn giả (PGS.TS. Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Mỹ, TS. Nguyễn Xuân Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc; ThS. Bùi Ngọc Sơn, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới), tập trung trình bày về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và tác động của nó tới trật tự kinh tế thế giới mới; Trung Quốc ứng phó với Covid-19 và tác động; Trật tự Bretton Woods sau Covid-19 và một số hàm ý cho Việt Nam.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về sự thay đổi trong quan hệ của Trung Quốc với thế giới sau đại dịch Covid-19; Dịch bệnh đã và đang làm sâu sắc thêm sự đối đầu Mỹ- Trung, bên cạnh lĩnh vực thương mại, công nghệ và quân sự, Washington và Bắc Kinh tiếp tục đối đầu trên mặt trận y tế; Mô hình kịch bản phục hồi của kinh tế thế giới sau Covid-19 và khi đến giai đoạn phục hồi sau đại dịch thì quốc gia và khu vực nào sẽ nổi lên, kiểm soát được tình hình và trở thành đầu tàu kinh tế; Sự thay đổi  trật tự kinh tế thế giới sau đại dịch Covid-19. Qua đó rút ra hàm ý cho Việt Nam, Việt Nam cần có sự lựa chọn thông minh, ứng phó trong quan hệ Mỹ - Trung, đồng thời xây dựng chiến lược thu hút dòng vốn, thương mại, công nghệ…

Hội thảo là diễn đàn trao đổi học thuật hữu ích, đây là kênh thông tin khoa học quan trọng giúp các chuyên gia, nhà khoa học của Viện Kinh tế và Chính trị thế giới lĩnh hội, tham khảo thông tin quí báu từ các viện nghiên cứu quốc tế, từ đó có những hướng tiếp cận đa chiều, phục vụ cho công tác nghiên cứu về trật tự kinh tế thế giới mới, đặc biệt là sự tác động mạnh mẽ của dịch Covid-19 sẽ làm thay đổi về những qui tắc, giá trị, quyền lực giữa cường quốc Mỹ- Trung và các quốc gia khác. Qua đó đưa ra những hàm ý chính sách hiệu quả đối với Việt Nam trong thời gian tới.

Nguyễn Thu Trang

Các tin đã đưa ngày: