Hội thảo khoa học “Xây dựng cơ chế, chính sách liên kết vùng trong ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu ở Việt Nam”
  • 3.5 top logo - tin hoi nghi hoi thao

Hội thảo khoa học “Xây dựng cơ chế, chính sách liên kết vùng trong ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu ở Việt Nam”

13/11/2015

Được sự đồng ý của Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm), sáng ngày 13/11/2015, tại trụ sở 1A, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Địa lý nhân văn thuộc Viện Hàn lâm phối hợp với Văn phòng Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Xây dựng cơ chế, chính sách liên kết vùng trong ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu ở Việt Nam”.

TS. Nguyễn Song Tùng trình bày báo cáo tại Hội thảo

Tham dự Hội thảo có TS. Trần Ngọc Ngoạn, Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn; TS. Đào Hoàng Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn; các cán bộ, chuyên gia đến từ các bộ, ban, ngành và địa phương (Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Vụ Địa phương thuộc Ban Kinh tế Trung ương…) cùng sự góp mặt của đại diện các viện nghiên cứu chuyên ngành thuộc Viện Hàn lâm.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ đề tài “Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách liên kết vùng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam” thuộc Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước “Khoa học và công nghệ phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu” do TS. Nguyễn Song Tùng, Phó Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Địa lý nhân văn làm chủ nhiệm. Hội thảo nhằm công bố và lấy ý kiến của các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách của bộ, ngành và địa phương về kết quả nghiên cứu của đề tài.

Biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ XXI. BĐKH sẽ làm gia tăng tính ác liệt của thiên tai, cả về cường độ lẫn tần suất, từ đó tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường trên phạm vi toàn thế giới. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong những quốc gia sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của BĐKH, nước biển dâng và tác động lớn đến kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề hợp tác và liên kết giữa các vùng, địa phương cũng như thể chế, chính sách liên kết trong tổ chức, quản lý, bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH, thiên tai trên phương diện vùng và liên vùng còn hạn chế và khó khăn, chưa được quan tâm nghiên cứu nhiều. Vì vậy, việc thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách liên kết vùng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam” là hết sức cần thiết và cấp bách, có ý nghĩa về lý luận và thực tiễn nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược quốc gia về BĐKH, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH.

  Toàn cảnh Hội thảo

Dựa vào 03 mục tiêu nghiên cứu của đề tài, Hội thảo nhận được 05 tham luận, tập trung vào một số nội dung chính như sau:

Thứ nhất: Đánh giá biểu hiện và tác động của BĐKH đến các vùng ở Việt Nam. Cụ thể là tác động của BĐKH đến sự phát triển kinh tế - xã hội, biểu hiện ở các ngành: Du lịch, Thủy sản, Nông – Lâm nghiệp, Giao thông vận tải tại các vùng: Vùng ven biển và hải đảo (Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ);  Vùng đồng bằng (Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long);  Vùng núi và trung du (Vùng núi, Trung du Bắc Bộ, vùng núi Trung Bộ và Tây Nguyên) - PGS.TS. Mai Trọng Thông, Viện Địa lý nhân văn trình bày.

Thứ hai: Đánh giá thực trạng cơ chế, chính sách liên kết vùng (LKV) trong ứng phó với BĐKH ở Việt Nam. Thông qua phân tích những khó khăn về LKV hiện nay, các diễn giả đã nêu cơ sở lý luận và những nội dung chính LKV trong ứng phó với BĐKH, đó là: (1) liên kết trong xây dựng cơ chế, chính sách ứng phó với BĐKH; (2) liên kết trong việc hình thành tổ chức điều phối; (3) liên kết trong việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH; (4) liên kết trong phát triển kinh tế - xã hội nhằm ứng phó với BĐKH thông qua xây dựng cơ sở hạ tầng, nguồn lực tài chính, khoa học - công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và lồng ghép các giải pháp thích ứng và giảm nhẹ BĐKH vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; (5) liên kết để bảo vệ tài nguyên – môi trường thông qua bảo vệ môi trường, lưu vực sông, bảo vệ rừng và đa dạng sinh học. Từ đó đề cập đến những thách thức và triển vọng, tiềm năng hợp tác LKV ở Việt Nam trong bối cảnh mới, dựa trên lợi thế so sánh vùng (Trung du và miền núi phía Bắc; Đồng bằng sông Hồng; Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung; Tây Nguyên; Đông Nam Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long) - TS. Nguyễn Song Tùng, diễn giả Hà Huy Ngọc và ThS. Phạm Thị Trầm  thuộc Viện Địa lý nhân văn trình bày.

Thứ ba: Đề xuất các quan điểm và giải pháp về cơ chế, chính sách nhằm tăng cường LKV trong ứng phó với thiên tai và BĐKH ở Việt Nam. 05 quan điểm được đưa ra đó là: (1) Hoạt động ứng phó với BĐKH, phát triển kinh tế - xã hội phải được thiết kế, xây dựng trên cơ sở các đặc trưng sinh thái tự nhiên của từng vùng, tiểu vùng; (2) Thích ứng với BĐKH và nước biển dâng là nội dung quan trọng trong thực hiện LKV để ứng phó với BĐKH ở Việt Nam; (3) Thực hiện LKV trong ứng phó với BĐKH là nội dung quan trọng được lồng ghép vào các chiến lược, kế hoạch phát triển các cấp, các ngành và địa phương; (4) LKV trong ứng phó với BĐKH phải dựa trên cơ sở lợi ích của cộng đồng, người dân và địa phương; (5) Cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành trong thực hiện LKV. Qua đó đề xuất các giải pháp về xây dựng cơ chế, chính sách LKV trong ứng phó với BĐKH: (1) Hiện thực hóa hoặc tăng cường hiệu lực hiệu quả của những quy định đã có hoặc sắp ban hành: Hiến pháp; Quan điểm của Đảng trong Nghị quyết số 24/NQ-TƯ; Các chiến lược có liên quan đã được phê duyệt (điển hình là Chiến lược quốc gia về BĐKH); Quy hoạch và lĩnh vực quản lý tài nguyên - môi trường (đất đai, rừng, tài nguyên nước…). (2) Sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách đã ban hành (Quyết định số 1719/2011/QĐ-TTg, ngày 04/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt tiêu chí đánh giá dự án ưu tiên theo Chương trình hỗ trợ ứng phó với BĐKH (SP-RCC) và Thông tư số 03/2013/TTLT- BTNMT- BTC- BKHDT)… - Diễn giả Lại Văn Mạnh, Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày.

Hội thảo nhận được nhiều trao đổi, thảo luận của các đại biểu tham dự. Những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học đến từ các bộ, ngành và địa phương sẽ giúp nhóm nghiên cứu hoàn thiện báo cáo góp phần cung cấp những thông tin hữu ích cho các cơ quan hữu quan trong việc hoạch định cơ chế, chính sách LKV toàn diện và hiệu quả trong ứng phó với thiên tai, BĐKH ở Việt Nam trong thời gian tới.

Nguyễn Thu Trang

 

 

Các tin đã đưa ngày: