Tham dự Hội thảo có: PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm; TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; Ngài Daniel J. Kritenbrink, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam; Ngài Yamada Takio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam; PGS.TS. Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Mỹ; TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ quốc tế; đại diện các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương (Văn phòng Chính phủ, Vụ Tây Âu- Bắc Mỹ thuộc Ban Đối Ngoại Trung ương Đảng, Vụ Châu Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao, Viện Chiến lược- Bộ Công An…). Hội thảo còn có sự góp mặt của các Cựu Đại sứ, nhiều học giả hàng đầu Việt Nam, đại biểu Trung tâm Nghiên cứu Châu Á- Thái Bình Dương, Hội Việt – Mỹ, cùng đại diện lãnh đạo đến từ các viện nghiên cứu khối quốc tế Viện Hàn lâm và các trường đại học tại Việt Nam.
|
Kể từ khi bình thường hóa và thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 11/7/1995 cho tới nay, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đã đạt nhiều kết quả tích cực trên mọi mặt. Hoa Kỳ hiện là đối tác thương mại và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Năm 2013, nhân chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hai bên đã nâng cấp lên “Quan hệ đối tác toàn diện”, kể từ đó, quan hệ Việt – Mỹ tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa.
Trong diễn văn khai mạc tại Hội thảo, thay mặt Lãnh đạo Viện Hàn lâm, Chủ tịch Bùi Nhật Quang nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đảo của các đại biểu tham dự và bày tỏ niềm vinh dự được đón tiếp Ngài Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng như các vị đại diện của các đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam. PGS Chủ tịch cũng nêu rõ, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đã trải qua nhiều thăng trầm khó khăn và thử thách, nhấn mạnh đến những thành tựu hai bên đã đạt được trong 25 năm qua, đồng thời chỉ ra những thách thức trong quan hệ song phương trong thời gian tới. Đó là: (1) Những khó khăn của Việt Nam trong việc thực hiện nguyên tắc có đi có lại trong thương mại quốc tế mà Tổng thống Donald Trump đang theo đuổi. Các vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh hiện nay ở Việt Nam để thu hút đầu tư của Hoa Kỳ vẫn còn nhiều bất cập về thể chế, cơ sở hạ tầng cũng như nguồn nhân lực; (2) Thách thức từ một vài nước trong khu vực trong việc thúc đẩy quan hệ song phương trên lĩnh vực quốc phòng – an ninh Việt Nam – Hoa Kỳ; (3) Sự khác biệt về hệ thống chính trị và những nguyên tắc quản lý xã hội của hai nước.
Từ những vấn đề nêu trên, Chủ tịch Bùi Nhật Quang mong muốn các nhà ngoại giao và học giả sẽ trao đổi, thảo luận để đưa ra những nguyên tắc, khuôn khổ nhằm định dạng mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ hiện nay cũng như trong tương lai, những ưu tiên hợp tác, khó khăn cần khắc phục nhằm hướng tới việc duy trì ổn định, phát triển của quan hệ song phương, thúc đẩy sự phồn vinh của hai dân tộc, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.
Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, Ngài Daniel J.Kritenbrink bày tỏ niềm vui lần đầu tiên đến thăm và làm việc tại Viện Hàn lâm; trân trọng những thành tựu trong quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ 25 năm qua. Đồng thời Ngài Đại sứ cũng ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực phi thường hai bên về hành trình xây dựng mỗi quan hệ hợp tác trong thời gian qua. Ngài Đại sứ nhấn mạnh, những nỗ lực của hai bên sẽ góp phần hướng tới tương lai tốt đẹp và Hoa Kì cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đối với các vấn đề nhân đạo (tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh và xử lí di sản chiến tranh, chất độc da cam…). Điều này thể hiện sự chân thành của Hoa Kỳ trong sự phát triển chung giữa hai quốc gia, xây dựng niềm tin, sự thấu hiểu lẫn nhau, thúc đẩy giao lưu nhân dân trên tất cả các lĩnh vực.
|
|
|
Ngài Đại sứ đánh giá cao Việt Nam trong quan hệ thương mại với Hoa Kỳ, Việt Nam là một trong thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Hoa Kỳ và là đối tác chiến lược toàn diện. Qua đó mong muốn hai bên phát triển hơn nữa trong lĩnh vực về thương mại, hàng không, năng lượng và an ninh – quốc phòng. Đặc biệt, Đại sứ Daniel J. Kritenbrink trân trọng năng lực và sự tham gia của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế và mong muốn thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hai nước lên tầm cao mới, bày tỏ niềm tin vào tương lai tươi sáng, hòa bình và thịnh vượng.
|
Tại Hội thảo, các đại biểu được lắng nghe Báo cáo khảo sát về Thái độ xã hội trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ của PGS.TS. Cù Chí Lợi trình bày. Bên cạnh đó là các tham luận của Đại sứ cấp cao Phạm Quang Vinh; TS. Nguyễn Tuấn Minh, VIAS; TS. Phạm Cao Cường, Phó Viện trưởng VIAS và PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy phản ánh nội dung, thành tựu trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, quan hệ thương mại- đầu tư, giáo dục, y tế và triển vọng quan hệ đối tác chiến lược hai nước trong thời gian tới.
|
Hội thảo nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận. Theo đó các đại biểu đều có những nhận định tích cực về xu hướng, đột phá trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trong thời gian tới, mối quan hệ sẽ tiếp tục được mở rộng sâu sắc dựa trên nền tảng về lợi ích chung giữa hai bên. Đây là những vấn đề hết sức quan trọng về mặt lý luận và thực tiễn, tạo nền tảng cho sự phát triển quan hệ song phương Việt Nam – Hoa Kỳ trong những năm sắp tới, hướng tới tương lai, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, bền vững, vì lợi ích chung, hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Nguyễn Thu Trang