Hội thảo quốc tế “Các chiều cạnh giới của sự tách biệt xã hội: Hướng tới những chính sách toàn diện hơn đối với phụ nữ”
  • 3.5 top logo - tin hoi nghi hoi thao

Hội thảo quốc tế “Các chiều cạnh giới của sự tách biệt xã hội: Hướng tới những chính sách toàn diện hơn đối với phụ nữ”

01/10/2015

Ngày 29 tháng 9 năm 2015, tại hội trường 3D, trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm), Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam và Văn phòng UNESCO Hà Nội cùng phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Các chiều cạnh giới của sự tách biệt xã hội: Hướng tới những chính sách toàn diện hơn đối với phụ nữ”.

GS.TS. Võ Khánh Vinh , Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, Phó Chủ tịch <br>Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo

Tham dự Hội thảo, về phía Việt Nam, có: GS.TS. Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam; Ông Phạm Sanh Châu, Tổng Thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới; cùng nhiều đại biểu, các nhà khoa học đến từ các bộ, ban, ngành, viện nghiên cứu và trường đại học ở Hà Nội: Bộ Lao động Thương binh và xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc, Hội đồng dân tộc của Quốc hội, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Phụ nữ, Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Y tế công cộng…

Về phía quốc tế có sự tham gia của: bà Katherine Muller-Marin, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam; Bà Jane Freedman, Chuyên gia Chương trình, Ban Bình đẳng Giới của UNESCO Paris; cùng các chuyên gia đến từ Nepal, Singapore, Anh, Hàn Quốc…

Bình đẳng giới là một trong hai ưu tiên mang tính toàn cầu của UNESCO kể từ năm 2008, đó không chỉ là quyền cơ bản của con người mà còn là cơ sở thiết yếu để xây dựng xã hội hòa bình và phát triển bền vững. Hội thảo nằm trong khuôn khổ nội dung hoạt động của Chương trình Quản lý Biến đổi xã hội của UNESCO, với một trong hai chủ đề ưu tiên hàng đầu là hòa nhập xã hội, tập trung vào tăng cường các mối liên kết giữa nghiên cứu và chính sách hướng tới sự phát triển xã hội toàn diện.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS.Võ Khánh Vinh nhấn mạnh, mục tiêu bình đẳng giới và đảm bảo công bằng cho các nhóm xã hội đã được ghi nhận trong Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam từ năm 1946, tiếp tục sửa đổi, bổ sung vào các năm 1959, 1980, 1992 và sửa đổi toàn diện vào năm 2013 với tinh thần kế thừa những quy định tốt đẹp trước đây và tiếp tục hoàn thiện, phát triển các quy định bảo đảm bình đẳng giới, bảo đảm quyền con người. Tán thành với những đánh giá về kết quả thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và đảm bảo công bằng cho các nhóm xã hội ở Việt Nam của GS.TS. Võ Khánh Vinh nhưng Bà Catherine Muller-Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng, xã hội cần thay đổi ý thức hệ để thay đổi các khuôn mẫu không phù hợp thông qua đối thoại, chia sẻ kết quả nghiên cứu... Định kiến giới cần phải xóa bỏ ngay từ trong sách giáo khoa, giáo viên và phụ huynh. Kênh thông tin quan trọng là truyền thông, bởi vậy, cần phối hợp tích cực với truyền thông để tạo sự thay đổi khác biệt trong xã hội cũng như thay đổi khuôn mẫu tuyên truyền trong giới truyền thông như tâm lý thích con trai (phổ biến ở nhiều nước châu Á) hay những áp lực mà nam giới trên toàn thế giới đang phải đương đầu trước kỳ vọng của xã hội đối với họ. Bên cạnh đó, các cơ hội tiếp cận giáo dục cho phụ nữ và trẻ em gái ngày càng nhiều hơn sẽ tạo nhiều bước chuyển biến tốt về giảm tỉ lệ mù chữ, nâng cao tỉ lệ khám chữa bệnh, phát triển kinh tế gia đình...

PGS.TS. Nguyễn Hữu Minh phát biểu tại Hội thảo       Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Có 34 báo cáo tham luận được gửi tới Hội thảo, trong đó có 5 báo cáo của các học giả quốc tế, tập trung vào một số chủ đề: (1) Những vấn đề lý luận của sự tách biệt xã hội nhìn từ khía cạnh giới liên hệ với thực tiễn Việt Nam; (2) Sự tiếp cận các nguồn lực xã hội; và (3) Vấn đề chăm sóc sức khỏe và an toàn của các nhóm tách biệt xã hội. Ngoài phiên Khai mạc, Hội thảo chia làm 4 phiên: Phiên 1: Các chiều cạnh giới của sự tách biệt xã hội; Phiên 2: Phụ nữ tiếp cận với các nguồn lực xã hội; Phiên 3: Chăm sóc sức khỏe và đảm bảo an toàn; Phiên 4: Những khía cạnh giới của sự tách biệt xã hội: Hướng tới những chính sách toàn diện hơn đối với phụ nữ. Các tác giả đã nêu ra nhiều vấn đề đáng quan tâm về các khía cạnh giới của tách biệt xã hội, đồng thời cũng chia sẻ các quan điểm mang tính giải pháp nhằm hướng đến các chính sách bảo đảm sự hòa nhập hơn đối với các nhóm tách biệt xã hội nói chung và phụ nữ nói riêng trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Một số vấn đề như sự tách biệt xã hội từ góc độ giới ở Việt Nam cũng như phân tích khía cạnh giới của các nhóm xã hội trong tiếp cận các nguồn lực ở một số nước như Nepal, Hàn Quốc và một số nước khác trong khu vực đã được thảo luận sôi nổi tại Hội thảo. Các báo cáo đã cung cấp nhiều phát hiện đáng chú ý và gợi ra những vấn đề cần quan tâm ở Việt Nam. Chẳng hạn, tầm quan trọng của việc thay đổi nhận thức của xã hội và các quy tắc văn hóa hình thành nên nhận thức của công chúng về phụ nữ đối với cuộc đấu tranh khắc phục sự tách biệt xã hội của họ.Việc xây dụng chiến lược phòng ngừa bệnh tật hiệu quả đối với những phụ nữ có điều kiện xã hội bất lợi có một ý nghĩa quan trọng nhằm giúp họ hòa nhập tốt hơn vào xã hội. Phát triển kinh tế và tăng cường giáo dục có thể giúp thay đổi năng lực học tập của trẻ em gái dân tộc thiểu số một cách đáng kể và giảm áp lực của các chuẩn mực cộng đồng xung quanh vấn đề tảo hôn và mang thai. Việc sinh con sớm khi phụ nữ còn ít được trao quyền trong gia đình và ít các mối quan hệ xã hội có thể làm cho nhiều phụ nữ Việt Nam có nguy cơ bị gạt ra khỏi sự phát triển con người và những thành tựu kinh tế-xã hội do quá trình Đổi mới mang lại.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Minh cho biết thêm, xem xét các chiều cạnh giới trong nghiên cứu tách biệt xã hội là một xu hướng được các nhà nghiên cứu về giới quan tâm, đặc biệt là trong quá trình hội nhập quốc tế. Đây là chiều cạnh có nội dung phong phú mang tính đa ngành và liên ngành trong phạm vi rộng lớn. Các nhà khoa học đã tập trung vào những vấn đề lý luận của sự tách biệt xã hội nhìn từ khía cạnh giới liên hệ với thực tiễn Việt Nam, sự tiếp cận các nguồn lực xã hội, vấn đề chăm sóc sức khỏe và an toàn của các nhóm tách biệt xã hội.

Bà Jane Freedman, Ban Bình đẳng Giới của UNESCO Paris <br>phát biểu tại Hội thảo       Toàn cảnh Hội thảo “Các chiều cạnh giới của sự tách biệt xã hội: <br>Hướng tới những chính sách toàn diện hơn đối với phụ nữ”

Các học giả trong nước đề xuất nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ và tạo nhiều cơ hội hơn cho phụ nữ khuyết tật, dân tộc thiểu số, nông thôn tiếp cận với các nguồn lực phát triển. Đó là nâng cao trình độ học vấn, tạo cơ hội việc làm, tăng cường công tác truyền thông nhằm hạn chế những ảnh hưởng của phong tục, tập quán không phù hợp, xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý hướng tới phụ nữ các nhóm tách biệt xã hội nhiều hơn.

Phát biểu kết luận Hội thảo, GS.TS. Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đã khẳng định sự cần thiết và phù hợp của chủ đề Hội thảo với xu hướng phát triển của thế giới mà UNESCO đã khởi động, phù hợp với thực trạng của Việt Nam hiện nay và đòi hỏi phải có cách tiếp cận đa ngành, liên ngành để có được nhận thức đầy đủ trên tất cả các cấp độ: lí luận, thực tiễn và thực hiện và hoạch định chính sách. Các tham luận của các học giả quốc tế đã gợi mở chính sách xã hội cho Việt Nam để khắc phục sự tách biệt xã hội, tăng cường sự hòa hợp xã hội ở Việt Nam đứng trên bình diện giới và bảo vệ có hiệu quả hơn nữa đối với nữ giới, đặc biệt là nữ giới thuộc nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ ở các dân tộc thiểu số. Sự tiếp cận chính sách trên cơ sở bằng chứng và thực tiễn cũng là chủ đề để Viện Hàn lâm tổ chức lồng ghép vào các chương trình nghiên cứu nhằm tạo ra sự lan tỏa, và cũng là chủ đề để Ủy ban UNESCO Việt Nam định hướng nhằm đáp ứng yêu cầu nghiên cứu phục vụ tham mưu, tư vấn chính sách cho Nhà nướcViệt Nam. GS.TS. Võ Khánh Vinh mong muốn, sau Hội thảo, các tham luận sẽ được biên tập thành một cuốn sách để công bố, đó không chỉ là tài liệu phục vụ nghiên cứu, mà còn là tài liệu tham khảo hữu ích tại nhiều cơ sở đào tạo, và cho những ai quan tâm đến chủ đề này.

Hội thảo là dịp đối thoại chính sách giữa các nhà nghiên cứu, các tổ chức quốc tế và các nhà hoạch định chính sách trên cơ sở tri thức khoa học xã hội, tạo diễn đàn, không gian đối thoại và chia sẻ tri thức về các chiều cạnh giới và sự tách biệt xã hội ở Việt Nam./.

Nguyễn Thu Hà

Các tin đã đưa ngày: