Hội thảo quốc tế: “Nghiên cứu và Giáo dục Quyền con người ở Việt Nam: Những cơ hội và thách thức”
  • 3.5 top logo - tin hoi nghi hoi thao

Hội thảo quốc tế: “Nghiên cứu và Giáo dục Quyền con người ở Việt Nam: Những cơ hội và thách thức”

14/11/2015

Trong khuôn khổ Dự án “Nghiên cứu và Giáo dục Quyền con người” thuộc Chương trình “Quản trị công và Cải cách hành chính giai đoạn II: 2012-2015”, theo Hiệp định tài trợ được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Đan Mạch, trong 2 ngày 12 và 13 tháng 11 năm 2015, tại Khách sạn Hilton Opera Hanoi, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) cùng với Đại sứ quán Vương quốc Đan Mạch tại Việt Nam, phối hợp với Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU), Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh và Viện Nhân quyền Đan Mạch (DIHR), đã tổ chức hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: “Nghiên cứu và Giáo dục Quyền con người ở Việt Nam: Những cơ hội và thách thức” với sự tham dự của hơn 80 đại biểu trong nước và quốc tế.

GS.TS.Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch VASS, <br>phát biểu khai mạc Hội thảo       GS.TS.Võ Khánh Vinh, Bà Charlotte Laursen <br>và TS. Thomas Gammeltoft Hansen chủ trì Hội thảo

Về phía quốc tế, tham dự Hội thảo có Bà Charlotte Laursen, Đại sứ Vương quốc Đan Mạch tại Việt Nam; Ông David Devine, Đại sứ Canada tại Việt Nam;các diễn giả và đại biểu quốc tế đến từ Viện Nhân quyền Đan Mạch, Trung tâm Nhân quyền Nauy, Đại học Oslo, Nauy; Đại học Lucerne Thụy Sĩ; Đại học Mahidol, Thái Lan; và nhiều đại diện của một số tổ chức quốc tế và đại sứ quán ở Hà Nội.

Về phía Việt Nam, tham dự Hội thảo có GS.TS.Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch VASS; PGS.TS. Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch VASS; PGS.TS. Hồ Trọng Ngũ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội; Thiếu tướng - PGS.TS. Đinh Trọng Ngọc, Chính ủy, Học viện Biên phòng; và nhiều diễn giả, nhiều đại diện lãnh đạo các cơ quan tham gia Dự án và thuộc mạng lưới nghiên cứu và giáo dục quyền con người ở Hà Nội và nhiều địa phương trên cả nước như Nghệ An, Huế, Đà Lạt, Cần Thơ, thành phố Hồ Chí Minh, và nhiều học giả, các nhà nghiên cứu từ các viện, trường đại học, các cơ quan báo chí, tổ chức khác...

Tại phiên khai mạc của Hội thảo,GS.TS. Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch VASS, Giám đốc Dự án đã nhấn mạnh những thành tựu quan trọng mà Việt Nam đã đạt được sau gần 30 năm đổi mới, trong đó có những thành tựu nổi bật trên lĩnh vực quyền con người, đặc biệt đã được ghi nhận trong Hiến pháp sửa đổi năm 2013 và trong hệ thống các văn bản pháp luật hiện hành của Việt Nam. Vấn đề quyền con người là vấn đề được Đảng, Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm.Việt Nam trở thành thành viên của Hội đồng nhân quyền của Liên Hợp Quốc. Nghiên cứu và giáo dục quyền con người ở Việt Nam đã khởi sắc và đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận: từ việc chưa có nội dung đào tạo về quyền con người ở các trường đại học, đến nay vấn đề này đã được đào tạo tại các trường đại học; từ việc chưa có đào tạo hệ thạc sĩ về quyền con người đến việc có hệ đào tạo thạc sĩ về chuyên ngành này…

Bà Charlotte Laursen phát biểu chào mừng Hội thảo       TS. Thomas Gammeltoft Hansen phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu chào mừng Hội thảo, Bà Charlotte Laursen, Đại sứ Vương quốc Đan Mạch tại Việt Nam chia sẻ, Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học thảo luận về các các kết quả đạt được trong nghiên cứu và giáo dục nhân quyền tại Việt Nam, qua đó góp phần đưa ra những khuyến nghị chính sách và xây dựng pháp luật của Việt Nam, thúc đẩy việc giáo dục và bảo vệ quyền con người, cung cấp thông tin cho các tổ chức xã hội nhân sự và các tổ chức khác. Qua đó nâng cao năng lực học thuật cho các sinh viên, nhất là các sinh viên luật tại các trường đại học. Dự án nghiên cứu đã có tác động tích cực tới hoạt động nghiên cứu, giảng dạy về quyền con người ở Việt Nam, đạt được kết quả khả quan nhưng cũng còn nhiều vấn đề cần tiếp tục phấn đấu.

TS. Thomas Gammeltoft Hansen, Giám đốc DIHR, khẳng định, các đơn vị nghiên cứu và đào  tham gia Dự án là các vườn ươm quan trọng cho việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về giáo dục quyền con người tại Việt Nam.Trong 8 năm qua DIHR đã hợp tác với VASS, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội, tuy thời gian chưa nhiều nhưng đã đạt được thành tựu không nhỏ,song cũng thấy rằng vấn đề nhân quyền còn rất nhiều vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu. Đây không phải là sự kết thúc mà mới chỉ là sự khởi đầu.

Hội thảo tập trung vào 4 phiên nội dung:

Phiên 1: Hiện trạng nghiên cứu và giáo dục quyền con người tại Việt Nam: 4 tham luận được trình bày, gồm (1) Nghiên cứu và giáo dục quyền con người tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam do PGS.TS. Bùi Nguyên Khánh, Học viện Khoa học xã hội, VASS trình bày; (2) Nghiên cứu và giáo dục quyền con người tại các trường đại học đào tạo chuyên ngành Luật của Việt Nam (PGS.TS. Vũ Công Giao, Khoa Luật,VNU); (3) Giáo dục quyền con người trong các trường đại học không chuyên luật ở Việt Nam (TS. Phan Hồng Dương, Học viện Quản lý Giáo dục); (4) Quản lý kỳ vọng – từ thực tiễn 4 năm giáo dục quyền con người ở một trường đại học (Ông Gisle Kvanvig, Trung tâm Nhân quyền Nauy).

Toàn cảnh Hội thảo       Toàn cảnh Hội thảo

Phiên 2: Tác động xã hội của nghiên cứu và giáo dục quyền con người tại Việt Nam: 3 tham luận được trình bày: (1) Tăng cường bảo đảm quyền con người trong công tác tư pháp, các cơ quan tiến hành tố tụng (PGS. TS. Nguyễn Tất Viễn, Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương); (2) Chuyển biến nhận thức  của người dân v vấn đề quyền con người (PGS.TS. Phạm Hữu Nghị, Viện Nhà nước và Pháp luật, VASS); và 3) Nhận thức của đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý thông qua hoạt động nghiên cứu và giáo dục quyền con người tại Việt Nam (PGS.TS. Tường Duy Kiên, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)

Phiên 3: Kinh nghiệm quốc tế trong nghiên cứu và giáo dục quyền con người. 5 tham luận của các diễn giả quốc tế đã được trình bày, gồm: (1) Nghiên cứu và giáo dục quyền con người ở Đan Mạch: Kinh nghiệm cho Việt Nam (TS. Thomas Gammeloft  Hansen, Viện Nhân quyền Đan Mạch); (2) Giáo dục quyền con người Nauy: Một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam (TS. Bard Andreassen, Trung tâm Nhân quyền Nauy, Đại học Oslo, Nauy); (3) Nghiên cứu và giáo dục quyền con người ở Thụy Sĩ: Một số bài học kinh nghiệm và khuyến nghị cho Việt Nam (TS. Martina Caroni, Đại học Lucerne, Thụy Sĩ); (4) Nghiên cứu quyền con người: Khám phá những nền tảng mới và tăng cường năng lực vì mục tiêu giáo dục và bảo đảm quyền con người tốt hơn (TS. Stephanie Lagoute, Viện Nhân quyền Đan Mạch); (5) Thực trạng giáo dục quyền con người ở Đông Nam Á (TS. Sriprapha Petcharamesree, Viện Nghiên cứu Nhân quyền và Hòa bình, Đại học Mahidol, Thái Lan).

Phiên 4: Nghiên cứu và giáo dục quyền con người tại Việt Nam: Cơ hội và thách thức, với 2 tham luận được trình bày, gồm: (1) Nghiên cứu và giáo dục nhân quyền trong giai  đoạn mới (PGS.TS. Nguyễn Đăng Dung, Khoa Luật, VNU); (2) Cơ hội hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu và giáo dục quyền con người tại các trường đại học (PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh).

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Tổng kết Hội thảo, GS.TS. Võ Khánh Vinh cho biết, sau hai ngày làm việc tích cực, khẩn trương, với 14 tham luận được trình bày, Hội thảo đã nhận được 38 lượt trao đổi và thảo luận. 3 nội dung lớn được nêu ra là: (1) Nghiên cứu và giáo dục quyền con người có bước tiến to lớn trên tất cả các phương diện: có sự đột phá trong tư vấn chính sách, nhiều công trình nghiên cứu đã được công bố, tạo được một mạng lưới các cơ sở đào tạo và nghiên cứu quyền con người khắp cả nước; (2) Thông qua Hội thảo, các nhà nghiên cứu Việt Nam và quốc tế đã có những chia sẻ rất thẳng thắn, vô tư và chân thành những kinh nghiệm của các quốc gia và khu vực trong nghiên cứu và giáo dục về quyền con người; (3) Về thách thức và cơ hội, bên cạnh các cơ hội thì thách thức còn rất nhiều, quyền con người là vấn đề có tính trường tồn, gắn với sự phát triển của xã hội, không thể giải quyết trong ngắn hạn mà gắn với từng giai đoạn phát triển cụ thể của xã hội loài người. Đây là vấn đề nhạy cảm về chính trị, văn hóa, xã hội, tâm lý, giới… nhưng chúng ta không né tránh, đặt quyền con người trong bối cảnh cụ thể để có phương án tháo gỡ. Trong thời gian tới cần phải nâng cao năng lực nghiên cứu và giáo dục quyền con người ở Việt Nam.

GS.TS. Võ Khánh Vinh mong muốn Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được ủng hộ, hợp tác tích cực của các tổ chức quốc tế, các quốc gia và các nhà khoa học quốc tế trong thời gian tới nhằm xây dựng chương trình nghiên cứu, giáo dục đào tạo quyền con người ở Việt Nam theo hướng đa ngành, liên ngành, nghiên cứu những vấn đề mới về quyền con người, tăng cường năng lực cho đội ngũ các nhà nghiên cứu, giáo dục quyền con người không chỉ ở cấp đại học, sau đại học mà còn ở tất cả các bậc học trong hệ thống giáo dục ở Việt Nam, hướng tới đề xuất Chính phủ Việt Nam xây dựng chính sách, chiến lược quốc gia về giáo dục quyền con người ở Việt Nam.

Với tinh thần cầu thị, thẳng thắn, cởi mở, Hội thảo đã thực sự là diễn đàn để các học giả, các nhà nghiên cứu, đào tạo, các nhà sư phạm cùng trao đổi, tổng kết về những kinh nghiệm và kết quả đã đạt được trong nghiên cứu và giáo dục quyền con người ở Việt Nam giai đoạn 2012 - 2015, đồng thời làm rõ những cơ hội và những thách thức trong giai đoạn tiếp theo.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, ông Christian Brix Muller, Phó Đại sứ Vương quốc Đan Mạch đã bày tỏ sự cảm ơn chân thành sự hợp tác của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh và Viện Nhân quyền Đan Mạch trong tổ chức Hội thảo này, cảm ơn các diễn giả và người tham dự đã góp phần vào sự thành công tốt đẹp của Hội thảo. Hội thảo đã cho thấy chương trình nghị sự về những vấn đề lớn lao về quyền con người ở Việt Nam. Đại sứ quán Vương quốc Đan Mạch sẽ nỗ lực tìm kiếm những hỗ trợ, hợp tác tiếp tục với Việt Nam trong giai đoạn tới./.

Nguyễn Thu Hà

Các tin đã đưa ngày: