Hội thảo quốc tế “Những biểu hiện mới của chủ nghĩa khủng bố và phản ứng của cộng đồng quốc tế”
  • 3.5 top logo - tin hoi nghi hoi thao

Hội thảo quốc tế “Những biểu hiện mới của chủ nghĩa khủng bố và phản ứng của cộng đồng quốc tế”

23/09/2015

Ngày 22 tháng 9 năm 2015, tại hội trường 3D, số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông (IAMES) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) đã tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Những biểu hiện mới của chủ nghĩa khủng bố và phản ứng của cộng đồng quốc tế”.

PGS.TS.Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm <BR>và TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Viện trưởng IAMES đồng chủ trì Hội thảo

Tham dự Hội thảo, về phía Việt Nam có PGS.TS. Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông; cùng các đại biểu đến từ Viện Hàn lâm; các bộ, ban, ngành và trường đại học ở Hà Nội. Về phía quốc tế có Ngài Youssef Kamal Boutros Hanna, Đại sứ Cộng hòa Ai Cập tại Việt Nam; Ngài Akif Ayhan, Đại sứ Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam; Ngài Mohamed Berrah, Đại sứ Cộng hòa Algeria Dân chủ và Nhân dân tại Việt Nam; Ngài El Houcine Fardani, Đại sứ Vương Quốc Maroc tại Việt Nam; Ngài Saadi Salama, Đại sứ Nhà nước Palestine tại Việt Nam; Ngài Dakhil A.R.Al Johani, Đại sứ Vương quốc Ảrập Xêút tại Việt Nam; Ngài Gamiliel Munguambe, Đại sứ Cộng hòa Mozambique tại Việt Nam; Ngài Salim Al Busaidi, Phó Đại sứ Vương quốc Oman tại Việt Nam; Ngài Mohamed Obaid Jebur Al-Maswdi, Công sứ toàn quyền, Trưởng phái đoàn, Đại sứ quán Iraq tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; và TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, khẳng định, trong những năm gần đây, chủ nghĩa khủng bố lan rộng đã trở thành mối hiểm họa đối với môi trường hòa bình và an ninh của nhiều khu vực trên thế giới. Diện mạo của chủ nghĩa khủng bố đã thay đổi. Với những phương thức hoạt động và cách thức tổ chức mới, những kẻ khủng bố không chỉ thiết lập được một mạng lưới khá sâu rộng và mà còn hình thành những nhóm nhỏ hoạt động độc lập, phân tán ở nhiều nơi khiến cho không một quốc gia, khu vực nào có thể đứng ngoài tầm với của những kẻ khủng bố.

Tư tưởng tôn giáo cực đoan, đói nghèo, bất bình đẳng xã hội, suy yếu quyền lực của nhà nước bởi nội chiến và tham nhũng, sự can thiệp của các thế lực bên ngoài...đang biến nhiều quốc gia thành vùng đất mới của chủ nghĩa khủng bố trong thời gian gần đây. Trước nguy cơ đó, cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của cộng đồng quốc tế, trong đó có các quốc gia ở Châu Phi và Trung Đông - là khu vực chịu tác động nhiều nhất của hoạt động khủng bố. Chính phủ của các nước Trung Đông và Châu Phi đã khẳng định cam kết mạnh tay đối phó với chủ nghĩa khủng bố. Tuy nhiên, cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố mới sẽ là một cuộc chiến dài hơi, cần nhiều nguồn lực và sự phối hợp chặt chẽ ở các cấp độ khác nhau, từ cộng đồng cho đến quốc gia, khu vực và toàn cầu.

        Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Hội thảo chia làm 2 phiên với 9 tham luận: (1) “Chủ nghĩa khủng bố và cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố ở Đông Nam Á: Thực trạng và triển vọng” do PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, Bộ Ngoại giao trình bày; (2) “Những biểu hiện mới của chủ nghĩa khủng bố quốc tế hiện nay qua nghiên cứu về tổ chức IS tại Trung Đông” (PGS.TS. Nguyễn Thanh Hiền, Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông); (3) “Tiếp cận đa chiều của Ai Cập trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố” (Ngài Youssef Kamal Boutros Hanna, Đại sứ Cộng hòa Ai Cập tại Việt Nam); (4) “Chủ nghĩa khủng bố quốc tế và những vấn đề đặt ra từ cuộc chiến chống khủng bố” (Ông Phạm Hồng Tiến, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới); (5) “Vai trò và phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ đối với chủ nghĩa khủng bố tại khu vực Trung Đông” (Ngài Akif Ayhan, Đại sứ Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam); (6) “Kinh nghiệm của Algeria trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố” (Ngài Mohamed Berah, Đại sứ Cộng hòa Algeria Dân chủ và Nhân dân tại Việt Nam); (7) “Thực trạng và những thách thức của cuộc chiến chống khủng bố” (Ông Nguyễn Quang Khai, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại UEA); (8) “Hiểm họa khủng bố từ làn sóng di cư tới Châu Âu và vai trò của nước Nga trong cuộc chiến chống IS” (Đại tá Lê Thế Mẫu, Viện Chiến lược Quân sự, Bộ Quốc phòng; (9) “Ảnh hưởng của chủ nghĩa khủng bố đối với khu vực Bắc Phi – Trung Đông và thế giới, hàm ý cho Việt Nam” (TS. Trần Thị Lan Hương, Phó Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông).

Hội thảo là diễn đàn hữu ích để các nhà ngoại giao, các nhà khoa học và các nhà hoạch định chính sách thảo luận, chia sẻ quan điểm và kinh nghiệm của các nước trong cuộc chiến chống khủng bố, từ đó rút ra những kiến nghị chính sách, và cũng là dịp để các nhà ngoại giao, các nhà khoa học và hoạch định chính sách của Việt Nam lắng nghe tiếng nói, quan điểm của các quốc gia trong khu vực./.

Nguyễn Thu Hà

 

 

 

Các tin đã đưa ngày: