Hội thảo quốc tế “Quy hoạch và phát triển vùng - đô thị ở Liên minh Châu Âu và gợi mở chính sách cho Việt Nam”
  • 3.5 top logo - tin hoi nghi hoi thao

Hội thảo quốc tế “Quy hoạch và phát triển vùng - đô thị ở Liên minh Châu Âu và gợi mở chính sách cho Việt Nam”

26/09/2015

Ngày 25 tháng 9 năm 2015, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Châu Âu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Quy hoạch và phát triển vùng - đô thị ở Liên minh Châu Âu và gợi mở chính sách cho Việt Nam”.

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo, về phía Việt Nam, có: GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Nguyễn An Hà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu; PGS.TS. Chu Đức Dũng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới; PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Phát triển bền vững Vùng; PGS.TS. Phạm Hữu Nghị, Nghiên cứu viên Cao cấp Viện Nhà nước và Pháp luật; PGS.TS. Vũ Thị Vinh, Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội; cùng nhiều nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu và trường đại học ở Hà Nội. Về phía quốc tế có sự tham gia của: GS. Detlef Briessen, Đại học Gissen, Đức; Ông Arve Hanssen, Trung tâm Phát triển và Môi trường, Đại học Oslo, Nauy; Ông Alexader Kenny, Tư vấn cao cấp cho UNDP tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm đã điểm lại quan hệ Việt Nam - EU kể từ ngày hai bên chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1990 và những đóng góp của Viện Hàn lâm, đặc biệt là Viện Nghiên cứu Châu Âu trong việc thúc đẩy mối quan hệ này. Giáo sư Phó chủ tịch cũng nhấn mạnh ý nghĩa của việc trao đổi giữa các nhà khoa học hai bên để từ đó rút ra các bài học, kinh nghiệm nhằm ứng dụng vào thực tiễn hướng tới phát triển bền vững của Việt Nam.

Hội thảo được chia làm 2 phiên với 11 tham luận: (1) “Quy hoạch vùng lãnh thổ dưới góc nhìn phát triển bền vững: Một số vấn đề lí luận” do TS. Trần Thị Tuyết trình bày; (2) “Pháp luật về quy hoạch đô thị ở Việt Nam hiện nay” (PGS.TS. Phạm Hữu Nghị); (3) “Thể chế liên kết vùng tại Việt Nam: Một số gợi ý từ kinh nghiệm của Đức và Pháp” (TS. Nguyễn Chiến Thắng); (4) “Tương lai trên hai bánh hay bốn bánh? Phát triển, tính bền vững và giao thông đô thị ở Hà Nội” (Arve Hanssen & Liv Jorun Andeaes); (5) “Quy hoạch và nguồn tài chính cho việc phát triển đô thị xanh: Phân tích so sánh về năng lực” (Alexader Kenny); (6) “Nhà ở cho người nhập cư ở thành phố - Kinh nghiệm EU và gợi ý cho Việt Nam (TS. Trần Thị Phương Hoa); (7) “Tích hợp quy hoạch giao thông đô thị với quy hoạch sử dụng đất hướng tới giao thông xanh: Kinh nghiệm của Châu Âu – Bài học cho các thành phố lớn của Việt Nam” (PGS.TS. Vũ Thị Vinh); (8) “Hệ thống kiểm soát biến đổi xã hội cấp vùng ở Cộng hóa liên bang Đức và những gợi mở cho phát triển bền vững cấp vùng ở Việt Nam” (PGS.TS. Đinh Công Tuấn); (9) “Kinh nghiệm về quy hoạch đô thị sinh thái của một số nước trên thế giới và gợi ý chính sách quy hoạch đối với thành phố Cần Thơ” (TS. Nguyễn Hồng Quang & Lương Thùy Dương); (10) “Di cư nông thôn – đô thị và dân số nông thôn: nghiên cứu trường hợp công nhân công nghiệp ở Miền Bắc Việt Nam” (Đỗ Tá Khánh & Bạch Hồng Vân); (11) “Tổng quan chính sách phát triển đô thị của Liên minh Châu Âu” (ThS. Lê Hoàng Minh).

        Toàn cảnh Hội thảo

Các đại biểu quốc tế cho rằng, Việt Nam không nên sao chép quy hoạch của nước ngoài, mà cần đưa ra những giải pháp riêng theo điều kiện tự nhiên xã hội của đất nước, thực hiện cải cách linh hoạt và nhanh chóng để bắt kịp và phù hợp với xu thế mới. Muốn vậy, Việt Nam phải nhận ra được những thất bại cũng như thành công từ quy hoạch của các quốc gia trên thế giới.

Ngày nay, trong lĩnh vực giao thông đô thị, khi lượng xe cá nhân tăng lên, nhiều phương thức vận tải mới ra đời nhưng những thách thức truyền thống vẫn tồn tại, các nước Châu Âu đã đưa ra nhiều quan điểm mới về giao thông xanh. Sự kết hợp giữa giao thông công cộng với đi bộ và xe đạp để đưa quãng đường xa trở thành quãng đường gần do sử dụng kết hợp giữa các loại phương tiện đã được tổ chức hiệu quả ở nhiều đô thị Châu Âu, Bắc Mỹ.

Bởi vậy, có thể tham khảo ý tưởng độc đáo về hệ thống Tam tuyến - kết quả của sự kết hợp giữa quy hoạch giao thông đô thị với quy hoạch sử dụng đất. Khu vực lõi là hệ thống dành cho các phương tiện giao thông công cộng có năng lực vận chuyển lớn tốc độ cao. Hai bên là 2 tuyến đường một chiều phụ trợ, tiếp cận với nhà cửa ven đường. Sử dụng đất hỗn hợp để đảm bảo các công trình có thể tạo ra các hoạt động phức hợp. Những vị trí nằm xa trục lõi nhưng vẫn bảo đảm khoảng cách khuyến khích đi bộ, được phát triển thành khu vực nhà ở với mật độ dân cư giảm dần.

Các đại biểu Việt Nam cho rằng, một kinh nghiệm lớn cho các thành phố lớn của Việt Nam là tích hợp quy hoạch giao thông đô thị với quy hoạch sử dụng đất hướng tới giao thông xanh. Tắc nghẽn giao thông của các thành phố lớn ở Việt Nam không chỉ từ hệ thống hạ tầng giao thông yếu kém, vai trò mờ nhạt của phương tiện giao thông công cộng mà quan trọng hơn là thiếu mối liên hệ giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch giao thông đô thị.

Tại Hội thảo, vấn đề hệ thống kiểm soát biến đổi xã hội cấp vùng ở Cộng hòa liên bang Đức là gợi mở cho phát triển bền vững cấp vùng ở Việt Nam. Hệ thống này gồm hệ thống kiểm soát biến đổi dân số, môi trường tự nhiên, chính trị, kinh tế, tư tưởng, văn hóa… Xét về tổ chức hành chính, cơ cấu nhà nước chia thành 4 cấp gồm liên bang, bang, vùng và địa phương. Những tổ chức xã hội dân sự cấp vùng có vai trò kiểm tra, kiểm soát, phản biện xã hội nhằm giúp chính quyền các cấp trong công việc kiểm soát những biến đổi xã hội. Phát triển vùng dẫn đến những biến đổi xã hội theo hướng tốt lên hoặc xấu đi, vì vậy, việc xây dựng hệ thống kiểm soát biến đổi xã hội cấp vùng là quan trọng.

Hội thảo nhận được các ý kiến trao đổi, thảo luận, nhiều vấn đề mới được đặt ra cần phải tiếp tục nghiên cứu và chia sẻ trong các hội thảo tiếp theo./.

Nguyễn Thu Hà

Các tin đã đưa ngày: