Tham dự Hội thảo có: GS.TS. Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch VASS, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; TS. Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và đại diện Cục Di sản thuộc Bộ; GS.TSKH. Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia; PGS.TS. Đặng Văn Bài, Giám đốc Quỹ hỗ trợ Bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam; đại diện Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam, đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội. Diễn giả quốc tế có TS. William Logan, giáo sư Đại học Deakin, Melbourne, Australia; TS. Peter Bille Larsen, giáo sư Đại học Lucerne, Thụy Sĩ. Tham dự Hội thảo còn có nhiều diễn giả từ các nhóm nghiên cứu của Đại học Lucerne, nhóm nghiên cứu và phát triển bền vững và cộng đồng thuộc Đại học Quảng Bình; nhóm nghiên cứu từ Đại học Kinh tế quốc dân và Văn phòng UNESCO Hà Nội; nhóm nghiên cứu đến từ Trung tâm nghiên cứu con người và thiên nhiên; và nhóm nghiên cứu đến từ Vụ Bảo tồn thiên nhiên, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…
Tham dự Hội thảo có nhiều đại diện lãnh đạo một số Bộ, ban ngành, đại diện ủy ban nhân dân và các cơ quan quản lý thuộc các tỉnh Hà Giang, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Quảng Nam, nhiều đại diện lãnh đạo, các nhà nghiên cứu từ các Viện nghiên cứu chuyên ngành trong và ngoài VASS và một số cơ quan, báo chí truyền hình tại Hà Nội và Quảng Bình.
Đặc biệt Hội thảo có sự tham dự của nhiều đại biểu đến từ các khu di sản thế giới của Việt Nam như: Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, Trung tâm bảo tồn Di tích cố đô Huế, Trung tâm bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ, Trung tâm quản lí bảo tồn Di sản văn hóa Hội An, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ bàng, Ban Quản lý Di tích và Du lịch Mỹ Sơn, Ban Quản lý quần thể danh thắng Tràng An, Ban Quản lý Công viên Địa chất Đồng Văn…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Võ Khánh Vinh khẳng định: Hệ thống di sản thế giới bao gồm các di sản văn hóa, thiên nhiên, là tài sản vô giá của nhân loại. Việc bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản này không chỉ là nghĩa vụ của mỗi quốc gia đối với cộng đồng nhân loại hôm nay mà còn là nghĩa vụ gìn giữ cho các thế hệ mai sau. Trên thế giới những năm gần đây, sự quan tâm đến vai trò của cộng đồng trong việc thực thi các Công ước di sản thế giới đã ngày một tăng lên, đồng thời, các vấn đề về bảo tồn di sản đã được đặt trong mối quan hệ với quyền con người. Quyền của những người sinh sống trong các khu di sản thế giới có thể bị ảnh hưởng một cách tích cực hay tiêu cực phụ thuộc vào việc các cơ quan quản lý nhà nước nhận diện vấn đề này như thế nào và giải quyết nó ra sao.
Mặc dù các Công ước về Di sản thế giới không ghi nhận trực tiếp các vấn đề về quyền con người, song cộng đồng quốc tế đã có nhiều nỗ lực trong tiếp cận dựa trên quyền đối với hệ thống di sản thế giới. Cùng với nỗ lực của UNESCO, ICOMOS, IUCN và ICCROM, các vấn đề về quyền con người trong các khu di sản đã được quan tâm và được đặt trên bàn nghị sự của các hội nghị quốc tế về di sản. Ủy ban di sản thế giới cũng đã đưa ra các cuộc thảo luận về các khía cạnh về quyền và coi đó như là một phần gắn liền với quá trình soạn thảo các văn kiện liên quan đến phát triển bền vững. Các hoạt động kể trên đã tạo ra một chuẩn mực quốc tế có tầm ảnh hưởng rộng rãi và cần được tiếp thu, đánh giá và thực thi trên thực tế.
Hiện có một số câu hỏi được đặt ra là: Cuộc sống của người dân trong các khu di sản thế giới như thế nào?; Các quyền con người của họ được đảm ra sao?; Liệu việc khu vực sống của họ trở thành Di sản thế giới có đem lại nhiều lợi ích cho họ hay không?… Hay nói cách khác, vấn đề đảm bảo và bảo vệ quyền con người trong hệ thống di sản thế giới ở Việt Nam được thực hiện như thế nào là vấn đề mới, cần được làm rõ.
|
|
|
|
|
Khẳng định tầm quan trọng và vai trò về sự tham gia của cộng đồng trong phát triển bền vững của các Di sản thế giới, đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội nêu rõ: Phát triển bền vững chỉ có thể được thực hiện khi trách nhiệm về di sản và quyền lợi về di sản được chia sẻ giữa các bên liên quan, đặc biệt đối với cộng đồng địa phương. Để làm được điều này, chính phủ và các cơ quan có trách nhiệm cần đưa ra các chiến dịch hướng đến hợp tác với người dân và sử dụng các sản phẩm địa phương. Điều này không chỉ khiến cho cộng đồng nơi có các di sản có thể nâng cao năng lực để đáp ứng nhu cầu mới, mà còn khiến cho các cơ quan chức năng tăng cường đầu tư và điều chỉnh chính sách thông qua các cơ chế phù hợp, nhằm tạo một môi trường chính sách phù hợp và điều kiện thuận lợi cho sự tham gia của cộng đồng.
Bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch cho rằng, sự tham gia của cộng đồng nhằm bảo vệ và gìn giữ di sản văn hóa nói chung và tại các khu di sản thế giới của Việt Nam nói riêng, quyền lợi mà cộng đồng địa phương được hưởng tại các khu di sản thế giới là gì đang là một vấn đề mà Việt Nam còn chưa có nhiều kinh nghiệm cả về lý thuyết và thực tiễn. Vì vậy Bà hy vọng Hội thảo sẽ tập trung thảo luận chi tiết vào vấn đề này, rút ra được nhiều kinh nghiệm từ sự chia sẻ của các nhà khoa học quốc tế nhằm đề xuất các cơ sở khoa học có hiệu quả vào dự thảo Nghị định của Chính phủ về quản lý và bảo vệ di sản cũng như thực hiện các kế hoạch, hoạt động gắn kết sự tham gia của cộng đồng tại các khu di sản thế giới ở Việt Nam trong thời gian tới.
Hội thảo gồm 3 phiên nội dung chính với 14 báo cáo tham luận. Phiên thứ nhất - Khung khổ lý luận và pháp luật về sự tham gia của cộng đồng và cách tiếp cận dựa vào quyền; Phiên thứ hai - Một số kinh nghiệm và nghiên cứu trường hợp: tìm kiếm các vấn đề; và Phiên thứ ba - Một số khuyến nghị chính sách và biện pháp thực hiện nhằm tăng cường sự tham gia và quyền của cộng đồng.
Trong tham luận của mình, TS. Peter Bille Larsen, cho rằng, sự hiểu biết ngày càng tăng trong hệ thống UNESCO và chính quyền các cấp tại Việt Nam mở ra cơ hội và kêu gọi hành động đi đầu trong việc tham gia của cộng đồng và cách tiếp cận quyền tại các khu di sản thế giới của Việt Nam. Theo tiến sĩ, các khung chính sách quốc gia đang được xây dựng tạo ra các điều kiện cần thiết và cơ chế hỗ trợ có thể cho phép xây dựng các phương pháp quản trị công bằng hơn. Điều này sẽ bao gồm các quy định cụ thể về phương pháp tiếp cận dựa vào quyền và cơ chế thí điểm trong khuôn khổ chính sách rừng đặc dụng cũng như hướng dẫn quốc gia về chi phí và chia sẻ lợi ích công bằng trong hoạt động quản lí di sản thế giới. Đồng thời, tiến sĩ cho rằng, cần có một khung chính sách về di sản thế giới rõ ràng, có các chỉ dẫn về cộng đồng và các vấn đề về quyền ở cả cấp tỉnh và quốc gia; hỗ trợ sinh kế, chia sẻ lợi ích công bằng, kết nối với cộng đồng địa phương để đồng quản lý di sản thế giới một cách hiệu quả.
|
|
|
|
|
Theo TS. William Logan từ Đại học Deakin, Melbourne (Australia), một trong những bài học mà các chính phủ, các nhà hoạch định chính sách và những người làm công tác bảo tồn di sản đã rút ra trong thời gian qua là sự cần thiết phải lắng nghe tiếng nói của cộng đồng cư dân địa phương sống tại và xung quanh các khu vực có di sản thế giới. Việc bảo vệ di sản không chỉ phụ thuộc vào hành động của các cấp cao như chính phủ hoặc các chuyên gia về di sản, mà nó sẽ đạt hiệu quả cao nhất khi có sự tham gia của các cộng đồng địa phương. Nếu cộng đồng địa phương được tham gia vào việc xác định những địa điểm nào là quan trọng, họ sẽ có cảm nhận về sự “sở hữu” và giúp bảo vệ những địa điểm đó. Tôn trọng và chấp nhận kiến thức và cách thức quản lý theo truyền thống của địa phương là những yếu tố cơ bản của phương cách tiếp cận công bằng và toàn diện hơn trong việc bảo tồn di sản.
TS. Nguyễn Linh Giang, Viện Nhà nước và Pháp luật (VASS) cho rằng, đối với các lĩnh vực về quyền con người, cần: Tăng cường thúc đẩy và bảo vệ quyền được tham gia, tăng cường cơ chế đảm bảo quyền tiếp cận tư pháp công bằng (quyền khiếu nại, tố cáo), quyền trợ giúp pháp lý, quyền tiếp cận thông tin (đất đai, môi trường, quy hoạch, quản lý, quyền của các dân tộc thiểu số, quyền giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc (trang phục, ngôn ngữ, phương thức canh tác, nhà ở, nghi lễ văn hóa, tôn giáo…). Đối với lĩnh vực về di sản: các văn bản pháp luật bao gồm cả luật, nghị định, thông tư… khi xây dựng, sửa đổi đều phải tính đến yếu tố quyền con người. Phải xem các yêu cầu về bảo đảm và bảo vệ quyền của người dân sống trong khu di sản là một nguyên tắc để xây dựng và sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật. Cần có các quy định riêng về người thiểu số sinh sống trong các khu di sản, các quy định và cơ chế đảm bảo quyền tham gia của người dân vào các vấn đề quản lý khu di sản, xây dựng cơ chế đặc thù cho các dân tộc thiểu số sinh sống trong khu bảo tồn.
|
|
|
|
|
Toàn cảnh Hội thảo
Diễn giả Chu Mạnh Trinh, Khu bảo tồn biển Cù lao Chàm (Trung tâm quản lí bảo tồn Di sản văn hóa Hội An) cho rằng, sinh kế cộng đồng gắn liền với bảo tồn và bảo vệ môi trường cần được hài hòa với phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Sự tham gia của cộng đồng phụ thuộc vào mức độ thông tin khoa học được chuyển hóa thành kiến thức, kinh nghiệm của các thành phần cộng đồng và nhóm cộng đồng. Chính vì vậy rào cản của sự tham gia và mức độ tham gia của cộng đồng bị hạn chế do không công bằng, minh bạch về chia sẻ lợi ích, trách nhiệm; thiếu thông tin khoa học, thiếu tìm tòi và phát huy tri thức địa phương, thiếu phương pháp và kĩ năng tổ chức, thiếu đối thoại và làm việc cộng đồng, thiếu nghiên cứu phát hiện các xung đột và chưa chấp nhận giải quyết các xung đột là bản chất của quá trình phát triển sự tham gia và cấp độ tham gia của cộng đồng.
Hội thảo đặc biệt chú ý đến các ý kiến chia sẻ thực tiễn rất phong phú, đa dạng của các đại diện đến từ các khu di sản thế giới tại Việt Nam, với những thuận lợi, kết quả ban đầu và những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của các khu di sản, đặc biệt về vấn đề sự tham gia của cộng đồng và cách tiếp cận quyền tại các khu di sản này.
|
Phát biểu tổng kết Hội thảo, GS.TS. Võ Khánh Vinh nêu rõ, Hội thảo đã tập trung vào 3 nhóm vấn đề: sự tham gia của cộng đồng; tiếp cận quyền tại các khu di sản thế giới; và khuyến nghị chính sách có liên quan. Theo đó, cần nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, của Đảng, Chính phủ và đội ngũ làm quản lý ở địa phương có di sản; nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư, phải có sự tham gia của người dân vào quản lý di sản; cần hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật; rà soát các luật, bổ sung và sửa đổi các luật có liên quan đến sự tham gia và quyền của cộng đồng trong các di sản; sửa đổi những văn bản do địa phương ban hành để phục vụ tốt công tác bảo tồn và phát triển di sản thế giới tại Việt Nam.
Sau Hội thảo, cần xem xét hướng tới xây dựng một chương trình đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tiếp tục nghiên cứu về chủ đề này; các nhà khoa học cần hướng vào thực tiễn, tiếp cận dưới góc độ đa ngành và liên ngành để thực hiện. Đồng thời, cần tăng cường hợp tác quốc tế để tiếp tục nghiên cứu vấn đề này, mở ra hướng hợp tác mới; các tỉnh có di sản thế giới cần chủ động hơn nữa theo thẩm quyền của mình để tiến hành nghiên cứu, tổng kết thực tiễn đã thực hiện tại địa phương mình; các tổ chức nghiên cứu và đào tạo cần lồng ghép đưa nội dung này vào giảng dạy trong chương trình đào tạo.
Hội thảo không chỉ là cơ hội để các nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn, nhà quản lý, hoạch định chính sách cùng nhìn nhận và đánh giá về kết quả nghiên cứu, mà còn là dịp cùng đánh giá về chính sách pháp luật và công tác thực thi của Việt Nam trong các khu di sản thế giới, những thành tựu cũng như những thách thức của quá trình bảo vệ quyền con người trong các khu di sản thế giới ở Việt Nam, để từ đó cùng nhau đưa ra những khuyến nghị cho Nhà nước Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.
Có thể nói đây là hội thảo đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam về chủ đề này, nhưng trong thời gian tới chủ đề này sẽ được tiếp tục thảo luận tại các diễn đàn khoa học liên quan đến lĩnh vực quản lý di sản và quyền con người tại Việt Nam với những nghiên cứu đa ngành, liên hành sâu sắc hơn. Kết quả của Hội thảo sẽ là những đóng góp quan trọng cho việc xây dựng một Nghị định về quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam đang được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch dự thảo./.
Nguyễn Thu Hà