Tham dự Hội thảo có PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS. Vũ Hùng Cường, Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội kiêm Tổng biên tập Tạp chí Thông tin Khoa học xã hội; TS. Phí Vĩnh Tường, Phó Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội; GS. Bruce Chapman (ANU); TS. Đoàn Dung (ANU); TS. Dilip Parajuli, đại diện của Ngân hàng thế giới cùng các đại biểu đến từ các Vụ thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Viện nghiên cứu chuyên ngành thuộc Viện Hàn lâm, các trường Đại học (Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Quốc gia, Học viện Tài chính), đại diện của Ngân hàng chính sách xã hội và các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính của Việt Nam.
Sau 30 năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội đáng ghi nhận dựa trên mô hình tăng trưởng mở rộng. Các nguồn lực khan hiếm như vốn và lao động đã liên tục được huy động, bổ trợ cho tăng trưởng của nền kinh tế. Nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao và bền vững trên nền tảng tăng trưởng và năng suất lao động và tăng năng suất tổng hợp các nhân tố TFP (*) và năng suất lao động và TFP lại phụ thuộc vào kết quả tham gia của lực lượng lao động có kĩ năng nhất là lao động đã qua đào tạo ở bậc Đại học và Cao đẳng. Đây là thách thức lớn đối với nền kinh tế khi tỉ lệ lao động qua đào tạo trong nền kinh tế còn thấp. Trong đó nâng cao chất lượng dịch vụ giáo dục nhất là giáo dục đại học kết hợp với việc giảm bớt dự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cũng như đảm bảo và mở rộng các cơ hội tiếp cận dịch vụ đại học cho thanh niên Việt Nam nhằm nâng cao tỉ lệ lao động có trình độ, kĩ năng đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng lao động đang đặt ra những thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay.
|
|
|
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, thay mặt lãnh đạo Viện Hàn lâm, PGS.TS. Bùi Nhật Quang nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đảo các đại biểu tham dự. Đồng thời Phó Chủ tịch nhấn mạnh, kể từ khi đổi mới cho đến nay, vấn đề cải cách cơ chế tài chính giáo dục đại học luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, vấn đề chia sẻ chi phí giáo dục đại học đang được các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học quan tâm, nghiên cứu thảo luận, nhằm thu hút và khai thác hiệu quả hơn nữa các nguồn lực tài chính trong xã hội và các tổ chức tín dụng. Do vậy, PGS Phó Chủ tịch khẳng định tầm quan trọng của việc nghiên cứu, học hỏi, thảo luận trong việc vận dụng phù hợp mô hình cho vay tín dụng của một số nước trên thế giới vào Việt Nam.
Thay mặt Lãnh đạo Viện Hàn lâm, PGS.TS. Bùi Nhật Quang đánh giá cao tính chủ động của Viện Thông tin Khoa học xã hội trong kết nối, mở rộng hợp tác quốc tế, kí kết MOU với trường Kinh doanh và Kinh tế thuộc ANU trong hợp tác nghiên cứu và đào tạo. PGS Phó Chủ tịch mong rằng, những chia sẻ kinh nghiệm của các giáo sư cùng nhóm nghiên cứu thuộc ANU và một số quốc gia khác về mô hình cho vay tín dụng đối với sinh viên và thực tiễn ở Việt Nam sẽ đem lại những thông tin hữu ích cho nhóm nghiên cứu trong việc xây dựng mô hình và đề xuất cơ chế chính sách cho vay tín dụng cho sinh viên tại Việt Nam trong thời gian tới.
|
|
|
Trong báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, TS. Đoàn Dung nhấn mạnh đến ý nghĩa quan trọng của chủ đề hội thảo đối với chính sách tài chính giáo dục tại Việt Nam, bởi những thành tựu đạt được trong giáo dục cơ bản chưa được chuyển hóa thành những thành tựu tương ứng trong giáo dục đại học; đến nay, Việt Nam mới chỉ có hai trường đại học được lọt vào danh sách 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới. Thực trạng sinh viên tốt nghiệp nhưng thất nghiệp ngày càng tăng ở Việt Nam đã và đang đặt ra câu hỏi về sự phù hợp giữa nội dung đào tạo với nhu cầu thực tiễn, hay chất lượng và hiệu quả đào tạo, hiệu quả đầu tư cho việc học đại học của sinh viên hay hiệu quả đầu tư nâng cấp chất lượng giáo dục đại học…
Bên cạnh đó, theo TS. Đoàn Dung, gia tăng mức học phí làm giảm khả năng chi trả và hạn chế cơ hội tiếp cận giáo dục đại học. Một số vấn đề khác của chương trình cải cách giáo dục là nguồn tài chính hình thành trên cơ sở hoạt động tự chủ không đủ để hình thành nguồn cho hoạt động nâng cấp chất lượng chương trình giảng dạy hay gánh nặng chi phí đào tạo đang được chuyển dịch từ ngân sách sang hộ gia đình có người theo học đại học… Tất cả những vấn đề phát triển của giáo dục đại học, nhìn từ phía cung hay phía cầu, đều cho thấy sự cần thiết của một chương trình tín dụng, cho vay mới, vừa đáp ứng nhu cầu theo học đại học của thanh niên, vừa giảm tải gánh nặng ngân sách.
Hội thảo nhận được 05 bài tham luận của các diễn giả (TS. Dilip Parajuili, GS. Bruce Chapman, GS. Lorraine Dearden, TS. Phí Vĩnh Tường và TS. Trần Thị Phương Dịu, TS. Đoàn Dung) đã trình bày tổng quát cơ chế tài chính giáo dục đại học ở Việt Nam; giới thiệu và phân tích hai mô hình tín dụng sinh viên (mô hình cho vay sinh viên trả theo thời gian- TBRL và mô hình trả theo thu nhập- ICL); trình bày kết quả áp dụng mô hình ICL tại Anh và Úc; trình bày về tự chủ tài chính trong các trường đại học công lập, lộ trình tăng phí và vấn đề mở rộng cơ hội tiếp cận dịch vụ giáo dục đại học cho thanh niên Việt Nam cũng như phân tích những tiềm năng cải cách chương trình tín dụng cho sinh viên ở Việt Nam.
|
Các đại biểu tham dự hội thảo đã tập trung thảo luận về các nội dung được trình bày trong hội thảo nhìn từ góc độ tài chính ngân hàng, xã hội học, giáo dục… với mong muốn những ý kiến tham luận sẽ góp phần tìm kiếm giải pháp tài chính cho giáo dục đại học ở Việt Nam; khởi động một lộ trình hợp tác nghiên cứu, đối thoại và tư vấn chính sách giữa các nhà khoa học, các chuyên gia tư vấn, các nhà hoạch định chính sách; với mục tiêu mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho thanh niên, đặc biệt là sinh viên nghèo; giảm bớt gánh nặng ngân sách nhà nước dành cho giáo dục đại học, cải thiện hệ thống chất lượng giáo dục đại học, gia tăng nguồn cung lao động có tay nghề cao.
Phát biểu bế mạc hội thảo, PGS.TS. Vũ Hùng Cường đã đánh giá cao chất lượng khoa học của các bài tham luận; ghi nhận những đóng góp của các học giả, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, các chuyên gia tư vấn, hoạch định chính sách trong việc trao đổi, thảo luận về mô hình cho vay tín dụng đối với sinh viên đại học phù hợp với điều kiện thể chế và đặc thù ở Việt Nam.
PGS.TS. Vũ Hùng Cường nhấn mạnh, Viện Thông tin Khoa học xã hội sẽ nỗ lực cụ thể hóa các nội dung đã ký kết trong Biên bản ghi nhớ, cùng nhóm nghiên cứu và các đối tác liên quan xây dựng thuyết minh nghiên cứu, xây dựng mô hình, đề xuất cơ chế, chính sách cho vay tín dụng đối với sinh viên đại học tại Việt Nam trong thời gian tới.
Hội thảo là diễn đàn trao đổi học thuật hữu ích của các học giả, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia về tài chính giáo dục đại học và chương trình tín dụng cho sinh viên. Những thông tin chia sẻ đa chiều của các đại biểu sẽ góp phần khởi động cho một lộ trình hợp tác nghiên cứu đối thoại và tư vấn chính sách, vận dụng các kết quả nghiên cứu chính sách nhằm cải thiện năng lực tài chính cho thanh niên cũng như mở rộng cơ hội tiếp cận dịch vụ giáo dục đại học cho thanh niên Việt Nam. Qua đó thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác giữa Viện Thông tin Khoa học xã hội, VASS với Trường Kinh doanh và Kinh tế (RSE) thuộc ANU, cùng nhiều đối tác trong nước và quốc tế ngày càng tốt đẹp trong thời gian tới.
Nguyễn Thu Trang
(*) TFP (Total Factor Productivity) là chỉ tiêu đo lường năng suất của đồng thời cả “lao động” và “vốn” trong một hoạt động cụ thể hay cho cả nền kinh tế. TFP phản ảnh sự tiến bộ của khoa học, kỹ thuật và công nghệ, qua đó sự gia tăng đầu ra không chỉ phụ thuộc vào tăng thêm về số lượng của đầu vào mà còn tùy thuộc vào chất lượng của các yếu tố đầu vào là lao động và vốn.