Tham dự Hội thảo, về phía quốc tế, có: GS.TS. Henryk Domanski, nguyên Viện trưởng Viện Triết học và Xã hội học, PAS; GS.TS. Joanna Kurczewska, Tổng biên tập Tạp chí Xã hội học, kiêm Chủ tịch Hội Nghiên cứu chính trị Ba Lan; GS.TS. Jacek Kurczewski, Viện Khoa học xã hội ứng dụng, Đại học Vacsava Ba Lan, Tổng biên tập Tạp chí Cộng đồng xã hội; GS.TS. Hanna Boija, PAS; TS. Piotr Binder, PAS. Về phía Việt Nam, có: PGS.TS. Đặng Nguyên Anh, Viện trưởng Viện Xã hội học, Tổng biên tập Tạp chí Xã hội học; đại diện lãnh đạo và các nhà khoa học của Viện Xã hội học và các viện nghiên cứu chuyên ngành của VASS; cùng các đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành và các trường đại học ở Hà Nội.
Trong phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Đặng Nguyên Anh cho biết, trong những năm qua Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Viện Xã hội học đã tích cực mở ra nhiều hoạt động hợp tác, đổi mới nội dung và lĩnh vực nghiên cứu để có thể hội nhập sâu rộng với thế giới. Một trong những đối tác tích cực đó là Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan, các nhà khoa học hai bên đã tích cực tăng cường chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu, đáp ứng đòi hỏi cấp bách của sự nghiệp phát triển và hội nhập của mỗi quốc gia. Việt Nam và Ba Lan có nhiều điểm tương đồng, nếu xét từ góc độ biến đổi xã hội, Ba Lan đã có hơn 25 năm chuyển đổi và hội nhập, trong khi Việt Nam cũng đã trải qua 30 năm đổi mới và phát triển. Cả hai quốc gia đã và đang tìm kiếm những giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an ninh và hòa nhập xã hội.
Kể từ khi gia nhập nhóm các nước có thu nhập trung bình, nền kinh tế Việt Nam đã ra khỏi tình trạng kém phát triển và đã đến lúc Việt Nam cần phát huy những tiềm năng vốn có, nhất là nguồn lực tiềm ẩn trong xã hội, đặc biệt chú trọng mục tiêu phát triển xã hội bền vững với sự gắn kết và đồng thuận xã hội. Truyền thống “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân” đã thấm sâu trong đời sống xã hội Việt Nam, các hoạt động từ thiện nhân đạo đó được lưu truyền qua các thế hệ nhằm nhắc nhở trách nhiệm của con người với nhau. Hơn bao giờ hết, nguồn lực trong cộng đồng và doanh nghiệp cần tiếp tục được chia sẻ, phát huy trong bối cảnh phát triển và hội nhập của Việt Nam.
|
|
|
|
|
GS.TS. Henrik Domanski – phát biểu chào mừng Hội thảo, nêu rõ sự cần thiết để kết quả nghiên cứu thực nghiệm cũng như nghiên cứu định tính về hoạt động từ thiện xã hội lan rộng được trong xã hội và góp phần tư vấn chính sách cho chính phủ cũng như các cơ quan hữu quan. Tuy nhiên, vẫn còn có những chủ đề cần được tiếp tục nghiên cứu sâu hơn trong tương lai như vai trò của các cá nhân, tổ chức… trong hoạt động từ thiện xã hội.
Hội thảo chia làm hai phiên, với 08 báo cáo tham luận: (1) “Từ thiện xã hội hiện đại trong bối cảnh xã hội bảo thủ Ba Lan: nghiên cứu trường hợp” do TS. Piotr Binder trình bày; (2) “Hoạt động từ thiện xã hội cấp cộng đồng ở Việt Nam” (PGS.TS. Đặng Nguyên Anh); (3) “Mô hình hoạt động từ thiện xã hội từ góc độ thảo luận chuyên gia, chính trị và học thuật” (GS.TS. Joanna Kurczewska); (4) “Giữa hoạt động từ thiện của công ti và doanh nghiệp xã hội – mô hinh hỗ trợ xã hội mới ở Ba Lan sau năm 1989” (GS.TS. Hanna Boija); (5) “Sự phát triển của mô hình doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam” (TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương); (6) “Chiều cạnh pháp lý của hoạt động từ thiện xã hội: nghiên cứu trường hợp Ba Lan và một số nước Châu Âu” (GS.TS. Jacek Kurczewski); (7) “Đánh giá khung chính sách pháp luật từ thiện xã hội ở Việt Nam” (TS. Nguyễn Đức Vinh và Nghiêm Thị Thủy, Viện Xã hội học, VASS); (8) “Nền tảng cấu trúc của hoạt động từ thiện xã hội ở Ba Lan” (GS.TS. Henryk Domanski).
|
|
|
|
|
Toàn cảnh Hội thảo
Trong báo cáo của mình, GS.TS. Joanna Kurczewska cho rằng, nhà nước có vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ công, an sinh xã hội cho những nhóm yếu thế; cần tiếp cận từ thiện xã hội dưới góc nhìn văn hóa – từ thiện là trách nhiệm đạo đức của xã hội. Ở Ba Lan có 3 mô hình hoạt động từ thiện xã hội: mô hình thứ nhất liên quan đến các nguyên tắc cơ bản sau khi tái thiết căn bản chức năng của nhà nước xã hội chủ nghĩa trước đây và xã hội Ba Lan đương đại; mô hình thứ hai là mối quan hệ giữa nhà nước phúc lợi và sự phát triển của chủ nghĩa tư bản; mô hình thứ ba là mô hình quan trọng trong lĩnh vực đạo đức, xung đột văn hóa.
Theo PGS.TS. Đặng Nguyên Anh, từ thiện xã hội không phải là hoạt động xa lạ tại cộng đồng ở Việt Nam, so với loại hình từ thiện doanh nghiệp thì từ thiện ở cộng đồng có sự tham gia rộng rãi và biết đến của nhiều người dân. Ở mô hình này thì vai trò lãnh đạo và ảnh hưởng của nhà nước còn rất lớn, nhà nước đứng ra thực hiện là chính. PGS.TS. Đặng Nguyên Anh cho rằng, Việt Nam cần đa dạng hóa các kênh, các chủ thể làm từ thiện và kiện toàn khung pháp lí của từ thiện xã hội.
|
GS.TS. Hanna Boija nhấn mạnh, các hoạt động hỗ trợ xã hội trong xã hội Ba Lan hiện nay là một hệ thống đa lĩnh vực, đa chủ thể với sự góp mặt của các cơ quan nhà nước, tư nhân và xã hội. Ở Ba Lan hiện có rất nhiều sáng kiến khác nhau, bao gồm các hoạt động từ thiện do các tổ chức phi chính phủ thực hiện. Các hình thức gắn kết xã hội do các tổ chức theo định hướng thị trường tạo nên những triển vọng xây dựng một hệ thống đa lĩnh vực để trợ giúp xã hội ở Ba Lan, tuy nhiên người dân Ba Lan có niềm tin mạnh mẽ về vai trò của nhà nước do đó hệ thống dịch vụ công sẽ vẫn đóng vai trò quan trọng.
TS. Nguyễn Đình Cung khẳng định, cần đẩy mạnh truyền thông dưới nhiều hình thức khác nhau để truyền tải, phổ biến, giải thích khái niệm và các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp xã hội; xác định vai trò của nhà nước trong cung ứng dịch vụ công; xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp xã hội gia nhập thị trường và hoạt động; tăng cường sự hợp tác và phối hợp của các bên có liên quan trên phạm vi quốc gia và trên thế giới trong phát triển doanh nghiệp xã hội.
Kết luận Hội thảo, GS.TS. Henryk Domanski và PGS.TS. Đặng Nguyên Anh khẳng định, có nhiều cách tiếp cận và góc nhìn khác nhau, không chỉ xã hội học mà còn từ chiều cạnh văn hóa, đạo đức, chính trị, pháp luật, chính sách… để lí giải các loại hình và hoạt động từ thiện xã hội ở Ba Lan và Việt Nam. Điều đó cho thấy đây là một chủ đề nghiên cứu rất phong phú và thu hút sự quan tâm chú ý của các nhà nghiên cứu.
Hội thảo đã góp phần làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn đối với từ thiện xã hội ở Ba Lan và Việt Nam, phù hợp với đặc thù và điều kiện phát triển của mỗi nước. Các tham luận tập trung trao đổi, thảo luận và làm sáng tỏ, chia sẻ kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu về từ thiện xã hội ở Ba Lan và Việt Nam, nhận diện các loại hình từ thiện, đồng thời phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến loại hình từ thiện từ các kết quả nghiên cứu của hai nước. Đồng thời góp phần gợi mở và đề xuất các giải pháp về chính sách, pháp luật nhằm phát huy được vai trò tích cực của các hoạt động từ thiện, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Đây là Hội thảo đầu tiên nhằm trao đổi, chia sẻ những kết quả bước đầu trong nghiên cứu từ thiện xã hội. Còn có nhiều vấn đề cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu như: mối quan hệ giữa từ thiện xã hội và niềm tin xã hội; xác định vai trò của nhà nước trong việc đảm bảo các dịch vụ công ích, dịch vụ xã hội, nhất là trong điều kiện chuyển đổi chức năng của nhà nước từ cai trị sang phục vụ và kiến tạo phát triển; Cần làm rõ hơn quan điểm về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện; các giải pháp nhằm nâng cao tính minh bạch, kịp thời và năng động của từ thiện xã hội; sự cần thiết về cơ sở pháp luật, chính sách nhằm đảm bảo cho hoạt động từ thiện phát huy sự chia sẻ, giảm thiểu bất bình đẳng, tăng cường gắn kết và đồng thuận xã hội để phát triển bền vững… Để giải quyết những vấn đề trên, cộng đồng xã hội học hai nước cần tiếp tục đào sâu nghiên cứu lí luận, đồng thời đặt nghiên cứu từ thiện xã hội trong đặc thù thực tiễn và điều kiện phát triển của mỗi nước./.
Nguyễn Thu Hà