Tham dự Hội thảo, về phía Nhật Bản, có sự hiện diện của Ngài Ando Toshiki, Giám đốc Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam; Ngài Kawai Jun, Phó Giám đốc Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam và Giáo sư Higuchi Hiromi, Giảng viên trường Đại học Senshu, Nhật Bản; Về phía Việt Nam, có TS. Trần Quang Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á cùng hai Phó Viện trưởng (PGS.TS. Phạm Hồng Thái, PGS.TS. Phạm Quý Long) và gần 100 cán bộ nghiên cứu, giảng dạy đến từ các viện nghiên cứu chuyên ngành trực thuộc Viện Hàn lâm và một số trường đại học tại Hà Nội cùng toàn thể cán bộ Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.
Tiếp nối hai hội thảo tập huấn quốc tế đã tổ chức thành công trước đó là “Tri thức điền dã và khoa học nhân văn” (tháng 8 năm 2011) và “Những vấn đề kinh tế, xã hội Nhật Bản" (tháng 9-10 năm 2012), Chương trình năm nay được thực hiện thành 2 đợt. Đợt 1 vào tháng 9 năm 2015 gồm những bài giảng về “Lịch sử - văn hóa Nhật Bản nhìn từ nghề thủ công truyền thống và lễ hội” do GS. Higuchi Hiromi, Khoa Nhân học, Đại học Senshu, Nhật Bản thực hiện. GS. Higuchi Hiromi là người đã gắn bó, cộng tác với Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á trong một số chương trình nghiên cứu. Giáo sư là tác giả của hơn 20 công trình nghiên cứu về xã hội Nhật Bản, đặc biệt về lễ hội và nghề thủ công truyền thống, trong đó có công trình nghiên cứu so sánh với nghề thủ công truyền thống ở Việt Nam.
Bài giảng của Giáo sư lần này hướng tới làm rõ 02 nội dung: Thứ nhất, xem xét vị trí của “những yếu tố truyền thống” trong đời sống xã hội của người Nhật Bản từ những năm 1950 – thời kỳ tăng trưởng kinh tế cao độ đến hiện tại, sự thay đổi trong cách tiếp nhận các yếu tố này của người Nhật hiện nay; Thứ hai, tìm hiểu việc kế thừa các công nghệ truyền thống và nghi lễ truyền thống thông qua xây dựng các mối quan hệ xã hội trong sự vận động, biến đổi không ngừng của cơ cấu sản xuất, công nghiệp chế tạo và sự thay đổi của các giá trị quan trong xã hội hiện đại.
|
|
Tại Hội thảo, bằng sự am hiểu và kinh nghiệm giảng dạy, trong ngày đầu tiên, Giáo sư Higuchi đã thuyết trình bài giảng thứ nhất với chủ đề “Việc kế thừa kỹ nghệ và văn hóa truyền thống nhìn từ nghề thủ công truyền thống và lễ hội”. Cụ thể, Giáo sư tập trung mô tả bức tranh toàn cảnh xã hội Nhật Bản và phân tích sự biến đổi cơ cấu sản xuất của Nhật Bản từ sau chiến tranh Thế giới thứ hai dẫn đến nảy sinh các vấn đề xã hội, nổi bật là sự đổ vỡ “truyền thống” (đô thị hóa, xã hội tiêu dùng hàng loạt, gia đình hạt nhân, đặc biệt là suy thoái các ngành nghề truyền thống vùng nông thôn…). Theo đó, kéo theo sự thay đổi của các giá trị quan trong xã hội từ sau năm 1955 và nhìn nhận lại nền văn hóa – lịch sử (chủ nghĩa địa phương, chủ nghĩa phân quyền, chủ nghĩa khu vực) hướng tới phục hồi truyền thống: Ban hành Luật về nghề thủ công truyền thống; Phục hồi tập quán, lễ nghi truyền thống.
Hội thảo nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu tham dự. Những câu hỏi thảo luận như: Nhận thức vai trò của ngành nghề thủ công truyền thống và những khó khăn trong quá trình khôi phục lại văn hóa truyền thống; Quy định nhận biết về làng nghề truyền thống; Yếu tố kinh tế trong lễ hội… sẽ được Giáo sư Higuchi giải đáp trong các bài giảng tiếp theo. Những thông tin Giáo sư chia sẻ là nguồn tư liệu quý, cung cấp kiến thức cơ bản trên các lĩnh vực (kinh tế, chính trị, văn hóa- xã hội, quan hệ quốc tế) nhằm tạo cơ hội giao lưu học thuật giữa các nhà nghiên cứu Việt Nam và Nhật Bản, góp phần thúc đẩy quan hệ của Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á với trường Đại học Senshu và các trường đại học, các viện nghiên cứu khác tại Nhật Bản trong thời gian tới.
Theo kế hoạch, hội thảo tập huấn quốc tế “Nghiên cứu lịch sử - văn hóa Nhật Bản” đợt II gồm những bài giảng về “Văn học du ký Nhật Bản thời Heian – Edo” của Giáo sư Kuramoto Kazuhiro, Trung tâm Nghiên cứu văn hóa quốc tế Nhật Bản (Nichibunken) sẽ diễn ra vào tháng 10 năm 2015.
Nguyễn Thu Trang