Tham dự Hội thảo, có đông đảo cán bộ nghiên cứu của các viện nghiên cứu chuyên ngành trực thuộc Viện Hàn lâm như: Viện Văn học, Viện Sử học, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Thông tin KHXH... cùng các giảng viên đến từ Khoa Văn học Trường Đại học Sư phạm TP.HCM; Khoa Nhật Bản học trường Đại học KHXH & NV TP.HCM; Khoa Ngôn ngữ Văn hóa Phương Đông Trường Đại học Ngoại ngữ; Khoa Đông Phương học Trường Đại học KHXH & NV, Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Hà Nội; Đại học Nguyễn Trãi...
Những năm gần đây, Trung tâm Nghiên cứu văn hóa quốc tế Nhật Bản (Nichibunken) có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á và một số viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm trong việc triển khai nhiều dự án nghiên cứu chung cũng như trao đổi học giả. Giáo sư Kuramoto Kazuhiro, Trung tâm Nghiên cứu văn hóa quốc tế Nhật Bản (Nichibunken) là một chuyên gia nghiên cứu lâu năm về lịch sử và văn học Nhật Bản. Giáo sư đã có 40 công trình nghiên cứu được xuất bản thành sách, trong đó có những bộ sách lịch sử thời cổ đại (Heian) và thời trung thế (Kamakura) có giá trị cao. Nhân chuyến thăm Việt Nam lần này, bằng kinh nghiệm và kiến thức phong phú về lịch sử, văn học Nhật Bản, Giáo sư đã truyền đạt tới các học viên bài giảng “Sự ra đời của các chuyến đi của người Nhật Bản qua văn học du ký thời Heian - Edo”.
Du ký là một thể loại văn học có nhiều chất tùy bút, thường không có cốt truyện, ghi chép về vẻ kỳ thú của cảnh vật thiên nhiên và cuộc đời; những cảm nhận, suy tưởng của tác giả trong những chuyến du ngoạn. Du ký phản ánh, truyền đạt những nhận biết, những cảm tưởng, nhận thức mới mẻ của bản thân về những điều mắt thấy tai nghe ở những xứ sở xa lạ, nơi mọi người ít có dịp đi đến và chứng kiến. Hình thức du ký bao gồm: ghi chép, ký sự, hồi ký, thư tín, hồi tưởng…
Với 11 tài liệu văn học du ký qua các chuyến công cán và du chơi từ thời Heian (cổ đại) – Kamakura (trung thế) – Edo (cận thế), Giáo sư Kuramoto đã làm sáng tỏ quá trình thay đổi ý thức đối với sự di chuyển người Nhật qua ghi chép cảm động về những chuyến đi xa gian truân từ thời cổ đại, trung thế và cơ sở yêu thích du lịch thời cận thế. Nội dung bài giảng tập trung vào 3 vấn đề chính:
(1) Mô tả bức tranh về những chuyến đi thời cổ đại, trung thế, cận thế thông qua phân tích sâu sắc các tác phẩm tiêu biểu thời Heian: (i) Isemonogatari và các chuyến đi xuống miền Đông của Ariwara No Narihira; (ii) Sarashina Nikki và các chuyến đi về kinh đô của Takasue No Musume. Qua đó, có thể thấy những chuyến đi xa của người xưa thường có điểm nổi bật là: sự ít được dịch chuyển, đi lại rất khó khăn bởi địa hình hiểm trở…
(2) Trình bày về sự ra đời của các di tích thời Kamakura qua các cuốn sách được ghi lại: Mô tả phong cảnh yêu thích - Kaidoki (Hải đạo lý); Cảm nhận của bản thân, suy nghĩ trăn trở về những kỷ niệm trên đường đi -Tokan kiko (Đông Quan Kỉ Hành); Ghi chép những cảm xúc buồn vui lẫn lộn qua tác phẩm Izayoinikki (Thập lục dạ nhật ký); Những câu chuyện tình yêu riêng tư và bí mật cuộc đời cá nhân qua tác phẩm Towazugatari của Gofukakusain Nijyo.
(3) Tường thuật các chuyến đi xa thời Edo gắn liền với sự ra đời các tác phẩm văn học du ký: Những di tích danh thắng Basho tới thăm (tác phẩm “Nozarashi kiko”); Chuyến đi bộ lần thứ hai của Basho (tác phẩm Oino shobun); Chuyến đi của Yari và Kita trong 13 ngày (tác phẩm “Tokaidochuhizakurige”- Đông hải đạo trung tất lật mao); Chuyến đi 17 ngày của Siebold (tác phẩm Edosanpukiko và con mắt của kẻ dị nhân Siebold).
Qua phân tích các tác phẩm văn học du ký, Giáo sư đã tóm lược khái quát về sự ra đời và sự thay đổi mục đích chuyến đi theo từng thời kì. Cho đến ngày nay, các tác phẩm văn học du ký Nhật Bản từ thời cổ đại, trung thế và cận thế với những cảm xúc được ghi chép lại trên đường đi hay những di tích hiện hữu trong tác phẩm vẫn còn nguyên giá trị, góp phần hình thành thú du chơi ở thời cận thế cũng như để lại những trải nghiệm tâm lý, tinh thần sâu sắc cho hậu thế sau này.
Hội thảo tập huấn quốc tế “Nghiên cứu lịch sử - văn hóa Nhật Bản” đợt II đã kết thúc thành công. Qua bài giảng thiết thực và sự nhiệt tình giải đáp của giáo sư Kuramoto, các học viên và cán bộ không chỉ lĩnh hội những kiến thức quí báu trong lĩnh vực nghiên cứu văn học, mà còn hiểu biết sâu sắc về phong tục, tập quán và trên hết là lịch sử cổ - trung đại Nhật Bản qua những chuyến đi của người Nhật Bản từ thời cổ đại đến cận thế, hiểu biết về sự hình thành thú ham thích du lịch, khám phá của dân tộc độc đáo này. Những ý kiến trao đổi tại Hội thảo sẽ gợi mở nhiều cách thức tiếp cận mới trong nghiên cứu về Nhật Bản học nói chung và văn học du ký nói riêng, góp phần tăng cường và củng cố mối quan hệ hợp tác nghiên cứu và giao lưu học thuật giữa Việt Nam - Nhật Bản trong thời gian tới./.
Nguyễn Thu Trang