Không gian trưng bày khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội chính thức đi vào hoạt động
  • 3.5 top logo - tin hoi nghi hoi thao

Không gian trưng bày khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội chính thức đi vào hoạt động

20/05/2016

Nhân dịp kỷ niệm 126 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và chào mừng ngày bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, chiều ngày 19 tháng 5 năm 2016, tại Trung tâm Báo chí Quốc hội, Tầng 1 - Nhà Quốc hội, Ba Đình, Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) đã long trọng tổ chức Lễ Báo cáo kết quả và trưng bày “Những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội”.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, <br>Chủ tịch Quốc hội <br>tham quan khu trưng bày tại tầng hầm Nhà Quốc hội

Buổi lễ vinh dự được đón tiếp Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Chủ tịch Viện Hàn lâm; Đồng chí Nguyễn Viết Thảo, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Ông Michael Usher, Chuyên gia thiết kế chiếu sáng trưng bày Australia.

Về phía Viện Hàn lâm, có: GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm; GS.TS. Đỗ Hoài Nam, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam; PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; GS.TS. Võ Khánh Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; Lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Viện Hàn lâm; Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập tạp chí trực thuộc Viện Hàn lâm; Đại diện Ban chấp hành Công đoàn và Ban chấp hành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Viện Hàn lâm; PGS.TS. Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành kiêm Chủ nhiệm Dự án Trưng bày di tích, di vật dưới tầng hầm Nhà Quốc hội, tác giả của nội dung khoa học và ý tưởng trưng bày, người đã có nhiều tâm huyết tạo nên sự thành công của khu trưng bày cùng tập thể cán bộ của Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành, những người đã có nhiều đóng góp tạo nên sự thành công của Dự án.

Tham dự buổi Lễ còn có  Lãnh đạo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình, đại diện các chuyên gia tư vấn khoa học, tư vấn về bảo tàng và đại diện các nhà thầu tham gia thực hiện thi công Dự án.

        GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Chủ tịch Viện Hàn lâm phát biểu tại buổi Lễ

Trong Báo cáo kết quả kết quả của Dự án, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Chủ tịch Viện Hàn lâm đã điểm lại quá trình khai quật khảo cổ học năm 2008-2009 dưới lòng đất của tòa Nhà Quốc hội, với 140 di tích cùng hàng chục ngàn di vật khảo cổ của nhiều thời kỳ nằm chồng xếp, đan xen nhau. Đây là phát hiện rất quan trọng, phản ánh sinh động lịch sử phát triển liên tục, lâu dài của khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long qua suốt 1300 năm, từ thời Tiền Thăng Long (thế kỷ 7-10) đến thời kỳ Thăng Long (thế kỷ 11-18). Đồng thời minh chứng, khu vực xây dựng Nhà Quốc hội là một bộ phận quan trọng nằm ở phía Tây Nam Cấm thành của Kinh đô Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Để tạo nên sự kết nối hài hoà giữa truyền thống và hiện đại, và để toà Nhà Quốc hội thực sự hoá thân vào tiến trình lịch sử vinh quang của dân tộc, Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương dành một phần diện tích dưới tầng hầm của toà nhà để làm nơi trưng bày một số loại hình di tích, di vật tiêu biểu khai quật được dưới lòng đất toà Nhà Quốc hội nhằm tạo nên hình ảnh biểu trưng độc đáo của sự tiếp nối, tôn vinh giá trị truyền thống, phản ánh sức sống trường tồn của trung tâm quyền lực trong lịch sử vẻ vang của dân tộc, đồng thời góp phần quan trọng trong việc quảng bá giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long, đáp ứng yêu cầu tham quan và hưởng thụ văn hóa của nhân dân và khách quốc tế tại tòa Nhà Quốc hội.

Nội dung chính của Dự án là trưng bày một số loại hình di tích, di vật tiêu biểu, đặc sắc nhất khai quật được tại khu vực xây dựng Nhà Quốc hội năm 2008-2009. Di tích và di vật trưng bày ở đây là di tích gốc và các thành phần cấu kiện gốc của di tích đã được di dời và các loại hình di vật gốc được lấy lên từ lòng đất tại khu vực xây dựng Nhà Quốc hội. Giải pháp trưng bày được thể hiện theo lát cắt địa tầng khảo cổ tức là theo thời gian của lịch sử từ xa xưa lại gần. Theo đó, phương pháp trưng bày được thực hiện mang tính thống nhất là trưng bày lồng ghép, xen cài giữa di tích và di vật nhằm đem lại những cảm xúc và ấn tượng mạnh cho từng không gian trưng bày.

     

Toàn cảnh buổi Lễ

Không gian trưng bày ở mỗi tầng hầm đều có những điểm nhấn tạo nên tính độc đáo, riêng biệt, đồng thời là những câu chuyện kể về lịch sử phát hiện dưới lòng đất về Kinh đô Thăng Long xưa, trung tâm quyền lực lâu đời của quốc gia Đại Việt trong lịch sử được diễn giải sinh động qua di tích, di vật với những chủ đề và phong cách trình diễn đồ họa đặc sắc. Các di tích nền móng kiến trúc cùng giếng nước, mộ ngựa, xâu tiền của các thời kỳ được tái tạo trưng bày dưới mặt sàn giống như công trường khai quật và bên trên là các loại hình di vật được trưng bày kết hợp với hình ảnh, ánh sáng.

Nét độc đáo nhất ở khu trưng bày phải kể đến hai bức tranh tường đặc sắc có kích thước lớn được lắp ghép từ chính mảnh vỡ của các loại gạch ngói khai quật được tại khu di tích và chứa đựng những thông điệp của lịch sử xây dựng Kinh đô Thăng Long. Đó là bức tranh Rồng bay và Bình minh Thăng Long do nữ tác giả Bùi Thu Trang sáng tác. Bức tranh Rồng bay được khơi nguồn từ hình tượng rồng thời Lý và ghi chép của sử cũ về sự kiện năm 1010. Mùa thu năm ấy, khi đến thành Đại La, vua Lý Thái Tổ thấy rồng vàng bay lên và sau đó đã quyết định hạ Chiếu dời đô từ Hoa Lư về đây và đổi tên là Thăng Long. Tác phẩm Bình minh Thăng Long được lấy cảm hứng từ hình tượng lá đề và đầu ngói ống trang trí hoa sen lợp trên mái kiến trúc cung điện thời Lý để biểu đạt hình tượng về lịch sử khai sáng Kinh đô Thăng Long vào mùa thu năm 1010 cùng sự tỏa sáng rực rỡ của nền văn hóa Đại Việt kể từ vương triều Lý.

     

Một số hiện vật trưng bày tại tầng hầm Nhà Quốc hội

Theo PGS.TS. Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành, cho biết, ý tưởng trưng bày ở đây là phân theo địa tầng khảo cổ học, theo diễn biến thời gian. Với cấu trúc đó, tầng hầm 2: Trưng bày thời kỳ Tiền Thăng Long, đây là thời kỳ trước khi Vua Lý Công Uẩn hạ Chiếu dời đô. Tầng hầm 1: Trưng bày thời kỳ Thăng Long (sau năm 1010), sau khi Vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, là không gian trưng bày những di vật Thăng Long và nổi bật nhất là mô phỏng về kiến trúc của cung điện thời Lý giống như bối cảnh khai quật. Ở mỗi tầng hầm, trong mỗi một không gian được lựa chọn những điểm nhấn nhằm đem lại những cảm xúc, ấn tượng cho người xem, thể hiện những giá trị cốt lõi nhất của di sản đến công chúng một cách tự nhiên.

Với diện tích mặt bằng trưng bày khoảng 3.700m2, các di vật được trình diễn bởi hệ thống 42 đèn cột ánh sáng, gợi mở cho công chúng hình dung về 42 cột gỗ của một công trình kiến trúc cung điện thời Lý. Lịch sử vàng son của kinh đô Thăng Long cùng dấu tích cung điện được diễn giải sinh động với công nghệ trình diễn mapping và media, tái tạo một bức tường bao quanh cung điện theo đúng chiều cao thật 2,72m. Ngoài ra, công chúng có thể xem tư liệu trong phòng chiếu phim với sức chứa 60 người.

     

Một số hiện vật trưng bày tại tầng hầm Nhà Quốc hội

“Khu trưng bày những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội” có không gian dành cho trẻ em, thiết kế dành cho người tàn tật, những điều đó cho thấy, khu trưng bày này đang hướng tới cộng đồng, kết nối cộng đồng với lịch sử, kết nối giữa Tòa nhà Quốc hội với nhân dân bằng niềm tự hào về lịch sử cha ông, và lịch sử của chính mảnh đất này.

     

Một số hình ảnh tại Phòng chiếu phim và Khu trưng bày tại tầng hầm Nhà Quốc hội

Không gian này là kết quả sau gần 4 năm miệt mài làm việc của các nhà khoa học Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện dự án đã bảo quản những di tích, hiện vật gốc, nhằm đưa đến một không gian khảo cổ như đã tìm thấy tại khu di tích, để tạo ra một trưng bày mang tầm quốc tế, phản ánh trung thực, khách quan và có tính khoa học cao. Những công việc rất thầm lặng đó giờ đây đã có thể giới thiệu đến với công chúng với một khu trưng bày độc đáo. Đây được xem là Bảo tàng Khảo cổ học đầu tiên tại Việt Nam do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện./.

Nguyễn Thu Hà

Các tin đã đưa ngày: