Tọa đàm: “Chính sách kinh tế đối ngoại của Trung Quốc và mối quan hệ Việt - Trung”
  • 3.5 top logo - tin hoi nghi hoi thao

Tọa đàm: “Chính sách kinh tế đối ngoại của Trung Quốc và mối quan hệ Việt - Trung”

16/04/2016

Nhằm góp phần tăng cường hiểu biết và làm sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị, giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc, nhân chuyến công tác của đoàn học giả Viện Khoa học xã hội Thượng Hải (SASS), Trung Quốc, sáng ngày 15 tháng 4 năm 2016, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) đã đón đoàn đến thăm và trao đổi khoa học với các chuyên gia, các nhà nghiên cứu của VASS với chủ đề “Chính sách kinh tế đối ngoại của Trung Quốc và mối quan hệ Việt - Trung”.

PGS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học <br>xã hội Việt Nam  phát biểu tại Tọa đàm       GS.TS. YU Xinhui (Vu Tín Hối), Bí thư Đảng ủy Viện Khoa học <br>xã hội Thượng Hải phát biểu tại Tọa dàm

Đến dự buổi Tọa đàm, về phía SASS, có: GS.TS. YU Xinhui (Vu Tín Hối), Bí thư Đảng ủy SASS; GS. QUAN Heng (Quyền Hoành), Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Thế giới; GS. YOU Anshan (Ưu An Sơn), Viện Kinh tế Thế giới; TS. LIU Aming (Lưu A Minh), Phó Trưởng ban Ban Hợp tác quốc tế; PGS. SUN Zhenhai (Tôn Chấn Hải), Viện Kinh tế Thế giới; Trợ lý Giáo sư ZHANG Tiangui (Trương Thiên Quy), Viện Kinh tế Thế giới.

Về phía VASS, có: PGS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch VASS; ThS. Nguyễn Thanh Hà, Trưởng ban Ban Hợp tác quốc tế; PGS.TS. Trần Thị An, Trưởng ban Ban Quản lý khoa học; TS. Hoàng Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc; GS.TS. Đỗ Tiến Sâm, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc; PGS.TS. Phùng Thị Huệ, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc; PGS.TS. Chu Đức Dũng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới; cùng lãnh đạo, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu từ các Viện nghiên cứu chuyên ngành của VASS.

GS.TS. Đỗ Tiến Sâm trình bày tại Tọa đàm       GS. QUAN Heng (Quyền Hoành) phát biểu tại Tọa đàm

Tọa đàm do PGS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch VASS và GS.TS. YU Xinhui, Bí thư Đảng ủy SASS đồng chủ trì.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, GS.TS. YU Xinhui cho biết, Trung Quốc đã thay đổi dần quan niệm từ chỉ chú trọng phát triển GDP sang chú trọng phát triển văn hóa xã hội, văn hóa sinh thái, mở rộng xây dựng phát triển toàn diện đất nước. Trung Quốc đang từng bước tìm ra động lực để phát triển, đổi mới được coi trọng trong quá trình chuyển đổi; phát triển xanh, phát triển bền vững cũng được chú ý rất nhiều; đặt mục tiêu đến năm 2020 giảm bớt lượng khí thải - đây là bước chuyển mới của Trung Quốc. Quan điểm mở cửa để phát triển cũng rất giống Việt Nam, mở cửa càng ngày càng toàn diện hơn để đạt được sự phát triển chung, làm cho nhiều người cùng được hưởng lợi, xây dựng xã hội khá giả toàn diện.

Tiếp lời GS.TS. YU Xinhui, PGS.TS. Đặng Nguyên Anh, khẳng định hai nước có những điểm tương đồng, những điểm chung về phát triển bền vững. Việt Nam hiện cũng không chỉ có tăng trưởng GDP, mà phải tập trung nhiều hơn cả những vấn đề tăng trưởng xanh, giảm hiệu ứng nhà kính, bảo vệ môi trường. Tăng trưởng về mặt xã hội, kinh tế, phát triển bao trùm, cùng nhau hưởng lợi… PGS.TS. Đặng Nguyên Anh mong rằng các học giả sẽ cùng nhau thảo luận, gợi mở để có thể thống nhất được một số nội dung mà hai bên có thể cùng nhau nghiên cứu, như vấn đề quản lý xã hội dưới góc độ pháp luật, chất lượng tăng trưởng, xây dựng toàn diện…

Các đại biểu tham dự được nghe 04 báo cáo của các học giả Việt Nam và Trung Quốc. Tham luận Bàn về vấn đề kết nối chiến lược giữa "Một vành đai, một con đường" với "Hai hành lang một vành đai", GS.TS. Đỗ Tiến Sâm phân tích sâu hơn về khái niệm, tầm quan trọng và một số thành tựu của chính sách này của Trung Quốc cũng như sự tác động đến một số nước và Việt Nam.

PGS.TS. Phùng Thị Huệ phát biểu tại Tọa đàm       GS. YOU Anshan (Ưu An Sơn) trình bày tại Tọa đàm

GS.TS. Đỗ Tiến Sâm cho rằng, “Một vành đai, một con đường” là một sự điều chỉnh chiến lược mới của Trung Quốc và nhấn mạnh, việc tận dụng những cơ hội, hóa giải những thách thức từ sự điều chỉnh chiến lược này, giúp cho quan hệ hai nước phát triển ổn định và lành mạnh, là một chủ đề nghiên cứu mới rất cần sự hợp tác của các nhà khoa học hai nước.

GS. QUAN Heng (Quyền Hoành) với tham luận Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của Trung Quốc và xây dựng xã hội tiểu khang toàn diện, đã phân tích mục tiêu mới đối với việc xây dựng xã hội tiểu khang toàn diện, gồm: kinh tế giữ vững tốc độ phát triển trung bình cao; Trên cơ sở nâng cao tính thăng bằng, tính bao dung, tính bền vững của sự phát triển; Tới năm 2020, GDP và GDP bình quân đầu người của Trung Quốc tăng gấp đôi; Mức sống và chất lượng cuộc sống của nhân dân được tăng cao; Nâng cao rõ rệt tố chất quốc dân và văn minh xã hội; Cải thiện tổng thể chất lượng môi trường sinh thái; Tăng cường tính trưởng thành, tính định hình của các chế độ trong các phương diện.

     

Toàn cảnh Tọa đàm: “Chính sách kinh tế đối ngoại của Trung Quốc và mối quan hệ Việt - Trung”

PGS.TS. Phùng Thị Huệ với tham luận Bàn về chiến lược một vành đai, một con đường của Trung Quốc, nhấn mạnh vào sự mở rộng không gian phát triển của Trung Quốc. Đó là, đẩy mạnh tốc độ “đi ra ngoài” của doanh nghiệp, phát triển cân bằng vùng miền, đảm bảo an ninh năng lượng, quốc tế hóa đồng NDT; Điều chỉnh chiến lược đối ngoại: Thực hiện chính sách “ngoại giao xung quanh”, khẳng định vai trò nước lớn, nâng cao sức mạnh mềm văn hóa. PGS.TS. Phùng Thị Huệ cũng nêu ra một số đề xuất nhằm nâng cao sự hợp tác Việt – Trung trong bối cảnh xây dựng “một vành đai, một con đường” trong giai đoạn hiện nay.

GS. YOU Anshan (Ưu An Sơn), trong tham luận của mình đã trình bày quan điểm của Trung Quốc về chiến lược “một vành đai, một con đường”, cho rằng cần chung tay xây dựng “một vành đai, một con đường” giữa các nước có vành đai và con đường này đi qua thì chiến lược này sẽ thành công, nhân dân các nước sẽ cùng thụ hưởng thành quả mà chiến lược “một vành đai, một con đường” này đem lại; xây dựng cộng đồng văn hóa chung giữa các quốc gia.  

Kết thúc Tọa đàm, PGS.TS. Đặng Nguyên Anh nhấn mạnh, chia sẻ kinh nghiệm trước những cơ hội và thách thức trong thời điểm cả Trung Quốc và Việt Nam đều có bước phát triển mới là việc làm cần thiết đối với cả hai nước hiện nay. Với chủ trương tái cấu trúc kinh tế, trong thời gian qua, Việt Nam đã có điều chỉnh chính sách về tăng trưởng kinh tế, hài hòa hơn nữa giữa phát triển bền vững với các trụ cột kinh tế, xã hội, môi trường. Trình bày của các học giả SASS cũng cho  thấy rất rõ Trung Quốc đang điều chỉnh lại mô hình tiêu dùng năng lượng, hài hòa hơn với môi trường sinh thái… PGS.TS. Đặng Nguyên Anh cho rằng, VASS và SASS có thể cùng nhau tập trung nghiên cứu sâu hơn về một số vấn đề, như: làm rõ hơn về phương thức hợp tác giữa hai bên để hiện thực hóa “một vành đai, một con đường”, xây dựng lòng tin giữa các nước tham gia… Đây là một đòi hỏi rất quan trọng giúp cho hai nước cũng như các quốc gia tham gia vào mô hình này có được điểm chung và hiện thực hóa sáng kiến này. Các lĩnh vực khác như xã hội, môi trường, đô thị hóa, di dân… cũng là vấn đề mà hai bên cần cùng nhau nghiên cứu trong thời gian tới.

Sau khi nghe các học giả trình bày, đã có nhiều câu hỏi được các đại biểu đặt ra và đã được các diễn giả giải đáp một cách thuyết phục. Kết thúc buổi Tọa đàm, hai bên cùng nhận thấy rằng đây thực sự là cơ hội có ý nghĩa để các đại biểu thảo luận, trao đổi, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, góp phần mở ra các cơ hội hợp tác nghiên cứu, trao đổi khoa học giữa Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Viện Khoa học xã hội Thượng Hải, Trung Quốc trong thời gian tới./.

 

Nguyễn Thu Hà

Các tin đã đưa ngày: