Tọa đàm khoa học “Cục diện chiến lược ở Châu Á – Thái Bình Dương và phương thức thức tăng cường quan hệ song phương Việt – Hàn”
  • 3.5 top logo - tin hoi nghi hoi thao

Tọa đàm khoa học “Cục diện chiến lược ở Châu Á – Thái Bình Dương và phương thức thức tăng cường quan hệ song phương Việt – Hàn”

03/11/2015

Ngày 03 tháng 11 năm 2015, tại hội trường 3D, trụ sở 1A, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm - VASS) và Học viện Ngoại giao Quốc gia Hàn Quốc (KNDA) đồng tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Cục diện chiến lược ở Châu Á – Thái Bình Dương và phương thức tăng cường quan hệ song phương Việt – Hàn”.

(từ trái qua phải) TS. Trần Quang Minh và GS. Duk-min Yun<br>chủ trì Tọa đàm

Tham dự Tọa đàm, về phía Hàn Quốc có GS. Duk-min Yun, Chủ tịch KNDA cùng đại diện và các chuyên gia đến từ Đại sứ quán Hàn Quốc, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc… Về phía Việt Nam, có TS. Trần Quang Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á; PGS.TS. Phạm Quý Long, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á cùng đại diện lãnh đạo đến từ các viện nghiên cứu chuyên ngành của Viện Hàn lâm.

Hiện nay, khu vực Châu Á- Thái Bình Dương mở rộng bao hàm tới hơn 50 nước với tổng dân số lên tới hơn 4 tỷ người (gấp 8-10 lần so với Liên minh Châu Âu - EU), trong đó có những quốc gia có diện tích lớn và đông dân nhất thế giới như Nga, Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Indonesia. Đây cũng là khu vực có tiềm lực quân sự hàng đầu thế giới. Về chính trị, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có sự góp mặt của 3/5 Ủy viên Thường trực Liên Hợp Quốc là Trung Quốc, Mỹ và Nga. Về kinh tế, GDP của 21 nước thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) chiếm 50% tổng GDP thế giới và 40% tổng thương mại dịch vụ toàn cầu. Chính vì vậy, nhiều nghiên cứu đã dự báo rằng: Thế kỉ XXI là thế kỉ của Châu Á - Thái Bình Dương.

Phát biểu khai mạc, GS. Duk-min Yun và TS. Trần Quang Minh nhấn mạnh, Việt Nam và Hàn Quốc có mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp và có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa và những kinh nghiệm đúc kết lâu đời. Trải qua nhiều năm thiết lập quan hệ ngoại giao, cho đến nay, hai nước đã nâng mối quan hệ lên tầm cao mới thành đối tác chiến lược, hướng tới duy trì nền hòa bình và thịnh vượng chung. Bên cạnh đó, với những lợi thế nêu trên, TS. Trần Quang Minh khẳng định, khu vực  Châu Á - Thái Bình Dương có tiềm năng phát triển và một tương lai sáng lạn trong điều kiện ổn định chính trị. Tuy nhiên, hiện nay, cục diện an ninh – chính trị ở Châu Á - Thái Bình Dương đang dần biến đổi và đối mặt với những thách thức lớn: sự trỗi dậy của Trung Quốc, sự tái cân bằng của Mỹ ở Châu Á, sự gia tăng sức mạnh quân sự của các quốc gia trong khu vực. Điều này đang đặt ra câu hỏi nghiên cứu cần giải đáp đối với giới khoa học về chiều hướng diễn biến cục diện chiến lược ở Châu Á - Thái Bình Dương trong giai đoạn tiếp theo.

  Toàn cảnh Tọa đàm

Tọa đàm được nghe 03 tham luận: (1) “Những vấn đề nổi bật của cục diện chính trị - an ninh Đông Á hiện nay” (TS. Hoàng Minh Hằng, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, VASS). (2) “Bối cảnh chiến lược của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và mối quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc” (PGS.TS. Wooseon Choi - KNDA); (3) “Cạnh tranh Trung – Nhật và những tác động đối với khu vực Đông Á” (TS. Nguyễn Ngọc Nghiệp, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, VASS).

Các tham luận tập trung phân tích bối cảnh thay đổi của cục diện chính trị - an ninh ở Châu Á- Thái Bình Dương, trong đó nổi bật 05 vấn đề chính: (1) Thế “lưỡng siêu” ngày càng hình thành rõ nét ở khu vực với sự chi phối của cặp quan hệ Trung - Mỹ; (2) Xu hướng gia tăng sức mạnh quân sự của các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực (Trung Quốc, Nhật Bản); (3) Gia tăng điểm nóng trên Bán đảo Triều Tiên trong khi Eo biển Đài Loan lắng dịu; (4) Sự bùng phát mạnh mẽ của các tranh chấp chủ quyền biển đảo trong khu vực giữa Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga…; (5) Thiếu vắng cơ chế hợp tác an ninh đa phương cho toàn khu vực. Những thay đổi của cục diện chính trị - an ninh ở khu vực Đông Á nói riêng và Châu Á - Thái Bình Dương nói chung đã tác động đến các nước trong khu vực (Hàn Quốc, Việt Nam) đặc biệt là vấn đề chủ quyền biển đảo với Trung Quốc.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam và Hàn Quốc đưa ra những biện pháp nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác chiến lược, đó là: (1) Tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau về tình hình chiến lược trên cơ sở chia sẻ những lợi ích chung; (2) Hợp tác an ninh hàng hải, bảo vệ giao thông trên biển; (3) Nỗ lực tạo dựng lòng tin nhằm giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ, ổn định khu vực; (4) Tăng cường hợp tác thương mại quốc phòng và hợp tác công nghệ, củng cố lực lượng hải quân và biên phòng Việt Nam; (5) Đẩy mạnh hợp tác kinh tế và giao lưu văn hóa, xã hội.

Tọa đàm là diễn đàn trao đổi hữu ích để các học giả có cơ hội chia sẻ quan điểm, lập trường riêng của mỗi bên, đồng thời biểu thị mối quan tâm và nhận thức chung về những vấn đề nổi bật hiện nay ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (môi trường an ninh, quyền sở hữu lãnh thổ trên biển…) nhằm tăng cường giao lưu học giả giữa VASS và KNDA , góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác chiến lược Việt Nam – Hàn Quốc trong tương lai.

Nguyễn Thu Trang

Các tin đã đưa ngày: