Tham dự Tọa đàm, về phía Hoa Kỳ, có: Ngài Ted Osius, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hoa Kỳ tại Việt Nam; Ông Frank Jannuzi, Tổng Giám đốc Quỹ Maureen và Mike Mansfield. Về phía Việt Nam, có sự góp mặt của Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm - PGS.TS. Phạm Văn Đức; PGS.TS. Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Mỹ cùng các đại diện đến từ các cơ quan (Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Công Thương…) các nhà khoa học của hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ.
Việt Nam và Hoa Kỳ là hai quốc gia trong quá khứ có mối quan hệ khó khăn và phức tạp. Tuy nhiên, bằng những nỗ lực phi thường của cả hai bên, quan hệ song phương Việt Nam – Hoa Kỳ đang đạt được những thành tựu to lớn. Trong nhiều thành tựu to lớn của quan hệ song phương, cần phải kể đến dấu mốc quan trọng về mối quan hệ đối tác toàn diện mà hai nước đã thiết lập vào năm 2013 nhân dịp chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Trương Tấn Sang. Kể từ đó, quan hệ song phương đã phát triển ngày càng mở rộng và sâu sắc hơn.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn của hai nước, quan hệ thương mại và đầu tư song phương vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Việt Nam và Hoa Kỳ cùng 12 đối tác khác đã kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào cuối năm 2015, hứa hẹn một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ thương mại và đầu tư song phương. Hiện nay, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu hàng đầu trong số các nước Đông Nam Á vào thị trường Hoa Kỳ. Trên lĩnh vực giáo dục, Việt Nam là nước có số lượng học sinh đang theo học tại Hoa Kỳ đông nhất trong số các nước Đông Nam Á.
Hợp tác an ninh quốc phòng Việt Nam – Hoa Kỳ đang bắt đầu có những bước phát triển quan trọng trên phương diện giải quyết hậu quả chiến tranh, hỗ trợ nâng cao năng lực hàng hải, đào tạo lực lượng gìn giữ hòa bình và nhiều lĩnh vực khác.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, PGS.TS. Phạm Văn Đức đánh giá cao những thành tựu hiện nay về quan hệ hợp tác song phương Việt Nam – Hoa Kỳ; đồng thời nhấn mạnh, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ không chỉ là quan hệ song phương mà còn mang ý nghĩa ở góc độ khu vực và quốc tế. Sự phát triển của quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ sẽ đem lại sự thịnh vượng cho nhân dân hai nước, góp phần vào hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực. Do vậy, việc nghiên cứu, phân tích sâu sắc những thành tựu và hạn chế của Việt Nam có ý nghĩa quan trọng nhằm thúc đẩy mối quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ lên tầm cao mới.
Trong bài phát biểu với chủ đề “Tạo dựng niềm tin”, Đại sứ Ted Osius đánh giá cao những nỗ lực không ngừng của Việt Nam – Hoa Kỳ trong hơn 20 năm qua, đặc biệt là cùng vượt qua khó khăn, hướng tới một tương lai tốt đẹp. Theo đó, Đại sứ phân tích rõ hai phương thức tạo dựng niềm tin trong những năm qua, đó là: (1) Cùng nhau đạt được bước tiến chung; (2) Giải quyết khác biệt về vấn đề quyền con người. Mục tiêu hướng tới xã hội dân chủ, công bằng hơn trong tương lai trên cơ sở thấu hiểu sâu sắc và trung thực về sự khác biệt của mỗi bên; đồng thời bày tỏ mong muốn hợp tác và hỗ trợ với Việt Nam về quan hệ an ninh song hành cùng các quy định khu vực cũng như kết hợp trong vấn đề an ninh khu vực.
Tọa đàm chia làm 02 phiên thảo luận, tập trung vào hai nội dung chính như sau:
Phiên 1: Các diễn giả (PGS.TS. Cù Chí Lợi, Ông Frank Jannuzi; PGS.TS. Lê Văn Cương, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an) chia sẻ quan điểm về tiến triển trong quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ: Thách thức và kiến nghị. Nội dung các tham luận hướng tới trao đổi thành tựu, chia sẻ những vấn đề tồn tại, hướng tới đưa ra kiến nghị và giải pháp xây dựng quan hệ hai bên trong thời gian tới. Các đại biểu đã đóng góp ý kiến thảo luận xoay quanh những vấn đề nêu trên và đưa ra một số giải pháp hỗ trợ của Hoa Kỳ đối với Việt Nam trên các lĩnh vực: kinh tế, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, an ninh- quốc phòng… nhằm tạo đà phát triển cho Việt Nam ứng phó trước những biến động quốc tế hiện nay, góp phần đảm bảo hòa bình và ổn định khu vực cũng như củng cố niềm tin vững chắc giữa hai quốc gia.
|
|
|
Phiên 2: Các diễn giả - chuyên gia nghiên cứu quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ ở lĩnh vực an ninh – quốc phòng và quan hệ đối ngoại (Đại tá Lê Thế Mẫu và TS. Nguyễn Đình Luân) và Ông Frank Jannuzi trình bày tham luận về các vấn đề tồn tại và hướng tới tương lai. Các tham luận đều tập trung mô tả bức tranh tổng quát về quan hệ hai bên thông qua làm rõ các vấn đề cụ thể (an ninh – quốc phòng, quyền công dân, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trong bối cảnh TPP) theo hướng tốt đẹp và hiệu quả. Qua đó, các nhà khoa học cũng đề xuất những phương hướng nhằm phát triển hơn nữa mối quan hệ song phương Việt Nam – Hoa Kỳ: (1) Đẩy mạnh quan hệ kinh tế; (2) Chú trọng quan hệ nhân dân, bên cạnh kênh giao lưu Đảng và Nhà nước; (3) Trao đổi học thuật, học giả trên tất cả các lĩnh vực, phục vụ kiến nghị chính sách; (4) Tiếp tục quan tâm giải quyết hậu quả chiến tranh; (5) Giao lưu thế hệ trẻ, thanh niên với Hoa Kỳ…
Tọa đàm có ý nghĩa khoa học và thực tiễn to lớn, đồng thời là diễn đàn hữu ích để các nhà nghiên cứu, học giả trong và ngoài nước cùng trao đổi, đưa ra các ý kiến đóng góp nhằm tiếp tục củng cố mối quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước, hướng tới sự đồng thuận chung. Qua đó xây dựng lòng tin, góp phần thúc đẩy mối quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ phát triển mạnh mẽ, thịnh vượng và độc lập trong tương lai.
Nguyễn Thu Trang