Tham dự Hội thảo, về phía quốc tế, có các đại biểu: Ông Park Sang-sik, Công sứ kiêm Tổng lãnh sự, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam; Ông Lee Won Ik, Tham tán Công sứ, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam; Bà Song Jung He, Tham tán, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam; Bà Kim Heijin, Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam; GS. Yang Moon Soo, Trường Đại học Nghiên cứu Triều Tiên của Hàn Quốc; GS. Choe Wongi, Học viện Ngoại giao Quốc gia Hàn Quốc; cùng các đại biểu đến từ Đại sứ quán Hàn Quốc.
Về phía Việt Nam, có: GS.TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; PGS.TS. Nguyễn Xuân Thiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; TS. Vũ Đình Ánh, Bộ Tài chính, cùng các đại biểu đến từ Viện Nghiên cứu Quản lí kinh tế Trung ương; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Học viện Tài chính, Bộ Tài Chính; một số viện nghiên cứu chuyên ngành thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam như Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới; và toàn thể cán bộ nghiên cứu, công chức, viên chức của Viện nghiên cứu Đông Bắc Á.
Tọa đàm được tổ chức dưới sự tài trợ của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc và đã có 17 tham luận được gửi đến. Trong khuôn khổ của buổi Tọa đàm, Ban tổ chức đã lựa chọn 5 báo cáo của học giả Việt Nam và 02 báo cáo của học giả Hàn Quốc để trình bày.
Bán đảo Hàn đã bị chia cắt từ 70 năm nay. Nhân dân và Chính phủ hai nước Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên đều có nguyện vọng chính đáng là thống nhất đất nước bằng phương thức hòa bình. Tuy nhiên, con đường để đi đến thống nhất theo phương thức này vẫn còn rất nhiều khó khăn thách thức. Một trong những khó khăn đó là sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế giữa hai miền Nam và Bắc Hàn. Để rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế này, CHDCND Triều Tiên cần tiến hành cải cách kinh tế, mở cửa và phát triển kinh tế theo hướng thị trường và hội nhập vào các nền kinh tế khu vực và thế giới.
|
|
|
|
|
Kể từ đầu những năm 2000 và nhất là trong những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong-un, CHDCND Triều Tiên đã tiến hành một số cải cách kinh tế và bước đầu đã thu được những kết quả nhất định. CHDCND Triều Tiên đã từng nhận viện trợ của Trung Quốc, Hàn Quốc và đã và đang chủ trương thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhất là vào các đặc khu kinh tế (theo kiểu mô hình của Trung Quốc). Tuy nhiên, do những điều kiện chính trị trong nước và do chịu sự cấm vận của Mỹ liên quan đến chính sách phát triển hạt nhân của quốc gia này, hiệu quả sử dụng các nguồn viện trợ và thu hút FDI vào CHDCND Triều Tiên chưa có thành tựu gì đáng kể.
Các học giả Việt Nam cho rằng, Việt Nam cũng đã từng có xuất phát điểm gần tương tự như tình hình tại CHDCND Triều Tiên hiện nay, nhưng với chính sách đổi mới, mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã thu được những thành tựu phát triển kinh tế rất đáng khích lệ. Trong lĩnh vực thu hút và sử dụng ODA và FDI, Việt Nam đã có kinh nghiệm hơn 20 năm trong các lĩnh vực này và những thành tựu thu được đã đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam.
Theo các học giả Hàn Quốc, sự hợp tác kinh tế giữa hai miền Nam - Bắc có ý nghĩa quan trọng ở phương diện tạo lợi ích thiết thực cho cả hai miền thông qua hợp tác song phương và tạo nền tảng hình thành cộng đồng kinh tế Nam - Bắc để chuẩn bị cho việc thống nhất Bán đảo Hàn trong tương lai. Sự hợp tác quốc tế nhằm hỗ trợ tái thiết kinh tế và cải cách mở cửa của CHDCND Triều Tiên có thể chia thành ba mục tiêu: (1) Hỗ trợ nhân đạo nhằm ổn định nền kinh tế CHDCND Triều Tiên vốn đang rơi vào khủng hoảng do khó khăn về kinh tế và giải quyết triệt để đói nghèo, (2) Xây dựng vốn gián tiếp xã hội và xây dựng tài nguyên nhân lực - kỹ thuật, (3) Hỗ trợ chính thức thực hiện cải cách mở cửa.
Một trong những nhân tố hạn chế quan trọng khi CHDCND Triều Tiên chính thức thực hiện cải cách kinh tế và mở cửa thị trường là thiếu chuyên gia tài chính - kinh tế có kiến thức kỹ thuật về tình hình kinh tế quốc tế và tình hình thị trường, và không dễ dàng để đào tạo lực lượng có kiến thức chuyên môn trong một thời gian ngắn nên cần tìm kiếm phương án hợp tác nhằm giải quyết vấn đề này thông qua hỗ trợ kỹ thuật và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực. Để hỗ trợ kỹ thuật và phát triển, đào tạo nguồn nhân lực, cần tìm kiếm phương án tận dụng các tổ chức tài chính quốc tế đã đúc kết các kinh nghiệm viện trợ phát triển và hỗ trợ kỹ thuật như Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Thế giới…
Tại Tọa đàm, các ý kiến thảo luận đều nhất trí cho rằng, những kinh nghiệm hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn ODA và FDI, không chỉ CHDCND Triều Tiên, mà cả Hàn Quốc đều có thể tham khảo để vận dụng phù hợp vào điều kiện cụ thể của bán đảo Triều Tiên, thúc đẩy kinh tế CHDCND Triều Tiên phát triển nhằm thu hẹp khoảng cách kinh tế với Hàn Quốc, thúc đẩy tiến trình thống nhất về mặt kinh tế giữa hai miền, tiến tới một sự thống nhất đầy đủ và trọn vẹn của bán đảo Hàn trong tương lai./.
Nguyễn Thu Hà