Chủ trì Tọa đàm (từ trái sang): TS. Min Cho, Phó Chủ tịch KINU và TS. Trần Quang Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á
|
|
Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, TS. Trần Quang Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á đã nhấn mạnh, nguyện vọng của người dân và chính phủ 2 nước (Hàn Quốc và Cộng hòa DCND Triều Tiên) đều hướng tới thống nhất đất nước với xu thế hòa bình. Do vậy, những ý kiến trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của các nhà khoa học tại Tọa đàm có ý nghĩa quan trọng trong quá trình chuẩn bị cho sự thống nhất tại bán đảo này.
Tọa đàm chia làm 2 phiên với 4 tham luận tập trung trình bày vào 2 vấn đề chính.
Phiên 1: Thống nhất đất nước trong quá khứ và hướng tới sự phát triển ở tương lai, 2 diễn giả (TS. Kyuryoon Kim, nghiên cứu viên cao cấp, KINU và PGS.TS. Lê Văn Sang, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Kinh tế Châu Á- Thái Bình Dương) nhấn mạnh: (1) Tầm quan trọng của chính sách thống nhất mới của Hàn Quốc dựa trên thuyết "Thống nhất là đại thắng" với 3 hướng đi: (i) Thống nhất bán đảo hòa bình; (ii) Chi viện nhân đạo cho Cộng hòa DCND Triều Tiên; (iii) Xây dựng hợp tác quốc tế trong việc thống nhất bán đảo Hàn(*). Theo đó, việc thành lập Ủy ban thống nhất (Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc) đề ra 5 phương thức hoạt động: (i) Mở rộng giao lưu nhân dân 2 miền Nam và Bắc; (ii) Cải tạo, phát triển môi trường giữa 2 miền; (iii) Cải thiện vấn đề nhân quyền ở Cộng hòa DCNDTriều Tiên; (iv) Nghiên cứu và tìm ra phương pháp thống nhất phù hợp; (v) Tạo sự đồng lòng nhân dân 2 miền. (2) Quá trình đấu tranh, xây dựng Việt Nam thống nhất trên các lĩnh vực (chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa) từ 1975 đến nay, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập thế giới.
|
Phiên 2: Bài học kinh nghiệm và chuẩn bị cho sự thống nhất bán đảo Hàn. 2 diễn giả (PGS.TS. Dương Phú Hiệp, Nguyên tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương và TS. Min Cho, Phó Chủ tịch KINU) đã đưa ra 19 bài học từ quá trình Đổi mới ở Việt Nam trên các phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa- xã hội, đối ngoại. Trong đó, kết hợp đổi mới chặt chẽ giữa kinh tế và chính trị, lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm và áp dụng phù hợp bài học kinh nghiệm đối với từng quốc gia. Bên cạnh đó, nhằm hướng tới thống nhất bán đảo Triều Tiên, TS. Min Cho đã phân tích rõ bối cảnh cũng như triển vọng của Cộng hòa DCND Triều Tiên về vấn đề này trong giai đoạn tới.
Các tham luận của 4 diễn giả đã nhận được nhiều trao đổi và câu hỏi của các đại biểu tham dự. Tổng kết Tọa đàm, Ban tổ chức đã nhiệt liệt cảm ơn sự hiện diện và đánh giá cao những ý kiến đóng góp của đại biểu Việt Nam và Hàn Quốc cũng như nhấn mạnh rằng, những nội dung khoa học được thảo luận góp phần cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm định hướng thống nhất bán đảo Hàn và quá trình chuẩn bị của mỗi miền Nam - Bắc trong tương lai gần.
Nguyễn Thu Trang
Chú thích:
(*) "Bán đảo Hàn" là thuật ngữ được sử dụng nhiều ở Hàn Quốc hiện nay, thay thế cho thuật ngữ "bán đảo Triều Tiên" trước đây (Chú thích của Hội thảo).