Tọa đàm khoa học “Vai trò của Văn học Ba Tư và Saadi trong việc mở rộng ngoại giao văn hóa giữa Iran và Việt Nam”
  • 3.5 top logo - tin hoi nghi hoi thao

Tọa đàm khoa học “Vai trò của Văn học Ba Tư và Saadi trong việc mở rộng ngoại giao văn hóa giữa Iran và Việt Nam”

27/05/2015

Ngày 27/5/2015, tại hội trường 3D, số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) và Đại sứ quán Cộng hòa Hồi giáo Iran đã tổ chức tọa đàm khoa học “Vai trò của Văn học Ba Tư và Saadi trong việc mở rộng ngoại giao văn hóa giữa Iran và Việt Nam” với sự tham dự của các đại biểu quốc tế: Ngài Hossein Alvandi Behineh, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Hồi giáo Iran tại Việt Nam; TS. Rezamorad Sahraei, Phó Hiệu trưởng Đại học Allameh Tabataba’I; Đại sứ các nước Brunei, Qatar, Palestine, Venezuela, Sudan, Algeria, Pakistan; Đại biện lâm thời, Phó Đại sứ, Tham tán công sứ các nước Iraq, Oman, Kazakhstan; Cùng cán bộ ngoại giao của các sứ quán nước ngoài tại Hà Nội. Về phía Viện Hàn lâm có PGS.TS. Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; Đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc; các chuyên gia và các nghiên cứu viên đến từ các viện chuyên ngành cùng những người quan tâm đến Iran, đến văn học Iran và mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Iran.

PGS.TS. Phạm Văn Đức phát biểu tại Tọa đàm

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, PGS.TS. Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, cho biết: trong những năm gần đây, mối quan hệ văn hóa-văn học giữa Việt Nam và Iran đã có bước đi ban đầu rất đáng ghi nhận, kể từ việc dịch văn học Ba Tư (Iran) qua trung gian một ngoại ngữ thứ 3 tiến đến hình thành đội ngũ các dịch giả có thể dịch từ tiếng Ba Tư sang tiếng Việt. Ban đầu chỉ có được vài tác phẩm nhỏ lẻ, đến việc giới thiệu tương đối hệ thống văn học Iran ở Việt Nam, bao gồm truyện dân gian, thơ cổ, thơ ngụ ngôn, tiểu thuyết hiện đại. Gần đây, công trình dịch thuật bề thế hơn xuất hiện như tuyển tập Thơ cổ Ba Tư (in năm 2011), Thơ ngụ ngôn Ba TưCon Cú mù (in 2012) đã được bạn đọc Việt Nam tiếp nhận và đánh giá cao. Làm quen với thơ của Đại thi hào Saadi Shirazi của Iran, giới nghiên cứu văn học đã bước đầu chỉ ra tính tương đồng với các tác giả cổ điển hàng đầu của Việt Nam như Hoàng đế-thiền sư-thi sĩ Trần Nhân Tông, nhà thơ-anh hùng giải phóng dân tộc Nguyễn Trãi, nhà thơ triết lý thế sự Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đại thi hào Nguyễn Du. Và, tháng 3/2015, Viện Văn học đã ra số chuyên san trên Tạp chí Nghiên cứu Văn học về Đại thi hào Saadi Shirazi (khoảng năm 1203-1291), danh nhân văn hóa Iran xuất sắc của mọi thời đại.

Tiếp lời PGS.TS. Phạm Văn Đức, Ngài Hossein Alvandi Behineh, cho biết, Iran và Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1973. Hai bên đã có nhiều nỗ lực nhằm phát triển quan hệ du lịch, giáo dục, khoa học, văn hóa… nhưng hiện vẫn còn rất nhiều tiềm năng để mở rộng. Việc làm quen với ngôn ngữ và văn học của hai quốc gia không chỉ rất hữu ích trong việc phát triển quan hệ văn hóa, có giá trị đối với việc giao lưu giữa giới trí thức mà còn cả với việc giao lưu giữa nhân dân hai nước. Nhằm mục đích này, việc mở lớp tiếng Ba Tư, gửi giáo viên ngôn ngữ Ba Tư sang giảng dạy tại Việt Nam, in một số các tác phẩm văn học Ba Tư, trao học bổng tiếng Ba Tư cho sinh viên Việt Nam và các hoạt động tương tự là những hoạt động của Đại sứ quán nước Cộng hòa Hồi giáo Iran tại Hà Nội trong suốt những năm vừa qua. Đến nay đã có 10 suất học bổng được trao cho sinh viên Việt Nam. Bộ Nghiên cứu và Công nghệ Iran đã chấp thuận trao thêm 10 suất học bổng nữa ở các trình độ cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ.

Ngài Hossein Alvandi Behineh phát biểu tại Tọa đàm

Các đại biểu tham dự được nghe các thuyết trình "Văn học Ba Tư và Đại thi hào Saadi của TS. Rezamorad Sahraei, Phó Hiệu trưởng Đại học Allameh Tabataba’I; “Tương đồng Đại thi hào Saadi (Iran) và Nguyễn Trãi (Việt Nam)” của PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn, Phó Viện trưởng Viện Văn học. Theo hai nhà nghiên cứu, Đại thi hào Saadi (Iran) và Nguyễn Trãi (Việt Nam) có cuộc đời và tác phẩm với nhiều điểm tương đồng. Cả hai cùng thấu hiểu nỗi đau mất nước và chiến tranh tàn phá. Với Saadi là thành cổ Baghdad bị phá hủy, đất nước bị xâm chiếm, các cơ sở hạ tầng thủy lợi từng giúp văn minh Lưỡng Hà phát triển trong nhiều thiên niên kỷ bị lụi tàn. Với Nguyễn Trãi là kinh thành Thăng Long bị đổi thành Đông Quan, đất nước Đại Việt chịu cảnh lầm than. Về cuộc đời riêng, cả hai đều sinh ra trong những gia đình trí thức, quyền quý, cùng có số phận gắn bó chặt chẽ với quốc gia, dân tộc. Bản thân Saadi bị bắt giữ trong cuộc Thánh chiến tại vùng Acre và mất 7 năm phục dịch quân xâm lược thì Nguyễn Trãi cũng chịu 10 năm bị giam lỏng ở Đông Quan và 10 năm sau tham gia cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Xét trên phương diện tư duy thơ ca, cả Saadi và Nguyễn Trãi đều có những nét tương đồng đến kỳ diệu. Đặc điểm rõ nhất là sự thể hiện ý thức con người theo cả hai xu thế hướng tâm (hướng về chính thống, quy phạm, chuẩn mực, đạo lý, vương triều, cộng đồng, quốc gia, dân tộc) và li tâm (bày tỏ nỗi niềm riêng tư, khẳng định tiếng nói cá nhân, bên lề, khát vọng nhân văn, đời thường)…

Toàn cảnh Tọa đàm   Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Các đại biểu tham dự đã sôi nổi trao đổi thảo luận về Đại thi hào Saadi, nhiều câu hỏi đặt ra đã được TS. Rezamorad Sahraei giải thích một cách thuyết phục.

Giới thiệu về Đại thi hào Saadi Shirazi cùng các nhà thơ, nhà văn lớn của Iran và di sản văn học Iran ở Việt Nam là một trong những bước đi ban đầu góp phần thúc đẩy sự hiểu biết, giao lưu và hợp tác giữa hai quốc gia, mở ra triển vọng nghiên cứu văn hóa - văn học giữa Iran và Việt Nam trong thời gian tới./.

Nguyễn Thu Hà

Các tin đã đưa ngày: