Trong ba thập kỷ cải cách vừa qua, Việt Nam đã đạt được những thành công ấn tượng: Đổi mới tư duy, kinh tế thị trường giúp người dân thoát nghèo đói; Nắm bắt xu thế hội nhập, thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài và khuyến khích kinh tế tư nhân giúp tạo nên một nền kinh tế sống động. Đó là hai động lực chủ đạo cho thành công của Việt Nam, tuy nhiên, chưa đủ để Việt Nam có thể tạo nên một công cuộc phát triển thần kỳ trong ba thập kỷ tới.
Tại Tọa đàm, bằng kinh nghiệm nghiên cứu lâu năm về các vấn đề chính sách liên quan đến tăng trưởng kinh tế, sức cạnh tranh quốc gia, năng suất, hội nhập và tác động kinh tế - xã hội của công nghệ thông tin, PGS.TS. Vũ Minh Khương đã chia sẻ những cơ hội và thách thức cùng một số bài học lớn từ các nền kinh tế thần kỳ Đông Á (Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan) mà Việt Nam cần nắm bắt thấu đáo trong hoạch định chiến lược nhằm thúc đẩy khả năng “cất cánh” của Việt Nam: (1) Nâng cao năng lực học hỏi chiến lược công nghệ ở các nước tiên tiến, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình; (2) Chú trọng vai trò nhân tố con người; (3) Thúc đẩy dân chủ và đoàn kết nhân dân. Theo đó, dựa vào mô hình tổng kết thành công ở các nước Đông Nam Á, Việt Nam cần chú trọng xây dựng tiêu chí phấn đấu, hướng tới hoạch định chiến lược, chính sách tương lai đưa đất nước trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045.
Toàn cảnh Tọa đàm
Nối tiếp phần thuyết trình của Giáo sư, bà Joyce Cuff giới thiệu những thông tin liên quan đến chương trình tuyển sinh và học bổng sau đại học của trường LKYSPP với hình thức giảng dạy năng động, chú trọng thực hành và thảo luận. Được thành lập năm 1999 trên cơ sở hợp tác với Đại học Harvard, trường LKSPP hiện nay đã trở thành một trong những trường đào tạo ngành chính sách công phát triển nhanh nhất thế giới với hơn 400 sinh viên đến từ 53 quốc gia đang theo học trong bốn khóa thạc sĩ và một khóa tiến sĩ. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 10 người đến từ các bộ, ngành, công ty… đang theo học tại đây. Các khóa đào tạo thạc sĩ của trường LKYSPP bao gồm: Chính sách công, Hành chính công, Quản lý công. Chương trình tiến sĩ Chính sách công với các chủ đề đào tạo nổi bật bao gồm: Lãnh đạo và Quản lý công, Phát triển chính sách, Chính trị học và Quan hệ quốc tế, Chính sách xã hội, Phát triển bền vững, Phân tích chính sách kinh tế… Trường là nơi quy tụ các giáo sư, giảng viên và các nhà nghiên cứu có trình độ và kinh nghiệm từ khắp nơi trên thế giới và là cái nôi đào tạo cho khoảng hơn 10.000 nhà lãnh đạo từ hơn 80 quốc gia, các học viên ở đây không chỉ đến từ khu vực công mà còn từ khu vực tư và các tổ chức phi chính phủ.
Tọa đàm là diễn đàn trao đổi hữu ích về các tiêu chí phát triển và thảo luận bài học từ các nền kinh tế thần kỳ ở các quốc gia phát triển Đông Á đến thể chế chính trị, chính sách lao động của Việt Nam, qua đó gợi mở những nghiên cứu về phát triển Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác và giao lưu học thuật giữa Viện Hàn lâm và trường LKYSPP trong thời gian tới.
Nguyễn Thu Trang