Tại Tọa đàm, GS.TS. Hilton L. Root, chuyên gia kinh tế - chính trị quốc tế và phát triển đã trình bày tham luận “Xây dựng thể chế để thúc đẩy đổi mới sáng tạo”. Theo đó, Giáo sư chia sẻ những thông tin hữu ích về các thể chế đóng vai trò thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong xã hội và phát triển kinh tế tại Hoa Kỳ nhằm đưa ra những bài học kinh nghiệm cho các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Qua đó các quốc gia này có thể xây dựng thể chế phù hợp, hướng tới khắc phục rào cản về đổi mới sáng tạo cũng như tạo niềm tin vững chắc giữa các bên liên quan: Chính phủ - Các nhà phát minh sáng chế - Doanh nghiệp thông qua phân tích dẫn chứng cụ thể tại vùng Silicon Valley (*), tập trung vào 2 nội dung chính:
Thứ nhất: Mô tả bức tranh khái quát về thể chế và kết cấu xã hội của vùng Silicon Valley và chứng minh 3 luận điểm: (1) Silicon Valley minh chứng cho mối quan hệ giữa các thiết chế xã hội thúc đẩy niềm tin và tiến bộ kỹ thuật; (2) Silicon Valley là một hệ sinh thái chiến lược, mở rộng mạng lưới sản xuất trong toàn ngành; (3) Mối quan hệ xã hội lỏng lẻo có thể thúc đẩy đổi mới sáng tạo từ góc nhìn đa chiều qua việc tạo ra các kết nối mạng lưới: quỹ tín thác xã hội dân sự và pháp luật; cơ cấu quản trị nội bộ; các nhân tố trong xã hội, trung gian tài chính (đầu tư mạo hiểm) và thông tin.
Thứ hai: Rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc xây dựng mô hình thể chế nhằm tăng khả năng đổi mới sáng tạo: (1) Thúc đẩy khâu trung gian (huy động vốn đầu tư các phát minh sáng chế, tạo điều kiện thuận lợi kết nối ý tưởng, biến ước mơ thành những sản phẩm mà thị trường cần); (2) Tách bạch vai trò giữa chính phủ (qui mô đầu tư lớn và dài hạn) và khu vực tư nhân (qui mô đầu tư nhỏ, ngắn hạn, mang tính cấp thiết); (3) Xây dựng thiết chế xã hội, tạo ra hành lang pháp lý để phát triển tốt hoạt động doanh nghiệp; (4) Đảm bảo chất lượng thông tin minh bạch và nâng cao trách nhiệm giải trình, hướng tới tạo dựng niềm tin đầu tư cho doanh nghiệp…
Toàn cảnh Tọa đàm
Sau tham luận của GS.TS. Hilton L. Root, các đại biểu tham dự đã trao đổi, thảo luận và đặt nhiều câu hỏi liên quan đến những vấn đề: mối tương quan cố kết xã hội chặt chẽ ở Nhật Bản và Hàn Quốc với sự phát triển khoa học công nghệ mạnh mẽ; sự khác biệt giữa đổi mới (innovation) và sáng tạo (creativity)…Các câu hỏi đặt ra đã được Giáo sư tận tình giải đáp một cách thuyết phục.
Những thông tin hữu ích mà Giáo sư chia sẻ tại Tọa đàm sẽ là nguồn tư liệu tham khảo quí giá cho các nhà hoạch định chính sách nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong phát triển nền kinh tế, khoa học - công nghệ ở Việt Nam nói riêng và các nước đang phát triển nói chung, hướng tới củng cố tầm nhìn về một tương lai sáng lạn trên thế giới, góp sức vào công cuộc xóa đói giảm nghèo trong thế kỷ 21.
Nguyễn Thu Trang
(*) Silicon Valley (Thung lũng Silicon) là phần phía Nam của vùng vịnh San Francisco tại phía Bắc Califonia, Hoa Kỳ. Ban đầu tên này được dùng để chỉ một số lượng lớn các nhà phát minh và hãng sản xuất các loại chíp silicon (bộ xử lý vi mạch bằng silic), nhưng sau đó nó trở thành cái tên hoán dụ cho tất cả các thương mại công nghệ cao (high tech) trong khu vực cũng như ám chỉ đến độ tập trung cao độ của các ngành công nghiệp liên quan đến công nghệ bán dẫn và công nghệ vi tính trong vùng. Cho đến nay, Silicon Valley được coi là biểu tượng đổi mới sáng tạo của Hoa Kỳ.